Mekong News  
Ai nắm bắt được thông tin - người đó sẽ làm chủ thế giới!
 Kinh tế - Chính trị và Tin tức Cộng đồng VN tại LB Nga
Thời tiết
Tỷ giá hối đoái
Đóng
Tình trạng online
 Đang online: 005

  Hits: 025320912
 
Tin tức » Trang văn nghệ 24.04.2024 03:08
Quán Vi Miên: Nguyên vẹn Tình yêu - Truyện ngắn dự thi về Volgagrad
13.06.2013 15:49

Con tàu Volgograd – Moskva từ từ chuyển bánh rời khỏi sân ga. Đôn uồm người dậy, dán mắt vào cửa kính. Thành phố Volgograd dần dần lùi lại phía sau. Cuối cùng rồi tượng đài “Người Mẹ tổ quốc kêu gọi” trên đồi Mamaiev Kurgan cũng khuất hẳn…Tạm biệt ký túc xá trên đại lộ Rokosovsky, trường đại học trên đại lộ Lenin, thầy cô, bạn bè, sông Volga! Tạm biệt…

Phía trước là chuyến trở lại bản quê sau 5 năm xa cách, là công việc, là…Anh chưa thể hình dung hết những gì sẽ đến với mình. Phải, anh đã đi xa 5 năm, và 5 năm đó bao nhiêu là thay đổi ở quê nhà? Bấy nhiêu năm ở xa, anh chỉ nhận được vỏn vẹn 1 lá thư…Quê anh là miền núi xa xôi, nghèo đói. Vợ con anh không tránh khỏi cuộc sống chật vật, khó khăn…

Anh và các bạn lưu lại 1 tuần ở Moskva, chờ làm thủ tục về nước. Mấy người rủ nhau đi chơi các ga tàu điện ngầm, phố Arbat, trang viên Tsaritsyno…Một ngày cuối tháng 7, anh và các bạn về đến nước. Phút đặt chân xuống sân bay là phút xúc động nhất. Vậy là anh đã đứng trên đất nước mình. Từ đây về quê anh chỉ còn hơn 300 km nữa mà thôi.

Anh theo một người bạn thân về ngõ Văn Chương. Thật ra bạn anh quê ở Quảng Ninh, nhưng ở đây có ông chú, nên hai anh em ở lại đây để lên bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp nạp giấy tờ du học về. Anh nhờ bà chủ nhà bán cho mấy cái bàn là và nồi áp suất để lấy tiền đi đường. Tiền đang mất giá, lạm phát. Ban đầu anh khá lúng túng, không biết “đếm” tiền như thế nào. Cách đây 5 năm khi anh đi, lương giáo viên cấp 2 của anh mỗi tháng 200 đồng. Nay anh nắm trong tay 1 nạm tiền nhưng giá trị không bằng 200 đồng ngày trước ấy. Không hy vọng là được Bộ phân công công tác ngay, nên ngày hôm sau anh lên xe về Nghệ An, hẹn tháng sau ra.        

Buổi chiều xe vào đến Vinh. Nghỉ lại một đêm ở bến xe, hôm sau anh mới đi ngược lên Mường Quỳ. Dọc đường thấy bao nhiêu là thay đổi. Hàng quán mọc lên nhiều, nhưng rất lộn xộn. Mọi người đổ xô lên Châu Bình đào đá đỏ. Nhưng cái thay đổi lớn nhất, trực tiếp tác động vào anh là: Cái nhà sàn của anh không thấy nữa, thay vào đó là một túp nhà đất tạm bợ ở góc vườn. Thì ra, nó đã bị cơn bão làm sụp xuống. Rất may là vợ con lúc đó không ở nhà nên không có tai nạn xẩy ra. Bố mẹ anh cũng đã qua đời. Anh ruột (là một thương bệnh binh) bại liệt nằm một chỗ…Anh bước đi loạng choạng mất một lúc, mới vào nhà được, nước mắt trào ra…

- Thôi, em ạ! – Người anh an ủi. – Em về đến nhà là được rồi. Cha mẹ tuổi già bệnh nặng không qua được. Nay đã mồ yên mả đẹp…

Người anh cho mổ con lợn, mời thầy mo về làm lễ “buộc vía” mừng anh trở về, và làm lễ cho anh vào thăm phần mộ cha mẹ trong rừng Pả Đông. Dân bản được mời đến, uống chum rượu cần. Mọi người gặp lại anh, hỏi bao nhiêu là chuyện về “cái nước Liên Xô” đó: “Bên đó có nhiều bánh mì không? Thành phố có nhiều xe to, nhà to không?, v.v.”. Việc quan trọng nhất đối với anh lúc này là nhanh chóng nhận công tác để ổn định cuộc sống.  

Một tháng sau anh lại quay ra Hà Nội. Bộ vẫn chưa có “động thái” gì. Lúc này vẫn đang còn trong cơ chế bao cấp, mọi sự phân công là do “cấp trên”. Nhưng không thể cứ chờ đợi mãi. Anh liền xin bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp “trả” anh về Bộ giáo dục như trước khi anh đi (vì anh đã là giáo viên cấp 2 đi dạy học 10 năm). Về Bộ giáo dục, anh lại xin được trả về Nghệ Tĩnh. Nhận được hồ sơ, anh tạm biệt bạn và gia đình ông chú bạn để về Vinh. Tiễn anh ra cửa, ông chú bạn anh nói: “Miền núi trong đó đang cần cán bộ. Hãy về xây dựng quê hương…”. Vào Ty giáo dục Nghệ Tĩnh, người ta lập tức phân công anh lên trường sư phạm miền núi ngay. “Anh là người miền núi, trở về miền núi công tác là hợp lý. Trước anh học ở trường đó trong thời kỳ chiến tranh, nay trở lại đó công tác là hợp tình”, Trưởng ty nói. Thế là anh trở lại trường sư phạm cngày xưa để giảng dạy. Một số thầy giáo cũ của anh vẫn còn công tác ở đây. Anh vừa từ Liên Xô về, tất nhiên mọi người đến gặp gỡ, hỏi han. Câu hỏi nhiều nhất là: “Đời sống của nhân dân bên đó như thế nào, mức sống có cao không?”, “Họ làm việc ra sao?”, “Trường đại học như thế nào?”, “Học sinh, sinh viên học hành ra sao?”, v.v. Có người xin một đoạn dây dù, hoặc 1 cái bao bóng “làm kỷ niệm”. Có người mượn bàn là để là quần áo. Có người bảo bày cho “cách thắt cà vạt”. Có người khen cái đài bán dẫn “nhỏ mà nghe rất rõ”. Có người trầm trồ cái bếp dây may xo “tiện dụng”. Lại có người đến hỏi mấy từ tiếng Nga bị quên, chứ “trước đây có học”. Có người khen Gorbachiov (Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô) là “cây lý luận đại tài”, v.v. Hiệu trưởng yêu cầu anh nói về “phương pháp luận nghiên cứu khoa học” cho Hội đồng giáo viên nghe. Công đoàn trường muốn anh nói chuyện về “vai trò của người phụ nữ Liên Xô” trong công tác cho Ban nữ công nghe. Bên huyện cũng mời anh nói chuyện về “chiến lược con người” (qua kinh nghiệm của Liên Xô) để huyện “tham khảo”, v.v.

Tình hình như thế diễn ra trong vài ba năm. Đến năm 1991, một sự kiện “chấn động thế giới” nổ ra: Đó là sự sụp đổ của Liên Xô! Thực tình thì anh chỉ thấy “tiếc” cho một đất nước như thế mà nay “không còn” nữa. Anh không có lý do gì để bi quan, hoặc đánh mất hy vọng. Anh vẫn tin tưởng vào một nước Nga, một Ukraina, một Belarusia, v.v. sẽ hùng mạnh trở lại trong tương lai gần, vì anh “hiểu bên đó”. Trong trường, ngoài quán sá, hay ở công sở, người ta bắt đầu nhắc nhiều đến nước Mỹ, nước Nhật, v.v. Thay vì tìm hiểu, học tập tiếng Nga thì nay người ta chuyển sang học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc, v.v. Nhà nước ta chủ trương “đổi mới” đường lối kinh tế “theo cơ chế thị trường”. Xã hội bắt đầu có sự “chuyển động”. Một số giáo viên mở lớp dạy thêm. Người khác thì mở quán bán hàng, hoặc mở cửa hàng ăn. Người kia ngầm kinh doanh vàng, cho vay lãi. Người khác nữa thì mua đất, kinh doanh bất động sản, v.v. Có người giàu lên trông thấy, bắt đầu “ăn to nói lớn”.

Còn anh thì làm sao đây? Bộ môn của anh không phải là môn có thể dạy thêm. Kinh doanh thì anh không có “khiếu”. Cha mẹ sinh ra anh như vậy, biết làm sao được? Anh được đào tạo để dạy học, tức là làm việc “với tri thức”, và “bằng tri thức” mà thôi. Hàng ngày anh vẫn lên lớp bình thường, vẫn đi chợ mua thêm khoai sắn độn cơm nuôi các con ăn học (anh đưa các con đi theo), dường như không hề bị “cuộc sống biến động” ở bên ngoài chi phối. Kỳ lạ hơn nữa, người ta vẫn thấy anh đọc sách. Những quyển sách đem từ nước Nga về vẫn được anh giữ gìn, trân trọng như báu vật. Anh đọc, có khi dịch, từng trang, từng trang, với niềm vui vô bờ bến. Anh làm thế để “sống lại với kỷ niệm” những ngày ở nước Nga. Anh như được “truyền” thêm sức mạnh. Rồi anh sáng tác thơ (trước đây anh đã in 1 tập thơ), viết truyện. Anh gửi những bản thảo đó đi và chẳng bao lâu thì có tin mừng: thơ và truyện của anh được in báo, tạp chí. Có nhuận bút, tuy không nhiều. Ngoài thời gian lên lớp, anh chuyên tâm “viết báo” nhiều hơn.

Kinh tế đất nước được cải thiện: lạm phát giảm, lúa gạo, hàng hóa nhiều lên. Bữa cơm của anh cũng đầy đủ hơn. Dự cảm thấy đã qua cơn “bĩ cực”, anh càng yên tâm, say mê hơn với “thú vui” đọc sách, sáng tác của mình. Nhà trường tổ chức nghiên cứu về miền núi để đào tạo giáo viên tốt hơn. Anh nhận đề tài và đi điền dã hàng tháng tận biên giới Việt – Lào, vào tận bản H’mông, Khơ Mú, Ơ Đu, hay là bản người Thái, làng người Thổ ở vùng thấp hơn. Trước đây, anh đã dạy học 10 năm ở trong vùng người Thái, người Thổ, anh đã từng sưu tầm văn học dân gian của các dân tộc đó. Sau khi được đào tạo ở nước ngoài về, có thêm kiến thức, phương pháp, anh chuyển sang nghiên cứu “địa phương học” một cách toàn diện. Anh bắt đầu công bố các bài báo về dân tộc học, ra sách về phong tục tập quán các dân tộc thiểu số, v.v. Trường chuyển về Vinh, anh có thêm điều kiện giao lưu, học tập với các nhà nghiên cứu, các học giả, các văn nghệ sỹ, v.v. Lúc này tình hình các nước SNG, với nước Nga là trụ cột, đã dần dần ổn định trở lại. Nước Mỹ bị tấn công (vụ 11/9/2001), nhúng tay vào Irắc, Côxôvô, rồi Ápganistan, …Trung Quốc tranh chấp biển đảo với nước ta, với Hàn Quốc, Nhật Bản, Philípin, … Chủ quyền nước ta bị đe dọa. Người ta lại nhớ đến Liên Xô, đến nước Nga – những người bạn đã tận tình giúp đỡ chúng ta giải phóng và bảo vệ đất nước. “Họ” là những người bạn đã qua thử thách trong lịch sử…

Một hôm có người đến gặp Đôn, yêu cầu anh mở lớp dạy tiếng Nga. Người này học tiếng Nga để sang Nga và các nước SNG lao động, buôn bán. Người kia học tiếng Nga để kinh doanh khách sạn (vì khách Nga đến du lịch ngày càng đông). Người nọ học tiếng Nga để sang du học, v.v. Anh mừng vì nước Nga đã “hồi sinh” và hồi sinh mạnh mẽ. Anh mừng vì nước Nga đã “chiến thắng”. Chiến thắng thời gian, thử thách. Chiến thắng sự “lãng quên” của con người.

Còn anh, từ ngày rời xa nước Nga đến nay, tình cảm của anh với nước Nga vẫn cứ nồng nàn, vẹn nguyên “tình yêu chung thủy” vậy.

Vinh ngày 10/5/2013

Quán vi Miên

Địa chỉ:  23/3 Phạm Huy, Quán Bàu, Vinh, Nghệ An; Đt: 038.3531.991/ 0915.235.128; Email: quanvimien@gmail.com

Theo: volga-viet.com, nguoibanduong.net
0 0/0    Đánh giá của bạn:  GO
Bản để inLưuGửi tin qua email


  GO  
Chọn ngày

Tin mới
Trang chủ  ¤  Tin tức  ¤  Liên hệ  ¤  Liên kết  ¤  Sơ đồ site  ¤  Tiếng Nga Anti Spam
© Copyright 2009-2010 MEKONGNET.ru, All rights reserved.
® MEKONGNET.ru giữ bản quyền nội dung trên website này.
Cơ quan chủ quản: COMPANY ZOLOTOI DRAKON
Trụ sở: Office 17, Tekhnitreskaia str., 19, Ekaterinburg, Russia
Tel/Fax: 7 (343) 381-84-14 Email : info@mekongnet.ru