Mekong News http://mekongnet.ru
Vũ Tuấn Hoàng : Ba phút của cuộc đời -Truyện ngắn dự thi
15.08.2013 19:32 | In ra

Cuộc cãi vã đã ở mức thiếu chút nữa thì cả chân và tay cũng phải vào cuộc, nếu như ông Khôi không đứng dậy giơ tay can hai ông bạn đã hơi quá chén. Bà chủ quán đứng thập thà thập thò ở cửa chỉ lo sợ cho bộ đồ ấm chén vô tội không biết có được vẹn toàn hay không.

- Hai ông đều có cái lý của mình. Một ông thì bảo: có thể và đôi khi cần phải giết người vì một lý tưởng cao cả nào đó như vì tổ quốc, vì sự công bằng, để bảo vệ kẻ yếu… còn ông kia lại nói: giết người dù dưới bất cứ chiêu bài nào cũng là tội ác, là hành vi đẩy con người xuống ngang tầm súc vật. Nhân đây, tôi xin kể với các ông câu chuyện của chính tôi khi mới ngoài 20 tuổi, đang là thợ học việc tại một xí nghiệp sản xuất giày da tại thành phố L. ở nước Nga xa xôi…

- Chuyện về nước Nga của ông tôi nghe mãi rồi, ông đã kể hàng trăm lần …

- Nhưng chuyện này tôi chưa kể cho ai bao giờ. Bởi vì nhân cái đề tài mà các ông đang bàn cãi, thì chính tôi đã vấp phải mà cho đến bây giờ tôi vẫn không thể lý giải nổi tâm lý cũng như hành vi của mình lúc đó. Tại sao tôi lại chấp nhận cái ý định giết người? Vì tiền hay vì bị một ma lực bí ẩn nào đó bủa vây xui khiến?

Bà chủ quán thầm cảm ơn ông Khôi vì đã cứu nguy cho đồ đạc của mình, mặt khác, bà cũng biết tài kể chuyện của ông khách thường xuyên này, nên đã tự tay bưng đến cho ông một ấm trà mới để lên bàn, rồi khe khẽ ngồi vào một chiếc ghế ở cách đó không xa, mặc dù làm ra vẻ giữ ý quay lưng lại nhưng đôi tai của bà căng ra như hai chiếc ăng ten mở hết công suất.

“Đó là cái mùa hè mà tôi không thể quên được trong đời. Nhà máy phá sản, thất nghiệp, chạy lo ăn từng ngày, làm bất cứ công việc gì miễn là kiếm ra tiền. Cái dạ dày của tuổi hăm hai nó nghiền tất cả mọi loại thức ăn, những thứ đầu thừa đuôi thẹo, cũng vì thời gian này mà tôi mắc chứng đau dạ dày kinh niên. Đúng như kẻ chết đuối vớ được cọng rơm, một người anh hơn tuổi cùng dân Hà Nội thương tình cho cầm ít quần bò đi bán chui bán lủi ngoài chợ trời hay các đường ngầm trong thành phố. Hồi đó, buôn bán bị xem là hành vi rất xấu có thể bị công an bắt giam mà chẳng cần tòa án. Một hôm, do suýt bị công an bắt và tịch thu toàn bộ số hàng, may mà ông anh đến kịp và hối lộ cho tay công an nên tôi được tha. Nhìn bộ dạng của tôi, ông anh vỗ vai an ủi:

- Anh khuyên chú đi xuống dưới vùng nghỉ mát Crưm mà làm ăn, kiếm ít tiền dắt lưng về quê làm vốn. Chú cầm tất cả số hàng này đáp ngay tầu chiều mai xuống Mariupon. Ở đấy đông dân tứ xứ đến nghỉ mát ít ai để ý.

Đúng là mùa nghỉ nên ngoài đường, ngoài chợ đủ các chủng tộc người từ khắp các nước cộng hòa của Liên bang Xôviết kéo về đây. Với ngoại hình của mình, nhiều người không biết tôi là Triều Tiên hay Trung Quốc. Tiếng Nga tôi nói cũng khá thành thạo nên mấy bà bán hàng ở chợ cứ nghĩ tôi là người Kazakstan. Tôi tự nghĩ cho mình một cái tên Nga cho dễ gọi là Xaxa. Cũng cần phải nói thêm là hồi đó tôi cũng vào loại to cao đẹp trai, ngoài đường hay bắt gặp những ánh mắt đưa tình của các cô thiếu nữ với hàng mi dài và cong vút. Tính tôi hơi nhút nhát và thiếu tự tin nên bỏ lỡ nhiều cơ hội làm quen…

- Ông nói điều này hơi nhiều lần rồi đấy ông Khôi ạ, ông cũng chẳng nhút nhát đâu đừng làm bộ rắn giả lươn, thôi được ông kể tiếp đi, vòng vo vừa vừa thôi, tốt nhất là đi thẳng vào chủ đề chính – Ông bạn ngồi bên trái vê một điếu thuốc lào và trước khi châm lửa, nói

- Ông cứ làm người ta cụt hứng thế, đúng là ngồi nói chuyện với ông câu trứơc câu sau là thấy bực mình rồi – Ông bạn ngồi trước mặt có vẻ vẫn còn cay cú chưa nguôi ngoai vì trận cãi nhau vừa qua, cho một chân lên ghế, rồi uống nốt chút rượu trắng còn sót lại dưới đáy cốc.

“Thì cũng phải có khung cảnh cho nó sinh động chứ! Kể về nước Nga mà không có thiên nhiên, khung cảnh thì chẳng khác gì diễn kịch không có sân khấu, phông màn…. Ngày đầu tiên trôi qua suôn sẻ, thậm chí có thể nói là may mắn. Hàng bán hết sạch. Sáng hôm sau, tôi phải đáp chuyến tàu 4 giờ sáng trở về thành phố để lấy thêm hàng. Tôi cảm thấy phấn chấn trong người đến mức không thèm ăn món bánh rán nhân thịt (tiếng Nga gọi là Cheburek) ở tại chợ mà quyết định vào một tiệm Café ở gần bờ biển để tự thưởng cho mình một bữa ra trò. Tôi ngồi xuống chiếc bàn cạnh cửa sổ nhìn ra biển. Ánh mắt như dán vào những cặp chân trần rám nắng của các thiếu nữ đang đi dạo dọc theo kè đá. Thật là một bức tranh phong cảnh tuyệt tác. Không rõ từ đâu, một thiếu nữ đi ngang qua cửa sổ và đẩy cửa quán bước vào. Ánh sáng từ ngoài hắt xuyên qua bộ áo váy mỏng tang để lộ một thân hình tuyệt vời, những đường cong gợi cảm. Cô nhìn quanh cả gian một lượt như có ý muốn tìm chỗ ngồi, và thật bất ngờ, cô tiến lại phía bàn tôi và cất tiếng hỏi:

- Chỗ này còn trống không?

- Tất nhiên…còn nhiều chỗ trống chứ - Tôi hơi ấp úng trả lời và ánh mắt tôi lướt nhanh xuống đôi bàn tay đang cầm chiếc túi xách. Tôi có một thói quen khi gặp phụ nữ hay để ý đến bàn tay của họ. Bàn tay người phụ nữ có thể nói lên nhiều điều hơn chính khuôn mặt họ. Bàn tay không thể dối trá và che đậy

Cô ta ngồi xuống gần như đối diện với tôi và hướng đôi mắt xanh biếc của mình vào tôi khiến lưng nổi da gà. Sau này nhớ lại, tôi mới hiểu là mình bị chính ánh mắt vừa quyến rũ vừa đầy quyền lực đó thôi miên. Cô ta tầm tuổi như tôi, có thể là lớn hơn một chút. Mái tóc vàng óng ả như một mảng nắng lõa xõa xuống hai bờ vai trắng nõn. Điều này chứng tỏ cô là người sống ở đây hoặc mới đến vùng nghỉ mát này. Người hầu bàn mang đến thực đơn và đặt xuống bàn. Cô không xem và chỉ mua một cốc nước nho giải khát, rồi rút cuốn tạp chí từ trong chiếc túi xách màu hồng ra đọc. Tôi vừa ăn vừa ngắm vẻ đẹp của khuôn mặt cũng như bộ ngực nở căng dưới làn áo mỏng. Đúng lúc tôi ăn xong thì cô ngẩng mặt lên khỏi trang họa báo và lên tiếng hỏi bằng cái giọng nhỏ nhẹ, rất êm tai:

- Anh đi nghỉ một mình thôi sao? Không buồn à?

- À không, tôi đi làm… Tôi cũng chỉ ở đây vài ngày thôi

- Nếu anh không bận, chúng ta cùng nhau đi dạo một lát dọc bờ biển, tôi sống ở đây nên chắc cũng có thể giới thiệu với anh đôi điều về thành phố nghỉ mát này

Một ý nghĩ ập tới trong đầu: đích thị là một ả gái điếm. Chỉ có loại gái ấy mới tự làm quen một cách bạo dạn như vậy với người nước ngoài. Nhưng quả thật, tôi đã bị đôi mắt và thân hình cô hút mất hồn. Vả lại từ giờ cho đến khi về nhà trọ để ngủ còn những năm sáu tiếng nữa, tôi cũng chẳng biết làm việc gì trong cái thành phố xa lạ này, giữa một khung cảnh thiên nhiên tràn đầy nhựa sống, nắng và gió biển kích thích dòng máu trong con người ta chạy mạnh hơn…

- Anh đến đất nước chúng tôi lâu chưa mà nói tiếng Nga khá vậy? Hai chúng tôi đi ngang qua đường và rảo bước về phía bậc thang bằng đá trắng dẫn xuống ngay sát mép nước.

- Mới ba năm thôi, nhưng tôi yêu thích ngôn ngữ này nên cũng chịu khó học.

- Chúng ta đi về phía gần bến canô kia đi, ở đó vắng người hơn. Tôi không thích những ánh mắt của mọi người nhìn chúng ta, cứ như thể anh là người hành tinh khác đến vậy.

Quả thật, tôi không thể ngờ rằng chuyến đi bán hàng của tôi lại được tô điểm bởi một cô gái đẹp, giữa một khung cảnh thơ mộng như thế này. Tôi hầu như chỉ đi trong im lặng, tận hưởng những âm thanh phát ra từ đôi môi xinh xắn, tận hưởng những cái động chạm vô tình khi cô né tránh những cậu thanh niên choai choai phóng xe đạp bạt mạng ngược về hướng chúng tôi. Ánh mắt tôi lúc thì nhìn thẳng vào đôi mắt xanh của cô lúc lại hướng ra mặt biển cũng xanh hoặc nhìn bầu trời lại càng xanh hơn, bát ngát mênh mông. Mấy cánh buồm trắng thoắt ẩn thoắt hiện ở đường chân trời. Sóng biển vỗ ì ầm vào bờ đá hay sóng trong lòng tôi đây? Hai chúng tôi đi hẳn ra ngoài cầu tầu nơi những chiếc canô, thuyền máy, thuyền buồm thể thao đang dập dình neo đậu. Một người thợ máy quay đầu lại nhìn chúng tôi, những đường cơ bắp ở lưng nổi lên cuồn cuộn, bóng loáng mồ hôi. 

- Mà anh cũng chưa giới thiệu tên cho tôi? Tôi là Galia.

- Tên tiếng Nga của tôi là Xaxa

- Anh hợp với cái tên này đấy. Anh có biết cái tên cũng rất ảnh hưởng đến số phận con người không?

- Tên của cô thì sao? Nó có nói lên điều gì về số phận của cô không?

Cô không trả lời. Đột nhiên, khuôn mặt của cô gái thay đổi và trở nên u ám. Hình như, cô đang vương vấn một điều gì đó khó nói.

Hai chúng tôi im lặng. Chỉ có tiếng kêu của mấy con chim hải âu đang giỡn nhau trên sóng.

Bất ngờ, Galia nắm chặt lấy tay tôi và nói bằng một giọng đầy xúc động:

- Anh có thể giúp tôi một việc hệ trọng được không?

- Chuyện gì vậy? Tại sao lại là tôi? Một người cô mới gặp cách đây chưa đầy một giờ đồng hồ?

- Phải, chỉ có anh mới giúp được tôi. Vì anh không phải là người ở đây.

Bàn tay cô vẫn nắm chặt tay tôi. Tôi như cảm nhận được một luồng điện truyền qua đó. Mùi nước hoa từ người cô khiến tôi chếnh choáng.

- Tôi đã có chồng. Anh ấy là thợ mỏ. Năm ngoái, anh ấy bị tai nạn hầm lò, bị liệt toàn thân và mù hoàn toàn…

- Thật bất hạnh cho cô – Tôi thốt lên và cảm thấy một nỗi thương cảm bỗng trào dâng trong lòng. Đồng thời, tôi cũng tự trách chính bản thân mình quá hồ đồ khi nghĩ cô là một con điếm.

- Thế cô muốn tôi giúp gì?

- Anh có thể giúp cho anh ấy, giải phóng cho anh ấy khỏi những đau đớn dày vò thường xuyên…

- Bằng cách nào? Tôi ngạc nhiên hỏi lại

Galia không trả lời thẳng vào câu hỏi mà hấp tấp mở túi xách của mình rút ra một …khẩu súng lục.

Tôi choáng váng không tin ở mắt mình. Hoặc là tôi mất trí hoặc là người phụ nữ này đã phát điên.

- Giết..giết …chồng cô? Miệng tôi líu lại

Galia khẽ gật đầu và cô òa khóc tức tưởi.

- Chính anh ấy muốn thế, anh ấy muốn giải phóng, anh ấy không muốn là một gánh nặng…

Tôi giật tay mình ra khỏi bàn tay của cô ta và hét lên:

- Không bao giờ! Cô nhầm rồi! Tại sao cô không tự làm? Tại sao cô không nhờ ai khác mà lại chính tôi?

Galia cho khẩu súng vào trong túi và rút từ đấy ra một sấp tiền dày.

- Nếu tôi tự làm được thì đã không phải nhờ đến anh. Tôi yêu chồng tôi nên tôi không thể chứng kiến hơn được nữa những đau đớn mà anh ấy phải chịu đựng trong nhiều tháng nay. Anh ấy hàng ngày, hàng giờ van xin tôi làm việc này. Anh có hiểu không? Anh là người hoàn toàn xa lạ, từ một nước khác đến, anh chỉ làm việc này trong 3 phút, rồi anh đi khỏi đây mãi mãi, không ai biết anh là ai. Hơn nữa, tôi sẽ trả hậu hĩnh cho anh, đây là số tiền thù lao tám ngàn rúp! Nhà tôi ở cách đây không xa? Anh hành động xong, ra tàu và chúng ta không bao giờ còn gặp lại nhau nữa trên cõi đời này

Tôi thực sự chẳng khác gì người bị cấm khẩu, chỉ biết nhìn cô gái mới quen bằng một ánh mắt thất thần.

- Đây là điện thoại nhà tôi, anh cứ suy nghĩ kỹ đi, nếu đồng ý anh gọi điện cho tôi. Còn đây là một nghìn rúp anh cứ cầm trước – Cô đút vào túi áo ngực tôi một sếp tiền – nếu xong việc, anh sẽ nhận nốt phần còn lại trước khi ra tàu.

Nói đến đây, cô hôn nhẹ vào má tôi một cái và rảo bước quay trở lại. Một mình tôi đứng thẫn thờ trên cầu tàu, toàn thân rã rời vì rơi vào một tình huống quá sức tưởng tượng. Tôi cứ nhìn theo mãi cái dáng dong dỏng cao, cân đối của người phụ nữ có cái tên Galia đang đi xa dần, xa dần và hòa vào dòng người tấp nập trên bờ biển.

Suốt đêm tôi không chợp mắt được. Hình ảnh cô gái với khuôn mặt đầy nước mắt cứ chập chờn trứơc mặt. Chả nhẽ bộ mặt thật của tình yêu lại sù sì và ghê gớm đến như vậy sao? Hay chỉ những người phụ nữ Nga mới dám hành động như vậy? Tôi bỗng nghĩ đến mẹ mình và các em gái ở nhà. Bố tôi đã từng là một dũng sĩ diệt Mỹ và hy sinh trong dịp Tết Mậu Thân, mẹ tôi ở vậy nuôi bốn anh em chúng tôi. Trên thực tế, tôi đã gánh vác trách nhiệm của người cha trong gia đình. Với số tiền tám ngàn rúp tôi có thể mua được một ngôi nhà khang trang cho cả gia đình, để thoát cảnh sống chen chúc trong một nhà xe được cải tạo lại thành nhà ở trong khu lao động Tương Mai.

“Anh làm việc này là để cứu anh ấy, giải phóng cho anh ấy khỏi những đau đớn” - câu nói đó của Galia cứ lặp đi lặp lại trong đầu tôi và chính chúng đã dựng tôi dậy khỏi giường vào lúc 3 giờ sáng. Tôi quyết định ra ga sớm hơn một chút để gọi điện trả lại tiền cho Galia. Cô ấy nói sống ở đâu đó gần đây thôi. Bên ngoài cửa sổ vẫn tối đen, thỉnh thoảng từ phía biển đưa lại tiếng máy tàu lịch sịch. 4 giờ sáng tôi phải ra tàu đi về L. Còn gần một tiếng nữa. Mẩu giấy ghi điện thoại để trên chiếc bàn ở đầu giường. Tôi đi đi lại lại trong phòng không biết bao nhiêu lần. “Sẽ không một ai biết được việc này – Tôi thầm nghĩ – nhưng đây là một hành động giết người? nhất quyết mình không thể làm nổi, không thể đang tâm dơ súng lên nhằm vào một con người dù anh ta mong muốn điều đó. Nhưng thôi, mình cũng phải trả lại số tiền một nghìn rúp này cho cô ấy”. Tôi khép cánh cửa lại cố không để gây ra tiếng cót két và rón rén đi ra ngoài. Không một bóng người, chỉ có mấy con chó chắc đói ăn đi tha thẩn gần chỗ đổ rác thải của dân đi nghỉ. Tôi đi tới bốt điện thoại ở gần bến xe buýt. Đến gần mới nhìn thấy một tay vô gia cư đang ngủ ngồi trong đó. Hắn khóa chốt bên trong lại và yên trí ngáy pho pho. Ánh đèn đường chiếu rõ khuôn mặt râu ria lởm chởm. Tôi đập mạnh vào cửa kính và lấy tay ra hiệu ý muốn gọi điện thoại. Gã kia choàng tỉnh, lầu bầu văng tục và đẩy cửa bước ra. Mùi hôi từ người gã phả ra khiến tôi muốn ói. Gã khệnh khạng đi đến bên gốc cây và đái tồ tồ, miệng phát ra những âm thanh có vẻ giống như một bài hát. Tôi giữ cửa bốt điện thoại mở một lúc cho thoáng rồi đóng sập lại sau lưng. Ngón tay chỏ của tôi hấp tấp quay số. Đồng kopek rơi xuống leng keng trong hộp điện thoại khiến tôi giật mình. Những tiếng tút dài mới ghê rợn làm sao! Đầu dây bên kia đã có người nhấc máy. Im lặng mấy giây.

- Alô, Galia có phải không? Tôi khẽ nói như sợ xung quanh có ai đó nghe thấy, mặc dù chẳng có ma nào. Gã vô gia cư đã thất thểu đi khuất vào sau bên xe.

- À, anh đấy à? Sao? Thế nào? Giọng nói quen thuộc lúc chiều vang lên trong ống nghe.

- Tôi…Tôi…

- Anh đồng ý rồi phải không? Ngay bây giờ là tốt nhất. Anh nghe đây. Tôi ở cuối con phố mà anh thuê nhà trọ. Nhà số 13, ngoài cổng có treo một chiếc chuông bằng đồng. Anh không cần phải bấm chuông vì tôi sẽ mở cổng ngay bây giờ. Khẩu súng tôi để ngay sau cánh cửa ra vào, trong hộp đựng thư. Súng giảm thanh và đạn đã lên nòng anh không phải lo lắng. Căn phòng nơi chồng tôi nằm ở bên trái. Anh hành động xong, dùng báng súng đập vỡ cánh cửa để làm như một vụ cướp, rồi đi khỏi đây luôn. Tôi chờ anh ở bến xe cuối phố và anh sẽ nhận được số tiền bảy nghìn còn lại. Anh hãy vất khẩu súng xuống biển. … Sao? Sao anh im lặng vậy? Anh hãy giúp chúng tôi, tôi van anh!

Có tiếng khóc thút thít ở đầu dây bên kia.

- Liệu ba phút có kịp không?

Tôi bất ngờ với câu hỏi của chính mình, không hiểu trời xui đất khiến như thế nào lại thốt ra câu đó. Như vậy là tôi đã đồng ý mà trong thâm tâm không hề muốn làm việc này. Mục đích tôi gọi điện là để trả lại tiền chứ có phải đồng ý với ý định của cô ấy đâu. Từ lúc đó, tôi không còn là tôi nữa. Tôi đã bị thôi miên đã bị bỏ bùa mê thuốc lú. Tôi hành động như một kẻ mộng du. Tôi loạng choạng đi về cuối phố. Mắt lấm lét nhìn trước nhìn sau xem có ai theo dõi không. Tôi đi sát vào mép hàng rào của các ngôi nhà nằm kế tiếp nhau, cái thấp cái cao, hơi dốc thoai thoải ra phía biển. Chợt có tiếng kẹt cửa khiến tôi thót tim đứng khựng lại. Từ ngôi nhà số 8, một chú mèo trắng khẽ lách mình ra và phóng vụt qua đường. Tiếp đó là những tiếng chí chóe của đám mèo hoang nghe cứ như đám trẻ con kêu khóc đòi mẹ giữa đêm khuya. Có thể, linh tính của đám thú vật đã đánh hơi thấy trước được mùi vị của xác chết phảng phất đâu đây? Vậy chỉ còn 5 ngôi nhà nữa là đến nơi. Tôi dừng lại để nghỉ vì tiếng tim đập thình thịch trong lồng ngực. Tôi hít một hơi thật sâu để trấn tĩnh và bụng bảo dạ: “Không biết cha mình trong chiến tranh, ông nghĩ gì khi phải giết người lần đầu nhỉ? Còn đây là mình giúp người ta giải thoát khỏi nỗi đau, chính cô vợ đã van xin mình làm việc này cơ mà? Ý nghĩ này đã trả lại cho tôi sự bình tĩnh. Khi đã đứng đối diện với cánh cửa có treo chiếc chuông đồng, tôi cũng lấy làm ngạc nhiên vì sự bình thản đến lạnh lùng của mình. Đúng là cánh cửa không khóa. Một tiếng két khe khẽ vang lên khi tôi đẩy cánh cửa ra. Và, mặc dù trời tối nhờ nhờ song cũng đủ nhìn thấy chiếc hộp thư được gắn vào sau cánh cửa. Báng khẩu súng lục bằng thép lạnh ngắt như đánh thức trong tôi một sức mạnh nguyên thủy mơ hồ nào đó khi con người còn ở thời ăn lông ở lỗ, phải săn bắn, thậm chí giết nhau để kiếm miếng ăn. Một mảnh trăng lạnh đột nhiên lẩn ra khỏi đám mây khiến màn đêm như được phủ một màn sương màu xanh nhạt lờ mờ, hư ảo. Các cửa sổ của căn nhà đều tối om. Tôi đã nhìn thấy cánh cửa ở bên trái như Galia căn dặn. Bảy bước chân không hơn không kém đã đưa tôi tới sát cánh cửa được ghép bằng những thanh gỗ bạch dương. Tôi nhẹ nhàng kéo cánh cửa ra và đứng nép vào một bên để lắng tai nghe động tĩnh. Hình như, có tiếng ai đó thở đều đều, rồi húng hắng ho ở trong bóng tối. “Ông ấy – Tôi tự nhủ - ông ấy bị mù nên không thể nhìn thấy gì”. Tay trái tôi lần ra phía sau mép cửa để tìm công tắc điện, nhưng rồi lại thôi vì không muốn nhìn thấy con người mà mình kết liễu cuộc sống cho dù là cuộc sống tàn tật, tăm tối. Hơn nữa, từ nhỏ tôi rất sợ máu. Xác định được hướng của tiếng thở đều đều phát ra trong bóng tối, tôi từ từ nâng khẩu súng nặng trịch lên và … bóp cò !

Một tiếng cạch khô khốc của kim loại va đập vang lên và ánh điện bỗng bừng sáng. Tôi bị lóa mắt, ngớ người ra vì phải đối diện với một nòng súng đen ngòm cách mình khoảng năm mét. Chưa kịp hoàn hồn thì người đàn ông có râu quai nón đang ngồi trên chiếc xe lăn đã lên tiếng:

- Không đựơc động đậy. Để súng xuống chiếc bàn kia!

Tôi chợt hiểu, mình đã bị rơi vào tay của bọn lừa đảo.

Đúng lúc đó, Galia đẩy cánh cửa phía sau người đàn ông, bước vào. Tôi giật mình vì ánh mắt của cô ta lúc này. Con người nước mắt ngắn nước mắt dài mà tôi gặp hôm qua và con người đang lục soát túi tôi để lấy tiền bây giờ, hoàn toàn khác hẳn nhau.

- Còn dấu ở đâu không? Cô ta sắng giọng hỏi

- Một nghìn tiền cô đưa tôi, còn 2 nghìn còn lại là tiền hàng tôi bán được hôm qua, tất cả chỉ có vậy thôi – Tôi uất ức đến trào nước mắt

- Để lại cho chàng thanh niên đẹp trai phương đông tiền tàu đi khỏi thành phố này chứ! Người đàn ông khẽ nói, với vẻ đầy thân mật, tử tế của một con mèo đang vờn con chuột.

Galia ném ra bàn hai tờ mười rúp, rồi đi đến bên người đàn ông, ôm lấy cổ ông ta và hôn một cái rõ to vào má. “Anh của em bao giờ cũng rất cao thượng, thôi cho cậu ta về đi, không lại trễ tàu mất!”

- Em không đưa nhầm tiền giả đấy chứ?

- Nhầm sao được anh yêu, đây đâu phải con ruồi đầu tiên sa lưới?

Ra đến ngoài đường, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng và không tin chuyện vừa xảy ra là sự thật. Tôi định báo công an vì tiếc tiền, nhưng lại thôi vì khó có ai tin được câu chuyện này. 

“Cũng may là còn sống nguyên vẹn, của đi thay người – Tôi tự trấn an mình khi ngồi trên tàu điện ra ga. Đường phố đã lác đác người qua lại. Một ngày mới bắt đầu. Đến một bến đối diện với chiếc bốt điện thoại, tôi chợt nảy ra một ý định bất ngờ, vội chạy bổ ra cửa nhảy xuống khi tàu sắp chuyển bánh. Tôi săm săm bước vào bốt và quay ngay số điện thoại của đôi vợ chồng vô lại. Sau hai hồi chuông tút dài, bên kia đầu dây có người cầm máy

- Alô, ai đấy?

Tôi nhận ngay ra giọng của gã đàn ông, bèn nói luôn một mạch: “Chắc vợ ông không tiện kể hết mọi chuyện. Cô ấy không chỉ thích tiền mà còn ham của lạ. Ông có biết cô ấy đã làm gì để thuyết phục đuợc tôi không? Tôi cũng không lấy làm tiếc lắm số tiền đã mất vì được một người đẹp như vợ ông …

Nói đến đây, tôi nghe thấy từ trong ống điện thoại vọng ra tiếng đập bàn, tiếng chửi tục và tiếng bát đĩa vỡ loảng xoảng…”    

Ông Khôi đang loay hoay móc túi trả tiền thì bà chủ quán ngăn lại:

- Ông nghĩ tôi không thể miễn phí được cho ông một bận hay sao, ông văn sĩ phường độc thân của tôi?

VTH (Kharkov - Ucraina)
 

URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=64411
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru