Mekong News http://mekongnet.ru
Nỗi niềm người dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga
06.03.2013 14:12 | In ra

Nhắc đến cái tên Nguyễn Huy Hoàng, có lẽ cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nga không ai không biết. Ông không chỉ nổi tiếng với vai trò một nhà thơ, một dịch giả tài ba mà còn là một con người tận tâm, nhiệt huyết với bạn bè.

Câu chuyện Nguyễn Huy Hoàng từ bỏ nhiều lời mời với những cương vị công tác hấp dẫn từ trong nước để ở lại xứ Bạch dương trong nỗi đau đáu chờ đợi, tìm kiếm đứa con gái bị mất tích khi 12 tuổi ở Sochi (từ những năm 90 của thế kỷ trước) cũng khiến nhiều người rơi nước mắt. 

Là con của một gia đình có truyền thống văn chương, khoa cử ở Hà Tĩnh nên ngay từ nhỏ Nguyễn Huy Hoàng đã sớm bộc lộ năng khiếu và niềm đam mê với văn học. Những tác phẩm văn học Nga là những cuốn sách gối đầu giường của ông. Không ai ngạc nhiên khi biết Nguyễn Huy Hoàng từng là một trong những sinh viên xuất sắc của Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và trở thành giảng viên văn học Nga ngay tại ngôi trường danh tiếng này.

Cuối năm 1980, Nguyễn Huy Hoàng sang Liên Xô làm luận án phó tiến sĩ. Sau đó, ông quyết định đưa cả vợ là giảng viên Khoa tiếng Nga của Trường Đại học Ngoại ngữ cùng bé Quỳnh Nga lúc đó mới 9 tuổi sang đoàn tụ. Nhưng thật không ngờ, chính tại nước Nga, ông lại phải gánh một nỗi đau thắt lòng khi mất đi đứa con gái mà ông rất đỗi yêu thương và tự hào. Không chỉ xinh xắn, ngoan ngoãn, Quỳnh Nga còn là một học sinh xuất sắc tại Trường Phổ thông 222 - một trường khá nổi tiếng ở Mátxcơva. Từ chỗ không biết một chữ tiếng Nga khi mới nhập học, bằng nỗ lực và sự giúp đỡ của bố mẹ, chỉ sau 3 năm, Quỳnh Nga đã trở thành tấm gương sáng cho các học sinh trong trường. Nhờ thành tích học tập, Quỳnh Nga đã được bố hứa thưởng cho đi du lịch. Nhưng thời điểm đó, vợ chồng ông đang gấp rút chuẩn bị tài liệu để bảo vệ luận án tiến sĩ. Khi nghe vợ chồng người bạn dự định đi Sochi - một thành phố du lịch nổi tiếng ở Nga, ông đã gửi con gái đi cùng. Không ngờ, chuyến đi đó là chuyến đi định mệnh. Theo lời kể của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, chuyện xảy ra ngày 1-8-1993, khi vợ chồng người bạn xuống tắm biển, còn Quỳnh Nga ngồi trên bờ nói chuyện với một người phụ nữ Nga. Lúc lên bờ, họ không thấy cô bé đâu nữa. Mọi nỗ lực tìm kiếm sau đó đều không có kết quả. Tuy nhiên, nhờ nghị lực và niềm hy vọng một ngày nào đó sẽ gặp lại được con gái, ông đã quyết định ở lại Nga vừa làm việc và tiếp tục tìm kiếm.

Hiện tại, ngoài công việc cộng tác viên khoa học của Trường Đại học Quốc gia mang tên Lomonosov, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng còn tham gia rất nhiều dự án có ý nghĩa như dịch cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm sang tiếng Nga. Về Việt Nam trong đoàn kiều bào tham dự chương trình Xuân Quê hương do Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tổ chức, ông Nguyễn Huy Hoàng cho biết đang chuyển thể Truyện Kiều sang tiếng Nga. "Truyện Kiều là một tác phẩm văn học rất lớn của dân tộc ta, còn có thể gọi là bộ Kinh dịch của Việt Nam. Cho tới thời điểm này, cuốn Truyện Kiều đã dịch được 1/3. Theo kế hoạch đến tháng 4-2015 sẽ hoàn tất và dự kiến sẽ ra mắt độc giả vào tháng 7-2015". Ý tưởng chuyển thể Truyện Kiều sang tiếng Nga xuất phát từ cách đây 4 năm nhân dịp tổ chức Festival Đại thi hào Nguyễn Du - Puskin tại Hà Tĩnh. Tuy nhiên, do hậu quả của cơn bão lúc đó quá nặng nề nên sự kiện này đành phải hủy bỏ. Cách đây tròn một năm, ông đã nhận được tài trợ để thực hiện dự án này. Dịch và xuất bản Truyện Kiều sang tiếng Nga là một trong những hoạt động mở đầu chuỗi hoạt động kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du vào năm 2015.

Phương Quỳnh / hanoimoi.com

URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=59882
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru