Mekong News http://mekongnet.ru
"Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa".
03.07.2016 12:13 | In ra
Tổng kết lại cuộc tranh luận rất nóng trên mạng xã  hội và thông tin trên các báo về câu thơ của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ nằm trong đề thi văn năm nay: "Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa", trong khi câu thơ nguyên gốc phải là: "Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa".

Có nhiều giải thích rất khác về hai câu thơ khác nhau cả về từ, cả về nghĩa này.

Có ý kiến cho rằng, chữ "như bùn" là của Lưu Quang Vũ sau được nhà xuất bản biên tập thành "đất cày".

Lại có ý kiến cho rằng, Lưu Quang Vũ viết "đất cày" nhưng khi in lần đầu trên báo Văn Nghệ, nhà thơ Phạm Tiến Duật biên tập thành "như bùn".

Cả nhà thơ Lưu Quang Vũ và nhà thơ Phạm Tiến Duật đều đã mất.

Xác tín còn lại là tuyển thơ Lưu Quang Vũ do gia đình chọn và xuất bản mang tên: GIÓ VÀ TÌNH YÊU THỔI TRÊN ĐẤT NƯỚC TÔI

Một căn cứ khác nữa chính là ý kiến của bà Lưu Khánh Thơ em gái cố nhà thơ Lưu Quang Vũ khi trả lời phóng viên báo Nông Nghiệp Việt Nam về chữ " đất cày" và chữ "bùn": Bà Lưu Khánh Thơ xác nhận trên thực tế song song tồn tại hai văn bản thơ có những chữ khác nhau “như bùn” và “như đất cày”. Lý giải nguyên nhân, bà Lưu Khánh Thơ cho biết, khi in lần đầu tiên trên báo Văn nghệ, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã biên tập và sửa thành “như bùn”. Từ đó, trên nhiều sách báo đều sử dụng văn bản trên báo Văn nghệ.

“Cho đến khi làm Tuyển thơ, gia đình căn cứ vào bản thảo viết tay của anh Vũ còn lưu giữ được, chúng tôi đã phục nguyên văn bản bài thơ theo đúng bản gốc”

Điều đó nghĩa là, bản gốc của bài thơ là chữ "như đất cày": Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa.

Vì thế, việc Bộ Giáo dục vẫn cho rằng việc trích dẫn câu thơ "Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa" không sai là căn cứ vào nguồn trích dẫn, tức tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1985. Đúng thế, nếu căn cứ vào nguồn dẫn là không sai. Nhưng căn cứ xác tín bản gốc thơ phải trở về với chính bản gốc bài thơ- bản gốc không phải nằm ở đâu xa xôi, khó kiếm, nó nằm ở chính tuyển tập thơ Lưu Quang Vũ. Do đó, đề thi không sai với nguồn dẫn nhưng sai với bản gốc. Thứ nữa, đây là bài thơ rất hay của Lưu Quang Vũ khi anh viết những chữ, những dòng ngợi ca tiếng Việt, vì thế, dễ hiểu vì sao rất nhiều người cảm thấy ngờ ngợ khi vấp phải sự so sánh của anh: Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa. Dù nhìn dưới góc độ nào thì chữ "như bùn" trong trường hợp này đều trượt ra ngoài không khí, ngữ cảnh và dụng ý của tác giả, chính xác là chữ thêm vào, và không hay, thậm chí thô, thậm chí ngược nghĩa so với "như đất cày". Chưa nói đến việc thêm chữ "và" thay dấu phẩy đã làm cho nhịp điệu và sức khái quát, chất nhân văn của câu thơ trở nên rất tầm thường, nó không xứng đáng nằm trong bài thơ mẫu mực về tứ, về tình, về nghĩa như ở bài thơ này.

Hãy trả lại nguyên gốc cho bài thơ, cho câu thơ theo đúng như tuyển thơ của Lưu Quang Vũ: Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa.
URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=90696
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru