Mekong News http://mekongnet.ru
Nghệ sĩ Phùng Há và những cuộc tình buồn - Phần 1: Mối tình trớ trêu với người đàn ông đã có vợ
18.01.2014 15:42 | In ra

Ít ai biết rằng, nữ nghệ sĩ đầu tiên thủ vai Bạch Thu Hà trên sân khấu lại có những cuộc tình buồn hơn trong vở tuồng mà cô đã thủ diễn...

Đó chính là “nghệ sĩ vĩ đại”: Má Bảy Phùng Há – người đã đóng vai Bạch Thu Hà đầu tiên trên sân khấu cải lương của gánh Huỳnh Kỳ vào những năm 1930 trong vở tuồng Giọt máu chung tình (cũng cần nói thêm là mãi 20 năm sau, soạn giả Viễn Châu mới dựa vào Giọt máu chung tình để soạn 2 bài vọng cổ “Võ Đông Sơ” (có lời như trên) và “Bạch Thu Hà” (bài “Võ Đông Sơ” phổ biến hơn).

Sinh năm 1911, mất năm 2009 (99 tuổi), nghệ sĩ Phùng Há là cô đào cải lương sống thọ nhất và là người duy nhất gắn bó với bộ môn cải lương suốt một thế kỷ. Có thể nói, ở lĩnh vực nghệ thuật Phùng Há được tôn vinh bởi tài nghệ và công lao đóng góp cho cải lương bao nhiêu thì chuyện tình cảm của cô lại là những nốt trầm, bi thương bấy nhiêu...

Tiếng ca trong lò gạch

Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo, sinh tại làng Điều Hòa, huyện Châu Thành (Mỹ Tho, Tiền Giang). Cha là người Hoa, tên Trương Nhân Trưởng. Ông này đã có vợ con ở Quảng Đông (Trung Quốc) nhưng rồi vì chơi nghịch: lấy pháo quấn vào bím tóc của một người bạn. Pháo nổ, bay luôn bím tóc. Sợ bị tù tội, ông một mình trốn sang Việt Nam, bán thịt bò ở chợ Mỹ Tho và lấy bà Lê Thị Mai làm lẽ.

Cuộc hôn nhân dị tộc này cho ra đời 7 người con gồm: Trương Tích Kỳ (trưởng nam), Trương Ngân Hảo, Trương Liên Hảo (nữ), Trương Tích Huy (chết lúc còn nhỏ), Trương Tích Trung (nam), Trương Phụng Hảo và Trương Nguyệt Hảo. Phụng Hảo là con thứ 6, người Quảng Đông phát âm “Phụng Hảo” là “Phùng Há” cho nên cô được gọi là... con Bảy Phùng Há (sau này là Cô Bảy, Má Bảy...).

Phùng Há được 9 tuổi (1920) thì ba mất, mấy mẹ con bị ép sang Quảng Đông hai lượt để... chịu sự quản thúc của gia đình chồng. Gia sản bị người chú ruột và người anh cả chiếm đoạt nên người mẹ đã đưa Phùng Há trốn về Việt Nam. Lúc đó Phùng Há còn chưa biết hết mặt chữ đã phải đi nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ mẹ nuôi bà ngoại.

Sau này bà tâm sự: “...13 tuổi, tôi về sống bên ngoại thì bà ngoại tôi đau mắt, không tiền thang thuốc nên bị mù. Má tôi đau buồn, bệnh tật thường xuyên. Tôi đến nhờ anh Hai (Trương Tích Kỳ) giúp nhưng anh không ngó ngàng gì đến má và em. Tôi phải đi mò lạch, kiếm cá, tép là cái ăn nuôi mẹ. Bà dì Tư trong xóm thương tình, dẫn tôi tới lò gạch ông Bang Hoạch xin in ngói. Cứ in 100 viên thì được 3 xu... Tôi làm không quen, buồn quá nên vừa làm ca nghêu ngao cho đỡ buồn. Không ngờ, mọi người xung quanh nghe thích quá, mới bảo tôi ca cho họ nghe rồi họ phụ giùm tôi in gạch để có tiền nuôi mẹ...

Cố NSND Phùng Há

Lúc đó, ông Hai Cu là chủ một tiệm vàng ở Mỹ Tho mới lập gánh hát lấy tên là Tái Đồng Ban, ông nghe đồn có cô nhỏ xẩm lai ở lò gạch ca hay nên ổng tới tìm. Ổng bảo nếu tôi chịu về Tái Đồng Ban, mỗi đêm diễn sẽ được phát lương 8 cắc. Ông còn cho mượn trước 50 đồng để lo thuốc thang cho bà ngoại và má tôi. Khi đi diễn gánh hát lại còn cho ăn ngày hai bữa. Đối với tôi như vậy là cả một gia tài to lớn rồi, vì đi in gạch mỗi ngày tôi kiếm chưa tới một cắc...

Tôi theo gánh Tái Đồng Ban, được anh Tư Chơi dạy tôi ca. Ông Năm Mạnh (thầy tuồng Nguyễn Công Mạnh) và anh Năm Châu dạy tôi hát . Sau này tôi mới biết, do chị Năm Phi không về được Tái Đồng Ban nên ông bầu Hai mới tìm người hát chung với anh Năm Châu. Tôi may mắn mới được thế chị Năm Phi”.  

Cùng chung sàn diễn...

Vậy là đã 14 tuổi (1925), Phùng Há trở thành đào chánh đóng cặp với kép Năm Châu ở cái tuổi... gái mới dậy thì. Chính ông bầu Hai Cu đã gợi ý cho cô giữ lại cái nghệ danh Phùng Há, còn hai nhân vật Năm Châu và Tư Chơi lại lọt vô vòng tình cảm luẩn quẩn của cô đào tài danh Phùng Há.

Có thể nói Năm Châu và Phùng Há là những nghệ sĩ có công đặt nền móng cho nghệ thuật cải lương từ thuở sơ khai (cả hai đều đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân). Trên sân khấu Tái Đồng Ban, nghệ sĩ Năm Châu vừa là bạn diễn, vừa là người thầy tài hoa và sáng tạo. Cô học trò diễn chung vừa xinh đẹp, ca hay lại rất thông minh. Họ ca diễn hết sức ăn ý, kẻ tung người hứng một cách xuất thần. Cho nên trái tim cô thiếu nữ mới lớn đã phải thổn thức, rung động trước người thầy, người nghệ sĩ tài hoa và lịch lãm này.

Éo le thay, lúc này Năm Châu đã có vợ. Không thể “danh chính ngôn thuận” để đến được với nhau, họ đành chỉ yêu nhau trên sâu khấu và tỏ tình với nhau qua những nhân vật trong tuồng, tâm sự với nhau đúng như tình huống của nhân vật, gây nhiều thú vị cho khán giả. Suốt thời gian dài cứ yêu nhau trong tiếng nhạc, lời ca, đôi bạn diễn Phùng Há – Năm Châu đã làm người xem mê đăm với mối tình thật mà giả, giả mà thật cứ đan xen nhau một cách hoàn hảo... giữa nghệ thuật và tình yêu...

Tuy nhiên, đến một ngày Phùng Há nhận ra tình cảm của mình đã quá sâu đậm, sợ rồi mình sẽ sa ngã, sợ làm khổ người phụ nữ kia mà con đường tình thì vẫn bế tắc nên cô quyết định chuyển đi đoàn khác.

Phùng Há và Ba Vân trong vở Người điên biết yêu

Năm 1926, Phùng Há và các nghệ sĩ Năm Châu, Tư Chơi, Ba Du gia nhập gánh Trần Đắc của ông bầu Trần Đắc Nghĩa. Cũng trong năm này cô nhận lời kết hôn với nghệ sĩ Tư Chơi (Huỳnh Thủ Trung). Tư Chơi là một nhạc sĩ giỏi, một soạn giả tài ba, vừa thành công lớn qua hai tuồng do anh sáng tác: Khúc oan vô lượng và Tội của ai. Anh vẫn thường đàn và dạy cô Phùng Há ca...

Khi biết Phùng Há nhận lời lấy Tư Chơi, Năm Châu đột ngột bỏ gánh hát, đi theo một nhóm bạn lưu diễn tận Hà Nội. Trước khi đi, ông nhờ người trao cho Phùng Há một lá thư: không có một lời nhắn nhủ tâm sự nào, mà ông chép vào đó 12 câu vọng cổ lời lẽ ai oán, trách móc cố nhân...

Năm sau (1927), Phùng Há sinh con gái đầu lòng, đặt tên là Bửu Trân. Nhưng từ khi lấy vợ, Tư Chơi đâm ra đổ đốn, rượu chè say sưa suốt ngày và bắt đầu theo đuổi cô đào Kim Thoa, rất đẹp và ca cũng rất hay, bỏ mặc cô vợ trẻ Phùng Há. Năm 1929, Phùng Há li dị chồng và kết hôn với  một “huyền thoại ăn chơi” của đất Nam Kỳ: Bạch Công tử (Phước Georges).

Lúc hay tin Phùng Há đã chia tay với Tư Chơi thì nghệ sĩ Năm Châu đang ở ngoài Bắc. Ông bèn trở về với ý định nối lại tình xưa (lúc này ông cũng đã chia tay với người vợ đầu tiên (nữ nghệ sĩ Tư Sạng), nhưng... về đến nơi thì ông bị “việt vị”: Bạch Công tử  đã “hớt tay trên” mất rồi. Số phận quả là trớ trêu!

(Còn tiếp)

(Báo Dòng Đời ngày 29.6.2012).Trích Chuyện tình nghệ sĩ - Hà Đình Nguyên (NXB Trẻ)

URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=68664
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru