Mekong News http://mekongnet.ru
Thực hư về nguy cơ bùng phát dịch thủy đậu tại Hà Nội
09.02.2017 08:19 | In ra

Người dân đang khá lo ngại trước thông tin về nguy cơ bùng phát dịch thủy đậu tại Hà Nội. Nhiều mẹ Hà thành vì vậy rất băn khoăn, tìm hỏi cách phòng bệnh hiệu quả cho con trẻ.

TS.BS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh vấn đề này.

Hà Nội thực sự có nguy cơ bùng phát dịch thủy đậu không, thưa ông?

Hiện nay, không có nguy cơ bùng phát dịch thủy đậu, mà đây là thời điểm cuối mùa đông đầu mùa xuân, thuận lợi cho bệnh thủy đậu, cũng như các bệnh lây qua đường hô hấp khác lây lan. Thông thường vào khoảng thời gian này, số trường hợp mắc thủy đậu thường tăng hơn so với các thời điểm khác trong năm.

Thực tế, so với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc tay thủy đậu từ đầu năm đến nay giảm 34 trường hợp. Cụ thể, theo thống kê, trong khoảng thời gian tháng 1 và đầu tháng 2/2017 tại Hà Nội ghi nhận tổng số 161 trường hợp mắc bệnh, rải rác tại các quận, huyện, thị xã, chưa có bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong.

Thủy đậu là bệnh thường gặp ở hầu hết các nước trên thế giới. Tại Hà Nội, bệnh lưu hành hằng năm. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng, những năm gần đây trên địa bàn toàn thành phố trung bình hàng năm ghi nhận khoảng 1.500 - 3.000 ca bệnh. Các trường hợp mắc bệnh đều lành tính, nhẹ, khỏi bệnh không có tử vong và không xuất hiện các ổ dịch lớn với nhiều người mắc.

Qua khảo sát của phóng viên, nhiều bé đã được tiêm phòng cũng mắc bệnh thủy đậu; đáng nói, cũng khá nhiều người lớn mắc bệnh, liệu có phải do virút gây bệnh biến đổi không, thưa ông?

Bệnh thủy đậu và virút thủy đậu đã được biết đến từ lâu, và đến nay không có gì thay đổi về độc tính của virút. Với căn bệnh này, những ai chưa mắc đều có thể mắc bệnh, kể cả người lớn tuổi, tuy nhiên bệnh hay gặp hơn ở lứa tuổi trẻ còn đi học.

Tiêm vắcxin phòng bệnh thủy đậu là các tốt nhất để phòng bệnh, nhưng không phải là tuyệt đối 100% phòng được bệnh. Cũng như khi tiêm các loại vắcxin khác, khả năng bảo vệ của vắcxin thủy đậu đạt khoảng 80 -90% số người được tiêm, nghĩa là còn khoảng trên 10% không miễn dịch với vắcxin. Vậy nên, có thể trẻ được tiêm phòng mà vẫn mắc bệnh thủy đậu là nằm trong số 10% này.

Để phòng tránh căn bệnh này, người dân cần làm gì, nhất là lứa tuổi mẫu giáo, thưa ông?

Để chủ động phòng bệnh thủy đậu, đặc biệt là trong thời điểm hiện tại, cuối mùa đông, đầu mùa xuân là thời điểm bệnh dễ lây lan hơn các thời điểm trong năm, người dân cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, súc họng thường xuyên bằng nước muối hoặc các nước súc miệng khác.

Khi có người, trẻ trong gia đình bị thủy đậu, không quá hoang mang lo lắng vì đa phần bệnh diễn biến lành tính, rất hiếm biến chứng. Hạn chế tiếp xúc với người khác (đặc biệt phụ nữ mang thai) để tránh lây lan.

Mở cửa thường xuyên để thông thoáng không khí trong nhà ở, phòng làm việc. Đặc biệt tại các địa điểm tập trung đông người như: Nhà trẻ, lớp học, văn phòng làm việc, công xưởng…

Đặc biệt, cần tiêm vắcxin phòng bệnh cho những người chưa mắc bệnh. Hiện nay, có vắcxin phòng bệnh cho cả người lớn và trẻ em từ 1 tuổi trở lên. Để được tiêm chủng, người dân cần đến các điểm tiêm chủng dịch vụ vì vắcxin này chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Với riêng nhóm tuổi mẫu giáo, vì là trẻ nhỏ, tập trung đông trong 1 lớp nên việc phòng bệnh cần chú ý hơn: Trẻ mắc bệnh cho nghỉ học từ 7 - 10 ngày, mở cửa thông khí lớp học thường xuyên. Khử khuẩn thường xuyên đồ chơi, sàn nhà bàn ghế của trẻ bằng xà phòng, nước tẩy rửa. Cho các cháu súc họng hàng ngày và cần thông báo cho Trạm Y tế khi có trẻ mắc bệnh.

Xin cảm ơn ông!

Theo Baotintuc

URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=93957
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru