Mekong News http://mekongnet.ru
Phạm Thuận Thành: Con lật đật màu son - Truyện ngắn dự thi
15.08.2013 19:35 | In ra

Ở Liên Xô về, Thuần phải phục viên, coi như mất việc luôn. Cũng thử đi tìm việc ở vài nơi nhưng không được vì "thiếu đạn". Đành "dĩ nông vi bản". Thấm thoắt đã mười mấy năm. Đứa con trai đang học năm cuối đại học giục anh đi thăm nhà người yêu nó ở huyện bên.

Cô bé này đã đến thăm nhà anh nhiều lần. Xinh đẹp, khỏe mạnh, có học, chẳng có gì phải chê. Thậm chí cô còn gợi anh nhớ phảng phất hình dung lại gương mặt người bạn hồi cùng ở nước ngoài. Thế là cha con anh đi.

Đường sá ở đâu cũng mở rộng, nâng cao. Đến Phật Tích, hai cha con lên núi thăm chùa, thăm bàn cờ tiên. Cả vùng non nước mở ra bát ngát, hệt như đi máy bay nhìn xuống. Dòng sông Đuống uốn lượn như dải lụa bạc. Chả thế mà dãy núi này được dân gian đặt tên là dãy Cô Tiên. Tiên xuống trần thấy cảnh đẹp nên ở lại. Rồi tiên đi hội mẫu đơn gặp chàng Từ Thức. Tiên đến chơi cờ ở núi Lan Kha.

Nhà cô bé ở dãy phố quê mới lập vài năm nay. Ngôi nhà ống, mặt đường nhưng không hàng hiệu gì. Giàn hoa giấy rực rỡ. Tiện nghi trong nhà khá xịn: xa lông đệm, tủ tường, xe 82, tivi màn rộng, dàn "tếch". Thuần bỗng chú ý tới con lật đật cỡ to, một kỷ niệm về nước Liên Xô của chủ nhà. Nơi ngực con lật đật có dán chữ "m" màu vàng, đúng khổ chữ năm xưa anh cắt. Ở nhà anh hiện cũng có một con lật đật cùng cỡ, nhưng chữ dán lại là chữ "m" ngược. Chữ "m" là chữ cái đầu tiếng Nga của tên Thuần, còn chữ "m" ngược là chữ cái đầu của bạn anh: Sen. Cảm giác hồi hộp, bâng khuâng khó tả chợt dâng làm anh nghẹn nhịp tim. Nếu đúng con anh yêu con gái Sen thì thật lạ, trời khéo xe duyên. Đang mải ngắm và nghĩ ngợi thì có tiếng chào:

- Chào bác, mời bác ngồi uống nước!

Thuần quay lại. Một thiếu phụ trắng trẻo, hơi béo, mặc váy áo ở nhà đứng đó. Đôi mắt vẫn như có lửa. Thiếu phụ chợt khẽ thốt:

- Anh Thuần đó ư!

Đôi trẻ rất đỗi ngạc nhiên, chúng đâu ngờ, bố mẹ chúng đã quen biết nhau từ trước. Thế là chẳng cần ý tứ, chúng phóng xe đi chợ, mặc cho ông bô bà bô dãi dề hàn huyên.
*
Thuần đến Cadan vào cuối năm. Tuyết trắng mênh mông. Rừng cây thì trụi lá, tuyết phủ thành hoa nhưng vẫn cho cảm giác màu đen của thân cây. Chẳng thấy đâu vẻ đẹp, vẻ lạ, chỉ thấy cái lạnh thấu xương đe dọa. Từ ô tô chạy vào nhà mà cái lạnh đã làm rát mặt. Hai trăm lao động Việt Nam được chia làm bốn đội, mỗi đội có một đội trưởng, một phiên dịch, một chi bộ, một tổ công đoàn. Anh em tự ghép nhau vào từng phòng. Phòng nhỏ hai người, phòng lớn ba người đã có giường kê sẵn. Mỗi tầng nhà có bốn Cờva (căn hộ), hộ năm người và hộ bảy người. Hầu như ai cũng nằm ngay lên giường để thưởng thức thế nào là giường lò xo, chăn đệm Nga và để giãn gân cốt sau ba ngày đi đường.

Buổi tối, từ tầng bảy nhìn ra, thấy thành phố như bầu trời sao bóng điện. Cảnh này Thuần đã thấy khi máy bay tới Carasi của Pakixtan. Chợt nhớ nhà da diết, vợ con anh vẫn đang ăn cơm với canh rau lang chờ anh tiếp cho sức sống, không biết rồi sẽ ra sao đây. Thuần vẫn đang trằn trọc thì giường bên cạnh Kha đã ngáy ran.

Ở nhà, Kha cùng đơn vị, là giáo viên bắn súng. Đến đây hai anh em lại tự ghép ở với nhau. Thuần thì cao gầy, ưu tư. Kha thì thấp đậm, khỏe mạnh, đôi mắt một mí đáng sợ. Nhưng thân nhau từ ngày đi khám sức khỏe ở Viện 354.

Đúng năm giờ sáng hôm sau, quản giáo Sura cùng phiên dịch đội đi khua mọi người dậy. Lại vẫn "kỷ luật sắt". Vệ sinh cá nhân, ăn sáng. Bữa ăn Nga đầu tiên gồm: hai lát bánh mì bằng hai ngón tay, một cốc "mê-tan" (sữa đặc), một quả trứng luộc. Chất ở cốc sữa nhưng khó ăn quá. Ăn xong vẫn đói meo. Ai cũng bảo nhau: rồi sẽ quen thôi.

 Đúng 7 giờ họp "ốp" (ký túc xá). Về phía Liên Xô có một nhóm: Mikhain là người phụ trách (nghe đâu là thiếu tá an ninh), ba nữ quản giáo: Xura (vợ Mikhain), Irina, Xvétlana, một nữ y tá, một nữ thư viện, một bà giữ đồ, một bà gác cổng, một ông thợ điện. Bầu ban quản trị "ốp" gồm toàn bộ đại biểu đương nhiên là người Liên Xô và mỗi đội lao động hai người. Sau đó là thời gian ba tháng "cấm trại" để khỏi lây dịch bệnh ra thành phố và học tiếng Nga. Có một ý kiến thắc mắc:
- Chúng tôi đã được kiểm tra sức khỏe, sợ gì dịch bệnh?

Mikhain trả lời dứt khoát:

- Đây là quy định.

Mỗi người được cấp một "pơrôpút" (giấy thông hành). Đi lao động mà bị quản lý chặt như một trại lính. Nhưng Thuần là người trọng kỷ luật, anh tự giác chấp hành những quy định của Mikhain theo lý luận "tự do trong tất yếu", cứ tự giác sẽ thấy tự do. Mãi đến chủ nhật đầu tiên, Thuần mới theo anh em trong Cờva đi bát phố. Mới ra khỏi nhà, gió to, băng trơn, một người ngã đau suýt phải quay về. Ra đến bến xe thì Kha lại ngã sứt mặt. Chờ được chuyến xe buýt đầu tiên thì đã rét cóng. Thuần cứ ngồi xe ngắm cảnh đến lúc xe vòng về đến bến cuối, nơi đã lên xe. Hôm ấy Kha bị lạc. Mãi đến đêm khuya mới về đến nhà. Nhưng Kha chẳng có gì "ân hận" mà còn bí mật cho Thuần biết:

- Này, ở Cadan có nhiều "nữ cộng" lắm. Tao gặp một em ở "ốp" Bata đi cửa hàng, tao theo về đó chơi chứ lạc gì đâu. Ở đó có một trăm em sang trước ta một năm. Ngoài ra còn một "ốp" nữ ở Phutrica, một "ốp" nữ ở Bauman, tổng số một nghìn "nữ cộng", tỷ lệ một phần năm nhé, đời tươi rồi mày ạ.

Từ hôm đó, hôm nào Kha cũng đi chơi sau giờ học. Nghe nói tầm ấy các em cũng đi làm về. Kha còn bảo, người của "ốp" nam bây giờ là "mì chính cánh" của Cadan. Cuộc sống của các "ốp" nữ đã vui hẳn lên, như được "hồi sinh". Kha đi chơi về, đem theo bao nhiêu là chuyện lạ. Một hôm Kha hỏi:

- Thế ông không đi chơi đây đó "tự giới thiệu" à? Hay là tôi giới thiệu hộ nhé? Phòng em còn có ba cô nữa đều trẻ măng, chưa có gì.

Kha lại kể chuyện:

- Hôm nay làm séc bóng bàn với em Hào. Em nói thẳng: "Xa chồng có đứa con còn đỡ, đằng này ăn ngon ở ấm, bọn con gái chưa chồng thế nào không biết, bọn em có chồng quen rồi cảm thấy không chịu nổi, thiếu đàn ông người cứ như phát điên ấy". Đang nói chuyện thì thấy tướng Sính nhà ta khoác tay một em gái đi vào thân mật trên mức Tây nhiều. Em Hào còn bảo: "Hồi trước cả "ốp" có mỗi một đội trưởng là đàn ông, tuổi suýt năm mươi rồi mà thay người yêu như thay áo".

Thuần hỏi Kha:

- Thế ông với em đến đâu rồi?

Kha trả lời lấp lửng:

- Thì bình thường, như người ta.

Sắp hết thời gian "cấm trại" thì Kha bảo:

- Mai em đến chơi nhưng tao có hẹn, nhờ ông tiếp hộ nhé.

Sen đến rất sớm. Em chừng hai nhăm, hai sáu tuổi. Nước da trắng hồng, khuôn người dong dỏng. Thuần đỡ cái áo lông nặng. Hơi ấm từ chiếc áo làm Thuần thoáng bối rối. Sen mang đến một gói kẹo to. Thuần phải nói ngay:

- Anh Kha bận đi lấy tiền ở cửa hàng, mời Sen cứ ở lại chơi. Anh ấy kể chuyện nhiều về cô.

Hóa ra Sen quê cùng tỉnh Bắc Ninh với Thuần. Chồng Sen là y tá. Sen làm ruộng. Sen đi lao động theo tiêu chuẩn của bố là thương binh. Chuyện trò một lát, bỗng Sen nước mắt lưng tròng thanh minh về chuyện anh Kha cứ bảo Sen là người khô khan, sắt đá. Thuần thực sự bối rối không biết làm gì, nói gì trước cảnh ấy. Rồi Sen thở dài nói:

- Anh sang đây đã được mấy tháng cũng biết thế nào là cảnh sống ở xứ người. Em cũng buồn lắm chứ, cũng nhớ nhà lắm chứ. Nhưng biết làm thế nào, chẳng lẽ gánh cả nhà sang đây, nếu được thì em đã làm. Em đành lấy việc làm vui thôi. Hơn nữa, hàng hóa giờ khan hiếm lắm, em cứ suốt ngày đi lùng hàng để quên đi ngày thừa, giờ thừa xứ người.

Hôm đó Sen ở lại làm cơm, chẳng biết có phải là để chờ Kha về hay không. Đã mấy tháng Thuần mới ăn cơm và cách nấu như ở quê nhà. Lại cùng ăn với người phụ nữ làm không khí thật ấm cúng. Ăn cơm xong, Sen nói bận làm ca chiều nên phải về ngay và hẹn Thuần đến chơi. Thuần thật thà trả lời:

- Tôi chỉ dám đi vào chủ nhật thôi.

Khuya lắm Kha mới về, kèm một két bia. Anh gọi Thuần dậy uống bia cùng. Kha nói:

- Thú thật, tôi đi với bồ mới đó. Bia này là nàng mua cho. Chứ cái cô đồng hương nhà ông sắt đá lắm, chẳng tình cảm gì đâu, chơi với cô ấy thì chán chết.

Thuần sửng sốt trả lời:

- Anh đừng nói oan thế. Hôm nay cô ấy đến chơi mua rất nhiều kẹo, lại chờ anh đến quá trưa và ăn cơm ở đây đó.

Thuần giấu không cho Kha biết chuyện Sen khóc, vì đó là chuyện riêng, Sen khóc với anh là tình cảm bộc lộ cho anh. Bỗng Kha nói thẳng:

- Nếu ông thích, tôi bàn giao "kỷ niệm" cho ông đó.

Thuần không nói gì, uống hết cốc bia rồi đi ngủ tiếp.
*
Chờ mãi mới đến chủ nhật. Theo chỉ dẫn của Sen, sau hai lần đổi xe, đi bộ một quãng, Thuần đã tìm đến "ốp" Bata. Cũng có vài người Việt Nam đi về phía đó. "Ốp" này ở tầng năm ngôi nhà năm tầng kiểu cũ. Bà gác cổng thấy người lạ không cho vào. Thuần ngần ngừ đã định quay về, nhưng còn đứng lại ngắm người qua lại. Có nhiều người quen ở "ốp" anh đến và đi qua cửa dễ dàng. Thuần không định nói rõ nơi đến chơi, nhưng chờ lâu đành nhắn người báo cho Sen biết. Sen xuống, dúi cho Máma một rúp, thế là Thuần được qua ngay, không cần gửi Pờrôpút lại (nghĩa là được phép ở qua đêm). Phòng Sen có bốn người. Ba cô còn trẻ đẹp như Kha kể, hôm nay ở nhà tiếp khách của chị.

Lối kết cấu nhà ở đây khá bất tiện: bếp tập thể, nhà tắm tập thể, nhà vệ sinh tập thể, không như Cờva của Thuần, có đủ các phòng cần thiết. Ở nhà, Sen mặc chiếc váy áo cắt lấy. Khuôn người đẹp đúng như câu ca "gái một con trông mòn con mắt", ba cô em trẻ măng cũng không duyên bằng. Mới nửa buổi sáng cơm đã dọn ra. Ba cô em ăn rất nhanh rồi đứng dậy xin phép đi, để mặc Thuần với Sen nhâm nhi bữa ăn. Chỉ còn hai người đối diện nhau. Thuần nói một cách khách khí, thăm dò:

- Những giọt nước mắt của Sen hôm trước đã làm lung lay hồn tôi.

Sen không trả lời, chỉ nhìn Thuần bằng ánh mắt rừng rực như có lửa. Thuần thoáng nghĩ: hình như nước mắt đã lau sạch không còn một gợn gì trong mắt người con gái. Sen luôn tay gắp thức ăn mời, miệng thì nói: "Anh không được làm khách". Thuần cứ muốn bữa ăn kéo dài mãi vì đã đứng lên sẽ lại là những bữa ăn tập thể bằng đồ Tây không thể quen được. Sang chiều, Thuần đòi về. Sen đóng sầm cửa lại, lấy người chắn cửa. Ánh mắt sáng rực nhìn Thuần như muốn nói điều gì đó. Người Sen hơi rung lên khe khẽ sau làn váy áo mỏng. Thuần phải lia mắt xuống và nói:

- Hôm nay với tôi đã quá đủ, quá hạnh phúc rồi. Cuộc đời đã ấm áp thêm với bữa ăn cùng các em. Tôi phải về kẻo lại khó dễ với tay thiếu tá an ninh.

Sen vẫn không chịu. Ngoài trời bắt đầu tối, tuyết trắng đã hơi mờ mờ không còn rực rỡ ánh ngày. Thuần cố cưỡng lại ý định ôm lấy người Sen. Mặt thoáng đỏ, người cảm nóng lên trong chiếc áo lông đen màu quạ. Sen cứ nhìn như thiêu như đốt. Cả hai đứng gần nhau lắm và đều muốn nói với nhau lời âu yếm mà không ai dám nói ra. Vừa hay có tiếng các em gọi cửa. Sen thoáng giận dữ cụp mắt xuống, không biết là giận anh hay giận các em sớm về và mở cửa ra. Cả ba đứa em ùa vào phòng, ngạc nhiên nhìn Thuần:

- Ôi, anh Thuần phải ở lại, bọn em mua bao nhiêu thứ đây này.

Thuần khẽ nói:

- Để mai, anh chưa thuộc đường, không muốn…

- Thế thì chị Sen sẽ đưa về, anh khỏi lo.

Thuần vẫn cương quyết bước ra cửa. Sen đành nói khẽ:

- Đợi em một lát, em tiễn.

Sen vội vàng thay quần áo. Đến chỗ bà gác cửa. Sen gọi điện đi đâu đó. Vừa bước ra ngoài đường, có ngay chiếc xe tắcxi đến đón.

Sen bảo Thuần lên xe. Cả hai ngồi cạnh nhau. Suốt cả quãng đường Sen không nói gì, nhưng Thuần thì hiểu Sen thầm trách: Nào anh có sợ tối, sợ lạc nữa không.
*
Đến tháng cuối mùa xuân thì đội lao động của Thuần bắt đầu đi làm. Công việc hoàn thiện nhà cao tầng: trát, sơn, dán giấy bồi, trải nền… Tuyết bắt đầu tan. Nước ẩm ướt khắp nơi. Công trường xây dựng hiện ra rõ dần. Những ngôi nhà lắp ghép bê tông cao chín tầng cùng kiểu. Những bãi đất ngổn ngang lầy lội. Những đường rãnh đào bới chờ đặt ống. Cây cối nảy mầm, rồi phút chốc xanh um tràn trề nhựa sống. Bãi đất công trường mọc nhiều cây cải ngồng. Thuần thường nhổ rau mang về xào thịt bò. Bọn Tây cùng làm ngạc nhiên lắm, nhưng họ còn bảo có thêm một loại rau chua ăn sống hoặc nấu cá ngon. Có cả rau muối, ăn thơm như rau dền đất. Đi làm về, ốp vắng ngắt. Nhiều người đã có chỗ ở mới. Muốn họp hành gì thì đội trưởng phải thông báo trước từ chỗ làm. Ốp nam vắng vì ở quá hẻo, đi đánh hàng không tiện.

Đã lâu lắm rồi Thuần không đến ốp Bata chơi. Sen cũng ít đến. Cả hai như cố cưỡng lại sự thôi thúc được gần gũi nhau. Xa thì nhớ, gần thì sợ. Một hôm Kha ngủ lại nhà, anh bảo Thuần:

- Ông như thái giám ấy, chả chịu đi đâu cả. Có đi mới nảy ra cách kiếm ăn chứ. Trông vào lương thì được cái gì. Tháng nào cao nhất nó trả không quá trăm rưởi rúp, tích lại mấy năm cho đủ thùng hàng. Mà hàng thì mỗi ngày giá gấp năm gấp mười lần. Thế ông không đi hàng với Sen hả?

- Tôi đâu biết cách đi hàng đi họ thế nào?

- Ông hay ở nhà thì buôn bán thuốc lá được đấy.

Theo guồng máy chung, Thuần cũng lao vào kiếm tiền. Nhận thuốc lá Gônlin, Galăng để bán ở ốp. Mua hàng ta đi ký côm. Nhưng hầu như khắp Cadan không có chỗ gửi hàng. Thuần hướng đi các thành phố gần, nhưng cũng hiếm chỗ chen vào được, hoặc bán rất chậm. Khắp đất Tácta chỗ nào cũng sẵn "cộng quân" quần đảo. Nghiên cứu bản đồ, chiều thứ bảy Thuần quyết định tọa độ một thành phố xa xem sao.

Một hôm, đi làm xong Thuần ra bến tàu đi suốt đêm đến thành phố Trennư. Sáng sớm hôm sau chủ nhật Thuần đi ô tô đến thị trấn Mengiêlinxcơ. Chuyến đi hóa ra rất thắng lợi: Côm ở đây chưa có hàng cộng. Thuần đặt hàng được cửa hàng trưởng rất hoan nghênh. Bà mời vào tận văn phòng. Thuần cũng hào phóng tặng mỗi người một thỏi son Nhật, riêng bà cửa hàng trưởng được nhận thêm một hộp phấn Thái đắt tiền, những thứ hàng người dân ở đây chưa bao giờ được thấy. Các thứ hàng Tây tồn kho được Thuần vét bằng hết: quạt điện, mô tơ, bàn là, pê đan xe đạp, tủ lạnh, xe Minkhơ, loa đài, đồng hồ Jaria… Cả một chuyến xe tải mới chở hết hàng. Hóa ra trời vẫn dành đất kiếm ăn cho mỗi người.

Cứ hàng hai chiều như vậy, sau một tháng kiểm lại, Thuần có số lãi đã trên ngàn rúp. Lãi suất rất cao. Một cây chì kẻ mắt chỉ có 10 cốp (tiền Nga), Thuần bán tới 3 rúp, một lọ nước hoa giả Pháp giá 30 cốp Thuần bán tới 6 rúp. Những thứ hàng Tây cần, Thuần đã đặt trước với bà cửa hàng trưởng. Hai tuần một lần Thuần đến đặt hàng. Thị trường mới hàng rất chạy. Bà cửa hàng trưởng còn nhờ Thuần mang nhiều hàng hơn vào hôm hội chợ.

Đúng hẹn, Thuần rủ Sen cùng đi. Ốp Sen sắp được gửi hàng về, nên ai cũng cố kiếm tiền, kiếm hàng. Hai người gặp nhau ở ga tàu. Thuần chẳng cần xếp hàng, gọi cửa dúi cho người bán vé thỏi son Nhật là có ngay hai vé chuyến tàu gần nhất. Có Sen đi cùng nên Thuần mua hẳn vé nằm cho tĩnh. Xe lửa lao vào màn đêm Tácta. Lần đầu tiên hai người ngồi bên nhau suốt đêm. Sen kể về chuyện mình cô đơn những ngày ở Nga. Nào đi lùng hàng. Nào nhớ nhà và chẳng thóc đâu mà xay lúa qua đêm như các cụ ngày xưa. Sen bỗng quàng tay ôm chặt Thuần, kéo đầu anh áp vào ngực mình đầy tin cậy. Thuần thấy rõ nhịp tim gấp gáp và cơ thể Sen như căng lên. Anh cũng quàng tay ôm lấy Sen và cứ im lặng như vậy hồi lâu để thưởng thức những cảm giác rạo rực lạ lùng từ hai cơ thể truyền cho nhau. Bánh sắt tàu gõ đều đều xuống đường ray bị tiếng đập con tim trong ngực Sen át đi. Nếu có dòng điện sinh học cùng tần số thì anh và Sen là đúng chăng? Đồng cảm, đồng điệu. Gặp nhau là luyến như trời định sẵn, cái mà người ta gọi là duyên số ấy. Bỗng anh thấy những giọt nước mắt nhỏ xuống mặt mình. Anh biết Sen đang nghĩ về gia đình ở quê cũng như anh cứ mỗi lần gặp Sen là nghĩ về vợ mình, nhất là những lần ân ái đã trở nên xa lắc và không biết bao giờ mới lại được cùng nhau.

Cái giá của miếng cơm quá đắt. Có ai đó đã nói sỗ sàng thế này: "Ai nỡ để cho vợ đi Tây thì đó là người ngu". Nhưng nếu không có sự động viên nhau về tinh thần cũng như sự hợp tác nhiều mặt khác thì người lao động đâu dễ kiếm được tiền, mua được hàng gửi về. Ở đây người ta còn lý luận: Yêu là bản năng của con người, mấy năm sống thiếu tình yêu thì chỉ có thể là dạng thần kinh. Thuần như nghe thấy tiếng Sen khe khẽ: "Anh ơi, hãy thông cảm và tha thứ cho em". Thuần thoáng đỏ bừng mặt, ghì Sen thật mạnh và buông tay ra rồi nói:

- Chúng ta sưởi ấm lòng nhau thế thôi. Anh không muốn đi quá đà, một khi biết "mùi lạ" khó tránh khỏi ruồng rẫy vợ ở quê. Chắc em cũng nghĩ thế.

- Vâng, anh hiểu cho và giữ cho nhau thế thì tốt.

Nói xong Sen thổn thức khóc không kìm nén được. Lần này Thuần chủ động quàng tay ôm vai Sen vỗ về như người anh lớn.

Hội chợ ở huyện Mengiêlinxcơ rất vui. Cả quảng trường thị trấn được người ta bày hàng ra bán. Vẫn những thứ hàng có sẵn ở cửa hàng, chỉ có khác là bây giờ bày ra bán ở chợ. Người từ các vùng nông thôn chở hàng đến bán. Vị lãnh đạo huyện phát biểu khai mạc. Đội văn nghệ biểu diễn. Tiếng đàn accooc dập dìu như sóng vỗ. Thuần và Sen mua bánh rán ăn và đi ngắm chợ. Chẳng có gì đáng mua. Mấy cái siêu điện, bàn là, quạt điện cửa hàng bày ra cho oai thôi, chứ Thuần đã đặt mua từ trước rồi, nếu có ai hỏi người bán sẽ trả lời là đã bán. Hội chợ hệt như cảnh trong phim Tây hồi thế kỷ trước.

Ngày ốp Bata đóng hàng thật chộn rộn. Hàng hóa ở đâu về chất ngất. Thuần cùng dồn hàng cho Sen như tạ ơn người đã giúp anh ấm lòng những ngày băng giá ở Cadan. Đóng hàng xong Sen thổ lộ:

- Có khi em xin về nước trước thời hạn anh ạ.

- Em nỡ bỏ anh bơ vơ hay sao?

- Nhưng em không chịu nổi nữa rồi.

Thế mà Sen cậy cục đòi về nước được thật. Hai con lật đật là do Sen gửi mua từ nơi khác đến để làm kỷ niệm. Thuần hiểu hết những gì Sen muốn nói trong món quà kỷ niệm này. Lật đật là cái phận con người. Nhưng dù nghiêng ngả sóng gió thế nào thì người ta vẫn đứng vững. Có khi phải nương tựa vào nhau cho vững.
*
Đã bao năm qua, ngọn lửa lòng truyền qua đôi mắt Sen thiêu đốt anh làm anh day dứt mãi, nhớ mãi. Cái mớ lý luận "tình yêu bản năng" có lẽ đúng vì thiếu tình yêu, tình yêu không trọn vẹn mà Thuần rụt rè trao tặng đã làm Sen phải về nước sớm.
 
Từ ngày về nước, Thuần đã là "giấy màu" nên không hề đến thăm Sen một lần nào. Hôm nay gặp lại bất ngờ quá. Hóa ra Sen không giữ được gia đình yên ấm. Người chồng không chịu nổi cái tiếng "vợ đi Tây" đã bỏ Sen. Sen mua một kiốt ở chợ bán vải, nuôi con đến tận bây giờ. Hàng họ cũng khá. Sen không trách anh chồng. Và cứ lần lữa chờ, thể nào Thuần cũng đến. Những tình cảm trong sáng dành cho nhau thì sẽ trường tồn cùng đời người.

Nhân chuyện con cái, Thuần cố đùa:

- Hay là cưới con rồi cưới bố mẹ một thể?

Sen cũng đùa lại:

- Nếu biết trước thế này chẳng thà em có một đứa con với anh còn hơn. Nhưng đã vót phải vót cho tròn đấy. Cấm anh làm hỏng chuyện của các con chúng mình đấy.

Thuần lại rụt rè nắm bàn tay đã đầy đặn hơn nhiều của Sen. Nhưng quái lạ, anh không còn cảm thấy những thổn thức của ngày nào ở Cadan nữa. Anh thầm trách mình, đáng lẽ cứ giữ những kỷ niệm ở trong lòng thì lại hay hơn. Phải chăng lửa lòng ở xứ tuyết ấm hơn, mãnh liệt hơn ở xứ ta?

Vừa lúc đó, hai trẻ đã về tíu tít giục nhau đi nấu ăn. Thuần thoáng thấy mắt Sen hơi mờ đi vẻ tiếc nuối. Không biết Sen có tiếc nuối về anh như anh vừa trải qua hay không.

PTT

URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=64412
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru