Mekong News http://mekongnet.ru
Vũ Tuấn Hoàng: Lời thú nhận của mùa thu -Truyện ngắn dự thi về Volgagrad và nước Nga
07.05.2013 12:58 | In ra

Ngoại tình, một đề tài xưa như trái đất, hiện diện và được bàn tới ở khắp mọi nơi, trong những túp lều lợp tạm của hoang mạc Châu Phi nóng bỏng, đằng sau cửa kính của những tòa nhà chọc trời ở New York, Hồng Kông hay trên những làng chài nổi Vịnh Hạ Long trữ tình… Và bây giờ, nó lại là chủ đề nóng hổi của cuộc tranh luận diễn ra trên mặt boong lộng gió và nắng của con tàu mang tên Gagarin đang rẽ sóng xuôi dòng sông Vonga êm đềm…

Tôi khăng khăng bảo vệ ý kiến của mình:

- Đấy là một bản năng để tăng xác suất sinh sản, bảo tồn nòi giống... Chúng ta không nên cố nhét nó vào cái khung đạo đức khô cứng mà thất vọng...

Chỉ có anh Makxim - một chuyên gia về Việt Nam học,  cao lớn, có hàng ria mép vểnh lên kiểu Taras Bulba,  miệng không bao giờ rời chiếc tẩu gỗ cây anh đào, là chia sẻ với tôi quan điểm này.

-  Thôi đi ông, đến lượt vợ ông ngoại tình thì lại chả trợn mắt lên,  sùi cả bọt mép ra ấy chứ - Nữ phóng viên Trúc Đào ngồi cạnh sát lan can, không thèm quay lại, mắt xa xăm nhìn theo những bọt sóng để lại đằng sau đuôi con tàu, nói giọng chanh chua.

- Cho tôi xin, ai cũng tham lam cả, không ít thì nhiều và mức độ thế nào thôi – Kim Anh, người dẫn chương trình nổi tiếng trên VTV, lên giọng dĩ hòa vi quý để chấm dứt cuộc tranh luận – Makxim, anh xem lại bản đồ đi, hình như chúng ta sắp đến  bến rồi đấy, loanh quanh chuyện trên trời dưới biển, rồi thế nào cũng lại quay về cái “chuyện ấy” , chẳng khác gì trái đất quay xung quanh mặt trời!

Địa điểm chúng tôi tới là gia đình của bà giáo  dạy tiếng Nga, mà nửa thế kỷ trước đã  cùng chồng sang Việt Nam công tác tại trường Sư phạm trong thời kỳ Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Chồng bà làm chuyên gia quân sự  trong binh chủng tên lửa phòng không. Tôi cầm trong tay bức ảnh bà  chụp cùng với các em sinh viên lứa tuổi đôi mươi, cả nam lẫn  nữ, bên cạnh chiếc hầm kèo chữ A tránh bom.  Mặc dù nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng nước ảnh vẫn còn rất tốt. Bà giáo chắc lúc đó chỉ khoảng ngoài hai mươi, khuôn  mặt kiểu Xlavơ xinh xắn, mái tóc vàng trải hất sang một bên và đôi mắt, vầng trán, sống mũi đẹp kiểu cổ điển, hay còn gọi là vẻ đẹp Turghenhev.

Không hiểu sao, tôi nóng lòng muốn được nhìn lại một dung nhan mỹ miều sau gần năm thập kỷ chống chọi với sức tàn phá của thời gian.

Chiếc xe tắc xi chở đoàn từ bến  tàu thủy cách không xa   tượng Bà mẹ anh hùng, dừng lại gần ngôi nhà một tầng cũ kỹ, tường và mái đã lở lói rêu phong. Kim Anh khoát tay  ra hiệu cho anh quay phim vừa nhảy xuống  khỏi xe thấy khung cảnh khu rừng phong xung quanh nhà:

- Em lấy cho chị toàn bộ con đường dát lá vàng kia, những tia nắng mặt trời xuyên qua tán lá, cả những chú sóc đuôi bông  đang chuyền cành và xa xa là thấp thoáng dòng sông Vonga vĩ đại…  lát nữa chị  sẽ mời bà giáo đi lại trên con đường này và thiên phóng sự  kết thúc ở cảnh hình bóng bà  xa dần xa dần và chìm vào trong bức tranh mùa thu vàng Nga bất tử, mọi người thấy kết như vậy có được không?

- Có lẽ,  nên cận cảnh cả những bậc thang xô lệch này, tay vịn lan can tróc sơn và cái hàng rào gỗ có những dây hoa leo màu đỏ trên  cắm các bình gốm xiên xẹo - Tôi cũng  phụ họa theo để ra vẻ mình cũng am tường về các thủ pháp  điện ảnh -  Và, cả chiếc chuông đồng mốc xanh đính trên cửa ra vào nữa kìa, có lẽ nên bắt đầu bằng hình ảnh chiếc chuông rung leng keng và xa xa thấp thoáng  mái nhà thờ kiểu  đạo Chính thống giáo...

Đàn sếu bay qua

Đúng lúc đó, cánh cửa rít lên ken két và một bà cụ già bước ra tươi cười chào đón chúng tôi

- Mời tất cả vào nhà, chúng tôi chờ các bạn đã mấy hôm nay rồi, cứ hết ra lại vào, nhà mấy khi có khách đâu. Không cần phải cởi giầy! Mang cả bụi cát của Việt Nam sang  càng quý vì  chúng tôi đã 2 năm hít thở không khí đó.

Tôi đứng sững lại vì một cảm giác như thể bị tuột rơi khỏi ngón tay chiếc nhẫn quý xuống vực sâu. Mọi người đã vào hết trong, nhưng tôi cứ bần thần lần lữa mãi ở trước cửa, bụng bảo dạ: “Thời gian quả là  dã  man, đã biến nàng tiên thành một bà lão móm mém, lưng  bắt đầu còng xuống”. Không hiểu sao, nước mắt tôi tự nhiên trào ra. Tôi muốn được khóc thật to lên để làm vơi đi một nỗi buồn hay đúng hơn là nỗi  bức tức  vì sự tàn phai của một tác phẩm lung linh do Tạo hóa sinh ra, rồi chính tay Người lại đang tâm gạch xóa lên mặt tác phẩm những nếp nhăn chằng chịt, tàn nhẫn bẻ cong cái thân hình mà chắc nửa thế kỷ trước có thể làm người mẫu để tạc tượng nữ thần tình yêu.

- Em không được bỏ sót các chi tiết dù nhỏ nhất, các bức mành tre Việt Nam, tranh sơn mài, chiếc mũ cối  treo trên bốn bức tường – Tiếng Kim Anh nói với anh quay phim từ trong nhà vọng ra – Em chào Thầy, thầy có khỏe không ạ?

- Nhà tôi bị xuất huyết não liệt nửa người đã 2 năm nay rồi, ông ấy không nói được. Tôi hàng ngày vào buổi sáng vẫn đẩy xe  đưa ông ấy đi đến bệnh viện điều trị.  Thôi, mời tất cả mọi người ngồi vào bàn đi, các món này đều do tôi làm cả,  mứt làm từ hoa quả trong vườn, bánh mỳ tôi cũng nướng lấy, chứ lương hưu thì làm sao đủ sống. Aliosa, anh muốn ăn gì để em lấy nào? – Bà quay sang ông chồng ngồi trên chiếc xe lăn, rồi không đợi ông trả lời bà lấy bánh mỳ bơ, phết trứng cá lên và đưa cho ông cắn từng miếng nhỏ. Bà dùng khăn lau những mẩu vụn bánh mỳ vương trên bộ râu quai nón rậm rì, bạc trắng như cước của chồng.

Kim Anh đưa mắt ra hiệu để anh quay phim không bỏ qua những giây phút cảm động này. Câu chuyện về những  kỷ niệm trong thời gian công tác ở Việt nam của hai ông bà, kéo dài gần một tiếng đồng hồ . Bỗng, ông già ú ớ chỉ tay về phía tủ sách và làm hiệu cho vợ.  Bà giáo  trở nên hoạt bát hẳn lên, bước tới bên tủ và đem lại bàn một chiếc hộp gỗ trạm trổ hoa văn trông giống như hộp đựng đồ trang sức. Bà đặt ngay ngắn lên bàn và chậm rãi nói,  trước những con mắt tò mò ngạc nhiên của chúng tôi:

- Tôi đã gìn giữ những bài tập làm văn bằng tiếng Nga của các em sinh viên Việt Nam như một báu vật của gia đình. Tôi đã dạy các con tôi bằng các bài tập làm văn này. Nó toát lên cái tinh thần của cả một dân tộc,  tuy nhỏ bé nhưng không chịu quỳ gối trước bạo cường. Và chính bản thân tôi, vượt qua được bao khó khăn trong cuộc sống, cũng nhờ những câu những ý trong này – Nói đến đây, bà thận trong lấy ra một tập các bài viết bằng mực xanh, mực  tím trên loại giấy kẻ ôli đã ố vàng và đưa cho chúng tôi xem. Tất cả chúng tôi đều ồ lên kinh ngạc vì cả một đời người đã trôi qua với qua bao thăng trầm biến cố mà những kỷ niệm tưởng như vô nghĩa và nhỏ nhặt này vẫn được một gia đình trí thức Nga ở tận nửa bên kia trái đất gìn giữ và trân trọng.

Điều bất ngờ nhất trong chuyến đi này mới chỉ bắt đầu.

Dưới đáy của chiếc hòm gỗ, còn có một cuốn vở được bọc trong giấy bóng kính. Khi bà giáo Maria  thận trọng mở  ra, tôi thấy nước mắt bà lưng tròng. Cả ông  già cũng sụt sịt. Không khí trong phòng trở nên nghiêm trang bất ngờ vì mọi người chợt hiểu ra rằng  người phụ nữ Nga đang sắp thổ lộ ra một điều gì đó rất hệ  trọng và thiêng liêng

- Các bạn  nhìn thấy trên bìa cuốn vở  vết loang đen sẫm này không? Các bạn có biết đó là vết gì không? Vừa hỏi  Bà vừa  đưa đôi mắt đã đẫm nước mắt của mình lên nhìn vào từng khuôn mặt ngơ ngác của mỗi chúng tôi, rồi tự trả lời luôn – Đó là vết máu. Đáng lẽ, đó là máu của chính tôi. Đáng lẽ, tôi không còn được ngồi đây tiếp chuyện các bạn. Các bạn thử nhìn kỹ và đọc to lên cái tên ghi trong chiếc nhãn vở bị vết máu làm cho mờ đi này...

- Nguyễn…Xuân Việt – Kim Anh đọc to lên –  trường Sư phạm Ngoại ngữ -  Quốc Oai, Hà Tây

- Đúng, đây là  máu của sinh viên Nguyễn Xuân Việt.

Chúng tôi kính cẩn chuyền tay nhau cuốn vở mỏng lưu giữ một phần cơ thể của một con người đã khuất  như  báu vật thiêng liêng, thậm chí chẳng ai dám thở mạnh. Mãi một lúc lâu, Kim Anh mới lấy lại được bình tĩnh và khe khẽ nắm lấy  tay bà Maria, yêu cầu kể lại câu chuyện bi thương này. Anh quay phim cũng đứng đực ra quên cả tác nghiệp.

Bên ngoài, một cơn gió  thu vô tình  hất mấy chiếc lá phong vàng dính  vào mặt kính cửa sổ.

“Bức ảnh mà các bạn mang sang, trong anbum của chúng tôi cũng có, đây các bạn nhìn xem – Bà Maria đặt hai bức ảnh giống hệt nhau lên bàn – Chúng tôi chụp chung trước hôm xảy ra sự việc đau lòng này một tuần. Trong ảnh không có Việt, bởi chính anh là người chụp...

- Thế trong các bức ảnh khác có không ạ?

Bà Maria hơi bối rối đưa mắt nhìn về phía chồng.

- Thật đáng tiếc, chúng tôi không còn giữ lại được bức ảnh nào của Việt… Bà im lặng một lát, rồi sụt sùi bắt đầu câu chuyện – Hôm đó vào buổi trưa, tôi vừa giảng xong bài giới thiệu về  thi hào Pushkin “Thơ và đời”  thì kẻng báo động vang lên. Tôi vẫn nhớ chiếc kẻng làm bằng một đoạn thanh tà vẹt đường ray, sơn nửa trắng nửa đỏ. Cả lớp nhanh chóng tản ra các hầm đào xung quanh sân trường. Thật không may, đêm hôm trước trời mưa rào rất to, một số hầm bị ngập nước chưa tát kịp. Tôi chạy ra  gần cuối cùng, trong hầm đã chật kín các em sinh viên đứng ngập trong nước đến thắt lưng. Tôi lưỡng lự một lúc thì chợt nghe thấy tiếng gọi từ một căn hầm cách đó không xa “Mariana, chạy mau ra đây, cúi thấp người xuống !” . Lúc đó, súng cao xạ của một đơn vị phòng không ở cạnh đó đã bắt đầu nhả đạn rầm rầm và tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom nổ nghe rất gần. Căn hầm mà tôi chạy tới cũng đã chật và người gọi chính là Việt. Chúng tôi ép sát vào nhau, mặt đất  rung chuyển. Bom nổ rất gần, đất đá rơi rào rào. Việt bỗng xoay người đẩy tôi vào trong và đứng chắn ra bên ngoài. Ngay sau đó chưa đầy nửa phút, một quả bom rơi trúng ngôi trường. Hầm chúng tôi bị sập vì sức ép . Khi tôi tỉnh dậy trong quân y viện  mới hay ...Việt đã qua đời ngay giường  bên cạnh vì một mảnh bom -  Bà Maria đưa mép khăn choàng đầu lên lau nước mắt

Tất cả chúng tôi cúi đầu ngồi lặng đi một lúc lâu vì không biết phải nói gì hơn trong lúc này. Trúc Đào và Kim Anh, trái tim phụ nữ dễ cảm thông, đã khe khẽ kéo ghế ngồi sát vào hai bên bà giáo già, ôm lấy cánh tay bà và bóp nhè nhẹ như để làm dịu đi nỗi xúc động đột ngột vì  kỷ niệm buồn  xưa bỗng ào ạt trở  về.

- Việt lớn lên trong trại trẻ mồ côi –  Khi cơn xúc động  đã dịu xuống, bà Maria  khẽ nói – Rất yêu văn học  Nga và chỉ ước mơ được bơi trên sông Vonga.

Có một tình tiết ngoài kịch bản,  không hiểu sao trong chương trình phát sóng sau này lại  bị cắt đi. Có thể, vì lý do sợ làm tổn hại đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước, chăng?  Nhưng riêng tôi lại có suy nghĩ khác  và cảm thấy mình có lỗi nếu như để nó trôi vào quên lãng: Khi Kim Anh mời bà giáo ra đi bộ trên con đường hai bên trồng toàn cây phong đang trút lá vàng,  bà Maria đồng ý ngay. Trúc Đào nhanh nhẹn  sửa sang lại đầu tóc và khăn cho bà già bảy nhăm tuổi, da đã đầy đồi mồi. Ánh mắt bà chợt long lanh như ngọn nến trước lúc tắt  bùng lên. Và,  chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi thôi,  tôi  bất chợt bắt gặp lại đôi mắt của cô gái  ngoài hai mươi trong ảnh trên khuôn mặt  nhăn nheo của bà già.

- Tôi bây giờ  chẳng  còn sợ  gì, chỉ chờ ngày trở về với Chúa, lúc nãy có ông ấy tôi không tiện nói ra. Tôi đã yêu Việt, giữa chúng tôi có một cuộc tình ngắn ngủi nhưng mãnh liệt. Trước đó, tôi không bao giờ tưởng tượng được, phải vượt qua ngàn vạn dặm đường, bom đạn, kề cận cái chết, tôi mới cảm nhận được thế nào là một tình yêu bản năng nhất mà không phải người phụ nữ nào cũng  dám nếm trải.

Không gian chợt chết lặng  đi mấy giây,   như  hóa  đá  sau ánh chớp lóe của một cơn dông bất chợt.

Tôi  bỗng cảm thấy ghen tỵ với  người đã khuất và  nhận ra cái đám mây đen ấy cũng thoáng qua trong mắt của hai người phụ nữ đồng nghiệp. Chúng tôi  nhìn bà giáo già bước đi chậm rãi trước ống kính, đầu ngẩng cao, bằng  con mắt  cảm phục và ngưỡng mộ. Bà trở nên thánh thiện hơn vì đã dám nói ra Sự Thật của lòng mình.

Đúng lúc đó, trên nền trời thu xanh trong vắt  xuất hiện một đàn chim sếu  dàn hàng ngang sải cánh về phương nam trú đông. Bà giáo Maria chỉ tay lên theo hướng của bầy chim di cư, nửa như nói với chúng tôi nửa như nói với chính mình:

- Theo truyền thuyết Nga, những chiến binh dũng cảm ngã xuống trong chiến tranh đều biến thành chim sếu. Việt của tôi, tình yêu của tôi chắc cũng hóa thành chim và chúng tôi nhất định, nhất định ... sẽ gặp lại nhau!

Qua khung cửa sổ, thấp thoáng bóng khuôn mặt của cụ cựu chiến binh già đang nhìn ra, mỉm cười. Đâu đó, vọng lại tiếng gió lay rặng bạch dương xào xạc, xen lẫn  tiếng sóng vỗ lên bờ kè đá khắc khoải. Vonga buồn và  mênh mang.

Vũ Tuấn Hoàng

Kharkov- Ukraine 

URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=61497
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru