Mekong News http://mekongnet.ru
Những mối tình Việt - Nhật : Hai phụ nữ lấy chung chồng
03.03.2017 11:21 | In ra
Năm 1945, Cách mạng tháng 8 thành công, nhiều người lính Nhật tham gia chiến tranh không hồi hương mà ở lại Việt Nam, gia nhập Việt Minh, lấy tên Việt Nam.

Họ được gọi là “người Việt Nam mới”. Họ hỗ trợ bộ đội cụ Hồ trong kháng chiến chống Pháp như: sử dụng vũ khí, huấn luyện bộ đội, cứu chữa thương binh, in ấn tiền tệ... sau đó kết hôn cùng phụ nữ Việt Nam và sinh con.

Năm 1954 và năm 1960, Chính phủ Nhật Bản có chính sách đưa những người Nhật hồi hương. Nhiều người đàn ông vì điều kiện đã không thể mang cả gia đình đi cùng. Những cuộc chia ly, hạnh ngộ trong nước mắt đã diễn ra sau đó nhiều chục năm, trong đó có những chuyện tình cảm động của những vợ chồng Việt - Nhật và những đứa con mang 2 dòng máu.

Ngang trái

Trong số những người phụ nữ Việt Nam lấy chồng Nhật Bản năm 1945 hiện đang còn sống, có lẽ bà Nguyễn Thị Mỹ, 82 tuổi có số phận trái ngang hơn cả.

Bà Mỹ sinh ra ở Hà Đông (Hà Tây cũ), cha mất sớm, các anh đi bộ đội, từ nhỏ, bà Mỹ sống cùng mẹ và chị gái, bà Nguyễn Thị Hảo (năm nay 93 tuổi).

Năm 1945, chị gái bà kết hôn cùng người lính Nhật Yashyzo Hariki, lúc này đã gia nhập Việt Minh và lấy tên Việt Nam là Nguyễn Minh Thái. Ông Thái nói và viết tiếng Việt rất tốt. Thời gian ở Hà Đông, ông hướng dẫn Việt Minh sử dụng vũ khí. Năm 1947, tản cư kháng chiến, gia đình ông Thái bồng bế nhau về Thanh Hóa trồng khoai sắn mưu sinh.

Năm 1953, mẹ của bà Mỹ qua đời, chị gái bà Mỹ sau trận bệnh thương hàn, yếu đi rất nhiều. Ông Thái nói với bà Mỹ: “Mẹ đã mất, chị thì ốm đau, chẳng lẽ em đành lòng đi lấy chồng, bỏ chị, bỏ 2 cháu hay sao. Em thương chị, thì ở lại cùng anh chị”.

Bà Mỹ gật đầu. Cô gái vừa tròn 18 tuổi lấy chung chồng với chị; cuộc hôn nhân không có lễ cưới, hôn ước. Họ cùng chung sống trong một mái nhà ở Thanh Hóa, ông Thái trồng sắn, ngô, khoai. Bà Mỹ gánh khoai lên mạn ngược đổi lấy thực phẩm khác về nuôi các cháu, chăm chị. Năm 1954, bà Mỹ và ông Thái có người con chung đầu tiên. Năm 1957, họ sinh người con thứ 2, đặt tên Nguyễn Minh Dũng.

Từ năm 1954, theo thông báo từ Chính phủ Nhật Bản, ông Thái đã đăng ký hồi hương, tuy nhiên gia cảnh lúc này nheo nhóc, lại không được phép đưa vợ con đi cùng, nên ông Thái ở lại Việt Nam. Năm 1960, ông Thái bắt buộc phải trở về quê hương. Tuy nhiên, éo le, ông chỉ có thể mang theo một người vợ. Bà Mỹ đành gạt nước mắt nhìn chồng, chị gái và các cháu xuống tàu, cách xa đôi ngã. Lúc này, ông Thái và bà Hảo đã có với nhau 4 người con. Bà Mỹ cũng có 2 người con chung với ông Thái. Ông Thái từng thuyết phục bà cho 2 người con này sang Nhật, nhưng bà không đồng ý.

“Đó là mùa hè năm 1960, khi đó chúng tôi từ Thanh Hóa về lại Hà Nội được 5 năm. Cả đại gia đình chúng tôi dắt nhau ra ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội bây giờ) đi xuống Hải Phòng. Chúng tôi chia tay nhau ở cảng Hải Phòng, ai cũng khóc nhiều lắm. Tôi biết đây có thể là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy chồng tôi, chị tôi và các cháu tôi”, bà Mỹ bồi hồi kể lại. Và đó đúng là lần cuối cùng bà Mỹ được nhìn thấy chồng.

Năm 1961, sau khi đã ổn định cuộc sống tại Nhật Bản, chị gái bà Mỹ viết thư cho em. Họ nối lại sợi dây liên lạc. Năm 1967, ông Thái bị bệnh sốt rét và đột ngột qua đời ở tuổi 51, bỏ lại bà Hảo và 5 người con (năm 1960, khi về đến Nhật, họ sinh thêm một người con trai út, cũng đặt tên là Nguyễn Minh Dũng để nguôi phần nào thương nhớ bé Dũng ở Việt Nam).

Bà Hảo không biết nhiều tiếng Nhật, nghề nghiệp không có, cuộc sống vô cùng chật vật. Lá thư nào gửi về Việt Nam cho em gái, bà cũng khóc đẫm nước mắt. Bà Hảo viết trong thư: Ông Thái trước khi nhắm mắt xuôi tay, chỉ có một nguyện ước là “sau này phải đón được Mỹ và hai con qua Nhật Bản”. Nhưng, ước nguyện mãi không thành, bà Mỹ ở lại Việt Nam, làm công nhân tại hợp tác xã bánh tôm Hồ Tây nuôi hai con trong nỗi nhớ thương chồng quay quắt. Mãi về sau, bà Mỹ mới đồng ý về chung nhà cùng một người đàn ông khác từng có một đời vợ để cuộc sống bớt phần hiu quạnh. Người chồng thứ 2 này cũng đã qua đời cách đây 20 năm.

Thế hệ thứ 3

Hôn nhân ngang trái, nhưng về cuối đời, đại gia đình bà Mỹ may mắn hơn nhiều gia đình khác khi các cháu con đều thành đạt và luôn giữ được sợi dây thân thiết, dù địa lý cách xa.

Năm 1981, bà Nguyễn Thị Hảo lần đầu trở lại Việt Nam thăm em gái và các cháu. Năm 2005, lần đầu tiên bà Mỹ sang Nhật Bản, thăm phần mộ của chồng. Xuyên suốt từ năm 1981 đến nay, bà Hảo cùng 5 người con và đàn cháu chắt của mình rất nhiều lần trở lại Việt Nam, thăm các địa danh nổi tiếng của Việt Nam như: địa đạo Củ Chi, TP.HCM; sông nước miền Tây; ăn những món ăn Việt Nam, ôn lại những câu chuyện thuở hàn vi.



Hai chị em bà Mỹ cùng người chồng Nhật chung và các con trước năm 1960. ẢNH CHỤP LẠI TƯ LIỆU GIA ĐÌNH

“Chỉ 3 năm nay sức khỏe chị tôi yếu không thể về thăm tôi, chứ trước đó đều đặn hằng năm chị và các cháu đều về Việt Nam ăn Tết Nguyên đán. Chị thích đón tết ở Hà Nội lắm. Hai người con đầu của chị tôi vẫn nói tiếng Việt rất tốt và luôn nói nhớ Việt Nam”, bà Mỹ kể.

Trong khi đó, người cháu nội thứ 2 của bà Mỹ, chị Nguyễn Khánh Ngọc, 29 tuổi rất thành công, sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội đã sang Nhật Bản định cư, đang làm quản lý cho một công ty tại Osaka. Bà Mỹ tự hào cho hay, Khánh Ngọc thuần thục tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Pháp, thổi kèn harmonica hay, nấu món ăn Nhật rất ngon. Năm 2009, chị Ngọc cùng nhiều người bạn của mình mở gian hàng các món ăn Nhật đắt hàng nhất tại Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản diễn ra tại Cung thể thao Quần Ngựa, Hà Nội.

Bà Mỹ bộc bạch: “Tôi từng có một tuổi trẻ gian truân nhiều nước mắt, nhưng đến bây giờ, tôi hạnh phúc khi thấy các cháu con thành đạt và luôn nhớ về hai quê hương của chúng, Việt Nam - Nhật Bản”.

Trao đổi với chúng tôi, PGS-TS Hoàng Hồng, đang công tác tại Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, người đã dày công nghiên cứu tài liệu và có những bài viết “Những người lính Nhật ở lại Việt Nam” cho biết, ông đã đọc nhiều tài liệu lịch sử để hoàn thành những bài viết này. PGS-TS Hoàng Hồng nhắc đến những cái tên “người Việt Nam mới” như Hoàng Văn Hạc, Cao Thành Phương, Phan Tiến Bộ… và đánh giá công lao to lớn của họ trong thành công của cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc.
URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=94310
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru