Mekong News http://mekongnet.ru
Người Việt đón Xuân trên xứ sở Bạch Dương
05.01.2014 22:36 | In ra

Ghi chép của Châu Hồng Thủy

Gần một phần tư thế kỷ sống ở Nga, tôi cùng đại đa số bà con người Việt đã quen coi việc đón Tết hai lần trong một năm đều quan trọng như nhau.

Mặc dù đã về Việt Nam nhiều lần, nhưng do tính chất công việc, cho mãi đến năm 2012, chưa năm nào tôi được ăn Tết ở quê hương. Năm ngoái, lần đầu tiên tôi được ở Việt Nam từ Tết Dương lịch 2013 kéo dài sang Tết Nguyên Đán Quý Tỵ liền kề.

Tôi rất ngạc nhiên thấy người Việt Nam trong nước quá thờ ơ với việc đón Tết Dương lịch. Ở Hà Nội, các cơ quan được nghỉ ngày mồng một, nhưng trên khắp phố phường tịnh không thấy chút gì không khí đón Tết. Về quê, lại càng không. Các em tôi vẫn ra đồng cấy lúa như mọi ngày thường. Tôi cảm thấy hụt hẫng, thấy như thiếu một cái gì đó ghê gớm lắm.

Dẫu biết rằng người Việt Nam đặc biệt coi trọng Tết Nguyên Đán cổ truyền, nhưng chúng ta đã dùng Dương lịch hơn hai thế kỷ rồi, tại sao người Việt lại thờ ơ đến thế với giây phút Đất Trời chuyển giao từ năm cũ sang năm mới Dương lịch? Thế mới biết, cái truyền thống, cái tư duy nó ăn sâu vào tiềm thức nặng lắm, khó mà thay đổi. Có lẽ Việt Nam mình khó Hội nhập, khó theo kịp với sự chuyển mình của thế giới cũng là vì thế chăng?

Tết Tây: Thêm một niềm vui 

Đa số người Việt ở Nga đã bắt đầu coi Tết Dương cũng là Tết chính, ngang với Tết Âm. Ngoài Tết cổ truyền dân tộc, ta có thêm một cái Tết Tây, cũng là thêm một niềm vui.

Trước hết bởi nhập gia tùy tục. Cộng đồng Việt thường sống co cụm, tách biệt với người bản địa, chịu ảnh hưởng phong tục tập quán nước sở tại với mức độ vừa phải. Riêng các cháu sinh viên sống trong các Ký túc xá của các trường Đại học, đón Năm mới Dương lịch hồ hởi, náo nức, như một điều hiển nhiên, hòa nhập một cách dễ dàng, không có gì phải băn khoăn suy nghĩ.

Lý do thứ hai (lý do rất quan trọng) buộc người Việt phải nghỉ công việc để đón mừng năm mới Dương lịch là vì: 90% người Việt ở Nga sinh sống bằng kinh doanh buôn bán ở chợ. Ngày Tết dương lịch, khách hàng là người Nga chẳng ai đi chợ mua sắm cả. Với họ, ngày Tết là ngày nghỉ ngơi, ngày uống rượu túy lúy (về mức độ uống rượu có lẽ người Nga là số một thế giới). Các cơ quan nhà nước của Nga nghỉ Tết đến tận mồng 9, mồng 10 tháng Giêng. Mình đi chợ thì bán cho ai? Đã bị buộc phải nghỉ chợ, thì giờ rảnh rỗi, tại sao không tổ chức đón Tết cho vui vẻ?

Nhưng sâu xa hơn, nhiều người nhận thức được rằng: Mình ở một đất nước cách xa Tổ quốc hàng chục ngàn cây số, ảnh hưởng của địa lý, của điều kiện tự nhiên, của khí hậu, sự tác động của Mặt Trời, Mặt Trăng và các vì tinh tú đến vận mệnh con người sẽ khác đi rất nhiều so với khi ở quê hương. Vì thế, thời khắc Giao thừa theo Dương lịch ở trời Tây cũng rất thiêng liêng. Nó càng náo nức, rộn rã khi Tổng thống vừa kết thúc Lời chúc Tết trên Tivi, thì chuông nhà thờ điện Kremli điểm 12 tiếng, tiếng pháo nổ bùng lên, cả Đất Trời sáng rực. Nam thanh nữ tú (trong đó có rất nhiều người Việt) đổ ra đường hò reo xem bắn pháo hoa và đón mừng năm mới, những người không ra đường thì ngồi nhà uống rượu, mở ti vi xem chương trình ca nhạc mừng Xuân. Cách thức đón năm mới, sự may rủi hên xui của cả năm, cũng được nhiều người Việt xem trọng tính từ lúc Giao thừa Dương lịch.

Tết 2014 năm nay, ai cũng than là một Tết khó khăn. Năm 2013 qua đi với bao biến động bất lợi cho cộng đồng người Việt, và cả cộng đồng người nước ngoài ở Nga. Từ đầu tháng 8 cho đến cuối năm, liên tục có nhiều chiến dịch truy quét người nhập cư bất hợp pháp. Các Trung tâm Thương mại (TTTM), các Chợ, các Ốp (ký túc xá), các xưởng may… bị kiểm tra liên tục. Cứ thấy OMON (Cảnh sát đặc nhiệm) hoặc cán bộ của FMS (Cán bộ Sở Ngoại kiều) xuất hiện là người nước ngoài dẫu có giấy tờ, hộ khẩu hợp lệ, cũng phải sợ hãi, vội vàng bỏ chạy. Bởi họ cứ tóm tất cả lên xe, chở về đồn xem xét phân loại giấy tờ thật giả sau. Ai không có giấy tờ thì bị trục xuất về nước, hoặc phải chạy tiền có khi tới vài chục nghìn rúp… Người có giấy tờ hợp lệ, lúc được thả về cũng đã mất ngày, mất buổi. Năm nay nước Nga lại gần như không có Mùa Đông, hiếm khi có tuyết rơi, sông cũng không chịu đóng băng (hơn 100 năm nay mới có hiện tượng này). Hàng áo ấm mùa Đông ế ẩm. Chợ không bán được thì các xưởng may ít việc, kéo theo các chủ hãng Vải và phụ liệu may mặc cũng thất thu. Trước Tết 2 ngày, xảy ra hai vụ nổ bom khủng bố liên tiếp tại Volgagrad, khiến người ta ngại ra đường đón Tết.

Tuy nhiên, “sự sống không bao giờ chán nản” (thơ Xuân Diệu). Người Việt ở Nga vẫn không vì khó khăn mà bi quan đến mức không đón Tết. Năm 2012 và 2013 là năm được mùa của sự thành lập các Hội Đồng hương. Ra đời muộn nhất là Hội đồng hương Quảng Bình vào 21/12/2013. Hội nào cũng có thư chúc Tết đăng trên báo điện tử và trên các báo Giấy của cộng đồng. Đây là một điểm mới của cộng đồng Xuân 2014.

Không khí Tết ở Nga đến ngay từ đầu tháng 12 dương lịch. Trên các đường phố, người ta dựng cây thông đón Nooel và Năm mới. Các cửa hiệu thắp đèn nhấp nháy đủ màu. Nhưng không khí Tết thực sự bắt đầu từ Noel, vì ở Nga Tết bao giờ cũng gắn liền với Noel. Ở khu vực ngoại giao đoàn Obolenxki Pereulok, nơi có nhiều con em cán bộ Đại sứ quán và hơn 100 gia đình các doanh nghiệp Việt Nam sinh sống, các bậc phụ huynh đã tổ chức mừng Noel và Năm mới cho các cháu vui vẻ và đầm ấm. Cây thông Noel được dựng tại sân chơi, dự định kéo dài cho tới hết Tết cổ truyền của dân tộc, để khu nhà lúc nào cũng có không khí Tết. Ngày 30/12, Đại sứ quán tổ chức liên hoan đón Tết dương cho cán bộ nhân viên, cùng đại diện các Hội nghề nghiệp, các Hội đồng hương, các Công ty lớn của người Việt trên địa bàn Matxcơva.

Ở một khu xưởng may phía Bắc ngoại ô Matxcơva, Hội Dệt May Việt Nam tại Nga và các chủ xưởng đã mời Cha xứ đến tổ chức Lễ Giáng sinh cho công nhân. Ở đây có hàng trăm thợ may gốc Thiên Chúa giáo, họ tổ chức thi hát Thánh ca, Giải Nhất dành cho tập thể lên tới Hàng ngàn Mỹ kim. Đến thăm khu xưởng may khác ở ngoại ô phía Nam, tôi thấy ở đây công nhân được nghỉ đón Tết từ ngày 26. Họ bảo cả năm làm cật lực, xin chủ cho nghỉ một tuần để dưỡng sức. Được cái mấy ông chủ ở đây hiểu tâm lý và biết thương công nhân, cho đón tết hoành tráng, có trang trí phông màn, dán câu đối Tết, đèn màu rực rỡ. Họ tổ chức tiệc không kém phần thịnh soạn, uống rượu, thi hát karaoke có giải thưởng mấy ngày liền. Có xưởng còn tặng cho anh em món quà Tết thiết thực: mỗi người một chiếc Card điện thoại để gọi về Việt Nam. Trong buổi tiệc tất niên, lãnh đạo công ty, chủ xưởng mở đầu bằng những lời chúc mừng tốt đẹp tới anh chị em công nhân.  Anh chị em công nhân hát hò, đón Giao thừa rồi nhảy múa tới 3-4 giờ sáng.

Với cộng đồng người Việt kinh doanh ở TTTM Matxcơva (quen gọi chợ Liu) hoặc TTTM Sadovod (quen gọi chợ Chim) và các chợ khác thì bà con vẫn phải tranh thủ bán hàng cho đến tận chiều ngày 31. Tuy nhiên, trước đó Ban quản lý chợ Liu đã cho bà con thuộc nhiều dân tộc ở đây đóng quầy nghỉ hẳn một buổi chiều ngày 28 để tham gia vui chơi xổ số với giải thưởng cao nhất là một chiếc ô tô 4 chỗ ngồi siêu sang do TTTM tặng. Tối ngày 29, bà con người Việt kinh doanh ở Dãy D chợ Liu tổ chức đón tết vui vẻ tại nhà hàng Koolown (Cửu Long). Đây là nhà hàng do người Tàu làm chủ, giá cực đắt, nhưng được cái tiện là ở ngay trong ngay khu Chợ. Chỉ những người có nhiều tiền mới dám tổ chức tiệc tại đây.

Đêm Giao thừa Dương lịch, Matxcơva thông thường hàng năm khoảng âm 7 đến âm 10 độ C. Năm nay, thời tiết ấm áp, không có tuyết rơi như mọi năm, nhiệt độ chỉ khoảng 0 độ C đến âm 2 độ C. Hơn 5000 nhân viên cảnh sát thủ đô đã được huy động để đảm bảo an ninh cho ngày Tết. Ước tính, sau giao thừa có hơn 50 nghìn người đổ ra đường đón năm mới. Nhiều người Việt Nam (chủ yếu là sinh viên) cũng ra đường chơi Tết. Matxcơva có 7 điểm lớn tập trung bắn pháo hoa. Vì xảy ra sự kiện 2 vụ nổ bom liên tiếp ở Volgagrad, nên hình ảnh bắn pháo hoa tại Matxcơva không được chiếu trên truyền hình như mọi năm. Đón Tết vui nhất, hồn nhiên nhất có lẽ vẫn là cánh sinh viên. Nhóm thì ra bờ sông Matxcơva, nhóm ra Quảng trường Đỏ, ngắm pháo hoa và chụp ảnh…Về đến nhà đã 2-3 giờ sáng, các bạn trẻ còn thức tiếp để tải hình lên Facebook chia sẻ cùng bố mẹ, anh chị em và bè bạn ở Việt Nam. Mấy ngày Tết, các bạn sinh viên thường tổ chức liên hoan ngay tại Ký túc xá của trường. Riêng các bạn Trường Đại học Bơ - Sữa lại tổ chức đón Tết hoành tráng với nhiều khách mời là bè bạn các trường, tại nhà hàng Hạ Long, một nhà hàng lớn của người Việt tại Matxcơva.

Tại các thành phố Tomxk và Irkusk ở vùng Xibiri thường lạnh âm 30 – 40 độ, do năm nay đỡ lạnh hơn năm trước, nên các bạn sinh viên ở đây đã chọn cây thông ở Trung tâm thành phố để đón Giao thừa và xem bắn pháo hoa. Ngày 1/1/2014, Bản tin Thời sự Sinh viên Irkutsk phát sóng số đầu tiên mừng năm mới, do Sinh viên Việt Nam Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Irkutsk thực hiện, không kém gì Truyền hình chuyên nghiệp. Các bạn sinh viên ở Tu La ngoài việc tổ chức ẩm thực, còn có chương trình giao lưu Văn nghệ rất sôi nổi, vì đây là đơn vị có phong trào Văn nghệ mạnh nhất so với khối sinh viên Việt Nam tại Nga.

Cộng đồng người Việt ở Matxcơva mấy năm nay không còn điều kiện sống tập trung trong Ốp (Ký túc xá) như ngày xưa, mà tản ra thuê các Kva (căn hộ) biệt lập. Vì thế không còn cảnh các Chủ ốp, Chủ công ty tổ chức cho bà con đón Tết tập trung như nhiều năm trước. Nhà nào biết nhà đó. Hoặc vài nhà tổ chức tập trung tại một căn hộ cùng đón Tết. Hàng trăm người Việt ở Hội Thánh Tin lành “Lời sự sống” Việt Nam tại Matxơva hơn chục năm nay có lệ đón Tết tại Hội trường Trung tâm Thánh kinh Lời sự sống, chung với các tín hữu người Nga và các dân tộc khác, bắt đầu từ 11 giờ đêm, nghe giảng bài và hát Thánh ca. Hội trường có sức chứa tới gần 2.000 người. Vào lúc O giờ kém 30 giây, trên màn hình lớn xuất hiện đồng hồ đếm Thời gian. Tất cả cùng đồng thanh đếm giật lùi. Đúng Không giờ, tất cả reo hò và vỗ tay mừng năm mới. Mục sư trưởng Matts Ola người Thụy Điển cầu nguyện chúc phước cho tất cả mọi người. Sau lễ đón giao thừa, mọi người ùa ra sân cùng đốt pháo rồi trở về nhà hoặc rủ nhau đi chơi phố...

Gọi điện chúc Tết Tiến sĩ Nguyễn Đình Hoàng, chủ nhà hàng Nem’s nổi tiếng ở Matxcơva, thì được biết anh đã dẫn vợ con cùng các nhân viên nhà hàng của mình đi xem bắn pháo hoa. Đây là một trong số rất ít các ông chủ quan tâm đến đời sống tinh thần của nhân viên, cho đi chơi phố ngày Tết. Nhà báo Võ Hoài Nam, CTV của Dân trí, Hà Nội Mới và Lao động, hiện đang sống tại thành phố Puskino, cách Matxcơva 60 km, kể qua điện thoại: nhà chỉ có hai vợ chồng, (anh và chị Natasa) mở sâm panh chúc nhau, rồi ngồi xem biểu diễn ca nhạc qua tivi.

Trao đổi với anh Dương Hải An, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Volgagrad, rồi với Trần Đức Thiết, một cộng tác viên của chúng tôi, được biết: Bà con ở Volgagrad nghỉ chợ từ ngay sáng 30/12 vì sợ bị đánh bom tiếp. Đêm 31/12 đích thân tổng thống nga Putin bay từ Khabarov (Viễn Đông) về Volgagrad kiểm tra tình hình, đặt hoa tưởng niệm những nạn nhân xấu số, thăm người bị thương trong bệnh viện (hình ảnh ông xuất hiện chúc Tết trên tivi lúc Giao thừa đã được ghi sẵn từ những ngày trước). Nhịp sống bình thường của người dân bắt đầu trở lại. Thời tiết Volgagrad đêm Giao thừa rất đẹp, nhưng ngoài phố vắng vẻ so với mọi năm. Thành phố không bắn pháo hoa, không tổ chức biểu diễn ca nhạc, vì dành ba ngày tưởng niệm những người chết trong vụ khủng bố. Ban lãnh đạo tổng công ty Volga-Việt và Hội người Việt tại Volgagrad đã tổ chức đón Giao giao thừa cho hàng trăm bà con người Việt sống tại 4 ốp và khu Nông trại do công ty quản lý. Tuy không hát hò, không nhảy múa như mọi năm, nhưng vẫn đầm ấm và vui vẻ. Các gia đình chồng Việt vợ Nga, trong đó có vợ chồng anh Vũ Văn Định và bốn con trai cũng vào ốp đón Tết với cộng đồng.

Ở thành phố Xa mara cách Matxcơva hơn 1000 km, anh Bùi Đức Thẩm đã đứng ra tổ chức cho hơn 70 bà con người kinh doanh tại chợ Kirov đã tập trung đón Tết tại Nhà hàng Hà Nội. Thẩm gọi điện khoe với tôi, trang Facebook “Nhà chung Xamara” của cộng đồng dưới đó đã đăng tải ảnh và Video đón Tết của bà con…

Nhờ thời đại bùng nổ thông tin, qua điện thoại, qua mạng Internet, qua trang Facebook…, ngồi ở Matxcơva, chúng tôi vẫn cảm nhận được không khí đón Tết của đồng bào mình trên khắp đất nước Nga.

 Những hình ảnh đón Tết của người Việt khắp mọi miền, đã được đưa  đăng tải trong các bài của mục Cộng đồng của website mekong News (mekongnet.ru) cách đây vài ngày, xin không đưa lại ở cuối bài viết này...

Tết Nguyên Đán: Một chiếc bánh chưng, một cánh đào phai cũng đỡ nhớ quê nhà

Vào lúc ở quê nhà rạo rực Hoa Đào, Hoa Mai nở, mọi người náo nức đón Tết Nguyên Đán Âm lịch, thì bên này vẫn còn tuyết rơi mù mịt, băng giá tới 10, có khi tới 15, 20 độ âm, chẳng có vẻ gì là Tết cả. Dù vậy, người Việt không bao giờ quên cái Tết Âm lịch đã ăn sâu vào tiềm thức của mình. Người có điều kiện thì về Việt Nam ăn Tết, với giá vé đắt kinh khủng, có chuyến lên tới 47 nghìn rúp khứ hồi, tương đương với 1 nghìn 400 đô. Đa số thì ở lại.

Khi tôi viết những dòng này, thì đến Tết Nguyên Đán còn những gần một tháng. Nhưng rồi nó sẽ diễn ra tương tự như nhiều năm trước. Người ta sắm sửa ăn Tết Ta to hơn Tết Tây. Quà cáp biếu nhau, phong bao lì xì cho trẻ em nhiều hơn. Tuy Tết to nhưng với người kinh doanh ngoài chợ, Tết lại chỉ diễn ra chỉ được có một ngày.

Bởi vì Tết của ta, người Tây đâu có nghỉ. Ai làm việc trong cơ quan của nước sở tại cũng chỉ xin nghỉ được một ngày. Còn ai buôn bán ngoài chợ, nghỉ một buổi nghĩa là toi mất khoảng 5 đến 600 đô tiền thuê chỗ. Tiền thuê chỗ phải đóng trước cả tháng, nghỉ ngày lễ người ta cũng chẳng trừ cho một đồng nào. Ở Chợ Liu, tiền thuê quầy bán hàng có diện tích 15 m2 trung bình 500 đến 600 nghìn rúp 1 tháng. Nghĩa là khoảng gần 20 nghìn đô. Đấy mới chỉ là tiền thuê chỗ thôi. Con số này, khi tôi nói ra, nhiều người trong nước kinh ngạc, trợn tròn mắt, họ không thể tưởng tượng nổi. Người Việt kinh doanh buôn bán ở Nga chịu nhiều áp lực kinh khủng.  Bà con chỉ dám nghỉ chợ để ăn Tết ngày mồng Một âm, còn lại gần như 360 ngày làm việc quần quật. Có năm, người ta tính: Mồng Một năm nay là ngày đẹp, đi bán mở hàng lấy may, mồng hai mới nghỉ ăn Tết. Nếu chỉ tính riêng cường độ lao động, có thể nói đa số bà con người Việt ở chợ Liu, chợ Chim có thể được phong danh hiệu Anh hùng Lao động. Những người ở xưởng may, ở những trại trồng rau trong nhà kính, các cháu học sinh phổ thông cũng vậy, phải làm việc hoặc đến trường ngay từ sáng mồng 2.

Tuy chỉ có một ngày, nhưng mọi người chuẩn bị cho nó rất kỹ. Tết Nguyên Đán của ta trùng với Tết của người Trung Quốc. Vì thế, những ngày Giáp Tết, trên cánh cửa các quầy hàng người Tàu đỏ rực những dòng câu đối. Ở cửa mỗi căn hộ có người Tàu thuê, họ thường dán chữ Phúc lộn ngược, nghĩa là Phúc “đảo”, “đảo” đồng âm với “đáo” (đến). Phúc đã đến nhà là không bước ra nữa. Một số người Việt được các đối tác làm ăn người Tàu tặng cho chữ này, cũng đem về dán ngược như họ. Các chủ Chợ, Chủ TTTM thường có quà tặng các chủ quầy bán hàng trong khu vực mình quản lý: Một túi đựng chai Sâm panh hoặc Vodka, một cặp bánh chưng hoặc hộp Mứt, kèm theo cuốn lịch. Những nơi có điều kiện đón Tết tập trung đông người thì trang trí có phông chữ, làm cành đào giả, khéo đến nỗi trông xa cứ y như thật. Có chủ doanh nghiệp chơi sang, thì mua cành đào thật từ trong nước chuyển sang bằng máy bay. Dù là đào thật hay đào giả, nhìn thấy màu hoa, cộng với chiếc bánh chưng bày ngày Tết, ta cũng thấy quê hương Tổ quốc như gần lại, vơi đi nỗi nhớ quê nhà.

Các dịch vụ Tết năm nào cũng hái ra tiền. Các quầy hàng khô “đánh” mứt và phong bì lì xì đỏ từ Việt Nam sang. Bánh chưng thì từ khoảng hơn chục năm trở lại đây, không phải đánh từ Việt Nam sang nữa, chỉ cần chở lá dong sang bằng đường hàng không, gói tại chỗ, giá thành rẻ hơn. Các dịch vụ gói bánh chưng theo đơn đặt hàng của các công ty, của các quầy hàng khô, các gia đình. Gà trống quê dùng để cúng tất niên, được các dịch vụ về nông thôn đặt trước hàng tháng, chở về Matxcơva bán với giá cao gấp 4-5 lần gà thường.

Đại sứ quán ta năm nào cũng tổ chức đón Tết Nguyên Đán vào khoảng ngày 27, 28 tháng Chạp  cho cán bộ nhân viên Sứ quán và các đại diện các tổ chức cộng đồng. Có chương trình Văn nghệ do các ca sĩ của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga, hoặc có thêm các ca sĩ trong nước sang biểu diễn. Vui nhất là hái hoa dân chủ. Chương trình hồi hộp nhất là quay xổ số, phần thưởng cao nhất do Vietnam Airline tài trợ là một chiếc vé khứ hồi về Việt Nam. Kết thúc chương trình, bao giờ cũng là tiệc đứng, toàn những món ăn mang đậm phong vị quê hương.

Người Việt và người Tàu ở lẫn trong thành phố hơn chục triệu dân, chỉ như vài giọt nước trong biển lớn. Dẫu có vui cũng chỉ trong một nhóm nhỏ, trong một không gian nhỏ. Tết Dương thì tha hồ đốt pháo hoa cùng người Tây, nhưng Tết ta tuyệt đối không. Vì đốt pháo sẽ kinh động đến người xung quanh. Vì thế, Tết ta thật im lìm. Người ta gọi điện chúc Tết nhau qua điện thoại. Gần nhà thì rủ nhau sang uống rượu. Chỉ có cánh sinh viên sống tập trung có điều kiện vui vẻ nhiều hơn… Họ mời bạn bè quốc tế cùng vui Tết, để qua đó quảng bá phong tục và văn hóa Việt.

Người Việt tổ chức đón Tết Nguyên Đán cho khỏi quên nguồn cội của mình, giữ lại một tập tục văn hóa đã ngấm vào máu thịt, chứ ở phương trời băng giá mù mịt tuyết giăng, dù có tổ chức cho to thế nào chăng nữa, vẫn không ra phong vị Tết quê nhà. Nó thiếu nhiều thứ lắm. Trong lòng mỗi người, đều ao ước có một ngày được ăn Tết đoàn tụ thực sự ở quê hương.

Trong những ngày đón Tết Nguyên Đán Nhâm Thìn năm trước, tôi đã có một bài thơ nói về nỗi ước ao đó của mình:

NHỚ TẾT QUÊ HƯƠNG

Khi quê nhà muôn cỏ cây rạo rực
Nhựa chuyển cành nảy lộc đón chào Xuân,
Thì nơi con tuyết phủ dầy, lạnh buốt
Hàng bạch dương đứng trơ trụi âm thầm.

Chuyến máy bay chiều cuối năm gửi tới
Cành đào phai nụ phơn phớt sắc hồng,
Có bánh chưng, treo thêm hàng câu đối…
Vẫn không thành hương vị Tết quê hương.

Thèm một chút hạt mưa phùn lất phất
Sương giăng mờ trên vạt cỏ đường quê,
Nhớ khói bếp mẹ nhen chiều giáp Tết
Ngoài bến sông náo nức tiếng ai về.

Ước trở lại những tháng ngày thơ ấu
Lũ chúng con bên cha mẹ quây quần,
Sốt ruột đợi phút giao thừa đốt pháo,
Háo hức chờ quà mừng tuổi đầu năm.

Tết quê nghèo nhưng đoàn viên hạnh phúc
Vẫn sâu đằm trong ký ức tuổi thơ.
Và con biết giao thừa này mẹ khóc
Nhắc đứa con ở xứ tuyết không về…

Châu Hồng Thủy

URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=68302
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru