Mekong News http://mekongnet.ru
Chia tay họa sĩ Nguyễn Sáng…
30.12.2013 15:51 | In ra

Bảy giờ sáng thứ hai, hoạ sĩ Nguyễn Sáng lên máy bay rời Hà Nội. Cuộc chia tay trong mưa phùn, gió lạnh đêm qua đột ngột trở về. Ông về nghỉ dưỡng ở quê nhà, nơi có nấm mồ người mẹ yêu thương, và người vợ trẻ bất hạnh, cùng căn nhà hoang vắng, trống rỗng ở Cầu Bông - Sài Gòn...

Đêm chủ nhật 16.11.1987 Hà Nội mất điện, lúc tôi đến thấy Quốc (anh vợ Nguyễn Sáng) đang ngồi ăn cơm trong bóng tối, chiếc đèn dầu đã vỡ. Bỏ chiếc túi có màn cá nhân đem theo, tôi sang buồng hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm mượn chiếu, chăn len nằm ngủ ở lối nhỏ hành lang trước nhà. Ngồi chơi với anh Nghiêm hồi lâu, mấy anh em chúng tôi rủ nhau lên uống rượu tiễn để chia tay Nguyễn Sáng.

Họa sĩ Nguyễn Sáng

 Anh nằm im như liệt, hỏi tôi dạo này vẽ được nhiều không và khuyên tôi nên vẽ cởi mở hơn chút nữa…Gần sáng, Quốc ra ga mua 3 chiếc bánh mỳ, chúng tôi cho Nguyễn Sáng uống 2 viên cloxit, cuốn chăn màn vào túi du lịch, toàn quần áo cũ, nhàu nát. Một gói tiền nhỏ gói bằng giấy xi măng có lẽ là tiền bán tranh cho ông Bổng. Nguyễn Sáng dặn để lại toàn bộ đồ vẽ vì nặng lắm. 5h30 phút, ô tô tới, chúng tôi dìu Nguyễn Sáng xuống cầu thang, khiêng vội ông vào xe, tránh chiếc tàu điện lao qua...

Ô tô của Hội Mỹ thuật chạy qua phố Hai Bà Trưng đón đoàn họa sĩ Sài Gòn ra họp trở về cùng ra sân bay Nội Bài. Gặp các anh Thanh Châu, Nguyễn Hải… tôi giao giấy tờ cho họa sĩ Quách Phong và nói về tình trạng sức khoẻ của Nguyễn Sáng. Mọi người dìu Nguyễn Sáng khập khiễng từng bước trên sân bay, nhưng ông vẫn cố mỉm cười, nụ cười hiền lành nhưng cũng ngang tàng mang nét tính cách Nam bộ. Hành lý của ông lính hải quan chỉ nhìn qua, không khám, có một túi nhỏ khép kín, túi to bỏ ngỏ, bên trên phủ bằng chiếc áo len hoạ sĩ Dương Bích Liên tặng...Tôi thấy cay cay nơi sống mũi, nước mắt tự nhiên trào ra. Vĩnh biệt Nguyễn Sáng, có thể nói gần như thế. 45 năm sống trên đất Bắc từ độ tuổi 20 thanh xuân lực lưỡng, hăm hở tình yêu nghệ thuật và cách mạng tạo dựng một sự nghiệp lẫy lừng, lúc trở về với tấm thân ốm đau, bệnh tật. Cuộc chia ly với bầu trời u ám đầy mây sao nặng nề và buồn thảm đến vậy. Chẳng rõ ông sẽ sống ra sao trong những ngày tháng cuối đời ở Sài Gòn náo động và khắc nghiệt lúc này.

Tranh “Ngựa” của Nguyễn Sáng, sơn mài, 45x70 cm (năm 2006)

Sau lần trưng bày tác phẩm cuối cùng Vũ trụ tại triển lãm quốc tế ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, rồi triển lãm cá nhân 1984 lừng lẫy, ông bay vào vũ trụ của riêng ông, luân hồi theo kiếp sống: về với mẹ, với vợ, về căn nhà xưa thơ ấu, về mảnh đất Nam Bộ sinh thành tận tâm sống những ngày cuối trước lúc về với cát bụi, hư vô, hư không của vũ trụ, như tình yêu ông gửi trong tác phẩm: đôi tình nhân quấn quýt bay cao, tuổi thanh xuân bất diệt, nghệ thuật cao siêu không cùng của người nghệ sĩ lớn của nhân dân…Ngồi trước nhà họa sĩ không Nguyễn Sáng hôm sau, bà lão bán nước trà nói với chúng tôi: “Ông ta tài lắm, nhiều hoa tay lắm và ông ta giàu lắm, một bức tranh bán đi sống được một đời...”. Trước đây, hơn một lần hoạ sĩ Nguyễn Sáng từng tâm sự: “Mình không có quyền lực, cũng không có tiền bạc, nhưng mình có ảnh hưởng”. Rồi ông còn giải thích thêm như Jesu, Đức Phật Thích Ca, Anhxtanh, Picasso...có quyền lực gì đâu, có cho ai đồng nào đâu mà nhân loại cứ kính trọng lễ vái ngày đêm, nhắc tới họ luôn. “Không có Hà Nội, không có Nguyễn Sáng” - đó là lời của ông, bởi ông yêu da diết Hà Nội, bởi Nguyễn Sáng là của Hà Nội, của Việt Nam.

Vào dịp Hội Mỹ thuật Việt Nam kỷ niệm trọng thể 90 năm sinh của ông (1923-2013), tôi nhớ lại ngày cuối cùng chia tay Nguyễn Sáng như một ký ức không bao giờ quên. Đời nghệ sĩ kiêu hãnh và bất tử trong những tác phẩm lớn còn nguyên vẹn trong ký ức mọi người. Lớp nghệ sĩ chúng tôi chịu ơn ông - một người bạn vong niên tri kỉ, tri ân. Sống thế nào để vẽ cho hay là khó lắm. Khối tình lớn của ông trong veo như ánh sáng, một ngọn hải đăng chói lọi giữa biển khổ mênh mông, đời nghệ sĩ chân chính, nhọc nhằn tận hiến tận dâng; mà “Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, nghệ thuật” của Nhà nước, là sự tôn vinh một danh họa của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Hoàng Đình Tài / Văn nghệ số 52/2013

URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=68156
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru