Mekong News  
Ai nắm bắt được thông tin - người đó sẽ làm chủ thế giới!
 Kinh tế - Chính trị và Tin tức Cộng đồng VN tại LB Nga
Thời tiết
Tỷ giá hối đoái
Đóng
Tình trạng online
 Đang online: 004

  Hits: 025266532
 
Tin tức » Trang văn nghệ 28.03.2024 19:51
Liên Hoa Liên Tâm - Truyện ngắn của Trần Thúc Hà
01.05.2013 22:38

Tôi kể chuyện xảy ra nhiều năm về trước, nhưng nó cũng đã kết thúc từ lâu rồi về cái chết của ông bạn tôi, để lại cho tôi một ấn tượng sâu sắc mà tôi không thể nào quên trước khi đôi mắt ông khép lại!

Tôi với ông là bạn. Bạn từ lúc tôi vào làm việc cùng một cơ quan nhà nước. Càng về sau chúng tôi càng thân thiết hơn. Bấy giờ tôi hai mươi hai mốt tuổi; ông hai mươi tư, khỏe mạnh, biết chơi bóng chuyền. Ông tổ trưởng một tổ công tác thương nghiệp, tôi nhân viên. Ngày đó cơ quan tôi dời đến một ngôi nhà hai tầng vừa trưng dụng của tư sản. Lên cầu thang tầng hai có một cửa sổ lớn nơi bậc nghỉ chân. Đứng ở đấy nhìn rõ phía sau ngôi nhà tầng là một cái nhà ngang thấp, cỡ ba mét nhân năm mét, chỉ có một cửa ra vào hẹp, thiếu ánh sang, làm nhà kho chứa hàng. Mọi thứ trong nhà kho ấy sau khi cải tạo tư sản vào những năm 1960 đều được chuyển vào công tư hợp doanh. Và cái nhà kho ấy để cho mẹ con tư sản chủ ngôi nhà hai tầng ở. Người mẹ đâu chừng bốn mươi tuổi, cô con gái chỉ độ mười tám. Người mẹ được nhà nước cho cái chân bán hàng mậu dịch. Cô con gái suốt ngày ru rú trong nhà. Thỉnh thoảng cô ra ngoài làm một việc gì đó nhưng luôn cúi mặt, lặng im. Nhìn thoáng qua, chúng tôi biết cô gái có thân hình thon thả, có khuôn mặt rất đẹp nhưng buồn. Biết thế nhưng tôi chẳng chú ý. Quan hệ với tư sản là dễ mất lập trường. Người nhà nước coi chừng mất việc.

Riêng ông Thái -  ông bạn tôi thì khác. Một hôm tình cờ ông gặp cô gái ở giếng lấy nước, giếng cạnh sân nhà kho, ông sững sờ nhìn cô. Về sau ông bảo với tôi trong đời ông chưa bao giờ trông thấy một người con gái đẹp như thế. Từ đó, ông hay tìm cách dừng lại nơi bậc nghỉ chân ở cầu thang để có dịp nhìn xuống căn nhà kho. Tôi biết ông si mê cô gái, và nhiều lần trò chuyện với cô trong ngôi nhà bé nhỏ ấy nhưng tôi không thốt lộ ra điều đó với ai. Một thời gian sau cô gái không còn ở đấy nữa. Ông buồn, buồn như đói bữa. Chuyện đời, nhất là chuyện tình cảm có lẽ không ai giữ riêng cho mình. Chuyện càng sâu nặng càng mong có người chia sẻ cảm thông. Một hôm, hai anh em trực ở cơ quan, ông thổ lộ với tôi, tên cô là Liên Hoa – hoa sen. Cô có một vẻ đẹp cuốn hút như một thứ nam châm cực mạnh. Chỉ một lần nhìn thấy là nó khắc đậm trong trong trái tim mình, làm cho mình xao xuyến. Và lạ lùng thay, cô có một nỗi buồn thầm lặng trong lòng càng làm cho sắc đẹp của cô đằm thắm cuốn hút hơn là cô mỉm cười. Những lúc ấy, khuôn mặt trái xoan, làn môi thắm, đôi má trắng mịn và hai mắt to trong veo tựa như một bông sen hồng hé nụ trong làn sương mỏng ban mai, tạo nên vẻ đẹp đắm đuối thăm thẳm làm cho đôi mắt ta không muốn rời khỏi nơi đó, gợi lên trong lòng ta đầy những niềm hân hoan như bước chân đến một thiên đường không chút bụi bặm của trần gian vì những hương thơm nhè nhẹ tỏa ra từ nét đẹp kỳ lạ bông sen ấy mà ta không bao giờ khám phá hết được. Ông mê mẩn, yêu quý, trân trọng vẻ đẹp của cô. Ông ước như cả cuộc đời này chỉ được ngắm cô, bởi theo ông, ông chưa từng thấy một vẻ đẹp nào trên đời này sánh được với cô gái. Nhưng chưa bao giờ trong ý nghĩ ông muốn chiếm đoạt cô. Chiếm đoạt cô đối với ông như là một kẻ phàm tục, của kẻ hèn hạ bé nhỏ, không xứng đáng một chàng trai. Nó chẳng khác nào dang tay thô bạo bẻ một bông hoa đẹp. Thể hiện lịch lãm, tôn trọng của ông đối với cô gái làm cho cô gái bớt u buồn hơn, và dần dần cô nhận ra có thể cởi mở đặt niềm tin nào đó vào ông. Một hôm cô nói với ông, cô muốn xin ông một chiếc phong bì, nhờ ông ghi địa chỉ của người nhận và tên ông là người gởi. Ông ngạc nhiên hỏi cô không biết chữ? Cô đáp cô học gần hết cấp Ba thì bỏ học. Ông hỏi tiếp vì sao phải làm như thế? Cô nói không những cô là con nhà tư sản đang cải tạo mà cô còn có cha ở trong Nam. Cô đã nhiều lần gởi thư cho người cậu đang làm ở công trường khai thác đá gần Hà Nội, muốn cậu giúp cho cô tìm việc làm ở công trường. Lương của mẹ không đủ chi tiêu cho hai mẹ con. Thư gởi đi thì có nhưng không bao giờ nhận được thư của cậu. Về sau cô biết người ta nhận ra địa chỉ và nét chữ của cô là con nhà tư sản, có người cha phát biểu chống lại miền Bắc cải tạo tư sản nên những bức thư ấy không đến địa chỉ như cô mong muốn.

Ông đắn đo mãi, nếu giúp cô thì ông biết một ngày nào vẻ đẹp của cô như ánh sao băng, tâm hồn ông sẽ trống rỗng thiếu hụt, lòng giá lạnh. Không giúp cô thì nhẫn tâm quá, ông sẽ như một kẻ ích kỷ, một kẻ nhỏ nhen thấp kém. Vẻ đẹp không thể bị giam hãm trong định kiến! Vẻ đẹp trời phú cho một người để cho mọi người thấy rằng cuộc đời thật đáng yêu biết bao! Ông biết sẽ có sự phiền hà gặp phải và bao nhiêu đồn đại ác ý khi chuyện xảy ra, ông sẵn sàng cam chịu. Nhưng ông không thể từ chối, không thể để cho một vẻ đẹp lụi tàn trong nhà kho tối tăm chật hẹp! Đâu chừng mấy tháng sau khi bức thư được gởi đi thì cô không còn ở đấy nữa. Trước khi đi cô gặp ông. Gương mặt như vừng trăng, đôi mắt trong biếc cô nhìn ông với sự kính trọng và lời biết ơn chân thành. Ông sững sờ, không cho đó là sự thật, mà chỉ là một ảo giác tuy lâu nay ông sống trong tâm trạng phấp phỏng buồn vui cho một ngày nào đó sẽ xa nhau. Ông có cảm giác chếnh choáng chân đứng không vững khi sự thật đã ập đến, người đẹp đã ra đi, trái tim ông đập mạnh, đầu óc căng thẳng, ông cố dồn tất cả sinh lực vào đôi mắt của mình để khắc sâu vẻ đẹp của cô vào tâm trí của ông. Phút cuối, khi đã lấy lại bình tĩnh ông nói: Em! Em đi...

Năm 1965 chiến tranh phá họai của giặc Mỹ đánh ra miền Bắc phố phường đổ nát, cơ quan chúng tôi phải đi sơ tán nhiều nơi. Sau đấy ông chuyển đến một cơ quan khác, giữ chức vụ cao hơn, tôi cũng được đề bạt. Tuy cơ quan chúng tôi có khi cách nhau đến năm bảy cây số nhưng có dịp là chúng tôi luôn gặp nhau để trò chuyện. Ông tự nguyện đi B. Sau ngày thống nhất thì ông trở lại cơ quan cũ. Đâu chừng năm 80 hay đầu năm 1981 gì đấy. Bấy giờ chuyện thành phần ở miền Bắc không ai quan tâm nữa thì tôi biết tin cô Liên Hoa cùng chồng về dạy cấp Ba ở phố huyện quê chồng, cách nơi chúng tôi làm việc dăm chục cây số. Tôi có nói chuyện ấy với ông. Ánh mắt ông thoáng hiện một niềm vui bất ngờ! Tôi biết, bao năm qua ông vẫn không thôi nhớ Liên Hoa. Tôi gợi ý hay là chúng ta đến thăm vợ chồng cố ấy. Tôi tin ông sẽ bằng lòng. Nào hay chần chừ một lúc rồi ông nói mình đến đẩy người ta vào khó xử.

Thấm thoắt mới đó mà ông đã ngoài năm mươi. Thật lạ! Bao nhiêu năm trai trẻ đẹp trai, có chức quyền mà đến ngần ấy tuổi ông vẫn sống độc thân. Ông bị bệnh. Ông về dưỡng bệnh trong một ngôi nhà của cha mẹ để lại ở nông thôn. Được tin, tôi đến thăm ông. Tôi quyết định ở với ông cho hết kỳ nghỉ phép. Tôi không lường hết ông gầy đến thế, thân hình ông lép kẹp lún sâu xuống chiếc nệm trải giường mà cách đây một vài năm thân thể cơ bắp của ông còn dấu vết của một vận động viên bóng chuyền. Thấy tôi về ông mừng lắm, ông cố gượng ngồi dậy. Tôi ngồi xuống giường đỡ ông để ông tựa vào ngực tôi. Đứa cháu gái con ông chú săn sóc ông cho tôi biết Bệnh viện tìm không ra nguyên nhân. Ông không tổn thương rõ rệt một bộ phận nào trong cơ thể. Những cơn đau khi thì đầu óc choáng váng, lúc thì lồng ngực dội lên từng cơn nhức nhối, có lúc các khớp xương trong người ê ẩm, thị lực sút giảm thất thường nhiều khi nhìn không rõ, đi đứng không vững, phải có người dìu.

Có tôi bên cạnh hình như ông phấn chấn hơn, ông ăn được lưng bát cháo. Người nhà cho biết thường ngày ông chỉ uống nửa ly sữa cầm hơi. Nhưng cũng chỉ được một vài hôm ông rơi vào trạng thái cũ. Tôi nhìn ông mà xót xa trong lòng khi những cơn đau kéo đến dày vò ông. Những lúc ấy ông nhắm nghiền đôi mắt để chống chọi với những cơn đau. Khi cơn đau trôi qua ông bình thản lạ thường, không ai nghĩ rằng ông đang bệnh. Và đôi mắt của ông sáng lên với cái nhìn sâu hút đang tưởng đến một điều gì đó, như một hoài niệm, như một mong chờ… Tôi hiểu chút ít về đời và từng chứng kiến nhiều người trước khi nhắm mắt. Lúc ấy họ bình tĩnh lạ thường, người thì cho gọi thân nhân đến để dặn dò những việc đang dang dở, người thì hối hận những việc không nên làm trước đây, hay những điều mình mong mỏi sau khi qua đời, người trao di chúc phân chia tài sản cho con cháu. Tôi nhìn vào ánh mắt của ông, tôi biết ông cũng một trong những tâm trạng như thế, nhưng không đoán ra được điều gì. Một hôm ông tỉnh táo, tôi nhỏ nhẹ với ông, ông đang mong đợi điều gì chăng? Ông nói có đấy rồi im lặng. Chỉ có hai tiếng nhưng giọng của ông như tiếng nói của cả một đời người khát khao cô đặc lại và đôi mắt của ông nhìn tôi tha thiết quá làm tôi nhận ra điều ông sẽ nói không phải chuyện bình thường mà một sự mong mỏi đến tột cùng của ông! Tôi đoán và nhất định đó là một mối liên hệ máu thịt nào đó! Tôi mạnh dạn hỏi tiếp hay ông đang trông chờ một đứa con nào đó bị ông quên lãng? Ông gắng gượng nói với tôi khi cơn đau đang kéo đến, đời ông chưa bao giờ động chạm đến một người phụ nữ nào thì làm gì có con bị quyên lãng! Sau cơn đau vật vã ông lại nói với tôi ông biết sức của ông mong manh lắm rồi, cố gượng thì được năm ba ngày. Trong cuộc đời ông không có điều gì hối hận, không có gì để trăn trối lại mai sau. Chỉ có một mong ước được nhìn lại vẻ đẹp của Liên Hoa, cô con gái bên nhà kho ấy trước khi chết là mãn nguyện! Tôi sững người! Bao nhiêu năm ông không quên vẻ đẹp của Liên Hoa cho đến ngày gần đất xa trời chẳng nhớ gì hết trên cõi đời, mà chỉ có một mong ước được nhìn lại vẻ đẹp đó!  Tôi không biết trả lời ra sao với ông. Tôi nghĩ không có gì không bị thời gian bào mòn tàn phai? Tôi rất lo nếu được gặp lại Liên Hoa. Hơn ba mươi năm đã trôi qua giờ Liên Hoa là một phụ nữ đã bước qua bên kia dốc, nhan sắc đã nhạt mờ, tuổi già đã hằn lên khuôn mặt, đâu còn làn da mịn như tơ lụa, đâu còn rực rỡ như ngày xưa! Để ông không quá bất ngờ trước thực tế như ông mong muốn, tôi mạnh dạn nhắc khéo với ông là chúng ta cũng đã xế chiều. Như tôi với ông qua hai phần ba đời người rồi, thì Liên Hoa cũng không còn vẻ đẹp của mười tám đôi mươi nữa. Khuôn mặt gầy gò của ông hơi nhíu lại biểu lộ một sự khẳng định, không thay đổi, ông nói ông hiểu. Nhưng vẻ đẹp của Liên Hoa, vẻ đẹp của trời đất gom nhặt lại thì không bao giờ tàn phai. Khao khát và thiết tha trong khóe mắt của ông, của một ngọn đèn đã cạn dầu làm tôi lúng túng. Không thực hiện được điều đó, tôi ân hận ray rứt đau đớn biết chừng nào khi nhìn thấy đôi mắt ông từ từ khép lại mang theo một nỗi buồn vô tận! Điều đó đối với người khỏe mạnh có thời gian để nhận ra, quên đi. Người cận kề cái chết thì không! Đã đến tình thế ấy, chẳng có cách nào hơn là làm sao ông được  gặp lại Liên Hoa. Bấy giờ, dù thế nào đi nữa cũng là một sự an ủi cho ông, còn hơn không. Tôi nắm lấy bàn tay khẳng khiu của ông hứa thế nào cô Liên Hoa cũng đến thăm ông.

Qua phòng giáo dục của huyện tôi biết nhà ở của cô Liên Hoa. Vợ chồng cô tiếp tôi ở phòng khách có treo mấy bức ảnh của gia đình trong một ngôi nhà gạch khang trang, có sân, vườn thoáng rộng mát mẻ với nhiều cây cảnh. Chồng cô bất ngờ sự hiện diện của tôi – một người lạ chưa bao giờ gặp -  nhưng lịch thiệp, điềm đạm của người làm nghề dạy học. Người chồng cũng độ tuổi như tôi, cao ráo khỏe mạnh, hẳn lúc trẻ cũng rất đẹp trai nói ông là giáo viên, vợ ông, cô Liên Hoa cùng dạy chung một trường. Tôi quay sang Liên Hoa vừa gật đầu chào cô vừa rất nhanh kìn đáo nhìn cô. Bây giờ Liên Hoa cũng đã bốn tám bốn chín tuổi, xuân sắc không còn rực rõ như tuổi mười tám đôi mươi, những vết chân chim mờ mờ xuất hiện ở khóe mắt khóe môi mặc dù nét mặt cô của ngày ấy không thay đổi nhiều làm tôi mừng thầm. Để đáp lại, tôi nói tên mình và nơi làm việc. Tôi ngừng một lúc rồi tiếp, tôi đến đây vì một việc rất tế nhị nhưng có thể mang lại những điều phiền toái không đáng có cho gia đình thầy cô. Tôi rào trước đón sau bằng cầu xin cho một chữ đại xá! Người chồng vẫn điềm tĩnh trước một việc thất thường, không biết trước. Ông ta rót thêm chén nước trà cho tôi rồi thong thả nói, xin cứ tự nhiên bởi chuyện gì nếu có xảy ra thì cũng xảy ra rồi, nên lấy trái phải mà cư xử làm cho tôi yên lòng và mạnh dạn. Tôi kể ngày cơ quan của tôi vào đầu năm 1960 đến làm việc ở nhà hai tầng của cô Liên Hoa…

Nói đến đây, bất ngờ cô Liên Hoa ngắt lời tôi, cô bảo ngày ấy ông Thái cũng làm việc ở đấy và cô luôn nhớ đến ông rồi cô không nói thêm gì nữa. Tôi tiếp, tôi không nhìn vào ai nhưng tôi biết hai người đang nhìn vào tôi, chăm chú lắng nghe, bởi cả hai đều cảm nhận câu chuyện thực sự liên quan đến họ. Tôi kể về ông Thái từ ngày cô Liên Hoa ra Hà Nội với người bà con cho đến ngày đổ bệnh. Bây giờ chuyện sống còn đối với ông có khi chỉ tính bằng ngày bằng giờ. Trước khi nhắm mắt duy nhất ông có một ước mong được gặp lại Liên Hoa, một vẻ đẹp mà suốt đời theo ông, cho ông sống những ngày ngọt ngào. Ân huệ ấy không ai thay thế được! Nói xong tôi đưa mắt nhìn những hàng cây xanh biếc bên ngoài cửa sổ trong một tâm trạng phập phồng chờ hy vọng và tuyệt vọng. Gian phòng im lặng, tựa như không có chúng tôi đang trò chuyện. Những phút chờ đợi ấy sao mà nặng nề và chậm chạp đến thế làm tôi thấp thỏm một lời từ chối nhẹ nhàng là họ đang bận dạy học. Lặng im kéo dài đến mức tôi không đủ kiên nhẩn, tôi nghe tiếng tim mình đập nhanh. Tôi đã nghĩ đến ngày trở về bên giường bệnh của bạn tôi, tôi làm sao chịu thấu khi ánh mắt của kẻ cạn kiệt sức sống đăm đăm xoáy sâu nhìn vào tôi với một câu hỏi Liên Hoa đâu? Tôi thầm trách họ là những người không có tấm lòng độ lượng, không nên giữ thái độ và cách cư xử một cách quá đáng như vậy! Tôi hiểu tôi phải làm gì lúc này. Tôi nói, mong thầy cô bỏ qua cho. Tôi đã gợi lên chuyện làm phiền lòng thầy cô. Xin khép lại những lời tôi đã nói với thầy cô. Liên Hoa đưa đôi mắt đẹp mà buồn như thuở xưa về phía chồng trong một tâm trạng rối bời…

Người chồng nhìn tôi, không vội vã, chậm rãi nói ông ta nghĩ cuộc đời ông bạn của tôi khác người. Ông ấy yêu vẻ đẹp của một người con gái nhưng không tìm cách chiếm đoạt. Suốt cả cuộc đời ông tôn thờ vẻ đẹp đó, cho đến khi chết chỉ một khát khao được nhìn lại vẻ đẹp ấy! Mong ước của ông cũng là mong ước thường tình của những người có tấm lòng trong sáng, có cuộc sống tốt đẹp. Nhưng để thực hiện được điều ấy thì không phải đơn giản. Vì thế mà ông im lặng khá lâu để suy nghĩ phải như thế nào về phút cuối của một con người. Ông không biết chọn cách nào! Có nên để Liên Hoa gặp ông bạn tôi khi Liên Hoa  đã mấp mé năm mươi tuổi, bấy giờ ông bạn tôi chỉ được nhìn lại một vẻ đẹp tàn phai mà tạo hóa đã bào mòn! Năm tháng sẽ làm bạn tôi sẽ thất vọng, linh hồn bạn tôi sẽ mang theo một nỗi buồn vô tận. Hay không bao giờ ông bạn tôi gặp lại Liên Hoa nữa, cứ để ông bạn tôi trông đợi cho đến khi ngừng thở mà vẫn giữ được nét đẹp ngày xưa đã in đậm trong tâm hồn ông ấy? Nhưng nghĩ cách nào thì ông giáo cũng xót xa, nhẫn tâm, không yên lòng. Chết là một nỗi đau khốn cùng. Người sống không nên chồng chất thêm cho người chết điều đó. Một người ra đi mang theo linh hồn mình những hình ảnh đẹp, mãn nguyện, nó cũng giúp cho sự bình yên của những người sống. Giá như đầy rẫy những linh hồn bất hạnh, oan ức, đau khổ liệu chúng ta có được yên ổn trong lòng. Ông dằn vặt mãi mà chưa tìm ra cách nào thỏa đáng để cho bạn tôi ra đi thanh thản. Tôi cảm động về suy nghĩ của ông. Tôi tự trách mình nông nổi, hiểu nhầm. Chính tôi cũng không biết xử sự như thế nào thì tốt hơn với sự suy nghĩ của ông!

Chúng tôi lại im lặng! Trên khuôn mặt dịu dàng của cô Liên Hoa trở nên bối rối lo lắng hơn. Người chồng thì hơi cúi xuống mặt bàn trong tâm trạng tựa như ông đang cân nhắc khi hạ bút giải một đề bài khó. Chợt ông ngẩng lên, mắt chăm chăm nhìn bức ảnh của gia đình treo trên tường trong phòng khách. Tôi cũng nhìn theo. Đó là bức ảnh màu cỡ lớn mới chụp, trong ảnh là hai vợ chồng ông cùng cô con gái đâu chừng mười bảy mười tám. Cô con gái đẹp rực rỡ. Nếu như không có hai vợ chồng ông giáo đứng cạnh thì tôi nghĩ rằng đó là Liên Hoa ngày cơ quan chúng tôi dọn đến nhà cô cách đây vài chục năm! Đắn đo một lúc rồi ông nói với vợ nếu không đồng tình thì hãy bày tỏ thái độ. Cô Liên Hoa gật đầu. Nét mặt của cô đã bớt căng thẳng. Cô tin vào chồng mình đã nghĩ được điều tốt lành.

Người chồng bảo cô gọi con gái đến. Khi người con ngồi cạnh mẹ, ông giới thiệu với tôi đấy là con gái của vợ chồng ông. Tên cháu là Liên Tâm. Ông quay qua con gái nói tiếp tôi là bạn của ông Thái, một người mà trước đây có quen biết mẹ cô. Ông kể qua cho Liên Tâm biết nhờ ông Thái mà mẹ cô đưa được cậu đưa ra Hà Nội. Bấy giờ cha của ông giáo làm giám đốc công trường thấy mẹ cô là một cô gái xinh đẹp, chân yếu tay mềm mà lao động không kém một ai. Giám đốc thương cảm cho mẹ cô đi học rồi nhân danh công trường giám đốc giới thiệu mẹ cô vào trường đại học sư phạm. Hồi đó không phải thi cử như ngày nay. Lúc ấy ông đang học năm thứ ba cùng trường sư phạm. Hai người quen nhau rồi yêu nhau. Khi mẹ cô ra trường được hai năm thì cưới nhau. Và sau đấy thì sinh ra cô. Cái ơn ấy mẹ cô không quên, ông cũng rất trân trọng. Khi đã về quê dạy học có nhiều lần tìm ông ta nhưng không gặp. Bây giờ ông ta ốm nặng không chạy chữa được nữa. Trước khi nhắm mắt ông ta chỉ có một ước mong được gặp lại người con gái xinh đẹp ngày xưa! Liên Tâm bảo việc ấy dính dáng đến cô. Bố mẹ nên sắp xếp đến thăm ông. Đó cũng là một nghĩa cử biết ơn. Người bố bảo chỉ đến thế thì ông không có cuộc nói chuyện với con hôm nay. Ông nói đời người đáng nhớ nhất là phút gặp gỡ ban đầu với một vẻ đẹp nào đó. Người ta suốt đời mang hình ảnh ấy cho đến khi nhắm mắt. Mẹ cô không đi gặp ông ấy là điều bất nhân. Nhưng điều gì xảy ra và mang theo nỗi thất vọng khi người ta nằm xuống mà không được như lòng mong mỏi? Không biết thì thôi, chứ mình là người hiểu rõ sẽ ray rứt, ám ảnh suốt đời khi mình có thể thực hiện được mà lảng tránh. Con là cái khuôn đúc của mẹ con lúc trẻ. Bố nhờ con một lần đến bên ông ấy để ông ấy được nhìn lại vẻ đẹp của mẹ con trước khi nhắm mắt. Cháu Liên Tâm giật mình. Bố! Con không thể thực hiện được lời bố, để đến một nơi như thế. Ông nói bố biết tuổi trẻ của con xuất hiện một nơi không phù hợp. Nhưng hiện diện vẻ đẹp của con là một tấm lòng nhân ái. Không có lòng nhân ái sẽ không có gì hết! Và con đã làm được một điều tốt, cuộc đời sẽ đáp trả cho con những điều may mắn. Ông quay sang nói với cô Liên Hoa, em nghĩ thế nào? Cô Liên Hoa không nhìn chồng, cô nói với con gái, mẹ xin con thương mẹ, đừng để người mẹ biết ơn thất vọng! Cô con gái ngân ngấn nước mắt nói, con không tự nguyện chút nào, nhưng con không muốn bất hiếu với cha mẹ.

Chúng tôi trở về. Đứng ngoài ngoài ngõ thấy trong nhà ông bạn tôi có nhiều người đến hơn ngày thường. Chúng tôi lo quá, không kịp rồi chăng! Cô cháu gái ra mở cổng, cho chúng tôi biết từ ba hôm tôi đi ông không khi nào nhắm mắt, luôn mở to đôi mắt chờ đợi kể cả những lúc đuối quá không còn cảm nhận được gì chung quanh. Có lẽ ông bác của cô sắp ra đi. Bà con đến để chuẩn bị tiễn ông phút lâm chung. May quá! Thế vẫn còn kịp. Chúng tôi vội vã vào giường ông. Chúng tôi đứng cạnh ông vẫn không hay biết tuy đôi mắt ông mở to. Tôi cúi xuống, ghé vào tai ông nói: Anh! Cô Liên Hoa đã đến thăm anh! Đôi mắt vô hồn bỗng sáng lên, ông khẽ cựa mình đôi môi mấp máy: Liên Hoa… Con gái của Liên Hoa, cô Liên Tâm rụt rè bước đến gần ông run run nói: Anh Thái! Liên Hoa đây. Mắt ông như một đốm sao cháy rực, nhìn, thốt lên: Liên Hoa, cảm ơn em, rồi đôi mắt từ từ khép lại níu giữ hình ảnh cuối cùng, và để cho trái tim mình ngừng đập!

Cô Liên Hoa ôm mặt khóc nức nở, Cháu Liên Tâm sững sờ đến bên mẹ. Chồng Liên Hoa lặng lẽ cúi đầu. Tôi quỳ xuống bên giường ông, nhìn gương mặt ông bừng sáng như đang nở một nụ cười mà lòng tôi thắt lại: Anh Thái! Anh Thái...

2012

Theo: nguoibanduong.net
0 0/0    Đánh giá của bạn:  GO
Bản để inLưuGửi tin qua email


  GO  
Chọn ngày

Tin mới
Trang chủ  ¤  Tin tức  ¤  Liên hệ  ¤  Liên kết  ¤  Sơ đồ site  ¤  Tiếng Nga Anti Spam
© Copyright 2009-2010 MEKONGNET.ru, All rights reserved.
® MEKONGNET.ru giữ bản quyền nội dung trên website này.
Cơ quan chủ quản: COMPANY ZOLOTOI DRAKON
Trụ sở: Office 17, Tekhnitreskaia str., 19, Ekaterinburg, Russia
Tel/Fax: 7 (343) 381-84-14 Email : info@mekongnet.ru