Mekong News  
Ai nắm bắt được thông tin - người đó sẽ làm chủ thế giới!
 Kinh tế - Chính trị và Tin tức Cộng đồng VN tại LB Nga
Thời tiết
Tỷ giá hối đoái
Đóng
Tình trạng online
 Đang online: 005

  Hits: 025271241
 
Tin tức » Tin cộng đồng » Người Việt ở Ekaterinburg 29.03.2024 14:52
Người Việt ở Ekaterinburg – “đại tiết kiệm” để chống khủng hoảng
15.05.2009 16:31

Tại thành phố Ekaterinburg - thủ phủ của tỉnh Sverdlovsk, trái tim của vùng công nghiệp Ural, nơi châu Á tiếp giáp châu Âu, cơn suy thoái đã để lại dấu ấn khá rõ nét. Trên các con đường chính nhiều tấm pano quảng cáo cỡ lớn với màu sắc rực rỡ đã được tháo bỏ, tạo nên cảm giác trống vắng. Anh Alexey, một doanh nghiệp trẻ của Sverdlovsk, cho biết rằng tháng tới một số cơ sở chế tạo máy ở tỉnh Sverdlovsk sẽ sa thải hàng nghìn công nhân để giảm gánh nặng tài chính. Trước đó việc “giảm biên” cũng đã được nhiều xí nghiệp thực hiện. Anh nói: “Không có việc làm vì chẳng có đơn đặt hàng”.

Trung tâm thương mại “Tagansky Ryad”

Trung tâm thương mại lớn nhất của Ekaterbinburg – “Tagansky Ryad”, vẫn sang trọng, đẹp đẽ, song sự nhộn nhịp đã có phần suy giảm hơn trước. Trong các quầy hàng rộng rãi, sạch sẽ những người bán hàng Việt, Trung Quốc, Adécbaigian, Trung Á… đang ngồi ngóng chờ khách hàng. Người mua thực sự là “thượng đế” trong thời buổi “gạo châu củi quế” này.

Anh Nguyễn Văn Chinh, quê Gia Lâm, Hà Nội, chuyên kinh doanh hàng vải Việt Nam, tâm sự: “Mọi năm tháng này làm ăn khá dễ dàng, vào mùa mà. Nhưng năm nay thì không, người dân đi chợ vẫn đông nhưng họ không có tiền hay sao ấy, “lười” mua sắm lắm, chỉ ngắm thôi. Người kinh doanh như chúng tôi không “kiếm” được, đủ tiền chỗ, tiền ăn tiền ở là may. Tôi đã “gửi” vợ về nước để đỡ tốn. Các khoản chi được siết lại, không phải là tiết kiệm nữa mà là đại tiết kiệm”.

Anh Phạm Thụ, quê Hưng Yên, chủ quầy quần bò, lý giải vì sao việc làm ăn bây giờ chật vật: “Đô” (đôla) giật từ 23 lên 33 (33 rúp đổi 1 USD) thì mỗi “con” quần nếu trước bán 100 rúp, thu 4 “đô” thì nay chỉ còn 3, giảm mất 1. Giá quần không thể tăng lên 120 hay 150 rúp được vì người mua chê đắt. Người Nga thời khủng hoảng cũng rành khảo giá, mặc cả, nâng lên đặt xuống. Cái quần nếu tôi phát ra 100 rúp thì họ chỉ trả 70 rúp, không bán thì thôi”.

Anh Thụ tạm thời nghỉ kinh doanh, cho thuê quầy lấy một khoản tiền đủ để sống “tằn tiện” và “chờ thời”. “Thắt lưng buộc bụng” là giải pháp trước mắt mà phần lớn những người kinh doanh Việt Nam ở Ekaterinburg chọn nhằm vượt qua cơn bĩ cực. Giống như anh Chinh, anh Thụ đã cho vợ và một đứa con về nước “lánh khủng hoảng”. Anh Lê Xuân Hào, quê Hà Tĩnh, kinh doanh ở chợ ngoài trời bên cạnh “Tagansky Ryad”, cũng có kế hoạch “giảm biên chế gia đình” – vợ và con anh sẽ về Việt Nam vài ba tháng, vừa nghỉ ngơi, thăm thú, vừa để tiết kiệm khoản chi tiêu đắt đỏ ở nước Nga. Tiền công của người bán hàng thuê giảm từ 300 rúp/ngày (tương đương 150.000 đồng) xuống còn 200 rúp, thậm chí 150 rúp. Chị Hồng Vân, đồng hương với anh Thụ, kinh doanh quần áo thể thao, tâm sự: “Đầu vụ bỏ vốn ra bao nhiêu nay chỉ mong thu về bấy nhiêu, không có lãi, mất công sức và lỗ tiền chỗ. Trước khủng hoảng ba mẹ con tôi bán hàng thì ăn luôn ở căng tin của trung tâm thương mại, nay thì mang cơm đi, đỡ một nửa chi phí”.

Giảm giá mặt bằng kinh doanh cũng là biện pháp chống khủng hoảng mà người kinh doanh rất kỳ vọng. Ông Lê Quý Quỳnh, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Ekaterinburg, cho phóng viên TTXVN biết: “Thành phố này là trung tâm bán buôn của cả vùng Ural mênh mông. Hàng hóa từ Mátxcơva đổ về đây rồi tỏa đi các tỉnh, thành miền Đông nước Nga. Việc kinh doanh của 700 người Việt nơi đây trước khủng hoảng chỉ thua mỗi chợ Vòm, hơn hẳn các thành phố khác. Cũng vì thế mà giá mặt bằng tại các chợ, trung tâm thương mại, trong đó có “Tagansky Riad”, bị đẩy lên khá cao. Bây giờ khủng hoảng, người dân địa phương giảm mua sắm, bà con buôn bán chật vật, nếu các khoản chi không giảm thì khó bám trụ. Vai trò trung tâm bán buôn cũng vì thế mà sẽ suy giảm”.

Tại “Tagansky Riad” một quầy hàng 20 m2 có giá “đầu vào” 40.000 USD – 50.000 USD, chưa tính khoản thuế hàng tháng. Container 10 feed bán hàng ở chợ ngoài trời có thuế hàng tháng 55.000 – 60.000 rúp (30 triệu đồng). Trước đây người kinh doanh chấp nhận mức giá này vì họ vẫn có lãi, còn bây giờ lợi nhuận chỉ đủ “nuôi chỗ”, thậm chí phải bù lỗ. Theo cách nói của anh Nguyễn Trọng Việt, quê Hà Tĩnh, thì mấy tháng nay anh và một số người kinh doanh khác đã “ăn vào thịt”, nếu khủng hoảng kéo dài thì nhiều người sẽ “đứt”.

Anh Lê Thành Độ, Tổng giám đốc công ty Pacific, đối tác lớn của Tổng công ty “Tagansky Ryad”, tiết lộ kế sách chống khủng hoảng: “Công ty chúng tôi trong 15 năm qua phát triển dựa trên cơ sở thành công của những người kinh doanh Việt Nam. Ngược lại, bà con cũng cần có sự tồn tại của chúng tôi. Mối quan hệ này khăng khít, môi hở răng lạnh. Vào thời kỳ khủng hoảng chúng tôi chấp nhận giảm lợi nhuận đến mức tối thiểu để chia sẻ khó khăn với cộng đồng. Hiện nay giá mặt bằng ở chợ ngoài trời đã giảm 30% (15.000 rúp/tháng). Chúng tôi cũng sẽ kiến nghị với “Tagansky Ryad” xem xét giảm các khoản thu ở trung tâm thương mại với phương châm “cùng tồn tại để vượt qua khủng hoảng”.

Mặc dù chưa thấy đáy điểm rơi của khủng hoảng, song không phải ai cũng chỉ nhìn thấy màu xám. Anh Việt, chị Vân khẳng định rằng đối với riêng họ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2009 chưa nghiêm trọng bằng sự “giật đô” (tỷ giá USD tăng vọt chỉ trong một ngày) năm 1998. Và nhìn chung, hầu hết người kinh doanh Việt ở Ekaterinburg không nghĩ đến chuyện bỏ cuộc mà chấp nhận sự thử thách nghiệt ngã, coi đó là điều không thể tránh khỏi khi làm ăn ở thị trường Nga luôn luôn biến động./.

Bài và ảnh: Quang Vinh

Theo: Tin tức - TTXVN
5 5/1    Đánh giá của bạn:  GO
Bản để inLưuGửi tin qua email


  GO  
Chọn ngày

Tin mới
Trang chủ  ¤  Tin tức  ¤  Liên hệ  ¤  Liên kết  ¤  Sơ đồ site  ¤  Tiếng Nga Anti Spam
© Copyright 2009-2010 MEKONGNET.ru, All rights reserved.
® MEKONGNET.ru giữ bản quyền nội dung trên website này.
Cơ quan chủ quản: COMPANY ZOLOTOI DRAKON
Trụ sở: Office 17, Tekhnitreskaia str., 19, Ekaterinburg, Russia
Tel/Fax: 7 (343) 381-84-14 Email : info@mekongnet.ru