Mekong News http://mekongnet.ru
Kỳ II và kỳ cuối: Mariupol, thành phố Thép
09.11.2014 12:36 | In ra

Không có đường nào đi tiện lợi hơn tàu, nhất là tuyến Kiev - Kharkov có tàu nhanh. Đi đường bộ phải qua nhiều trạm kiểm soát, chưa kể những chỗ không có lính gác nhưng vẫn rải các tấm bê tông như để đi thi lấy bằng lái, với mục tiêu có phần hơi “ngây thơ” là để khi có chiến sự, các xe của đối phương phải đi chậm lại.

>>> Ký sự: Ukaraina - Phía Đông có gì lạ?

Tôi mua vé hạng 2, nhưng tốt chán lại còn khá rẻ nữa. Chỉ có chừng 300 gripna, khoảng hơn 20 đô, nhưng vẫn là đắt với người dân bình thường ở đất U. Bởi thế trên các toa tàu Hàn Quốc này, toàn thấy người xem ra cũng thuộc lớp trung lưu hoặc mấy cô trẻ đẹp, mà trẻ đẹp thì ở xứ nào cũng đâu phải lam lũ đi tàu chợ.

Tôi hy vọng đến Kharkov mình sẽ gặp may. Quả thật, hơn cả điều tôi mong đợi. Gần như tôi bỏ qua việc đi dạo quanh cái thành phố lớn thứ 2, có vị trí kinh tế quan trọng bậc nhất của Ukraina. Hơn nữa lại là một thành phố khá đẹp.

Tôi trông đợi vào cộng đồng. Kharkov là trung tâm của người Việt. Họ buôn bán không chỉ với dân U mà có thể quan trọng hơn, là với dân Nga từ bên kia biên giới. Vincom Group của đại gia Phạm Nhật Vượng đã dấy lên từ đất này. Nay họ đã kéo hết về nước làm ăn, nhưng vẫn còn đó Sun Group đầu tư trong nước, vẫn cắm chân kia tại Kharkov.

Trong suốt bữa tối coi như là chia tay Kharkov - dù tôi chỉ mới đến nửa ngày và sáng mai đi sớm - tôi vẫn ngờ rằng có lẽ rất khó để đến nơi vẫn đang giằng co là sân bay Donetsk. Sân bay mới tu sửa lại khá bề thế để cùng người anh em Nga tổ chức Giải bóng đá Euro mới cách đây hai năm đang sắp biến hết những gì nhô trên mặt đất. Nó lại mang tên nhà soạn nhạc lớn người Nga Prokofiev. Nếu ông trở lại cõi đời này, đến thăm những đường băng xám xịt với những lỗ chỗ ổ đạn pháo, không hiểu ông sẽ nghĩ gì về những “nốt nhạc” ghê sợ ấy.

Ngồi uống Vodka với anh Trần Đức Tựa - Chủ tịch Hội Người Việt tỉnh Kharkov, anh Nguyễn Hoàng Nam - Phó Chủ tịch Hội, là người lãnh đạo tờ báo điện tử “Tuần tin Quê hương” - xưa có ra tạp chí in giấy - cùng anh Phúc, cũng là một sếp của Sun Group ở Kharkov, đầu óc tôi cứ lăn theo những nẻo đường về phía Đông mà suốt mấy ngày qua tôi xem trên bản đồ qua chiếu iPad, và rồi tôi còn in ra giấy kẹp vào cuốn sổ nhỏ.

Sáng sớm Nguyễn Hoàng Nam đón tôi đi. Lái xe là một anh người U của Sun Group. Phải có sức khỏe, thạo đường, người bản xứ chắc chắn sẽ tiện hơn. Gần 800 cây số từ Kharkov mới đến được Mariupol. Không còn tàu từ Kharkov đến thành phố Donetsk. Từ Mariupol, tàu cũng phải đi đường khác. Ôtô cũng không thể đi sát vào trung tâm thành phố Donetsk. Càng không thể mon men qua Lugansk, một tỉnh đến nay đã hoàn toàn năm trong tay quân ly khai và tất cả các diễn biến và đời sống người dân ở đó gần như không còn có trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Xe chúng tôi vòng qua tỉnh Zaporizhia. Ngày xưa tôi được đọc qua sách báo thì nó chính là Zapôrôze, mà một người học ở Nga như Hoàng Nam nay vẫn đọc thế. Chia nhau ra, người U viết, đọc khác hẳn đi làm khó cho bao người. Vẫn là cái tỉnh nằm bên dòng sông lớn nhất Đnhiep ngày xưa nay lại là Dnieper… Rồi Kiev hay Kiiv, Lvov cứ phải là Lviv hay sao? Phải chăng khi muốn quên đi quá khứ, một đất nước ngoài xác lập lại chữ viết chính thức, còn phải “định vị” lại địa danh, bởi xét cho cùng đó cũng là điều cần thiết.

Chỉ có 4 làn đường và đường rất tốt là từ Kharkov đến Zaporizhia. Từ đây về Mariupol đường hẹp và xấu hẳn, có những đoạn bị băm nát, trơ cả đất nền. Có lẽ đã lâu con đường này chưa được bảo dưỡng, nhất là khi xảy ra cuộc chiến, xe tăng, xe kéo pháo chở đồ quân sự thường xuyên phải đến Mariupol.

Đã không còn các gương mặt các chính khách, hoặc những người đang muốn làm nhà chính trị để cải tổ nền chính trị Ukraina trên các tấm poster khá lớn ở dọc đường cho ngày bầu cử gần cuối tháng 10 đang cận kề. Đường đến phía Đông qua ngả này vắng hiu. Nông thôn nước Ukraina - và cả nước Nga tôi vừa đi qua - phải còn rất lâu rất lâu nữa mới có thể thay đổi. Dường như nó vẫn u buồn, ảm đạm, trống trải như những trang viết của I.Bunin hay nhiều nhà văn Nga - Soviet khác…

Một mùa Đông đang đến, đến thật gần. Nông dân đi kiếm củi. Hình ảnh bà cụ già chít khăn, lưng đã hơi còng kéo lê khúc cây lầm lũi một mình, chân lập bập trên đám cỏ hoang chạy dài bên đường làm tôi cứ nghĩ đến việc giằng co, đổi chác bán mua khí đốt gần Kiev và Moskva. Rất nhiều xe tải quân sự cũng chỉ chở một thứ hàng, đó là củi được cưa cắt cẩn thận. Nó là thứ không thể thiếu cho người lính, cần như lương thực, thực phẩm và nước uống. Trên những căn cứ dã chiến, các trạm kiểm soát quân sự dọc đường như thế này, lính tráng chẳng còn nguồn sưởi ấm nào khác tống củi vào những phuy xăng cũ mà đốt. Miễn là vừa thay nhau chặn xe kiểm tra, vừa uống rượu Vodka với chút mỡ muối và dưa chuột muối. Ấy là những anh lính đã có râu, cũng có lẽ độ 1 - 2 năm đời lính. Còn mấy cậu lính như học sinh trung học đang diễn kịch với quân trang mà nghe nói phần lớn gia đình phải mua sắm cho con.

Địa phận tỉnh Donetsk chúng tôi không thể không dừng lại. Mới khoảng 3 giờ chiều, nhưng con đường “không vui” này vắng quá. Tấm biển sắt thủng lỗ chỗ bởi đạn bắn. Chắc là bởi súng bộ binh, bắn rất gần.

Mariupol đã ở trước mặt tôi. Thành phố lớn thứ 2 của tỉnh Donetsk, chỉ chừng nửa triệu dân, có bề dày lịch sử, nằm ở cửa sông Kalmius, cắm chân xuống biển Azov, một lợi thế mà thành phố Donetsk không có. Mariupol có tới gần 60 tổ hợp công nghiệp, chủ yếu là công nghiệp nặng như sắt thép và các nhà máy hóa chất, trong đó sắt thép chiếm một trong những vị trí hàng đầu xuất sang Châu Âu suốt thế kỷ XX. Chỉ sau Kiev và Zaporizhia, cái thành phố nhỏ bé này đứng vị trí thứ 3 trong việc đóng góp ngân sách quốc gia. Thật khó tin khi Mariupol có năng lực kinh tế du lịch nhưng lại xám ngắt, buồn tẻ đến vậy. Hầu như tất cả các ngôi nhà cổ, các khu chung cư thời Soviet đều xuống cấp nặng, đã bao năm chưa được tu sửa. Không có đường phố trung tâm thương mại. Điểm mới là khu mua bán Mall học theo kiểu Mỹ mới dựng ở đầu thành phố nhưng vắng hoe, nhiều dãy chưa cho thuê được. Có lẽ rất ít người giàu như ở Kiev, Kharkov nên đường phố hiếm ôtô riêng đời mới, vẫn lọc cọc những chiếc xe bus cà tàng đi về khuya sớm. Công nhân viên lúc có lúc không. Mấy tiếng đồng hồ ở bến cảng, chỉ thấy quạnh quẽ một con tàu vào cảng. Còn cuối chiều, người dân, nhất là lớp trung niên, cao tuổi rải ra bán trên hè phố những gì mình gom góp bao năm.

Người nói tiếng Nga chiếm đa số trong thành phố, mặc dù Mariupol có số dân nói khá nhiều thứ tiếng. Cũng đáng ngạc nhiên là thành phố đa sắc tộc này - dường như các thành phố cảng đều thế - có 2 Tổng lãnh sự quán của Hy Lạp và Síp. Và cũng chẳng đáng ngạc nhiên khi vào năm 2004, cử tri lựa chọn người đồng hương Donetsk sau này lộ rõ là rất tệ V.Yanokovych làm Tổng thống với 91,1% số phiếu, mặc dù kết quả chung cuộc V.Yuschenko đã thắng.

Đã hơn 10 năm cay đắng không chỉ riêng với Mariupol nhưng cuộc nổi dậy năm 2014 đã đẩy Mariupol xuống bờ vực của chiến tranh, của suy thoái kinh tế nặng nề. Khi thành phố Donetsk hầu hết thuộc về tay lực lượng ly khai với việc thành lập cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk thì đương nhiên Mariupol không thể thoát khỏi vòng xoáy bạo lực với đầy máu và nước mắt.

Tôi đã đến Tòa Thị chính Mariupol giờ để hoang, có lẽ họ để làm “di tích chiến tranh”. Nhiều tầng, nhiều phòng bị đạn pháo giập vỡ nát, bầm đen. Những khối máy điều hòa bên ngoài hầu hết cháy xém. Tháng 3 năm nay, những nhóm vũ trang chống Chính phủ và thân Nga đã chiếm tòa nhà này. Cuộc chiến thực sự bắt đầu vào đêm 16.4 khi lực lượng ly khai tấn công vào một đơn vị quân đội Chính phủ bằng bom xăng. Ngày 24.4, quân đội Ukraina quyết “giải phóng” Tòa Thị chính Mariupol bằng vũ lực. Sau nhiều máu đổ, ngày 8.5, Tòa Thị chính trở về tay chính quyền nhưng đã hoang tàn. Ngoài cái “di tích” này, Mariupol còn có “di tích” nữa nổi tiếng như một cặp đôi, cho đủ ngành hành pháp và tư pháp! Đến bây giờ nhiều người dân có tuổi vẫn còn nhớ khoảng thời gian gần 2 năm khi thành phố phải chịu cảnh đọa đày, giết chóc của quân đội Phát xít Đức. Ấy thế mà đúng những ngày kỷ niệm chiến thắng Phát xít Đức năm nay, máu lại đổ trên đường phố Mariupol. Ngày 9.5, cuộc bạo loạn đã đến Trung tâm cảnh sát. Cả hai phía quân Chính phủ và lực lượng ly khai đều thiệt hại và bây giờ tòa nhà này “noi gương” Tòa Thị chính, chưa thể xóa những dấu viết bi thảm mà không người dân Mariupol nào có thể ngờ đến.

 Trụ sở cảnh sát của thành phố Mariupol bị bỏ hoang.

Tôi đã hỏi nhiều người nhưng không ai biết chính xác bộ máy công quyền của họ giờ đang ở đâu. (Và ngay cả chính quyền tỉnh Donetsk từ sau ngày 13.6 đã phải rời về Mariupol cũng không hề cho người dân của mình biết địa chỉ. Tình cảnh như thời ở rừng trong những năm tháng bị Phát xít Đức chiếm đóng). Trong những ngày tháng 5 đen tối ấy, thành phố như bị cơn bão lửa ập đến. Không chỉ có lực lượng vũ trang từ thành phố Donetsk tràn về, những người nổi dậy tại chỗ gồm đủ ngành nghề, kể cả một bộ phận của giai cấp tiên phong - công nhân Tổ hợp Thép Metinvest.

Với một lực lượng mạnh, quân đội Ukraina đã làm chủ Mariupol từ ngày 13.6. Cuộc sống dường như đã tạm yên trong hai tháng 7 và tháng 8. Có những người đã hy vọng ngây thơ khi Tổng thống P.Poroshenko ký thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 5.9 và Quốc hội đã trao quyền tự trị một phần miền Đông cho phe nổi dậy thân Nga đang kiểm soát. Nhưng thực tế ở phía Đông lại không thế. Tham vọng của “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” không chỉ ở thành phố Donetsk và các thành phố nhỏ sát biên giới với nước Nga. “Thủ tướng” tự phong của Donetsk - A. Zakharchenko đã khẳng định quyết tâm sẽ chiếm bằng được các thành phố Sloviansk, Kramatorsk và Mariupol. Mục đích lớn nhất trong giai đoạn này của họ chính là Mariupol. Những ngày cuối tháng 8, họ đã chiếm thị trấn Novoazovsk, tìm cách đến gần Mariupol và các cuộc giao chiến với vũ khí hạng nặng giữa hai bên liên tục xảy ra ở ngoại vi thành phố. Trước sức ép ngày càng tăng với thành cảng quan trọng nhất ra biển Azov này, chỉ sau 3 ngày ký thỏa thuận, Tổng thống P.Poroshenko đến Mariupol. Trước hàng ngàn công nhân luyện thép, ông nói sẽ bảo vệ thành phố bằng lực lượng mạnh nhất và hứa sẽ làm cho quân ly khai “thất bại đau đớn”.

Những ngày giữa tháng 10 khi tôi đến, có vẻ như thành phố bình yên hơn sau lời hứa của Tổng thống. Thỉnh thoảng vẫn có những đợt pháo bắn ở phía ngoại ô. Thành phố vẫn giới nghiêm từ 20 giờ đến 6 giờ sáng. Không thể ra vào Mariupol trong khoảng thời gian ấy…

Đến thành phố Donetsk là niềm khát vọng lớn nhất của tôi trong những ngày ấy. Có xa gì đâu, đi ôtô chỉ hơn trăm cây số. Nhưng không thể đi xe của chúng tôi. Anh lái xe người U bảo: “Tôi không dám đi đâu. Không có sức để đào hào, đắp hầm trong cả tháng với mỗi ngày hai bát súp loãng với mẩu bánh mì”. Anh ta không nói quá. Ngay cả một người Việt bán hàng chợ ở thành phố Donetsk, “không liên quan” gì với cuộc chiến, cũng bị bắt lao động “công ích” đào hào suốt hai tuần. Đi xe riêng rất nhiều khả năng bị trưng dụng, với miếng giấy lem nhem cầm làm “kỷ niệm”, còn chiếc xe chắc chắn sẽ biến mất.

Đã nhiều lần tôi đi nước ngoài, thấy buồn vì cái thẻ nhà báo không giúp được gì. Ở Ukraina lúc này còn không nên nói mình làm cái nghề nhà báo. Không một bên nào muốn có các bài viết bất lợi cho họ. Lại phục các nhà báo làm cho các tập đoàn báo chí, thông tấn lớn ở Âu - Mỹ. Có thế, có lực, họ có thể nhào vào các phái đoàn quốc tế, phi chính phủ, hoặc nếu không, họ rất có tài - và đương nhiên là có tiền - để móc với các phóng viên, thông tin tại chỗ… Thế thì tôi sẽ phải đi như thế nào?

Kỳ cuối: Người Việt ở phía Đông

Tôi sẽ đến trung tâm thành phố Donetsk, thủ phủ của tỉnh Donetsk bằng cách nào là câu hỏi thường trực khi tôi đặt chân đến Ukraina. Mặc dù biết Đại sứ Nguyễn Minh Trí, Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov và đương nhiên là cả Nguyễn Hoàng Nam - người đi cùng tôi - không muốn cho tôi đến đấy.

Họ lo cho tôi cũng phải. Là nơi “hòn tên mũi đạn”, tình hình an ninh trật tự không ổn chút nào. Không chỉ có quân đội chính phủ, còn có quân ly khai và cả đám lưu manh giả danh lực lượng ly khai nữa, lấy ô tô, bắt cóc đòi nộp tiền chuộc đã không còn là chuyện lạ. Lẽ dĩ nhiên, cậu lái xe người U không dám đi và Nguyễn Hoàng Nam cũng không dám liều cầm lái. Cô Phương giờ dạt xuống Odessa đã dặn tôi nên đi xe chở hàng và sẵn lòng móc nối giúp. Nhưng đã xuống Mariupol thì đầy người mình nên tôi vẫn hy vọng. Buổi tối khi ăn bữa đầu tiên ở đất Mariupol, nhà chị Triệu Thị Nghĩa và anh Đỗ Duy Thư, tôi đã gặp cả gia đình em trai chị - Tuấn. Với dáng vẻ ngang tàng, hơi bốc đồng và tuổi trẻ, Tuấn bảo: “Sáng mai dậy sớm đi xe khách với em”. Nhưng tôi chỉ có phần yên tâm hơn khi nói chuyện với Trịnh Văn Tiên, Phó Chủ tịch Hội người Việt tỉnh Donetsk, đang đưa vợ và một đứa con sơ tán ở nhà chị Nghĩa anh Thư gần 2 tháng nay. Từ Mariupol hàng ngày vẫn có nhiều chuyến xe đi từ thành phố Donetsk. Có 2 trạm kiểm soát của quân chính phủ và 2 trạm của lực lượng ly khai. Đến trạm thì đàn ông dưới 55, 60 tuổi (xem giấy tờ) đều phải xuống xe xét hỏi. Cũng có sao đâu, tôi không mang máy quay, chỉ có chiếc máy ảnh du lịch.

Sáng hôm sau, tôi ra chợ bán buôn cũng như bán lẻ lớn nhất, gặp Tiên. Anh đã chuẩn bị lên đường vì còn có đứa con lớn đang học đại học ở thành phố Donetsk. Pháo đang bắn cầm canh suốt đấy! Anh nói và báo cho tôi một tin buồn. Tôi không thể đi được vì anh mới nhận được tin, lực lượng ly khai không cho phép bất cứ ai không có hộ khẩu thường trú được vào thành phố. Xong, thế là hết cách. Anh an ủi tôi, bao giờ đỡ căng thì anh xuống vậy. Tôi đâu phải là anh, đâu thể gắn bó để chờ đợi và hy vọng được. Có thể đây cũng là lần cuối cùng tôi đến tỉnh Donetsk, thậm chí là cả với Ukraina. (Ngay cả Nam ở Kharkov và cô Mai Anh - CTV Tuần tin Quê hương ở ngay Kiev, mà cũng mới lần đầu đến Mariupol). Sau này, đến buổi chiều thì những người mình tôi đã gặp ở Mariupol cho rằng, không đi được cũng là điều bình thường, bởi chị Nghĩa nói, cô người U đang bán hàng cho chị ở chợ, vừa ngất lên ngất xuống vì đầu giờ chiều, pháo rơi và nhà, chồng và bố chồng chết, em trai chồng bị thương rất nặng…

Trước khi ra xe khách về với con trai, Trịnh Văn Tiên kéo tôi vào quán cà phê rất đỗi bình dân như để an ủi. Giờ anh vẫn thường xuyên phải đi về giữa hai thành phố. Như rất nhiều người Việt khác, anh luôn bình thản, chấp nhận số phận. Tỉnh Donetsk đã là quê hương thứ hai, không dễ gì rời bỏ. Cộng đồng người Việt ở tỉnh này rất nhỏ bé. Những người đầu tiên đến đây là để hợp tác lao động từ những năm 1988, trong số hàng trăm người người đầu tiên ấy có hai phần ba là người Tây Nam Bộ. Sau này có những người trôi dạt từ Sakhty, Rostov trên sông Don của nước Nga và có người dạt từ Siberia về. Rồi anh chị em kéo nhau, từ gần đến họ hàng xa sang, thế là thành cộng đồng. Có 6 thành phố thị trấn có người Việt, khoảng hơn 400 người. Riêng thành phố Donetsk có chừng 250 người với 60 gia đình cắm mặt ở 4 chợ. Sau cái gọi là cuộc chiến lần thứ nhất, hầu hết phải đi sơ tán về Kiev, Kharkov, Odessa… Khi Tổng thống P. Poroshenko ký lệnh ngừng bắn và ký Quy chế đặc biệt cho mấy tỉnh phía Đông, dân bản xứ địa phương và hầu hết người Việt lục tục kéo nhau về. Nhưng rồi cuộc chiến lần thứ hai lại bùng nổ , họ lại khăn gói lên đường. Nhiều gia đình người Việt khi đi vẫn để lại cửa hàng do nhân công người U bám lại để có công ăn việc làm. Và cũng có gia đình không thể nào ra đi vì không có điều kiện, hoặc phải giữ nhà nên hiện nay vẫn có “khoảng 20 gia đình, hoặc ½ gia đình - như nhà anh Tiên chẳng hạn - với khoảng 30, 40 người vẫn phải ở lại thành phố Donetsk. Tôi đặt tên phần ký sự kỳ trước là “Mariupol - Thành phố Thép”. Nó là Thép bởi không chỉ là nơi sản xuất thép mà chính bởi vì những con người có đầy chất thép, trong đó có người Việt của chúng ta.

…Có một lần, tôi trở lại vùng quê nơi sơ tán thời chiến tranh phá hoại ở miền Bắc sau hơn 40 năm. Thế rồi, giật mình tôi tự hỏi, nếu bây giờ lại có chiến tranh, lại phải đi sơ tán thì sẽ ra sao, có còn những người dân quê nhường nhà cửa cho ta ở nhờ nữa không? Hỏi thế mà không thể trả lời, vì thấy chính mình, nhà cửa nơi thành phố rộng thế mà khách quen đến cũng chỉ muốn mời họ ra nhà nghỉ, khách sạn hoặc cắn răng chịu đựng cho qua mấy ngày như chịu cực hình?

Nhưng người Việt mình ở phía Đông Ukraina không phải thế. Ít nhất thì đó cũng cho tôi biết thêm một chuyện lạ.

Anh Tiên quả là có trí nhớ cực tốt không chỉ vì là người đang làm công tác Hội. Anh gần như biết tất cả các gia đình ở thành phố Donetsk và Mariupol, biết mỗi thành phố như Kiev, Kharkov, Odessa… có bao gia đình từ miền Đông đến “ở đậu”. Riêng ở Mariupol, có tới 8 gia đình từ thành phố Donetsk. Tôi cứ nghĩ, có lẽ không chỉ do Mariupol cận kề thành phố này mà bởi người Việt ở đây có phẩm chất cao quý - rất hiếm có ở thời buổi này. Đôi khi, tôi cứ nghĩ những cụm từ “đồng bào”, “tương thân tương ái”, những tục ngữ như “lá lành đùm lá rách”, những câu ca kiểu “Bầu ơi thương lấy bí cùng”… lắm khi chỉ là lời hô hào, nhạt nhẽo và không ít bày đặt… Thế nhưng, tôi thấy mình từng quá bi quan. Người Việt ở Mariupol không thế. Cũng như tôi đã từng nghi ngờ những công việc từ thiện, những người gọi là các “nhà hảo tâm”, nhưng cô diễn viên, hoa hậu bỗng nhiên mở lòng “từ tâm”… nhưng, tôi nhắc lại người Việt ở Mariupol không như thế!

Có khá nhiều người Việt thành đạt, là đại gia có tầm cỡ lớn. Nhưng họ đang ở - hoặc từng ở - những thành phố như Kharkov, Odessa, Kiev chứ không có ai nổi lên từ tầm cỡ thành phố Mariupol, Donetsk… Mariupol - cũng những người anh em ở thành phố bi thương Donetsk - không có những đại gia, không có ai thật thành đạt, hiểu theo nghĩa tiền của, danh vọng, địa vị. Nhưng hầu hết họ đều có tấm lòng.

Những người như chị Triệu Thị Nghĩa, chị Nguyễn Thị Thu Hồng không tên tuổi, không dư dả gì, lại không hề có “chức phận” đã đi vận động bà con “áo ngắn” trong chợ sẵn lòng chia sẻ hoàn cành với đồng bào tỵ nạn. Có những trường hợp không hề quen biết, không là đồng hương, đôi vợ chồng trẻ Ngô Đình Tịnh Châu - Cao Huyền Trang đã đón gia đình anh Nguyễn Gia Thập ở cùng một thời gian. Nay anh bạn trẻ Thập đã ổn định cuộc sống vẫn nhắc đến ân nhân của mình với sự xúc động và vẫn còn cảm thấy vì sao cuộc đời còn có những người tốt đến thế! Nhà thơ, nhà báo tài tử Nguyễn Văn Biền với bút danh hơi to tát một chút là Chân Lý không hổ danh mình chọn, cũng chỉ là dân chợ, nhưng sẵn lòng đón cả hai gia đình về tạm cư trong căn hộ không lấy gì làm rộng rãi, chỉ có một phòng tắm.

Tôi có may mắn được đến thăm hai gia đình anh chị Đỗ Duy Thư - Triệu Thị Nghĩa và anh chị Lê Văn Thái - Nguyễn Thị Thu Hồng, đó là những người phụ nữ Việt Nam chân chất và rộng lòng, rộng lượng. Chị Hồng bắt tôi đến từng gian hàng của người mình trong chợ cũng như ở vỉa hè con đường trước chợ. Chị bảo, mấy chục năm chị ở đây, chưa có một ai ở Đại sứ quán, cũng chưa từng có một nhà báo nào đi vào chợ kỹ như thế này…

Tôi không biết trả lời thế nào trước tấm lòng của chị cũng như bà con mình. Biết động viên rồi những thăm hỏi thế nào với họ?

Không ít người còn nói, cũng do đánh nhau, phải chạy loạn nên mới được quan tâm như thế! Tôi cũng như Nguyễn Hoàng Nam, thấy buồn và cay đắng trước sự lạc quan như thế dù rằng, những người như chúng tôi không có gì để mang tới cho họ.

Chị Hồng và chị Nghĩa muốn chia tay với chúng tôi và hy vọng, chúng tôi còn trở lại. Các chị đã mời đại diện cho 26 gia đình đang làm ăn ở Mariupol đến nhà vườn của chị Hồng làm một bữa ăn ngoài trời. Tiếc rằng, chúng tôi đã không được hưởng sự ân tình ấy vì còn phải ra đi. Sơn, một anh chàng người Nam Bộ, làm nghề lái xe vận tải hàng dọc Mariupol, Kharkov sau khi gói cho chúng tôi gói cá khô đặc biệt vùng biển Azov bảo tôi: “Anh cứ để xe đi. Sáng mai đi theo xe em, đầu giờ chiều về Kharkov. Biết đâu anh sẽ thấy được khối chuyện lạ”.

Sơn ạ, tôi lại thấy thêm một chuyện lạ ở ngay Mariupol rồi đấy!

* * *

Sau này, khi trở về Hà Nội, tôi có kể cho bạn bè nghe một vài cảm tưởng của mình về Ukraina, đặc biệt là về phía Đông. Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha mời tôi ngồi uống rượu, ngắm những chùm sấu chín vàng, anh viết: “Người bạn vừa đi Ukraina về tả tơi gió bụi/ Miền đất con người đang phấp phỏng bất an/… Miền đất có những người Việt định cư từ thời chiến tranh/ Cứ ngỡ cuộc binh lửa này từ Việt Nam tràn tới/… Họ mãi cắn răng ly hương mong yên hàn mãi mãi/ Ngờ đâu giờ lại xô dạt tang thương…”.

Tác giả (bìa phải) cùng một số bà con người Việt ở chợ Mariupol. Ảnh: Mai Anh. 

Nhưng đâu chỉ là số phận người Việt ở phía Đông mà cốt lõi là số phận của cả người dân Ukraina. Lugansk nay đã mất hẳn về tay quân ly khai thân Nga. Tỉnh trọng yếu Donetsk với dân số, diện tích gấp hàng chục lần Lugansk cũng đã lập Chính phủ, bầu cử Quốc hội tự xưng đã xong. Nhưng như thế chưa có nghĩa là đã hết. Tỉnh Donetsk vẫn còn những thành phố Thép như Mariupol, kiên cường như Sloviansk, Kramatorsk… và như thế là hơi vội khi thấy ông ca sĩ, NSND ồn ào một thời của Liên Xô, Iosif Kobzon - mà riêng tôi không thích giọng ông chút nào - đã nhanh nhảu để đến hát mừng cho lực lượng ly khai ở thành phố Donetsk. Và ngay ở sân bay Donetsk hiện vẫn còn ở trong tay quân đội chính phủ. Các bên đang tăng thêm quân số, vũ khí. Tổng thống P. Poroshenko đã đề xuất bãi bỏ điều luật tự trị cho hai tỉnh Donetsk và Lugansk (những vùng đất đã bị chiếm giữ bởi phe ly khai). Người Ukraina và phương Tây không bao giờ chấp nhận cuộc bầu cử riêng ấy.

Như thế sẽ là chia rẽ và sẽ là chiến tranh. Tôi lại nhớ đến tiểu thuyết “Phía Tây có gì lạ” của E. Remarque với đoạn kết viết về một người lính Đức thở than bên xác chết đối thủ - một người lính Pháp:
“...Chúng ta đều sợ chết như nhau, đều chết một cách giống nhau, chịu những nỗi đau đớn như nhau...”. Nhưng rồi tác giả sẽ còn phải viết tiếp về cuộc Thế chiến thứ II với quy mô còn tang thương, đau đớn hơn nhiều cho cả nhân loại. Cũng bởi thế, tôi tin rằng, phía Đông Ukraina có và sẽ còn có rất nhiều chuyện lạ với câu hỏi day dứt mãi không nguôi, sao những người anh em ở Ukraina cứ bắn giết nhau, dù đều phải “chết một cách giống nhau, chịu những nỗi đau đớn như nhau…”?

Đỗ Quang Hạnh / laodong

URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=80012
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru