Mekong News http://mekongnet.ru
Quán Vi Miên: Tiếng Nga trong tôi
05.05.2013 14:46 | In ra

Bài dự thi về Volgagrad và nước Nga

Năm 1988, về nước, trong thùng hàng tàu biển của tôi có đến một nửa là sách. Mấy năm tiếp sau là những năm khó khăn nhưng tôi vẫn âm thầm giữ những cuốn sách Nga, thỉnh thoảng lại đưa ra đọc. Đọc để nhớ. Đọc để giữ tình yêu với nước Nga, tiếng Nga. Nhiều người bỏ tiếng Nga (sau khi Liên Xô sụp đổ 1991), sang học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung. Đây là thời điểm tôi mua được nhiều sách tiếng Nga, sách dịch của Nga nhất, ở trong các hiệu sách, vì người ta không chú ý đến tiếng Nga nữa

Tôi sinh ra và lớn lên trong một bản Thái ở miền Tây xứ Nghệ xa xôi hẻo lánh. Hẻo lánh nhưng rất may là cũng có một cái chợ ở gần bản. Khoảng 6, 7 tuổi là tôi đã rủ bạn lân la ra chợ chơi. Chợ hấp dẫn tôi vì mấy cái kẹo kéo, bát phở hay là bánh mướt của người Kinh – tất nhiên rồi. Nhưng còn có một thứ nữa hấp dẫn tôi không kém – đó là sách.

Có một cái sạp sách nhỏ ở cuối chợ. Tôi xin phép chủ quán cầm một cuốn sách lên xem. Chao ôi! Sách vẽ toàn cảnh bộ đội đánh giặc, thích quá! Ở một quyển khác là cảnh thành phố, cảnh ô tô, cảnh nhà máy…Tôi chưa biết chữ; chưa đi học; chưa có trường, nhưng xem tranh cũng đã sướng! Ít lâu sau thì mấy bản trong vùng tìm được một người biết chữ để dạy vỡ lòng (lớp 1) cho bọn trẻ con chúng tôi. Đó là vào khoảng cuối những năm 50 của thế kỷ trước. Tôi xin bố được 5 hào ra chợ mua một cuốn sách thiếu nhi về “đọc” – tập “ê a” các chữ cái, tập đánh vần…Tóm lại, sách “dạy” tôi đọc, viết, nói tiếng Kinh. Năm 1960 có trường, có giáo viên miền xuôi lên dạy, tôi sung sướng vào học cấp 1. Biết đọc thông thạo, tôi thường xuyên ra chợ xem có sách mới là mua ngay.

Tôi thích đọc Tô Hoài, Phong Thu, Lê Khắc Hoan, v.v…Chiến tranh chống Mỹ bùng nổ (1964), tôi học lên cấp 2, cũng là lúc tôi bắt đầu biết đến sách Liên Xô, biết đến văn học Xô Viết. Trường sơ tán vào rừng sâu, học dưới hầm lũy, nhưng có dịp là tôi lại tìm đến hiệu sách của huyện (lúc này cũng sơ tán trong rừng), mua những cuốn sách của Gorky, Simonov, Polevoi, Gaida, Kazakevich, Ostrovsky, Erenburg, Fadeev, Solokhov, v.v… “Chủ nghĩa anh hùng Xô Viết” qua sách đã “truyền lửa” sang tôi. Liên Xô – vị cứu tinh nhân loại, luôn “sống” trong tôi; những Pavel Korsaghin, những Kachiusa, v.v… thúc giục tôi học tập, rèn luyện, để đến một ngày nào đó cầm súng ra trận. Liên Xô – những con người có lý tưởng cao đẹp, có sức hấp dẫn làm sao!

Đến tuổi 18, tôi đi tuyển nghĩa vụ quân sự, sẵn sàng nhập ngũ. Nhưng tôi đã bị loại vì thị lực kém. Lên cấp 3, bạn học đi bộ đội trống hẳn các lớp. Tôi liền bỏ ngang đi trung cấp sư phạm. Trường sơ tán lên đầu nguồn suối, học hành rất gian khổ, thiếu thốn. Nhưng bù lại, tôi lại được học với các giáo viên rất giỏi về chuyên môn, rất giàu tình cảm yêu thương sinh viên, và rất cao về tinh thần trách nhiệm. Thầy giáo dạy văn của tôi là một người rất giỏi về văn học Nga. Ông giảng rất hay về Gogol, Pushkin, L.Tolstoy, Dostoevsky, Lermontov, Turghenev, Sekhov, v.v… Nước Nga, Liên Xô – đối với tôi là “đỉnh cao chói lọi” về văn chương, là  “người khổng lồ” về văn học. Mặc máy bay Mỹ quấy rối ngày đêm, tôi vẫn “mặc kệ”, vùi đầu vào các trang sách văn học Nga (trong thư viện trường hoặc ra ngoài mua được). Tôi “sống” với các chàng Ivan, các nàng Natasa, v.v… của tôi. Họ rất đẹp, rất thánh thiện, rất “người”. Một đất nước, một dân tộc như vậy thì sẽ phát triển rực rỡ trên hành tinh của chúng ta - tôi tin như vậy.

Tốt nghiệp, tôi ra dạy phổ thông. Mấy năm nữa thì đất nước thống nhất. Cái tủ sách của tôi, trong đó chủ yếu là sách văn học Nga – Xô Viết, ngày một cao lên. Với đồng lương ít ỏi của người giáo viên thời bao cấp, gì thì gì, tôi vẫn dành dụm để mua sách. Tôi biết thêm các tác phẩm của A.Tolstoy, Fedin, Rưbakov, Ajaiev, Bondarev, Leonov, Aimatov, v.v… (dĩ nhiên là tôi cũng có sách của các nước khác). Đất nước ta còn nghèo, còn thiếu thốn đủ điều, nhưng sẽ có một lúc “như nước Nga”, “như Liên Xô” – tôi nghĩ thế. Vẻ đẹp văn học Nga – Xô Viết, vẻ đẹp ngôn ngữ Nga đã tăng thêm sức mạnh cho tôi, giúp tôi vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống, tin tưởng ở ngày mai. “Ngôn ngữ Nga”, giá mà tôi biết nó, nắm được nó, để có thể đọc nguyên bản thì hay biết chừng nào! Ở chốn rừng rú xa ngái này thì làm sao đây? Không có ai biết tiếng Nga, không có sách báo tiếng Nga. Nhưng, như người ta thường nói, vấn đề là đừng tắt niềm hy vọng.

Đùng một cái, quê tôi phát hiện ra mỏ thiếc (Quỳ Hợp, Nghệ An), và các chuyên gia Nga – Liên Xô xuất hiện! Họ ghé vào mái trường rẻo cao của tôi. Lần đầu tiên tôi nghe họ nói “khơrasô” (tốt), “đa” (vâng), “nhét” (không), v. v…

Qua phiên dịch, tôi nói là tôi mê đọc sách Nga – Liên Xô, tôi muốn biết tiếng Nga lắm… Năm 1976, tôi được Phòng giáo dục điều về dạy Bổ túc văn hóa cho công nhân Lâm trường huyện. Ở Lâm trường bộ có một kỹ sư lâm nghiệp học ở Liên Xô về. Anh ta người nhỏ, hơi đen, hiền lành, nhưng đi một cái xe Sport đem từ Liên Xô về nên xem rất “phong độ”. Mọi người đề nghị anh ta dạy tiếng Nga cho. “Được”, anh ta nói. Lâm trường bộ cũng ủng hộ và bố trí điện thắp sáng cho học ban đêm. Vậy là ban ngày tôi đi dạy bổ túc văn hóa, ban đêm đi học tiếng Nga. Nhà tôi cách Lâm trường khoảng 5 – 6 km, đạp xe cũng mất khoảng 30 phút. Nhưng dọc đường phải qua sông, suối. Hồi đó lại đúng vào mùa đông, rét kinh khủng, nước buốt giá, sương muối giăng đầy núi rừng. Chập tối, ăn xong là tôi đạp xe đi, vì quá rét nên phải mặc thêm áo bạt bên ngoài. “Thầy giáo – kỹ sư” viết lên bảng mấy từ và bảo chúng tôi đọc đồng thanh như lớp 1: “banan” = quả chuối; “ananas” = quả dứa; “i” = và; v.v… Nhưng cũng những từ đó ở vào vị trí khác thì lại đọc khác – điều này chúng tôi không thể hiểu được. Thế là “rối tung” cả lên. Sau này tôi mới hiểu là tiếng Nga có “giống, số, cách”. Rõ ràng là “thầy giáo – kỹ sư” đã không có nghiệp vụ sư phạm nên anh ta không biết dạy từ đâu và dạy như thế nào. Lớp dạy tiếng Nga ấy không có hiệu quả, nên Lâm trường bộ cũng đóng cửa.
 
Năm 1982 tôi thi vào trường Đại học sư phạm Vinh và được chuyển ra Hà Nội học ở khoa Lưu học sinh Nga, trường Đại học ngoại ngữ. Ở đây, tôi chính thức được học tiếng Nga từ “a, b, c”. Cũng tại đây, tôi thấm thía câu nói: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp tiếng Nga”. Một ngôn ngữ đẹp như vậy mà sao khó thế? Tôi thấy mình hoàn toàn không có khả năng ngoại ngữ và định “đầu hàng”. Nhưng tình yêu tiếng Nga đã nâng đỡ tôi. Năm sau tôi bay sang Liên Xô cùng với hàng trăm lưu học sinh khác. Tôi học Dự bị ở thành phố Erevan (Armenia). Tiết học đầu tiên thầy Igor – một người Armenia to béo, rậm râu, hiền lành – hỏi tôi (và lần lượt từng  người) tên là gì, ở đâu, gia đình thế nào, v.v… Tôi nói tên, và muốn nói “dân tộc Thái, ở miền rừng núi cao như Armenia, có con suối, v.v…”, nhưng không nói được. Ông hỏi tôi học tiếng Nga khi nào (mà chưa nói thạo), tôi nói là tôi “học tiếng Nga 10 năm rồi!”, ý tôi muốn nói là tôi đã học tiếng Nga từ hồi 1976, rồi sau đó là học ở Hà Nội năm 1982 vừa qua. “10 năm rồi à?”, ông ngạc nhiên kêu lên (vì học 10 năm rồi sao

URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=61428
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru