Mekong News http://mekongnet.ru
Quán Vi Miên: Những bữa cơm thường ở Volgograd
06.08.2013 21:19 | In ra

Bài dự thi về Volgagrad

Đến Volgograd (5/8/1984), chúng tôi được bố trí ở tầng 9, nhà số 62, (ký túc xá số 2, trường Đại học sư phạm Quốc gia Volgograd), đại lộ Rokosovsky. Mỗi đơn nguyên có 6 phòng (2 phòng rộng/ 3 người, 4 phòng hẹp/ 2 người), 1 phòng nấu ăn (1 bếp điện to/ 4 bếp nhỏ).

Nhận phòng, ổn định chỗ ở xong, bụng đói nhắc chúng tôi phải đi mua cái gì nấu ăn. Vào thang máy xuống đất, tôi hỏi bà gác cửa chỗ Vakhchior: “Xin hỏi, ở đâu có thể mua xoong nồi, thìa dĩa và thực phẩm ạ”. Bà chỉ tay ra phố: “Rẽ trái. Gần đây thôi. Cách khoảng hơn trăm mét. Cần gì và mua bao nhiêu cũng được”. Tôi kêu lên: “Bà ơi, học bổng chỉ có 90 rúp mỗi tháng thôi mà”.

Tôi mua xoong, chảo, thìa dĩa, rồi đi lại quầy hàng mua thực phẩm. Thấy có đủ bánh mì, bơ sữa, pho mát, giò chả, thịt băm viên, cà chua, cà tím… Tôi thấy có loại cá như cá suối, nhỏ bằng 2 ngón tay, mà người Thái gọi là “Pá Xàm”. “Này nữ công dân! Cá gì đây ạ?”, tôi hỏi nhân viên bán hàng. “Cá Xácdin đấy. Mua đi!”. Tôi liền mua 1 bao cá. Trong quầy có loại ớt bột (nhãn hiệu Việt Nam), tôi mua luôn 1 gói nhỏ. “Cá này kho ớt thì hợp lắm đây”, tôi nghĩ.

Về nhà, rửa cá, xếp vào nồi, đổ ngập nước, cho muối, rắc ớt, rồi bắc lên bếp. Một tiếng sau đã nghe mùi cá “gắt” cả tầng. Cơm chín, dọn ra. Gắp cá lên ăn. Ôi chao, mặn quá chừng! Cả bữa cơm tôi chỉ ăn hết 1 con cá, rồi buông đũa. Sang phòng bên cạnh, thấy Mai ngồi trước bàn ăn mà chưa động đũa. Con gà luộc bốc hơi nghi ngút. Đĩa cơm nóng trắng tinh. “Sao chưa ăn?”, tôi hỏi. “Nhớ nhà quá, anh ạ”, Mai ứa nước mắt. “Ừ, đến bữa ăn là nhớ nhà”, tôi nói. Hình ảnh vợ con ở nhà ngồi ăn cơm độn khoai sắn hiện lên trước mắt tôi. Mai mời tôi ăn cơm nhưng tôi bảo tôi ăn rồi. “Nồi cá mình cho hơi nhiều muối”, tôi nói. “Anh ơi, có loại cá người ta ướp muối rồi đó. Họ mua về là ăn được ngay”, Mai bảo.

Tôi phải ăn 1 tháng mới hết chỗ cá đó.

Vào năm học. Sáng đi tối về. Cả ngày ở trường. Nhiều khi phải tranh thủ 30 phút nghỉ giữa giờ (para/ 2 tiết một), xuống ăn nhanh ở nhà ăn (Stalovaya) của trường. Cháo mạch, khoai tây nghiền, thịt băm viên, cá muối, bánh mì, v.v. Không hợp khẩu vị cũng phải nuốt vội nuốt vàng cho kịp để vào học. Ăn xong, vào chỗ vòi nước (nước sạch) uống một ngụm rồi lên phòng ngay. Nhiều khi học cả buổi tối, 10 giờ đêm mới về. May mà cửa hàng bánh mì dọc đường còn mở. Mua cái bánh mì dài (gọi là bánh mì “đòn gánh”) hoặc bánh mì to (gọi là bánh mì “gối”), vừa về dọc đường vừa nhai. Đến nhà, ghé vào chỗ vòi nước, súc miệng, uống một hớp, coi như xong, đi ngủ. Sáng hôm sau đã phải lục tục dậy lúc 6, 7 giờ, lúc trời đang còn tối mịt, để đến trường.

Thỉnh thoảng mới có những ngày 1 buổi học, 1 buổi ở nhà học bài, làm bài. Bài vở lúc nào cũng thấy nhiều ngập đầu. Phải vừa học vừa tranh thủ nấu ăn. Có khi nồi bị cháy khét trên bếp mà không hề hay biết. Nghe tiếng ai quát: “Nồi ai bị cháy đây”, thì mới sực nhớ. Động đến những bài tập cần phải có tài liệu mới làm được, thì lại phải đi tìm mượn bạn bè. Không ai có thì lại phải cấp tốc đến trường, vào thư viện. Ngày đó coi như hết.

Chủ nhật được ở nhà thì mới nghĩ đến việc đi mua cái gì nấu ăn. Mà cũng phải xem thời gian rộng rãi một chút mới mua gạo, nấu cơm, nấu canh. Độ nào phải học gấp, trả thi căng thẳng thì mua bánh mì về ăn cho tiện. Bánh mì quệt bơ. Hoặc bánh mì ăn với sữa chua (loại chai). Đã mua là mua nhiều luôn thể, khỏi phải mất công đi cửa hàng nhiều lần. Ăn một cái bánh mì, thấy bụng “hòm hòm” rồi thì số còn lại đem bỏ túi, treo ngoài cửa sổ (nhờ trời lạnh giữ hộ). Nhưng cái “giống người mình” không phải ai cũng “chịu được” cái cách ăn đó. Ăn bánh mì vài bữa là thèm cơm, thèm canh. Nhớ rau muống, rau dền, lá mồng tơi, ngọn khoai lang…

ĐHSP Volgagrad

Một hôm, trên đường đi học, Mai chỉ vào một khóm cây bụi thấp, lá màu lấm tấm bạc bạc, gọi tôi: “Anh ơi, rau muối!”. Tôi hỏi: “Có ăn được không?”. “Ăn được”. Tôi liền hái một nạm về nấu canh. Mọi người hỏi: “Ngon không?”. “Cũng được”, tôi nói. Thật ra loại rau đó “chẳng nghe ra mùi gì”. “Ăn được” là do gói súp Nga tôi đổ vào mà thôi. Tôi cứ nghĩ: “Chắc ở nhà (bản quê tôi) không ai biết mình phải nấu canh bằng loại lá này?”. Núi rừng quê tôi có đủ măng, nấm, rau dớn, đọt hèo, đọt chuối, v.v. cho cả ngàn đời nay.

Trong trường có cả sinh viên Lào học. Tôi hay lại chơi với mấy người Lào (ở cùng nhà, khác nguyên đơn). Người Lào và người Thái cùng nói một ngôn ngữ (gọi là ngữ hệ Tày – Thái). Một hôm tôi sang chỗ anh bạn Bun Lợt, thì thấy mọi người tập trung khá đông. Trên bàn có món “Lạp” (tái) thịt bò và mấy chai bia. Tôi nói: “Xăm bái đí! (Xin chào!). Ết bún bọ? (Hội vui à?”. Mọi người bảo (bằng tiếng Việt, họ đã học ở Việt Nam): “Không đâu! Nó (Bun Lợt) bị không may đấy!”. “Sao vậy?”. “Con trai nó ở nhà ốm”. Tôi hiểu ngay: “Ết vắn bọ?” (Buộc vía à?), tôi hỏi. Mọi người mời tôi ngồi. Một người đem cuộn chỉ trắng ra, ngắt từng đoạn ngắn cho từng người. Mọi người nắm lấy tay Bun Lợt, nói: “Anh em chia sẻ cái buồn này với bạn, Bun Lợt ơi! Hồn vía đừng bỏ đi nhé! Bình an nhé!”. Rồi ai cũng buộc sợi chỉ vào tay anh, kèm theo tiền. Tôi cũng nói và buộc chỉ vào tay anh, kèm theo 1 rúp. Tôi nhớ ngay đến đứa con tôi ở nhà: “Không biết bây giờ nó ra sao?”. Bun Lợt hỏi tôi: “Mấy lâu có nhận được thư nhà không?”. “Không”, tôi nói. Vậy là mọi người lại quay sang “buộc vía” (buộc chỉ) cho tôi: “Chúc anh mạnh khỏe, bình an nhé!”. Sau đó chúng tôi cùng nhau ăn uống.

Người Lào – Thái nói chung rất thích ăn món “Lạp”. Có 2 loại: “Lạp xúc” (Lạp chín), thịt thái mỏng, nhúng nước sôi, bóp gia vị, rưới dấm; “Lạp đíp” (Lạp sống), không nhúng nước sôi. Món “Lạp” ăn kèm với lộc rau thơm, uống rượu, bia. Nhưng món “Lạp” ở đây quá nhiều ớt, và là món “Lạp đíp” (sống) nên tôi phải “xin” lấy một ít thịt “Lạp” đem xào lên. Mọi người uống cạn cốc bia đầu tiên là Teng Òn (cố gái Lào xinh nhất trong hội) đã dậy múa Lăm Vông (điệu múa cổ truyền của người Thái – Lào) khiến mọi người cũng dậy hưởng ứng múa theo. Tôi cất tiếng hát bài “Đọọc chăm pa” (Hoa Chămpa): “Hoa đẹp Chămpa, đã bao tháng ngày, hoa đây người đấy/ Hoa vẫn ngạt ngào thơm ngát mùi hương, tháng năm còn vương…”.

Mọi người trở lại ngồi vào bàn ăn. Cảm xúc dâng trào, tôi nhớ lại bài thơ tôi viết tặng các bạn Lào hồi học ở Erevan (Armenia, năm 1983), nên “xin” đọc cho mọi người nghe: “Lăm vông xứ tuyết (Tặng các bạn sinh viên Lào). “Bạn Lào mở hội Lăm Vông/ Xứ người đã chớm sang xuân/ Nắng tràn/ Bunpimay(1) giữa tuyết tan/ Tiếng Lăm(2) nao nức/ Điệu đàn du dương/ Bạn mời/ Không chối Lăm Vông/ Búp tay quấn quýt/ Lượn vòng sang đêm/ Nghiêng trời sao Erevan/ Hồn ta như thể về bên nước Lào/ Chămpa nắng mới sắc màu/ Pu Luông một dải Việt - Lào chung lưng/ Mai ngày/ Tôi - bạn về bên/ Trăm năm vẫn nhớ Lăm Vông xứ này”((1) Tết Lào, khoảng đầu tháng tư. (2) Dân ca Lào – Thái). Đọc xong, tôi nâng cốc: “Chúc mừng tình hữu nghị Việt – Lào chúng ta!”.

Cô giáo dạy môn “Tiếng Nga” lớp Việt Nam chúng tôi rất tận tình đối với anh em. Cô lo chúng tôi không “chịu được” khí hậu nước Nga, ăn uống “không hợp khẩu vị”, v.v. Vì nhà cô quá xa (ở khu Krasnoarmeyskiy [Hồng quân], cuối thành phố, gần Kênh đào Volga – Don), nên cô đã xin chuyển trường về dạy gần nhà. Tôi đã mời cô lại ký túc xá thăm một lần. Cô nhận lời. Tôi đi cửa hàng mua các thứ về nấu, chờ tiếp đón cô. Đúng hẹn, cô đã đến (cùng với đứa con trai 5 tuổi). Tôi gọi anh em trong lớp đến. Ai cũng rất vui mừng.

Tôi dọn bữa cơm mời cô và mọi người ăn. Trên bàn có đĩa cơm (tôi nói cách nấu cho cô biết), có canh (cà nấu thịt), tô xúp (thịt gà, cà rốt, khoai tây), giò chả, thịt băm viên, bánh mì, v.v. Tôi mở chai rượu vang nho rót mời mỗi người một ly. Tôi chúc cô mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc Igor (đứa con cô) ngoan ngoãn, học giỏi. Bỗng Việt sực nhớ bên phòng nó còn có chai sâm panh, nên chạy về lấy. Việt lại rót sâm panh mời cô và mọi người. Cô uống chút rượu, ăn vài miếng cơm (cho biết), vài miếng khoai tây, cà rốt…

Cuối năm đó cô sinh đứa con thứ 2 (con gái). Gần đến ngày sinh nhật lần thứ nhất của nó (đầy 1 tuổi), cô viết thư báo tin mừng đó cho tôi biết. Tôi đã đến thăm cô. Đứa bé đang ngủ, nhìn rất đáng yêu. “Nó rất ngoan”, cô nói. Rồi cô dọn thức ăn ra trên bàn, mời tôi “ăn một chút”, mặc dầu tôi xua xua tay. “Nhà cô không nấu nhiều món như các em đâu”, cô nói. Đúng là “món nấu” chỉ có xúp (thịt, cà rốt, khoai tây). Nhưng trên bàn cô bày la liệt bánh mì, giò chả, thịt viên, cá hun khói, cá ướp muối, pho mát, bơ, sữa chua, ớt muối (ớt chuông), dưa chuột muối, v.v.

Không ngờ đó là lần cuối cùng tôi đến thăm cô, cho đến khi về nước.

*
Những bữa cơm Việt, cơm Lào, cơm Nga ở Volgograd khi đang học ở đó, tôi thấy nó “bình thường”. Hôm nay, sau 25 năm nhớ lại, tôi thấy nó “đáng nhớ” làm sao, “đặc biệt” làm sao!.

Vinh, ngày 6/5/2013

Quán Vi Miên

Địa chỉ:23/3 Phạm Huy, Quán Bàu, Vinh, Nghệ An; Đt: 038.3531.991 / 0915.235.128; Email: quanvimien@gmail.com

URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=64187
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru