Mekong News http://mekongnet.ru
Thiều Kim Tước: Cuộc hội ngộ sau gần 40 năm của thầy trò Nga Việt
20.07.2013 15:37 | In ra

Bài dự thi về Volgagrad

Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay luôn là hình ảnh người bạn, người đồng chí chân thành, hiền hậu và thân thương đối với nhân dân Việt Nam, nhất là đối với những ai đã từng học tập, lao động và sinh sống tại Nga. Trường TY No1 nay là Trường Trung cấp nghề, tại Thành phố Volgagrad từ năm 1967 đến 1992 là nơi đã đào tạo hàng trăm học sinh về ngành điện cho Việt Nam.

Năm 1974, lớp 12 chúng tôi khi đó gồm có 10 học sinh, đến nước Nga trong khi cuộc chiến tranh tại Việt Nam đang đến hồi khốc liệt nhất. Khi ấy, anh em trong lớp chúng tôi rất nghèo, không một ai có đôi giầy da nào, chỉ đi dép nhựa được cấp phát trong nước, 2 áo sơmi và 1 áo vét mà mùa đông nước Nga đang đến gần. Các thầy cô giáo người Nga rất hiểu tâm lý và thương các học sinh Việt Nam đến từ cuộc chiến tranh gian khó, đã rất tận tâm giúp đỡ chúng tôi mọi mặt. Cô giáo Valentina Vlađimirovna khi ấy vừa ra trường còn rất trẻ, chỉ hơn chúng tôi vài tuổi, nhưng rất nhiệt tình và tận tâm dạy chúng tôi môn tiếng Nga. Kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong ký ức tôi là: khi ấy cô ở trường dạy chúng tôi đến hơn 7 giờ tối, sau đó lại một thân một mình lội tuyết ra tàu hoả để trở về nhà cách xa gần 50 cây số. Sáng sớm hôm sau đến trường, mặt mũi cô tái mét vì giá lạnh trong chiếc áo khoác Palto mỏng. Rồi những lần Tết cổ truyền Việt Nam cô đều đến tận ký túc xá động viên và tham gia hào hứng với học sinh Việt Nam cho đỡ nhớ nhà.

Cô Valentina Vlađimirovna (đứng thứ 2 từ trái sang) cùng học trò tại Volgagrad thời những năm 70 của thế kỷ trước

Thời gian cứ thế trôi qua, thoắt cái đã gần 40 năm; với bao bộn bề của cuộc sống, vui có, buồn có… đối với mỗi người. Thời cuộc, thể chế chính trị… thay đổi, nhưng đọng lại trong tâm khảm mỗi chúng tôi là hình ảnh của một nước Nga, một thành phố Volgagrad cùng với các thầy cô giáo và con người Nga chân thành với tấm lòng đôn hậu, bao dung… đã cùng học sinh Việt Nam vượt qua gian khó. Nhiều người trong số chúng tôi đã cất công tìm kiếm thông tin về ngôi trường và các thầy cô giáo cũ. Thế rồi bằng mối quan hệ bạn bè đang sinh sống tại thành phố Volgagrad, (đặc biệt là anh Hoá đang làm ăn sinh sống tại khu Tractornưizavod, tập thể giáo viên hiện nay của ngôi trường cũ và một số bạn bè) sau nhiều cố gắng và kiên trì đã tìm được địa chỉ của cô giáo. Lúc này cô giáo đã chuyển khỏi trường và nghỉ hưu, chuyển nơi cư trú 2 lần. Nhờ Internet, thư điện tử, điện thoại mà chúng tôi đã liên hệ được với cô giáo. Một bạn trong số chúng tôi là anh Nguyễn Trọng Thược (Giám đốc Công ty truyền tải điện Hà Tĩnh) đã mời cô giáo sang thăm Việt Nam và nhờ anh Hoá đứng ra mua tặng cô một tấm vé máy bay khứ hồi từ Volgograd về Hà Nội mang đến tận nhà biếu cô. Cô Valentina Vlađimirovna đã vô cùng ngạc nhiên và xúc động, không ngờ sau gần 40 năm lại có những người học sinh cũ mà lại là người Việt Nam xa xôi nhớ đến (có người còn nhớ cả số phòng 133, số nhà 8, phố Nhepckaia, số điện thoại cũ, ngày sinh của cô) và hơn cả thế nữa là giấc mơ mà cô luôn nói đến là được thăm đất nước Việt Nam, một mong ước mà cô nói rằng khi tuổi trẻ dần qua và đến khi nghỉ hưu thì ước mơ ấy đã quá xa vời thì nay bỗng nhiên trở thành hiện thực; càng hạnh phúc hơn khi được biết học sinh của mình đã nỗ lực học tập vươn lên, nhiều người thành đạt và tuyệt nhất là vẫn nói và viết tiếng Nga tốt, tình cảm đối với đất nước Nga, con người Nga chưa bao giờ phai nhạt. Cô đã vui vẻ nhận lời.

Được tin cô sẽ sang Việt Nam vào sáng 07/6/2013, Hội cựu sinh viên tại Thành phố Volgograd đã kết nối, thông tin cho nhau và lên kế hoạch đón tiếp cô chu đáo, tận tình; đưa cô đi thăm tất cả các địa phương có học trò cũ của cô ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Việt Trì, Phú Thọ, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh…. Cả cô và trò đều ứa nước mắt vui mừng gặp lại sau gần 40 năm

Đón cô giáo tại Sân bay Nội Bài



Lễ trọng thể đón cô tại Hà Nội

Với bức ảnh này, cô xúc động nói rằng hơn tất cả mọi huy chương, mọi giấy khen, là minh chứng cho cuộc đời làm nghề giáo của cô đã từng sống và làm việc. Cô tự hào với bản thân, tự hào với gia đình, tự hào với đồng nghiệp và sẽ theo cô đến lúc chết. Càng xúc động hơn khi cô biết rằng để kịp đón cô, có vợ chồng anh Tân (giảng viên trường Đại học Thuỷ lợi - người đứng thứ 2 áo trắng từ trái sang cạnh cô) đang ở Mỹ đón bằng Tiến sỹ của con trai cũng về sớm 3 ngày. Anh Tuyên từ Cao Bằng đi xe buýt suốt đêm cũng về Hà nội đón cô. Tại Hà Tĩnh còn có Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh - là đồng chí Nguyễn Thiện và Hội Hữu nghị Việt- Nga Hà Tĩnh đón cô và tặng quà.

Cô đã được đi thăm nhiều phong cảnh và tiếp xúc với nhiều người, cô nói rằng cứ như là đang ở trong một câu chuyện cổ tích của một giấc mơ mà ngày nào cũng như ngày hội.

Tại Vịnh Hạ Long

Sau đó cô còn được đi Đền Hùng, Lăng Bác, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Siêu thị Vincom, bãi biển Cửa Lò- Nghệ An, bãi biển Thiên Cầm- Hà Tĩnh, Phong Nha- Kẻ Bàng Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng…. rồi trở ra Hà Nội vào ngày 20/6/2013.

Sau 15 ngày ở Việt Nam, đã đến lúc lại phải chia tay trong bao lưu luyến, tình cảm, và nước mắt của cả cô trò lại ứa ra lần nữa tại sân bay Nội Bài khi tiễn cô trở về nước Nga.

Tiễn cô giáo tại sân bay Nội Bài

Về đến Volgagrad cô thông báo cho chúng tôi biết là cô đã về đến nơi an toàn và mạnh khoẻ, đã đem máy tính xách tay, quà tặng khác của học sinh Việt Nam cũ tặng các thầy cô giáo cũ.


Sau chuyến đi, được gặp lại các trò cũ và thăm thú phong cảnh của Việt Nam, cô Valentina Vlađimirovna Zorina như được sống lại với bao kỷ niệm thân thương của thời còn trẻ với các học sinh của mình. Trên gương mặt cô tràn đầy hạnh phúc khi nhận ra rằng văn hoá của người Việt Nam, tình cảm của con người Việt Nam với anh em, bạn bè, thầy cô luôn thuỷ chung, son sắt. Tình cảm với đất nước Nga chưa bao giờ bị bào mòn bởi thời gian.

Cô giáo đã về đến nhà

Nay mai mỗi khi nhắc đến đất nước Việt Nam và con người Việt Nam, tôi hình dung gương mặt thân quen của cô lại ánh lên niềm vui và nhớ nhung đến cuộc hội ngộ lịch sử này./.

T. K. T

URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=63763
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru