Mekong News http://mekongnet.ru
Giáo dục sẽ khó tháo được “nút thắt” nếu không đề cập đến tiền lương
29.05.2018 07:46 | In ra
GS Nguyễn Minh Hiển, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, chính sách về tiền lương của nhà giáo theo tinh thần Nghị quyết 2 khóa 8 không được đề cập đến trong dự thảo sửa đổi Luật giáo dục lần này sẽ rất khó tháo gỡ được những “nút thắt” trong giáo dục hiện nay.

Đánh giá về dự thảo Luật Giáo dục được trình để lấy ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV lần này, GS Nguyễn Minh Hiển, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, dự thảo Luật đã thể chế hóa được các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước ta đã nêu ra trong các Nghị quyết, nhất là Nghị quyêt 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay, tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn cho các hoạt động giáo dục.

Tạo sự đồng bộ và thống nhất giữa Luật Giáo dục với các bộ luật mới được ban hành trong những năm gần đây, đảm bảo việc thực thi pháp luật được rõ ràng, nghiêm túc, không có sự mâu thuẫn, chồng chéo.

Các quy định trong dự thảo sẽ giúp các nhà trường và những người tham gia hoạt động giáo dục tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc do các quy định cũ không rõ ràng hoặc không còn phù hợp, hoặc chưa có quy định. Nhiều sửa đổi, bổ sung tôi cho là rất mạnh dạn và hướng tới các chuẩn mực quốc tế.

“Tôi tin rằng nếu dự thảo Luật được các Đại biểu Quốc hội cho ý kiến và cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn chỉnh để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp sau, thì chắc chắn chúng ta sẽ có một đạo luật về giáo dục đáp ứng được các yêu cầu của quá trình phát triển giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới” – GS Hiển nhấn mạnh.

Tránh tình trạng bao biện, ôm đồm

Thưa GS, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về quản trị nhà trường nhằm hướng tới các mô hình quản trị cơ sở giáo dục theo xu hướng trao quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục, nhất là đối với các cơ sở giáo dục đại học. GS đánh giá như thế nào về những sửa đổi này?

Tôi cho rằng, những sửa đổi, bổ sung về quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục là cần thiết và mức độ như đã nêu trong dự thảo lần này là phù hợp với thể chế chính trị, điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta, cũng như trình độ quản lý của các nhà trường và cơ quan quản lý.

Như vậy sẽ tránh được tình trạng bao biện, ôm đồm, phát huy được sự sáng tạo của cơ sở nhưng cũng không buông lỏng trách nhiệm quản lý, định hướng và có các hỗ trợ cần thiết.

Tuy nhiên, cũng cần có phân biệt rõ hơn về phạm vi và mức độ tự chủ của các loại cơ sở giáo dục. Chẳng hạn, đối với các trường đại học, các trường cần được tự chủ nhiều hơn. Mặc dù điều này đã được quy định trong Luật Giáo dục đại học, nhưng vẫn còn một số điểm chưa rõ ràng.

Còn đối với các trường phổ thông, do đặc điểm và nhiệm vụ của nhà trường rất khác so với các trường đại học, nên phạm vi và mức độ tự chủ, tuy vẫn phải được đề cao, nhưng nên ở mức vừa phải và cần làm từng bước để tránh sự ngộ nhận hoặc lo lắng, hiểu lầm không đáng có.

Nâng chuẩn trình độ giáo viên – nhiệm vụ nặng nề

Dự thảo Luật lần này có một quy định được dư luận hết sức quan tâm là nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học, THCS từ trung cấp, cao đẳng lên đại học? GS đánh giá như thế nào về nội dung sửa đổi này?

Tôi hoàn toàn tán thành với đề xuất nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học và THCS từ tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng sư phạm lên trình độ đại học như quy định trong dự thảo.

Theo tôi, đây là giải pháp quan trọng, mang tính đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trước hết là ở 2 cấp học nền tảng là tiểu học và trung học cơ sở. Điều này cũng phù hợp với xu thế chung ở nhiều nước là giáo viên phổ thông dù dạy ở lớp nào thì cũng đều phải có trình độ đại học và nghiệp vụ sư phạm.

Tuy nhiên, nếu đề xuất này được Quốc hội thông qua thì đây sẽ là một nhiệm vụ rất nặng nề đối với ngành Giáo dục vì sẽ phải đào tạo lại để đạt chuẩn một số lượng rất lớn giáo viên tiểu học (khoảng 40%) và giáo viên trung học cơ sở (khoảng 25%) hiện mới chỉ có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng sư phạm.

Đồng thời, ngành Giáo dục cũng sẽ phải tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm, một nhiệm vụ không hề đơn giản, nhất là đối với các trường cao đẳng sư phạm ở các địa phương.

Nhưng tôi tin rằng, chủ trương này sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi và ngành Giáo dục sẽ thực hiện được yêu cầu đặt ra.

Sinh viên sư phạm phải có việc làm

Cũng liên quan đến vấn đề đội ngũ, cụ thể là đào tạo giáo viên, Dự thảo Luật thay đổi quy định về chính sách học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm. Theo GS, thay đổi này sẽ có tác động như thế nào tới chất lượng đào tạo sư phạm trong thời gian tới?

Trong Luật Giáo dục ban hành năm 1998 có quy định, học sinh, sinh viên các trường sư phạm không phải đóng học phí. Quy định này đã có tác dụng nhất định trong việc thu hút học sinh giỏi thi vào các trường sư phạm và góp phần đào tạo được đội ngũ giáo viên phổ thông có chất lượng.

Tuy nhiên, từ đó đến nay đã 20 năm, đã có nhiều thay đổi trong xã hội và trong hệ thống sư phạm, việc thực hiện quy định này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, làm cho tác dụng của nó đang bị hạn chế dần. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, cũng đã đến lúc cần phải xem xét để thay đổi quy định này.

Theo tôi, đề xuất của Ban soạn thảo là học sinh, sinh viên các trường sư phạm được vay một khoản tiền nhất định từ quỹ tín dụng để đóng học phí và chi trả một phần sinh hoạt phí cho toàn bộ khóa học. Sau này, nếu tốt nghiệp, ra công tác trong ngành Giáo dục đủ thời gian quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm. Còn nếu không thì đương nhiên sẽ phải hoàn trả khoản vay này.

Quy định như vậy là hợp lý, vừa đảm bảo được ưu tiên cho những người theo đuổi nghề sư phạm (thực chất là vẫn được miễn học phí và các ưu đãi khác), vừa nâng cao được hiệu quả chính sách ưu đãi của nhà nước, đảm bảo sự công bằng.

Còn đánh giá sự thay đổi sẽ tác động thế nào đến chất lượng đào tạo sư phạm trong thời gian tới thì tôi chưa dám đưa ra các dự báo. Vì có một thực tế là hiện nay, đối với nhiều học sinh, sinh viên giỏi và gia đình họ, sức hấp dẫn của ngành sư phạm không dừng ở việc được miễn học phí nữa, mà quan trọng hơn là tìm được việc làm và có được mức lương thỏa đáng. Theo tôi, đây mới là cốt lõi của vấn đề mà chúng ta cần giải quyết.

Vậy, còn điều gì GS mong muốn mà chưa đề cập trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung hay không?

Trong dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp lần này, Ban soạn thảo đã đưa ra được rất nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng, góp phần hoàn thiện bộ Luật cơ bản về giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, tôi rất tiếc và băn khoăn vì một số đề xuất có trong các dự thảo trước đây - những đề xuất rất mạnh dạn, mang tính đột phá - nhưng vì một số lý do nào đó đã không được đưa vào trong dự thảo lần này.

Thứ nhất, giáo dục phổ thông giai đoạn đầu (từ lớp 1 đến lớp 9) mới chỉ được coi là giáo dục cơ bản. Theo tôi, nên khẳng định đây là giai đoạn giáo dục bắt buộc và miễn phí như ở nhiều nước đã làm. Điều đó cũng là khẳng định trách nhiệm của nhà nước.

Thứ hai, chính sách về tiền lương của nhà giáo theo tinh thần Nghị quyết 2 khóa 8 không được đề cập đến sẽ rất khó tháo gỡ được những “nút thắt” trong giáo dục hiện nay.

Tôi hy vọng, những vấn đề này sẽ được các Đại biểu Quốc hội xem xét, trao đổi trong quá trình soạn thảo dự án Luật và được các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền để đi đến quyết định phù hợp nhất.

Xintrân trọng cảm ơn GS!

 

URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=99913
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru