Mekong News http://mekongnet.ru
Những người Việt Nam mang đồng phục Hồng Quân
05.12.2014 10:05 | In ra
Mùa Đông năm 1941-1942 là một trong những mùa Đông lạnh nhất trong lịch sử nước Nga. Và cũng là một trong những mùa Đông đáng sợ nhất: sau các cuộc tấn công vào Liên Xô, quân đội Đức Quốc xã đã đến tận ngoại ô Moskva. Hitler lên kế hoạch nhấn chìm thành phố và biến nó thành một cái hồ lớn.

Nhưng Moskva đã không biến thành hồ. Bằng các trận đánh vang dội, thủ đô Liên Xô là thành phố đập tan huyền thoại về quân đội bách chiến bách thắng của Đức Quốc xã. Quân và dân Moskva tràn đầy quyết tâm bảo vệ thành phố của mình. Các đơn vị sẵn sàng chiến đấu, trang thiết bị quân sự được điều đến thủ đô. Đến giữa tháng Mười một, ở ngoại ô Moskva đã xây dựng được 600km chướng ngại vật, bố trí 3.700 ụ súng, 37.000 cụm "lông nhím" chống tăng. Hiện nay, có một tượng đài bê tông “lông nhím” như vậy trên đường từ sân bay "Sheremetyevo" vào nội thành. Khi đó, hàng trăm ngàn người dân Moskva đã ghi tên vào phong trào tình nguyện tham gia chống phát xít. Một số người Việt Nam khi ấy sống tại Moskva bằng họ tên Nga cũng ghi tên tình nguyện gia nhập Hồng Quân.

Thực tế này đã được công luận biết đến sau khi Ban tiếng Việt đài chúng tôi phỏng vấn ông Tôn Đức Thắng năm 1967. Bốn năm sau, cuốn hồi ký của ông Vinarrov, cựu ủy viên Ban chấp hành Quốc tế cộng sản, được xuất bản tại Moskva. Trong cuốn hồi ký của mình, ông Vinarov, một trong những người tổ chức cuộc bảo vệ Moskva chống Đức quốc xã, đã viết về cuộc diễu hành quân sự nổi tiếng trên Quảng trường Đỏ vào ngày 7 tháng Mười Một năm 1941. Khi đó, quân đội Hitler chỉ còn cách Moskva chừng 20 km. Ông Vinarov đã nhắc đến nhóm tình nguyện viên Việt Nam. Về sau, sự tham gia của các chiến sỹ Hồng Quân gốc Việt tham gia bảo vệ Moskva được nhắc đến trong hồi ký của vị chỉ huy quân sự nổi tiếng Shtemenko và một trong những nhà lãnh đạo của Cơ quan an ninh thời đó là tướng Sudoplatov.

Có những người Việt Nam tham gia bảo vệ Moskva vào cuối năm 1941, đó là tất cả những gì được biết. Các cuốn hồi ký trên không nhắc đến họ tên, cũng không viết cụ thể bằng cách nào mà những người Việt Nam này đến Moskva, họ làm gì, số phận của họ về sau như thế nào? Tập thể Ban tiếng Việt của đài chúng tôi quyết định tìm hiểu câu chuyện.

Chúng tôi kêu gọi sinh viên Việt Nam tham gia công việc này – hồi đó Internet vẫn chưa tồn tại. Chúng tôi đề nghị họ cho biết bất kỳ thông tin nào về những người Việt Nam giai đoạn những năm 1920-1930 đã ở Moskva, nhưng không phải vì mục đích nghiên cứu tại Trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông. Bởi vì những người được đào tạo ở trường này đã rời khỏi nước Nga trước khi cuộc chiến bắt đầu. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều thông tin, đôi khi trái ngược nhau. Khi đó, chúng tôi nhận được nhiều thư từ quý báu từ các cựu nhân viên Ban chấp hành Quốc tế cộng sản, những người tham gia trận đánh bảo vệ Moskva, các nhà hoạt động Hội hữu nghị, nhân viên bảo tàng và lưu trữ.

Năm 1985, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 40 ngày chiến thắng phát xít Đức, chúng tôi đã xác định được họ tên của bốn chiến sĩ Hồng quân gốc Việt tham gia cuộc diễu hành trên Quảng trường Đỏ: đó là Vương Thúc Tình, Lý Anh Tạo, Lý Nam Thanh, Lý Thục Chắt. Trong cùng năm đó họ đã được truy tặng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc của Liên Xô. Một người Hồng quân gốc Việt khác là Lý Phú San cũng được tặng Huân chương tương tự. Do không đủ sức khỏe để phục vụ trong quân đội, ông đã làm việc tại quân y viện Moskva, sau đó làm việc trên mặt trận lao động.

Các nhà báo Ban tiếng Việt đã kể trên truyền hình và đài phát thanh, trên báo và tạp chí Nga và Việt Nam về chuyện tìm kiếm các chiến sỹ Hồng quân gốc Việt bảo vệ Moskva. Và nhờ vào các phản hồi nhận được trong những năm qua, chúng tôi đã có thể xác định được danh tính hai Hồng quân gốc Việt khác là – Lý Văn Minh và và Lý Chí Thông.

Trả lời phỏng vấn Ban tiếng Việt, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho rằng, việc xác định tên tuổi của các Hồng quân gốc Việt là vô cùng quan trọng. Nhờ đó, hàng triệu người Việt có thể tìm hiểu thêm về những người con xuất sắc của dân tộc mình. Công việc này cũng phản ánh tình cảm anh em của nhân dân hai nước Nga Việt, và là sự tôn vinh của nước Nga đối với những người nước ngoài đã cùng nhân dân Nga chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít. Công việc này là cơ sở cho việc tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai nước chúng ta.


URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=81007
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru