Mekong News  
Ai nắm bắt được thông tin - người đó sẽ làm chủ thế giới!
 Kinh tế - Chính trị và Tin tức Cộng đồng VN tại LB Nga
Thời tiết
Tỷ giá hối đoái
Đóng
Tình trạng online
 Đang online: 003

  Hits: 025267703
 
Tin tức » Trang văn nghệ 29.03.2024 01:02
Hoàng Thảo Chi: LỊCH SỬ KHÔNG CHO? LÀ QUÁ KHỨ!
28.04.2013 21:39
Chùm tác phẩm dự thi viết về Volgagrad và nước Nga

1. TÊN TÔI LÀ…LEONID.

Lớp học tiếng Nga của chúng tôi tại khoa dự bị trường tổng hợp Mátxcơva (tên viết tắt là MGU) niên khóa 1981-1982 có khoảng bảy, tám sinh viên gì đó. Bàn tôi kê sát cửa sổ nhìn ra hành lang. Tôi ngồi bên trong, ngồi sát cửa sổ là Loan, cô nữ sinh người Hà Nội ( luôn xưng cháu và gọi tôi là chú, vì lúc đó tôi đã gần 30, còn Loan mới 19 tuổi). Loan là học sinh chuyên khoa tiếng Nga của Đại học ngoại ngữ Hà Nội, hay đại học Tổng hợp gì đó. Về trình độ tiếng Nga, thì tôi phải gọi cô gái này là Tổ sư bồ đề. Vì lúc đó tôi mới học được một năm với mấy từ: ét- tơ- đôm (đây là cái nhà)…thì cô nương đã cầm cả quyển giáo trình tiếng Nga dầy cả mấy đốt ngón tay đọc như đọc tiếng Việt, với ngữ điệu véo von trầm bổng.

Tôi luôn trấn an rằng: May mình cầm tinh con Rồng, chứ cầm tinh con Cua thì ngồi bên nàng này, chỉ mấy hôm là rụng hết chân cẳng…khiếp quá.

Nhưng cũng nhờ cái tên Loan, mà cô Tachiana* (chủ nhiệm lớp) đã đặt cho tôi một cái tên Nga nhân một sự cố nhầm lẫn buồn cười về tên gọi. Một sáng thứ hai, bài học của chúng tôi hôm ấy có tên rất dài: Sự biến đổi đuôi của danh từ theo cách và các phương thức biến cách…Trời ơi, cái tiếng Nga với tôi mới hãi hùng làm sao! Một cách tôi đã chống đỡ khốn khổ, khốn nạn lắm rồi, huống hồ là sáu cách. Mà cái đuôi lại biến hóa như Tôn Ngộ Không nữa…Chắc tôi chết mất. Lúc tôi đang quằn quại trong nỗi sợ hãi gần như tuyệt vọng, thì Loan lại nhìn ra ngoài cửa sổ, dửng dưng như không, coi sáu cách của tiếng Nga chỉ là cái đinh gỉ…Cái mặt mới “Đáng ghét” làm sao. Khi tôi đang bực bội vô cớ như vậy, thì một phụ nữ vô cùng to béo trong bộ blu trắng xuất hiện. Bà đứng che lấp gần hết khung cửa sổ, gõ gõ vào cửa kính ra hiệu gì đó với cô giáo của tôi. Cô Tachiana mở cửa bước ra ngoài, trao đổi vài câu gì đó rồi cả hai bước vào lớp. Chúng tôi đồng loạt đứng lên chào khách.

“Cảm ơn. Mời các bạn ngồi. Tôi xin giới thiệu: Đây là bác sĩ Lêna, trưởng phòng y tế của trường, bà sẽ làm việc với các bạn trong vài phút.” Cô giáo giới thiệu khách xong, về ngồi sau bàn giáo viên. Bác sĩ Lêna nhìn chúng tôi mỉm cười. Nụ cười của bà làm bộ nhớ của tôi bừng tỉnh. Chúa ơi! Đây đích thị là trùm khủng bố Thuốc Giun đây mà! (Biệt danh này chúng tôi đã đặt cho bà Lêna, khi bà tóm chúng tôi vô bệnh viện cách ly gần hai tuần, bắt ăn toàn cháo để tẩy giun dạo chúng tôi mới tới Matxcova). Sao hôm nay bà ta lại xuất hiện ở đây? Chẳng lẽ lại phải tẩy giun lại? Tôi lo ngại nghĩ. Không sao! Hôm nay tôi tới về chuyện khác! Bà Lêna như đọc được ý nghĩ của chúng tôi, vội trấn an. Bà nhìn khắp lớp một lượt với ánh mắt rất chi là ”hình sự” rồi nói: Mời Loan và Krause đứng dậy. (Krause là nam sinh viên người Đức). Tôi liếc nhìn sang, thấy Loan đã đứng lên với gương mặt mặt tái nhợt.   “Sáu cách thì  coi khinh, sao bây giờ gặp bác sĩ Lêna lại giống như…cua gặp ếch thế! Không biết có vấn đề gì không?” Khi tôi đang đặt ra những câu hỏi trong đầu, thì bà Lêna lấy một tờ giấy khổ A4 trong túi áo blu mở ra, giơ lên cho chúng tôi đọc và hỏi: Loan và Krause đã đọc cái này chưa? Dạ, tôi đã đọc từ hôm thứ 7 tuần trước. Loan nhanh nhảu trả lời. Tốt lắm, thế tại sao sáng nay, hai người lại không mang mẫu phân của mình nộp theo quy định? Bà Lêna hỏi với một thái độ rất nghiêm! Tôi thấy mặt Loan chuyển từ tái nhợt sang “đỏ tía tai” vì xấu hổ.

Thực ra khi đọc xong cái tờ thông báo trên tay bà Lêna, tôi đã hiểu tất cả. Dạo đó, chúng tôi phải nộp các mẫu phân và nước tiểu để xét nghiệm làm sổ khám sức khỏe. Nhưng sáng thứ hai, tôi chỉ nộp được mẫu nước tiểu, còn mẫu phân thì chịu! Vì lí do nào đó mà cả ngày chủ nhật tôi không “buồn…” thì đào đâu ra cái thứ của quý ấy mà nộp cơ chứ!!! Tôi biết Loan đứng lên vì đã nghe nhầm tên tôi thành tên cô ấy. Tôi vội giơ tay và đứng dậy, lúng búng nói: Xin lỗi bà Lêna, không phải là Loan, mà là tôi ạ! Là cậu à? Cậu tên chi? Bà Lêna dồn dập hỏi. Vâng! Tôi tên là Luận. Có lẽ lúc đó tôi đã phát âm tên mình bằng tiếng Nga không chuẩn lắm, nên bà Lêna không hiểu. Bà bảo tôi viết tên lên bảng. Lúc tôi viết thì bà Lêna lấy một quyển sổ con ở túi ngực mở ra xem. Khi tôi viết xong tên của mình, bà Lêna và vô giáo của tôi bất ngờ cười ồ lên cùng lúc. Thì ra, tên tôi khi đọc sẽ là Lu + oan = LOAN. Vậy là Luận và Loan phát âm theo tiếng Nga thì chỉ là Loan mà thôi, phải thật tinh mới phân biệt được. Loan, tôi xin lỗi, cô ngồi xuống đi. Bà Lêna quay về phía Loan nói, rồi lại cười tiếp. Đợi mọi người dứt tiếng cười, tôi giải thích lý do tại sao không nộp được mẫu phân đúng quy định. Tôi hứa là ngày mai tôi và Krause sẽ mang tận phòng y tế của trường để nộp. Bà Lêna quay lại nhìn tôi với ánh mắt vẫn còn cười và chậm rãi nói rõ từng tiếng: Tôi hiểu lý do của các bạn. Nhưng cần phải có sự giải thích thỏa đáng. Thông tin kịp thời và sự chính xác về thời gian là yêu cầu đầu tiên của một xã hội công nghiệp văn minh. Xin các bạn nhớ lấy điều đó. Vậy là bài học đầu tiên tôi nhận được trên đất nước Xô Viết lại đến từ bác sĩ Lêna.

Tiễn bà Lêna ra khỏi lớp, cô Tachiana bỗng nhiên trở nên rất tư lự. Cô đi đi lại lại trên bục, không nói năng chi. Tôi nghĩ chắc mình sẽ bị mắng, nên khá lo lắng. Rồi cô giáo cũng dừng lại giữa bục giảng nói: Phải, muốn học tốt tiếng Nga, trước tiên phải hiểu và nói đúng tên mình bằng tiếng Nga cái đã! Tôi không biết cô nói với chúng tôi, hay cô nói với chính mình? Nhưng tôi hiểu rằng, qua sự cố vừa rồi cô đã có thêm một kinh nghiệm trong việc dạy tiếng Nga cho sinh viên ngoại quốc. Cả tiết học tiếp theo, cô dạy chúng tôi phát âm đúng tên của mỗi người theo tiếng Nga. Một tiết học đặc biệt mà tôi nhớ suốt đời. Sau khi mọi người đã đọc tên mình khá chuẩn, cô giáo mời tôi và Krause đứng lên và nói: Tôi muốn đặt tên Nga cho hai người! Các bạn có đồng ý không? Cả chúng em nữa!!! Cả lớp nhao nhao đề nghị. Thế là cô đặt tên cho từng người. Krause là Kôlia, còn tôi là Leonid. Mọi người sung sướng ghi tên bằng tiếng Nga của mình lên bìa tập vở một cách nắn nót và trân trọng. Khi ghi xong tên và ngửng lên, tôi đã thấy cô Tachiana đứng trước mặt tôi từ lúc nào: Luận! Anh có liên tưởng tới ai ở Liên xô qua cái tên Leonid không? Tôi không hiểu sao cô giáo lại dùng kính ngữ để hỏi tôi như vậy! Nhưng điều đó tôi chỉ hơi thắc mắc một chút, và nó thoáng qua rất nhanh. Tôi đang rất hưng phấn với cái tên Nga của mình, nhưng quan trọng nhất là câu hỏi của cô giáo vừa đặt ra, với tôi coi như là “ Trúng tủ”. Dạ, thưa cô, tôi nhớ đến tên của đương kim tổng bí thư đảng cộng sản Liên xô: Leonid Ilyich Brezhnev. Tôi đĩnh đạc trả lời. Cô giáo sững người nhìn tôi: Từ đâu mà anh biết và đọc đúng tên của ông ấy thế? Cô giáo hỏi tôi với cái giọng vô cùng ngạc nhiên và pha chút tò mò. Dạ, ở Việt Nam, tôi đã đọc lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô. Tôi còn biết khá rõ về Vladimir Ilich Lenin, Iosif Vissarionovich Stalin…và nhiều người khác nữa. Tôi bình thản trả lời. Ồ, có thể. Nhưng ai đã dạy anh đọc tên của họ vậy? Điều đó không dễ với anh mà? Phải, điều này với tôi đâu có dễ. Nhưng thực sự tôi đã gặp may, nên tôi đã bảo là “trúng tủ” mà lại. Dạo đầu những năm bảy mươi, khi tôi học tại trường sân khấu Việt Nam, tôi chơi với hội bên khoa kịch nói. Bọn chúng chuẩn bị dựng một vở kịch gì đó của Nga, do một ông thày đạo diễn học ở Liên Xô về dàn dựng. Suốt ngày chúng cứ đọc ra rả: Vladimir Ilich Lenin, Nikita Sergeyevich Khrushchev, Leonid Ilyich Brezhnev…và bảo đó là luyện đài từ.  Chẳng biết những cái tên dài dằng dặc ấy, đã ngấm vào lúc nào mà tôi thuộc làu làu, trọng âm trọng iếc…đâu vào đấy. Người không biết, nghe tôi đọc cứ tưởng tôi là tiến sỹ ngôn ngữ học mới từ Liên Xô về cũng nên. Chỉ có tôi tự biết, năng khiếu ngoại ngữ của mình còn thua cả con bò nhà tôi một bậc. Nghĩ vậy tôi mỉm cười trả lời cô giáo một cách ngắn gọn: Thưa cô, đã có một người biết tiếng Nga dạy tôi đọc ạ. Cô giáo nhìn tôi một lát, rồi nắm lấy hai tay của tôi rất chặt: Cảm ơn Luận. Cảm ơn Leonid. Hãy cố lên.

Với tình cảm nồng ấm và cái tên Leonid mà cô giáo đã đặt cho, tôi như có thêm sức mạnh diệu kỳ để chiến thắng sáu cách khủng khiếp của tiếng Nga, hoàn thành khóa học dự bị của mình. Tôi mang ơn cô Tachiana thân yêu của tôi thật nhiều. Đã hơn ba mươi năm trôi qua, tôi luôn yêu tiếng Nga như tiếng Việt của mình. Tôi luôn khoe với tất cả bạn bè về cái tên Nga yêu dấu: Tôi là Leonid.
2. LỊCH SỬ VÀ B�? BẠN.

Từ sau sự cố ” Loan’s “ ( bí danh này do chúng tôi đã đặt ra sau sự kiện nhầm tên dạo đầu năm) tôi và Krause rất thân với nhau. Thông qua Krause, tôi đã “xâm nhập” và biết được đôi chút phong cách sống hiện đại, và thế giới nội tâm của dân tộc Đức. Một dân tộc có một ngôn ngữ vô cùng đặc biệt. Khi nghe người Đức nói, cảm giác như một trận cãi vã sắp bắt đầu!!!

Cuối tháng 6/1982, lớp học tại khoa dự bị của chúng tôi kết thúc. Theo thông lệ, sinh viên nước ngoài phải tham gia một đợt lao động dã ngoại để làm quen với xã hội Xô Viết và nâng cao khả năng hội thoại tiếng Nga của mình. Tôi và Krause cùng đăng ký tham gia lao động và được biên chế trong một đội mà phần lớn là sinh viên và các nghiên cứu sinh khoa toán cơ của trường MGU. Hôm tập trung để gặp mặt và phổ biến chương trình làm việc, thấy tôi nhỏ con, anh bạn Ivan ( đội phó ) nhìn tôi với con mắt ngần ngại, ý chỉ muốn nhận Krause chứ không muốn nhận tôi. Nhưng tay đội trưởng Igor thì lại có ý kiến khác: Không quan trọng, có rất nhiều việc phù hợp với Leonid mà. Điều tôi lo ngại là Kolia, chứ không phải là Leonid! Có phải không Kolia? Igor quay sang hỏi Krause. Tôi thấy Krause mỉm cười trả lời: Cũng có thể! Tất cả cười ồ, kéo nhau đi làm một chầu bia cá, rồi hẹn gặp lại vào ngày mai.

Năm giờ sáng ngày hôm sau, khi tôi và Krause tới điểm hẹn, mọi người đã có mặt đông đủ. Cả đội chúng tôi có khoảng hơn hai mươi người. Có ba nhân vật đặc biệt là tôi và Krause là người nước ngoài. Galina sinh viên khoa Lịch sử, bóng hồng duy nhất của toàn đội làm đầu bếp. Igor nói đùa: Galina phụ trách mảng khói lửa kiêm hướng dẫn viên du lịch. Chiếc xe buýt Hải Âu hơn ba mươi chỗ ngồi mới tinh, cùng một ông tài to như hộ pháp đang chờ sẵn. Sau mươi phút sắp xếp chỗ ngồi, xe lăn bánh đưa chúng tôi rời khuôn viên MGU nhằm hướng Kursk thẳng tiến. Công việc của đội chúng tôi là phải xây một khu chuồng bò, tại một nơi nào đó trên thảo nguyên mênh mông cách Matxcova hơn 400 km, giữa tam giác: Kursk – Oriol - Belgorod. Mà như cách mô tả của Igor đội trưởng là: Còn hoàn toàn hoang sơ, lưu giữ hoàn hảo mọi dấu ấn của thời kỳ đồ đá!!! Nghĩa là không có điện, không nước máy. Nhưng có một hồ nhỏ, có thể vừa múc nước trộn vữa, vừa tắm, giặt quần áo, và múc nước nấu ăn “rất tuyệt”!!! Có một điều đặc biệt cần lưu ý là: Trong các lều dựng tạm để ở, khi đêm về, mỗi mét vuông có thể vợt được vài kg muỗi… Một đặc sản khủng khiếp của thảo nguyên Nga thơ mộng !!! Igor nói xong nhìn Krause mỉm cười. Tôi thấy Krause nhún vai. Tôi thì chẳng có gì phảỉ sợ. So với những cánh rừng Khe Sanh, Đakrông của dãy Trường Sơn thuộc tỉnh Quảng Trị, mà tôi đã đi qua đầu những năm 70 thì mấy con muỗi ở vùng thảo nguyên Kursk bây giờ đối với tôi đúng là “muỗi”, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhưng ba cái tên Kursk – Oriol – Belgorod đang nôn nao trong tôi. Đó là vòng cung máu lửa Kursk với những trận đánh lịch sử trong thế chiến hai, giữa Hồng quân Xô viết và quân đội phát xít Đức. Tôi sẽ được đến tận nơi ấy. Đợt lao động này với tôi mới may mắn làm sao! Chắc Galina sẽ giới thiệu cho chúng tôi điều gì rất thú vị ở đó, nên Igor mới gọi Galina là: Phụ trách khói lửa và hướng dẫn viên du lịch đó thôi.

Cả hội ồn ào cười đùa, hò hát. Ivan là một tay chơi Accordeon cự phách. Còn hầu hết mọi người đều chơi được ghita khá bài bản. Tôi chợt hiểu tính phổ cập âm nhạc trong hệ thống nhà trường phổ thông, có giá trị như thế nào!!! Thế hệ của chúng tôi ở Việt Nam, hầu hết là mù nhạc lý và ngoại ngữ. Tất nhiên, lúc đó đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh. Nhưng không thể tất cả cứ đổ lỗi cho chiến tranh. Nhất định sau này, chúng ta phải suy nghĩ lại về hệ thống giáo dục một cách toàn diện và nghiêm túc. Tôi không ngờ Galina lại “ Nghệ sỹ “ đến vậy. Cô có một giọng hát cao vút, trong vắt như tiếng hót của chim họa mi. Sau này tôi còn được nghe rất nhiều các ca sỹ lừng danh của Liên bang Xô Viết như: Alla Pugachyova, Xôfia Rotaru…hát, nhưng gương mặt và giọng hát của Galina vẫn mãi mãi in dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn tôi. Cô không phải là một ca sỹ chuyên nghiệp. Nhưng cô đã hát bằng tất cả tình yêu cháy bỏng trong tâm hồn, của những thiếu nữ Nga trong các bài dân ca đằm sâu mộng mị. Galina là người đầu tiên giới thiệu và bắc nhịp cầu tình yêu, cho tôi tới các ca khúc: Đôi bờ, Cây Thùy dương, Tình ca du mục, Chiều Matxcova…Những ca khúc đậm đặc phong vị dân ca Nga nồng nàn mê đắm, đi theo tôi suốt cả cuộc đời.

Khoảng đầu giờ chiều, khi đã đi qua thành phố Kursk một chặng khá xa, chiếc xe buýt dừng lại. Bác tài mở cửa xe nói: Tôi đã đến đích. Các bạn còn cả một thảo nguyên mênh mông!!! Chúc sức khỏe và mọi điều tốt lành. Hen gặp lại. Chúng tôi cảm ơn rồi lục tục xuống xe. Cả một đoàn xe ngựa năm cái đã sẵn sàng đón chúng tôi. Mấy anh xà ích trong các bộ trang phục Nga cổ chào đón chúng tôi rất nồng nhiệt.  Ivan cùng Galina ngồi trên chiếc xe đầu tiên, hát vang bản Tình ca du mục. Chúng tôi rời đường quốc lộ, tiến vào thảo nguyên trong tiếng vó ngựa lộc cộc và tiếng hát dập dìu: Thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời. Cỏ cây hoa lá hương thơm tỏa ngát đồng…Tôi đã đọc nhiều về thảo nguyên nước Nga, bây giờ tôi sẽ được sống với nó suốt năm mươi ngày. Tôi đánh đắm mình trong không gian bao la, ngất ngây của cỏ cây hoa lá. Đi sâu vào thảo nguyên, tôi cảm giác như đang trôi trên biển lớn. Xa ngút ngàn tầm mắt là một màu hoa tím mênh mang. Những cơn gió thổi làm dợn lên ngàn ngàn, lớp lớp sóng hoa, đuổi nhau chạy hoài về phía chân trời tít tắp. Chợt nhớ những cánh đồng Việt Nam trong những lời hát ru: Con cò bay lả bay la. Bay từ cổng phủ bay ra cánh đồng…Những cánh đồng quê tôi bé nhỏ, với những mảnh ruộng manh mún lăn tăn li ty, con cò chỉ vẫy cánh mấy nhịp đã mất dạng sau những lũy tre làng. Nó chỉ có thể bay lả, bay la trong những lời ru được thôi. Tôi thương con cò quê tôi quá.

Khi tôi đang bồng bênh trong hư ảo, thì xe của tôi dừng lại. Nhìn lên phía trên, thấy tất cả mọi người đã xuống xe. Galina vẫy vẫy, gọi chúng tôi tập trung lên phía trước. Khi lên đến nơi tôi chẳng thấy gì khác lạ, ngoài một ngã ba đường, giữa thảo nguyên mênh mông. Luận! anh có hiểu được những gì viết trên tấm biển kia không? Galina chỉ tay về phía trước hỏi tôi. Lúc này tôi mới chú ý thấy một tấm bảng bằng tôn trên hai cọc sắt đã hoen gỉ vì mưa gió, nhưng những dòng chữ trên đó vẫn còn rất rõ: Chú ý! Địa phận di tích lịch sử: Cánh đồng làng Prokhorovka! Tôi hiểu! Nhưng di tích lịch sử gì vậy? Tôi thành thật hỏi lại. Được rồi! Galina gật đầu với tôi, quay ra hỏi mọi người: Có ai giải thích cho Luận được không? Tôi thấy tất cả mọi người đều ớ ra, hơn hai chục cái đầu lắc lư có vẻ suy nghĩ lung lắm. Thật là xấu hổ! Bỗng nhiên Galina thét lên rồi sấn đến bên cạnh Igor: Anh cũng không biết thật sao? Ngài tiến sĩ toán tương lai? Tôi thật bất ngờ phát hiện ra con người thứ hai trong Galina. Một Galina thật dữ dội, nhưng tôi chưa hiểu nguyên nhân của sự bốc hỏa đó!!!  Bình tĩnh Galina! Sao bỗng dưng cô trở thành núi lửa đang phun vậy? Mà di tích lịch sử thì liên quan gì đến toán học kia chứ? Tôi thấy Igor mặt trắng bệch, vừa lảng xa Galina vừa lầu bầu biện minh. Galina quay cuồng như cơn lốc, cô hằm hằm nhìn mặt từng người, cứ như là nhìn đám tội phạm vậy. Thôi được! Tôi xin lỗi. Nhưng tôi vô cùng buồn về kiến thức lịch sử của các anh. Các anh vẫn cho rằng mình là những sinh viên ưu tú, nhưng các anh không nhớ lịch sử của đất nước mình. Một đất nước với những công dân như vậy, không thể phát triển mạnh mẽ được! Cuối cùng Galina cũng lấy lại được bình tĩnh nói với mọi người. Nhưng ánh mắt của cô thực sự biểu lộ sự thất vọng của một nhà sử học chân chính! Bây giờ tôi đã hiểu nguyên nhân cơn thịnh nộ của cô. Galina, cô đừng buồn, mọi người rồi sẽ nhớ lại thôi. Cô không quên vai trò “ hướng dẫn viên du lịch” cho các vị khách ngoại quốc chúng tôi chứ? Cô xinh đẹp như vậy mà hay cáu, nếp nhăn sẽ xuất hiện đấy!!! Tôi cố đưa bầu không khí trở lại bình thường. Galina nhún vai: Ồ không sao! Cảm ơn lời khen và lời nhắc nhở của bạn. Galina cười trở lại. Nụ cười như hoa làm gương mặt cô ngời lên, lan tỏa sang tất cả chúng tôi.

Cơn “Bão” đã đi qua. Cả đám ôm nhau cười như vỡ chợ. Igor đến bên, thúc thúc cùi trỏ vào tôi nói nhỏ: Luận, bây giờ không gọi Galina nữa, mà là Prokhorovka…nghe không!!! Tôi hiểu là Galina đã có một biệt danh mới. Thôi, mọi người cười đủ chưa, tập trung lại đây! Galina ra lệnh. Chúng tôi xúm xít trước tấm bảng di tích lịch sử, mọi ánh mắt dồn vào Galina. Galina bước tới sờ vào hai cọc sắt của tấm biển, phóng tầm mắt ra thảo nguyên mênh mông, nghiêng đầu như lắng nghe một âm thanh nào đó, rồi bất chợt quay lại hỏi chúng tôi: Mọi người có nghe thấy gì không? Tôi… tôi…chẳng nghe thấy gì ngoài tiếng gió! Igor ngập ngừng trả lời. Chúng tôi cùng ồ lên: Đúng, chỉ thấy tiếng gió thôi! Giọng Galina bỗng trùng xuống: Không phải chỉ tiếng gió đâu! Lát nữa mọi người sẽ nghe thấy những âm thanh khác, nhưng không phải bằng tai mà bằng trái tim mình! Cách dẫn dắt của Galina rất cu ôns hút, buộc chúng tôi phải tập trung cao độ. Thưa các quý vị, xin mọi người hãy nhìn xuống chân mình. (Chúng tôi đồng loạt nhìn xuống đất theo đề nghị của Galina). Các vị đang đứng trên một mảnh đất vô cùng nổi tiếng và linh thiêng. Đất của cánh đồng làng Prokhorovka. Nơi đây 39 năm trước đã chứng kiến một trận đấu tăng khủng khiếp nhất, dữ dội nhất của lịch sử nhân loại trong thế chiến hai, giữa hồng quân Xô Viết và quân phát xít Đức man rợ…Cùng với chiến thắng vĩ đại vào ngày 2/2/1943,  sau 200 ngày đêm bão táp của mặt trận Stalingrad mà người Đức gọi là thảm họa, thì trận chiến tại vòng cung Kursk, mà tâm điểm là trận đấu tăng kinh hoàng tại đây đã góp phần tạo nên chiến thắng vang dội, bóp nát vành đai thép của quân Đức để giải phóng hoàn toàn Leningrad vào ngày 20/1/1944, mở đường cho Hồng quân Xô Viết và đồng minh tiến thẳng đến Berlin, đập tan sào huyệt của Hitle, giải phóng nhân loại khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát xít bạo tàn…Giọng của Galina vút lên lảnh lót, ngân nga.

Tôi như bừng tỉnh, tất cả những gì tôi đã đọc về vòng cung Kursk hiện lên trong tôi vô cùng sống động. Tôi nhớ hết lại rồi! Tôi hét toáng lên, chạy như lao vào cánh đồng như ma ám. Tất cả mọi người chạy ào ào theo tôi. Chạy được một đoạn, tôi nằm lăn ra cỏ, áp tai xuống đất. Galina nói phải, bây giờ tôi đã nghe thấy cả một vùng âm thanh hỗn độn khủng khiếp của hơn 1200 xe tăng, pháo tự hành, hàng trăm máy bay, hàng ngàn người lính của cả hai bên đang xông vào nhau trong máu lửa ngút trời. Tôi moi lên một vốc đất của cánh đồng Prokhorovka, màu đất nâu đen mềm mại thơm nồng vị thảo nguyên. Phải, nó cũng giống như đất của đất nước Việt Nam tôi, nó đã được nhuộm rất nhiều mồ hôi và xương máu của bao thế hệ ông cha, nên bây giờ nó mới thơm như vậy. Nhất định là phải giữ gìn lấy nó và quan trọng hơn là phải thuộc và luôn nhớ những trang lịch sử chói lòa hay đau thương mà nó đã đi qua. Sức mạnh của mỗi dân tộc gốc rễ là ở đó.

Tôi ngồi dậy, xung quanh tôi mọi người nằm la liệt. Người nằm nghiêng áp tai xuống đất, người nằm ngửa hai tay ôm sau gáy, người nằm sấp hai tay giang ra ôm lấy đất…rất nhiều tư thế khác nhau. Nhưng trên tất cả các gương mặt, nét cười đùa đã biến mất, chỉ còn những những nét trầm tư sâu thẳm. Tôi biết họ đang rất xúc động, và đang nghĩ suy về nhiều lẽ. Có một linh cảm là lạ, tôi đưa mắt một vòng, không thấy Krause đâu cả. Ngước nhìn về hướng  xe của mình, tôi thấy Krause đang đi về phía ấy, đầu cúi xuống, bóng đổ dài trong hoàng hôn tím biếc của thảo nguyên. Tôi và Galina chạy đuổi theo. Krause! Anh ổn chứ, xin đừng buồn. Tất cả đã qua rồi. Bây giờ chúng ta là bè bạn. Galina cầm tay Krause an ủi một cách chân thành. Cảm ơn, tôi không sao. Nhưng hôm nay có bạn, mà tôi đã hiểu rất sâu sắc rằng: Lịch sử không chỉ là quá khứ. Chúng tôi im lặng đi về xe, phía trên cao bầu trời trong vắt và sáng lung linh trong mùa “Đêm trắng”*. Tôi biết đêm nay tôi và Krause sẽ không ngủ và sẽ uống rượu, không tại vì đêm trắng mà vì cái điều Krause đã ngộ ra: Lịch sử không chỉ là quá khứ.

•    Tên các nhân vật đã được thay đổi, vì tác giả không còn nhớ chính xác.
•    Từ tháng 6, nước Nga vào mùa đêm trắng.


Huế tháng 4/2013

Hoàng Thảo Chi
 


Theo: volga-viet.com
5 5/1    Đánh giá của bạn:  GO
Bản để inLưuGửi tin qua email


  GO  
Chọn ngày

Tin mới
Trang chủ  ¤  Tin tức  ¤  Liên hệ  ¤  Liên kết  ¤  Sơ đồ site  ¤  Tiếng Nga Anti Spam
© Copyright 2009-2010 MEKONGNET.ru, All rights reserved.
® MEKONGNET.ru giữ bản quyền nội dung trên website này.
Cơ quan chủ quản: COMPANY ZOLOTOI DRAKON
Trụ sở: Office 17, Tekhnitreskaia str., 19, Ekaterinburg, Russia
Tel/Fax: 7 (343) 381-84-14 Email : info@mekongnet.ru