Mekong News http://mekongnet.ru
May rủi - Truyện ngắn của Xuân Nguyên (Ba Lan)
04.10.2013 15:32 | In ra

Cảnh sát thông báo qua cơ quan đại diện, có một công dân Việt Nam bị chết vì tai nạn giao thông vào đêm hôm qua. Nhận được tin, Thu vội vã phóng xe đến bệnh viện nơi tạm giữ thi thể người đã chết. Từ đầu tuần trước, cô đã không thể liên lạc với cậu bạn thân nhất của mình qua điện thoại.

Người ta đã nhận diện Bằng qua giấy tờ tùy thân có trong túi áo khoác. Theo biên bản của cảnh sát, nạn nhân đã tự lao vào đầu ô tô. Trong điều kiện thời tiết quá xấu do trời mưa bụi nên lái xe không kịp xử lí tình huống. Nhìn bạn gầy gò, mặt đầy máu, tóc bù xù do lâu ngày không được cắt, Thu không cầm được nước mắt. Không ngờ lại đến nông nỗi này.

Thu và Bằng là hai bạn cùng học trường chuyên toán tại Hà Nội. Hai đứa chơi thân với nhau từ ngày còn học cấp 2. Nhà Bằng hoàn cảnh, bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng nên hai anh em phải sống với bà ngoại. Từ khi ngoại mất, anh Biên là người nuôi Bằng ăn học. Những năm bọn chúng học cấp III, anh Biên đã đi làm và lúc nào cũng cưng chiều cả hai đứa. Sau mỗi kì thi, anh đều có phần thưởng cho Bằng và Thu. Đó là  những buổi xem phim hoặc đi chơi dã ngoại ngoài bãi sông Hồng. Những buổi học bài ở nhà đã gắn kết hai bạn thân thiết như anh em trong một gia đình. Anh Biên thường phải đi công tác xa, những khi ấy  Bằng thường ngủ lại nhà Thu và được bố mẹ Thu chăm sóc như con đẻ.

Sự gắn bó của đôi bạn càng khăng khít hơn khi cả hai cùng được học bổng đi du học Ba Lan. Cũng có thể coi đây là trường hợp hy hữu bởi khi đó nhà nước Ba Lan chỉ  trao đổi với Việt Nam mỗi năm 10 xuất học bổng. Theo đánh giá của những sinh viên đi du học nước ngoài thì Ba Lan là nơi không đáng quan tâm nếu xét về học bổng, kiến thức cũng như danh tiếng để sau này về nước xin việc. Bởi vậy, nhiều người có khả năng chạy chọt đều lo cho con mình đi các nước Mỹ, Úc hoặc Tây Âu. Cả hai gia đình của Thu và Bằng đều không thể làm được việc đó nên vui vẻ chấp nhận đi Ba Lan. Tuy vậy, trong cái khó vẫn thường có cái hay. Thu và Bằng đã gặp may vì „được quý nhân phù trợ”  ngay từ những ngày đầu ở Ba Lan.

Chú Thắng là em kết nghĩa của bố Thu. Vào năm cuối của thập kỉ 80, chú được cử đi nghiên cứu sinh tại Ba Lan. Lúc ấy, cũng như hàng triệu cán bộ nhà nước khác, chú Thắng nghèo lắm. Đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài đồng nghĩa với việc đi kiếm tiền để „cứu nhà”. Ba Lan lúc đó vừa thoát khỏi chế độ „bao cấp xã hội chủ nghĩa” nên cũng là một nước nghèo so với châu Âu. Người dân ở đây luôn cảm thấy thiếu thốn không chỉ với những đồ trang sức đơn giản mà ngay cả những bộ quần áo cho cuộc sống hàng ngày. Là người năng động, trước khi đến Ba Lan chú đã tìm hiểu ngọn ngành những thứ gì có thể mang sang đó để buôn bán kiếm tiền. Những năm trước, nghiên cứu sinh đến Ba Lan chỉ dám mang sang vài gói vòng xương hay vài chục chiếc áo Kimono để đổi chác lấy khăn voan hoặc tem cốc gửi về. Năm vừa rồi người ta đã mạnh tay hơn bằng cách gửi cả kiện hàng to qua bưu điện. Những đồ gửi về Việt Nam cũng phong phú và đa dạng hơn. Khả năng lưu thông hàng hóa giữa hai nước đã thực sự hấp dẫn các nghiên cứu sinh và thực tập sinh khi đến Ba Lan.

Thu còn nhớ hôm chú Thắng đến vay tiền của bố mình. Bố cũng nghèo, chỉ có một chỉ vàng nhưng cũng đưa cho chú. Chú nói với bố:

- Em đi kì này nhiệm vụ chính là „xóa đói, giảm nghèo”, anh xem có chỗ nào quen, cứ vay cho em thêm một ít, nghe nói một bịch „áo gió” sang đó lãi gấp 10 lần đấy.

Thế là bố đi hỏi tất cả những người trong gia đình, gom góp cho chú Thắng được gần 7 chỉ. Trước lúc lên máy bay, chú chuyển tất cả tiền, vàng thành hơn hai chục bịch „áo Gió” gửi đi Ba Lan. Mấy ngày sau, khi chú đã ở trung tâm học tiếng thành phố Lodz thì hàng cũng bay tới. Nhờ bạn bè quen biết (chú móc nối từ trước) các bịch áo Gió được phân phối nhanh đến những người đi chợ lẻ. Vụ ấy chú Thắng thu về hơn chục nghìn đô, cú đánh khởi đầu coi như đại thắng lợi.

Khi Thu và Bằng sang đến Ba Lan thì chú Thắng đã nổi tiếng giàu có. Người Việt ở đây gọi chú là „soái”. Danh hiệu này ít lâu sauThu mới biết rõ, nó chỉ được phong cho những người có trên 100 nghìn đô la Mỹ lúc bấy giờ.

Một tuần sau khi đến Ba Lan, chú Thắng gọi hai đứa lên Vac-sa-va. Chú tự tay lái chiếc xe Audi còn mới cứng ra ga tàu đón bọn chúng rồi đưa đi thăm thành phố.Thủ đô Ba Lan không lớn nhưng có nhiều nhà đẹp với các đường phố rộng rãi. Nét đặc biệt gây ấn tượng ban đầu với hai bạn trẻ là các công viên với rất nhiều cây xanh trong thành phố. Cuộc sống của người dân tuy không có sự giầu sang phô trương nhưng rất thanh bình và lịch sự. Người ta có thể ngồi im lặng hàng giờ trong công viên để nghe những bản nhạc dưới chân tượng Sôpin. Người ta sẵn sàng trả lời với thái độ niềm nở khi người nước ngoài hỏi thăm một địa chỉ nào đó. Một điều ngạc nhiên mà Thu và Bằng được tận mắt trông thấy là có rất nhiều người mua bán tại các „quầy hàng” đặt trên các tấm vải mưa ngay trên vỉa hè đường phố, ngay trên lối đi của các đường hầm. Lúc đó, chú Thắng đã nói đùa một câu mà cả hai đều không hiểu: Đây là những chỗ kiếm ăn của cô cậu sau này đó. 

Ăn uống một bữa no say rồi, chú bắt đầu chỉ bảo:

- Việc học tiếng thì khỏi phải nói, chúng mày muốn trụ ở đây lâu dài thì phải học tiếng Ba Lan cho tốt, giỏi tiếng mới học được đại học. Đang còn trẻ, phải kiếm lấy cái bằng rồi sau muốn ra sao cũng được. Đừng có bắt chước chú. Chú bỏ không làm luận án tiến sĩ là vì đời chú khổ quá, không có tiền không ngẩng đầu lên được. Còn nếu muốn có chút tiền tiêu vặt trong lúc học hành thì chú tạm thời cấp cho, đến kì nghỉ hè đi làm sẽ trả lại chú.

Hai đứa yên tâm ra về, thực hiện lời chú dặn, học hành chăm chỉ. Mỗi tháng một lần lên Vác(*) thăm chú Thắng, lần nào ra về mỗi đứa đều được chú cấp 500 zloty(**), gọi là „tiền ăn quà”. Qua năm học tiếng, hai đứa  cùng xin về Vác học đại học.

Lúc này Ba Lan cũng bắt đầu mở rộng cửa cho kinh tế thị trường. Chợ trời mọc lên khắp mọi nơi, từ nông thôn đến các thành phố. Người Việt từ các nước Nga,Tiệp khắc, Bungari ùn ùn kéo đến Ba Lan tham gia vào „đội quân buôn bán” trên các chợ. Sân vận động quốc gia Ba Lan tại thủ đô Vác-sa-va trở thành chợ trời lớn nhất châu Âu. Cơ hội đến, không chỉ những soái đánh hàng như chú Thắng có điều kiện làm giàu nhanh chóng mà cả những người bán hàng trên chợ cũng kiếm tiền dễ như bắt gà trong lồng. Sinh viên dù chẳng có đồng vốn nào cũng nhờ thế mà có thu nhập, không những đủ cho cuộc sống mà nếu chăm chỉ còn có tiền gửi về giúp cho gia đình ở Việt Nam.

Thu và Bằng được chú Thắng giao việc ngay từ những ngày đầu kì nghỉ hè. Công việc rất vừa sức: Trông coi kho và giao hàng cho các đại lí của chú ở  chợ Sân Vận Động. Công việc chỉ kéo dài trong ba tháng nhưng đã thực sự tẩy não hai đứa. Trước khi đến Ba Lan, những bộ óc học sinh non nớt chỉ hiểu được điểm đến là nơi chắp cánh cho chúng bay vào bầu trời kiến thức với những ước mơ đứng trên bục giảng hay những vị trí trong các viện nghiên cứu, trong các công ty lớn. Bây giờ, trước mắt chúng xuất hiện một hoài bão mới: Làm giầu bằng mọi cách để đổi đời.

Đến khi năm học bắt đầu thì hai đứa không thể tiếp tục công việc như trước. Chú Thắng chỉ có việc cho riêng Thu vào những ngày cuối tuần là áp tải các xe hàng của chú đến các đại lí dưới tỉnh lẻ. Bằng phải tự mình tìm công việc thích hợp để kiếm tiền. Có người bảo: Em to khỏe thế này, cứ kiếm cái xe „uvaga”, thứ bẩy, chủ nhật hoặc lúc nào không có giờ học, đi kéo hàng thuê cũng kiếm được khá. Bằng liền mua một chiếc xe kéo, hàng ngày gửi ở kho của một người quen (là đại lí bán hàng của chú Thắng), lúc nào không phải lên lớp cậu đều tranh thủ đi kéo hàng.

Ở chợ Sân Vận Động người ta dùng những chiếc xe kéo hàng có bốn bánh nhỏ bằng cao su, bên trên là khung sắt, phía trước có hai cái càng dùng để kéo bằng tay. Loại xe này có thể chở đến 20 thùng giầy hoặc 15 thùng áo khoác. Chợ đông người, những lối đi giữa các dãy quầy hàng rất nhỏ, người kéo xe cứ phải luôn mồm kêu: „uvaga” (có nghĩa là hãy chú ý, tránh ra cho xe đi). Thế là, không biết từ bao giờ loại xe đó được gọi là „xe uvaga” và người chuyên kéo loại xe này cũng được gọi là „dân uvaga”. Bằng có tên là „Bằng uvaga” từ đó. Anh tự bằng lòng với chức danh này nhưng trong đầu không lúc nào nguôi ý chí thành „soái” như chú Thắng trong một ngày nào đó.

Trong thời buổi kinh tế thị trường lên ngôi, nhiều phạm trù xã hội và đạo đức đã bị thay đổi. Người ta coi trọng và kính nể những „soái” đánh hàng lắm tiền và coi mấy ông chăm chỉ nơi thư viện, phòng thí nghiệm và  viết  luận án tiến sĩ là những người hâm. Sinh viên nếu chỉ suốt ngày cặm cụi với sách vở thì đúng là hâm nặng. Vì vậy, tất cả những tiến sĩ, cử nhân, kĩ sư đến Ba Lan thực tập hay hay làm nghiên cứu sinh đều ra chợ kiếm tiền. Người mới từ Việt Nam sang (để thực tập khoa học) phải tìm ngay người quen để kiếm hàng đi chợ. Cái cảnh sáng đến trường trình diện thày một lúc rồi trốn về đi ra chợ bán hàng là chuyện rất bình thường.

Đầu mùa thu, khi Bằng và Thu bắt đầu vào trường đại học thì cũng  là lúc người Việt ở đây sôi động kiếm tiền. Sắp đến lễ Nô-en, thời gian mà người dân dù nghèo hay giầu đều đua nhau mua sắm. Người có vốn lớn thì đánh hàng (nhập hàng từ Việt Nam hoặc từ các nước khác vào Ba Lan), người có vốn ít hơn thì mua quầy để bán buôn ở chợ Sân Vận Động, những người không đủ lực bán buôn thì kiếm chỗ ở các chợ nhỏ hoặc ngay trên vỉa hè đường phố bày sạp hàng bán lẻ. Loại người „tứ cố vô thân” như Thu và Bằng thì kiếm ông chủ xin làm thuê hoặc kéo xe, bốc hàng. Khẩu hiệu tất cả cho đi chợ, tất cả vì „sự nghiệp cứu nhà” được người ta khắc sâu vào tâm trí mà không cần hô khẩu hiệu như trong các „phong trào thi đua” khác. Trong cái không khí chợ búa ấy thì công việc kéo xe của „Bằng uvaga” cũng giúp cho anh thu nhập khá.

Những người kéo xe Uvaga ở chợ khá đông. Chẳng ai quan tâm Bằng là ai, chỉ có gia đình cô Hoa biết cậu là sinh viên đang đi học. Vợ chồng cô là dân thực tập sinh ở lại, họ nổi tiếng một thời với việc đánh hàng sang Nga. Vụ „Dom 5” ở Matxkva làm cho vốn liếng của nhiều người đánh hàng từ Ba Lan sang Nga gần như mất trắng. Những người hưởng lợi là những đại lí bán hàng cho họ - những người  đã lợi dụng rất nhanh cảnh „đục nước để béo cò”. Gia đình cô Hoa là một trong những đối tượng bị kiệt quệ sau đó.

Phải làm lại từ đầu nhưng các „soái” của Ba Lan vẫn không hề nản chí. Họ đã từ số không đi lên thì nay không có gì để họ phải sợ.  Lúc bấy giờ, Việt Nam mới có công ty Minh Phụng là công ty đầu tiên làm hàng may mặc xuất khẩu sang châu Âu . Họ đang tìm đối tác để giúp cho khả năng bám trụ và phát triển ở Ba Lan. Cô Hoa đã nhanh chóng được Minh Phụng tin cậy với tài năng giao tiếp của mình. Thế là, đang chơi vơi trong cảnh chưa biết xoay hướng nào, cô Hoa trở thành đại diện tin cậy của công ty sản xuất và xuất khẩu ồ ạt các mặt hàng quần áo từ Việt Nam sang Ba Lan.

 Bằng được cô Hoa để ý ngay từ ngày đầu khi anh kéo chuyến hàng của cô giao cho khách. Cô tỏ ra rất thương cảm với hoàn cảnh sinh viên phải đi kéo xe nên ngỏ ý muốn giúp .Thế là Bằng được mời đến nhà dạy thêm toán cho Hương, con gái cả của cô, hiện đang học năm cuối trường phổ thông trung học. Sau đó, nhờ cô giới thiệu, Bằng có thêm một vài học sinh nữa. Công việc tuy không mang lại thu nhập cao như kéo xe hàng nhưng ổn định và đều đặn.

Bốn năm trôi đi nhanh chóng, Thu và Bằng đã có bằng đại học. Lúc này, hầu như các sinh viên tốt nghiệp đều ở lại Ba Lan,  trừ những đứa là „con cháu các ông”. Nói đúng hơn, từ khoảng 10 năm nay, sinh viên sang du học ở Ba Lan chẳng có mấy người về. Trước đây, ai cũng sợ về nước sẽ khổ, kiếm được việc đàng hoàng đã khó, mà nếu có việc thì cũng chẳng phát huy được chuyên môn của mình. Đất nước đang đói kém sau chiến tranh, tiến sĩ, kĩ sư cũng chỉ lo làm „kế hoạch ba” để kiếm sống. Bây giờ cũng chẳng ai muốn về vì làm ăn kiểu chợ búa ở đây dễ dàng. Nhiều sinh viên bỏ học ngang chừng để đi buôn. Nhiều người có bằng tốt nghiệp thì khi ra trường cũng chỉ làm „dân đi chợ”. Cũng chẳng ai muốn xin việc làm trong các công ty của Ba Lan vì lương tháng của một cử nhân chỉ bằng một nửa hoặc một phần ba tiền công của một thằng đi giao hàng thuê cho „soái”.

Thu được hưởng những kinh nghiệm và mối quan hệ của chú Thắng nên nhanh chóng trở thành một chuyên gia buôn bán. Lúc này, người Việt ở Ba Lan bắt đầu để ý đến thị trường Trung Quốc nên Thu được chú cử sang „nằm vùng” bên đó. Lần đầu tiên đôi bạn thân xa nhau để rồi những biến cố xảy ra đã tạo nên những khoảng cách giữa hai người. Thu mê mải làm giầu đến nỗi bây giờ vẫn „một mình một chốn phòng không”. Cũng có người nói Thu đã mang lòng yêu thương Bằng nhưng Bằng đã không đáp lại. Chỉ biết rằng, đến khi Thu trở về Ba Lan thì Bằng đã có người yêu. Tuy vậy, hai người vẫn luôn là bạn thân của nhau. Bằng được gia đình cô Hoa yêu quý, lúc nào cũng mong muốn cho cậu và Hương nên vợ, nên chồng.

Đám cưới của Bằng và Hương được tổ chức hoành tráng tại một nhà hàng của người Việt, tọa lạc ngay trung tâm thành phố Vác-sa-va. Ai cũng biết là Bằng đã được cô Hoa chọn làm phò mã. Nhà trai chỉ có Thu là đại diện và một ít bạn bè. Trong vai người đại diện cho gia đình, Thu mang hết can đảm để nói câu chúc mừng Bằng đã gặp nhiều may mắn. Nhưng rồi ngay sau đó, lần đầu tiên Thu khóc trước mặt Bằng. Những giọt nước mắt tuôn ra không biết vì vui hay buồn. Cô uống cạn một li rượu trắng trước khi tiễn Bằng về ở căn hộ mà nhà vợ đã mua tặng cho đôi tân hôn.

Sau khi cưới vợ, Bằng trở thành ông chủ nhỏ vì được đảm nhiệm những công việc chính của gia đình bên vợ. Sau vụ Minh Phụng bị truy tố, chịu án tử hình, nhiều đại lí của công ty này ở Ba Lan đã „xập xí xập ngầu” để cướp trắng số tiền hàng chưa thanh toán. Lại một cảnh „đục nước béo cò” được tái diễn. Chỉ có điều khác: Gia đình cô Hoa lúc này không phải là nạn nhân mà là „được béo”. 

Không còn là đại lí cho công ty Minh Phụng nữa, cô Hoa liền thành lập công ty tài chính xuyên quốc gia, chuyên giúp các công ty buôn bán tại Ba Lan thanh toán tiền hàng với các đối tác ở Việt Nam và Trung Quốc. Công việc được cho là nguy hiểm vì phần lớn là làm chui, lách luật. Tuy nhiên, ở cái thời buổi  lộn xộn này, chỉ có những công việc với nhiều rủi ro mới mang lại nhiều lợi nhuận. Những người khôn thường không bỏ lỡ những cơ hội đó. Gia đình của Bằng đã có nhiều năm thuận buồm xuôi gió, tiền vào „như nước sông Đà”.

Trong khi Thu vẫn còn là nhân viên quản lí cho chú Thắng thì Bằng đã có một gia đình hạnh phúc và đạt được ước mơ của mình. Giống như những „soái trẻ” mới nổi khác, Bằng sở hữu những xe ô tô hãng xịn, đời mới nhất. Anh Biên biết chuyện làm ăn của Bằng nhiều lúc tỏ ra lo lắng. Anh thường gọi điện cho Thu để nhờ cô khuyên bảo, giúp Bằng chớ coi thường trong công việc. Nhưng Bằng đã rất tự tin vì người đứng đằng sau anh là bà mẹ vợ đầy mưu lược và tài giỏi.

Nhưng rồi, một tin như sét đánh giữa ngày mùa hè: Cảnh sát Ba Lan phối hợp với cảnh sát Ukraina đã bắt được một xe chuyển tiền lậu trên đường gần biên giới hai nước với số lượng lên tới vài triệu đôla Mỹ. Việc bắt giữ những người có liên quan không được các cơ quan cảnh sát công bố. Tuy nhiên, những người Việt chuyển tiền qua môi giới đều nhớn nhác dò la, tìm hiểu. Cuối cùng thì họ cũng đã biết ai dính vào chuyện này và tự hiểu là tiền của mình sẽ không bao giờ đến nơi cần trả và cũng không biết bao giờ mới có thể lấy lại được. Gia đình cô Hoa chỉ trả lời họ bằng những cái lắc đầu và những lời hứa suông.

Bằng bị cảnh sát bắt giữ ngay sau đó. Tuy nhiên, do không tìm được đầy đủ chứng cứ để kết tội nên anh được thả ra sau ba tháng bị giam.

Một ngày sau khi ra khỏi trại giam, Bằng bị đuổi ra khỏi nhà. Những tội lỗi tưởng như do khách quan đem lại được buộc chặt vào anh. Người ta đã quá đau đớn vì mất mát một lần nữa, hay có thể vì người ta muốn diễn lại trò „đục nước béo cò”, mà những đau khổ được trút hết lên đầu thằng con rể?. Cả người vợ của Bằng cũng hùa theo cả nhà, xỉ vả, lăng nhục anh.

Về Việt Nam ư? Bằng đâu còn mặt mũi để nhìn người anh của mình lúc này. Nỗi tủi nhục cứ kéo dài ngày này qua ngày khác. Phải chăng cuộc đời chỉ chỉ là may rủi, như  bông hoa Quỳnh, tối nở sớm tàn.

Những ngày đầu,  Bằng đến nhà bạn bè ăn nhờ, ở đậu. Với tình cảm bạn bè, Thu khuyên bạn nên làm lại từ đầu. Nhưng với Bằng, cuộc sống bây giờ đâu phải chỉ là kiếm tiền. Một câu hỏi làm anh luôn dằn vặt nhưng anh lại không dám nhờ ai giải đáp. Đang từ „Bằng Uvaga” trở thành „soái”, rồi bỗng dưng trở thành thằng khố rách áo ôm. Những người mà anh đang cho là thân yêu nhất bỗng dưng đẩy anh vào cuộc sống địa ngục.

Hôm gặp Thu lần cuối, Bằng nói với cô rằng sẽ đi về tỉnh thăm bạn bè để thư giãn. Nhưng rồi anh lại đi lang thang ngoài phố, thẫn thờ như người mất trí. Mấy ngày trước có người còn gặp anh vạ vật ở bến tàu điện ngầm. Mới hôm qua, có người gặp anh lang thang ở sân bay với bộ mặt hốc hác, đầu tóc rối bù. Người ta bảo hình như Bằng đã bị điên.

Chú thích:

(*) Vác: Tên thành phố Vác-sa-va khi nói nhanh.

(**) Zloty: Đơn vị tiền của Ba Lan

Xuân Nguyên/nguoibanduong.net

URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=65823
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru