Mekong News http://mekongnet.ru
Sự thật đắng trong ly cà phê Việt
19.07.2016 05:54 | In ra

Ngày 12.7 vừa qua, Hội Tiêu Chuẩn và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng (VINASTAS) vừa công bố bảng báo cáo khảo sát cà phê nước trên thị trường một số tỉnh và thành phố trong thời gian qua. Sau 3 đợt khảo sát trên các mẫu cà phê bột và cà phê nước, kết quả cho thấy tổng cộng có tới 9 mẫu cà phê hoàn toàn không phát hiện hàm lượng caffeine, và một số lượng lớn mẫu có hàm lượng caffeine rất thấp (dưới 1g/lít).

Từ sản xuất cà phê bẩn đến gian lận thương mại

Nghiêm trọng hơn, kết quả Báo cáo từ Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cũng cho thấy: gần một nửa (47,54%) mẫu cà phê lấy từ các quán nhỏ, xe đẩy, vỉa hè và căn tin bệnh viện có hàm lượng caffeine rất thấp. Kết quả này đặt ra câu hỏi lớn về chất lượng và thành phần những ly cà phê giá 10.000-12.000 mà giới văn phòng, giới trẻ và người lao động đang uống mỗi ngày. 

Theo báo cáo mới nhất về ngành cà phê Việt Nam do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (xuất bản ngày 6.1.2016), niên vụ 2015/2016, tiêu thụ cà phê rang xay nội địa tại Việt Nam ước đạt 2,25 triệu bao, tương đương 135 triệu kilogram cà phê nguyên liệu. Nếu tính bình quân theo chuẩn ly cà phê espresso của Mỹ, một ly cà phê pha chế mất 8 gram cà phê nguyên liệu, thì trung bình trong vòng một năm người Việt Nam có thể tiêu thụ hơn 16,8 tỉ ly cà phê.

Tính riêng trong năm 2015, người Việt đã tiêu thụ 16,875 tỷ ly cà phê (theo chuẩn quốc tế). Tuy nhiên, với thói quen pha loãng với cà phê đá, cà phê sữa của người Việt, số ly cà phê thực tế người Việt uống một năm thậm chí còn có thể cao hơn con số này rất nhiều.  Đây quả thật là một con số ấn tượng và đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi: liệu trong 16,8 tỷ ly cà phê ấy, có bao nhiêu ly được làm từ cà phê nguyên chất? 

Câu chuyện “cà phê không có cà phê” hoàn toàn không mới. Những bài viết vạch trần về nạn cà phê “tinh chất”, cà phê bẩn, cà phê trộn đã được báo chí đề cập trong suốt những năm qua và vẫn tiếp tục hoành hành. Nhằm giảm giá thành sản phẩm đến mức thấp nhất, các cơ sở đã sản xuất cà phê theo công thức một phần cà phê, chín phần bột bắp cộng đậu nành cộng hóa chất (bao gồm hương liệu, chất tạo màu, chất làm sánh, chất tạo bọt). Có những trường hợp còn cắt bỏ hoàn toàn cà phê trong quá trình rang xay chế biến.  

Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm, Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm - trường ĐH Bách Khoa Hà Nội thì nếu người bán bán cà phê trộn đậu trộn bắp nhưng khẳng định họ bán cà phê nguyên chất 100% thì đó không còn là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mà là vấn đề gian lận thương mại.

Đâu là giải pháp cho cà phê bẩn, độc, trộn?

Nhận định về nguyên nhân gốc rễ của vấn đề cà phê bẩn, độc, trộn, ông Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ, chính thói quen uống cà phê pha sẵn, cà phê bột của người Việt tạo điều kiện cho gian lận thương mại phát triển vì có nhiều loại ngũ cốc rang lên màu sắc rất giống cà phê, vị cũng giống cà phê nhưng giá thành lại rẻ hơn cà phê thật rất nhiều, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất cà phê độn chất thêm phụ gia để phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng. Do đó, cần thay đổi thói quen của người tiêu dùng, cũng như thói quen bán hàng. Tất cả người bán cà phê nên được khuyến khích bán cà phê hạt đã rang, người mua có thể dễ dàng xác định đó có phải là cà phê thật hay không và xem quá trình rang xay tại chỗ. Áp dụng cách thức này sẽ tránh việc độn ngô, đậu nành vào, đảm bảo cà phê nguyên chất 100%.

Ở một góc nhìn khác, ông William Robert Frith Jr, chuyên gia quốc tế về kiểm soát chất lượng cà phê ở Mỹ, cũng đề cập đến vấn đề “trung thực” và “minh bạch” trong lãnh vực kinh doanh và sản xuất cà phê. Ở nhiều nơi tại Mỹ, luật pháp bắt buộc phải liệt kê danh sách các thành phần được dùng trong thực phẩm, sau đó phải được sự chấp thuận của các thanh tra y tế. Các thanh tra viên sẽ quay lại kiểm tra một năm một lần hoặc nhiều hơn để chắc chắn rằng mọi thứ luôn trong tình trạng tốt. Điều này cũng đang được thực hiện ở các nước khác. Ông ngạc nhiên khi thấy tại quốc gia có truyền thống sâu sắc về cà phê như Việt Nam, nơi cà phê chất lượng tốt nhất thì được xuất khẩu, trong khi loại tệ nhất lại được tiêu thụ nhiều trong nước. Điều này thật khó tin nhưng lại là thực tế.

Theo William thì “trung thực” và “minh bạch” là hai yếu tố vô cùng quan trọng. Nhưng nó không phải vấn đề gì to tát đối với những người thích uống cà phê nhưng chỉ quan tâm đến hương vị chứ không để ý đến cà phê này có phải cà phê thật hay không. Tuy nhiên, “trung thực” và “minh bạch” lại phụ thuộc vào các nhà máy/xưởng hay các công ty sản xuất cà phê, nếu họ dùng đúng nhãn mác thật và giá cả hợp lý, thì đây chính là những điều tốt nhất thể hiện sự “trung thực và minh bạch” trong chuỗi sản xuất.

Để giải pháp này có thể thực thi, ông Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh: “Đối với các doanh nghiệp lớn, chi cục tiêu chuẩn chất lượng yêu cầu doanh nghiệp kê khai và sử dụng tiêu chuẩn kỹ thuật để kiểm tra doanh nghiệp có gian lận hay không, sau đó công bố công khai trước người tiêu dùng. Nếu sai thì tố cáo trước công chúng và cảnh cáo các doanh nghiệp gian lận”.

Theo Motthegioi

URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=90974
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru