Mekong News  
Ai nắm bắt được thông tin - người đó sẽ làm chủ thế giới!
 Kinh tế - Chính trị và Tin tức Cộng đồng VN tại LB Nga
Thời tiết
Tỷ giá hối đoái
Đóng
Tình trạng online
 Đang online: 003

  Hits: 025322716
 
Tin tức » Những kỷ niệm xử Việt 24.04.2024 12:50
Những dòng tâm huyết - Sergey Afonin
10.05.2010 15:41

LTS: Sergey Afonhin là nhà sử học, nhà báo, nhà thơ; Phóng viên của hãng TASS và báo Komxomolxkaia Pravda tại Việt Nam từ năm 1967 đến 1971; Chuyên viên Vụ Việt Nam thuộc Ban đối ngoại của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (1975-1988); Bình luận viên chính trị, Trưởng ban các nước Xã hội chủ nghĩa, Trưởng Ban Đông Nam Á của TASS (1988 -2003). Tác giả đã ba lần được gặp Bác Hồ và đã cùng với tác giả Evgeny Kobelev viết chung hai cuốn sách về Bác: “Trò chuyện về Hồ Chí Minh” và “Đồng chí Hồ Chí Minh”.  Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh, MK News xin giới thiệu bài viết " Những dòng tâm huyết" - kỷ niệm ba lần gặp Bác của tác giả.

Nhà báo Sergey Afonhin tại vịnh Hạ Long trong những năm công tác  ở Việt Nam

NHỮNG DÒNG TÂM HUYẾT

Thưa các đồng chí và các bạn thân mến!

Hội thảo kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất định sẽ góp phần vào việc mở ra và bổ sung hình ảnh nhân vật lịch sử vô cùng vĩ đại của nhân dân Việt Nam và của nhân loại.

Cũng như nhân dân Việt Nam vô cùng yêu mến người con huyền thoại của mình, nhân dân chúng tôi cũng ghi nhớ và kính trọng Bác Hồ - người bạn lớn của Liên Xô và của nước Nga.

Ngày mùng 9 tháng Năm vừa rồi, chúng ta nhiệt liệt chào mừng 65 năm ngày chiến thắng của nhân dân Liên Xô trong chiến tranh Ái quốc vĩ đại.  Chúng ta cũng phấn khởi kỷ niệm lần thứ 35 ngày lễ 30 tháng Tư giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Sinh thời, Bác Hồ luôn tin tưởng vững chắc vào sự toàn thắng của nhân dân Liên Xô chúng tôi và của dân tộc Việt Nam.

Tính cách và phẩm chất của Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể nào nói hết được trong một vài câu. Có thể dùng những từ ngữ rất tốt đẹp để nói về Người: Hiền hậu, chân thật, khiêm tốn, thanh tao, tế nhị,  ý chí cao, kỷ luật sắt đá, giữ vững nguyên tắc, tự hào về tổ tiên, về dân tộc của mình, sáng suốt, kiên quyết, cảnh giác cao,  biết bạn biết thù, chịu đựng khó khăn thử thách, yêu người yêu đời, lạc quan, trữ tình, nhân đạo, hiểu biết sâu sắc văn hoá thế giới…

Tôi là người thật may mắn và thật hạnh phúc, khi  ba lần  được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.  Xin ôn lại những lần được gặp Người.

Cuộc gặp lần đầu tiên:

Năm 1961, tôi được sang Việt Nam thực tập tiếng Việt tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.  Thỉnh thoảng tôi được mời làm phiên dịch cho Đại sứ quán Liên Xô  và cơ quan Thương vụ Liên Xô  tại Việt Nam (lúc đó ở Hà Nội). Bác Hồ thường hay ghé vào cơ quan Thương vụ, ở đó có phòng chiếu phim không lớn, để xem những bộ phim Liên Xô, không cần người phiên dịch. Một lần, vào buổi chiều, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa trong phòng chiếu phim bước ra, Bác nhìn thấy tôi và đến bên tôi, Bác hỏi bằng tiếng Nga:

- Cháu có nói được tiếng Việt Nam không?

Tôi nhỏ nhẹ thưa với Bác:

- Dạ, thưa Bác! Cháu cũng biết một chút ạ!

Bác ân cần hỏi tôi:

- Cháu có thích ở đây không?

Tôi trả lời Bác:

- Thưa Bác cháu rất thích ạ! Cháu rất yêu đất nước và con người Việt Nam.

Bác mỉm cười và nói với tôi bằng tiếng Việt để chia tay:

- Cháu nên học thật nhiều để nói tiếng Việt cho tốt, chúc cháu thành công…

Cuộc gặp lần thứ hai:

Tháng 12 năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Liên Xô - dẫn đầu là Iuri Torơxuev - Bí thư thứ nhất Đoàn thanh niên Cộng sản Liên Xô  mang tên Lênin. Tôi lúc đó được giao nhiệm vụ như thư ký của đoàn, vào thăm Phủ Chủ tịch. Trong buổi gặp mặt với Chủ tịch Hồ Chí Minh hôm đó, còn có đồng chí Vũ Quang - Bí thư Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam. Bác Hồ tiếp đón chúng tôi thật nồng hậu, Bác ôm hôn tất cả từng người và thết đãi chúng tôi bánh kẹo, hoa quả, nước trà…

Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam,  lúc đó gặp Bác trong bộ đồ lụa màu nâu giản dị, tôi thấy Bác thật gần gũi. Giọng nói của Bác thật ấm, thật nhẹ nhàng và truyền cảm, mắt Bác âu yếm nhìn chúng tôi. Bác kể cho chúng tôi nghe về những thành phố, về những năm tháng Bác sống và học tập tại Liên Xô … để sau này xây dựng một xã hội mới - xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự do và hạnh phúc. Nói về tình hình Việt Nam, Bác nhấn mạnh: “ Đế quốc Mỹ và bù nhìn tay sai đang mở rộng chiến tranh, nhưng nhân dân Việt Nam nhất định chịu đựng được, sẽ chiến thắng và xây dựng một xã hội mới…”

Bác Hồ và Đoàn TNCS Liên Xô, Hà Nội, 12/1964. Từ trái sang: S. Aphonhin, Iuri Torsuiev - Bí thư TW Đoàn LX... Người cuối cùng là đ/c Vũ Mão. Ảnh tư liệu của S. Aphonin

Cuộc gặp lần thứ ba:

Tháng 2 năm 1969, đến Việt Nam lần này là Đoàn đại biểu thanh niên Liên Xô, dẫn đầu là Bí thư thứ nhất Đoàn thanh niên cộng sản Liên Xô  mang tên Lênin: Evghênhi Chiazennhicov. Lúc đó tôi là phóng viên thường trú của Hãng thông tấn TASS đồng thời là phóng viên của báo “Sự thật  Đoàn Thanh niên Cộng sản” tại Hà Nội. Tôi nằm trong danh sách Đoàn đại biểu đó. Chúng tôi đến Việt Nam và đã đi thăm nhiều thành phố, làng mạc phía Bắc Việt Nam…

Ngày 25/2 năm 1969, trong ký ức của tôi không bao giờ phai mờ, đó là ngày đoàn đại biểu thanh niên chúng tôi được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đón tiếp.

Chúng tôi được mời tới ngôi nhà nhỏ một tầng, được xây cất trong khuôn viên Phủ Chủ tịch vào những năm Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc. Chủ và khách ôm hôn nhau thắm thiết. Khi chúng tôi ngồi vào bàn, Hồ Chủ tịch tự tay mời thuốc lá. Chúng tôi từ chối không hút, nhưng mãi sau này mới hiểu ra rằng đáng lẽ chúng tôi cần nhận lấy điếu thuốc lá đó từ tay Người, như một món quà chân tình. Người chưa vội hút thuốc lá mà bắt đầu ngay vào chuyện một cách mộc mạc. Bác hỏi chúng tôi về chuyến thăm miền Bắc. Trong những ngày này, chúng tôi có nhiều cuộc gặp gỡ với công nhân, nông dân, sinh viên, bộ đội… phái đoàn chúng tôi đã tặng đơn vị bảo vệ cầu Hàm Rồng vỏ đạn với một nắm đất từ thành phố Stalingrad…Nghe chúng tôi kể, Bác Hồ im lặng một chút rồi nói một câu rất cảm động:

- Hàm Rồng là Stalingrad nhỏ của Việt Nam!

Rồi Bác vui vẻ nói:

- Chúng tôi vui mừng là các đồng chí đã đến đến thăm Việt Nam. Các đồng chí đã được chứng kiến nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Liên Xô với tấm lòng nhiệt tình như thế nào. Một khi có đất nước các đồng chí hậu thuẫn, chúng tôi càng thêm tin tưởng vào tương lai hạnh phúc của mình”.

Hồ Chủ tịch ôn lại những năm tháng đầu tiên khi Người ở Mátxcơva. Người nói: “Khi ấy sao mà đất nước các đồng chí khó khăn thế, chẳng khác gì đất nước chúng tôi hiện nay”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói thêm: “Nhưng khi đó các đồng chí chỉ có một mình, còn chúng tôi hiện nay thì không đơn độc”.
Hồ Chủ tịch kể tiếp:

 - Sau đó nhân dân Xô Viết đã sống sung sướng hơn. Có lần tôi hỏi một cô gái, tại sao cô mặc áo lụa dài và đi giày cao gót. Cô tự hào trả lời: “Em đi làm mà, cho nên em có lương”. Sau đó ở Mátxcơva đã có tàu điện ngầm và ôtô…”

Chúng ngồi nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại ký ức của mình và ngắm nhìn chăm chú khuôn mặt Người với chòm râu bạc. Qua cặp kính, Người nhìn chúng tôi với đôi mắt sinh động tuy có thoáng phần mệt mỏi. Người đội mũ lưỡi trai, cổ quàng khăn (hôm đó trời hơi lạnh) .

Câu chuyện lúc đó chuyển sang đề tài Việt Nam. Hồ Chủ tịch kể về tổ chức Việt Nam Cách mạng đồng chí hội do người Người sáng lập năm 1925… Tiếp đó Người cho chúng tôi xem một số ảnh. Trong đó có một tấm ảnh có một cô gái Việt Nam nhỏ bé cầm súng trường đang giải một phi công Mỹ to lớn.

Hồ Chủ tịch nói: “Nhiều người đến với chúng tôi, họ rất ngạc nhiên hỏi chúng tôi, tại sao một đất nước nhỏ bé lạc hậu như Việt Nam lại có thể tiến hành thắng lợi chống lại cuộc xâm lược của Mỹ?  Nhưng khi họ được xem tấm hình này thì họ hiểu ngay”.

Về sau chúng tôi biết rằng tấm ảnh đó được nhà báo Việt Nam Phan Thoan chụp ngày 20/9/1965 tại tỉnh Hà Tĩnh, cô gái du kích cầm súng đó là Nguyễn Thị Kim Lai, giải phi công Mỹ Uyliam Robinson, bị quân đội Việt Nam bắn rơi máy bay khi đánh phá miền Bắc Việt Nam.

Chủ tịch kết thúc câu chuyện: “Tất cả những thắng lợi của chúng tôi đều gắn bó với tên tuổi của Lênin. Tất cả chúng tôi đều biết ơn Người”. Lúc chia tay Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng lần lượt ôm hôn  từng người trong Đoàn và chúc chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình may mắn.

Thế rồi nửa năm sau, Người đã đi xa. Một buổi sáng tháng Chín ảm đạm, chúng tôi đã chuyển tin buồn đó từ Hà Nội về Mátxcơva cho hãng thông tấn xã TASS.

Đó là tổn thất không gì bù đắp nổi đối với tất cả những người có lương tri trên hành tinh chúng ta. Tin buồn đã gây ra nỗi đau đớn sâu sắc trong hàng triệu trái tim. Nhưng niềm tin không thể dập tắt, vì Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại lời di chúc lịch  sử mà Đảng, nhân dân và đất nước mà Người yêu mến đã thề thực hiện đến cùng.

Đối với những người nghiên cứu về Việt Nam, một điều đáng tìm hiểu cặn kẽ là khái niệm “đất nước” trong ngôn ngữ Việt Nam gồm 2 phần: “Đất” và “Nước”. Hai yếu tố vĩnh hằng đó khắc sâu trong tiềm thức của người Việt Nam, là cái quí giá nhất trong đời!  Điều mà người Việt nam rất tự hào là đất nước lâu đời của họ đã đứng vững trước mọi thử thách tai ương,  từ lửa đạn của biết bao cuộc chiến tranh đến sự tàn phá của thiên tai. Họ hiểu rất rõ mọi nỗi cay đắng của sự mất mát và niềm vui chiến thắng.

Bìa sách Trò chuyện về Hồ Chí Minh - viết chung với E. Kobelev

Cái chính trong đặc tính của người Việt Nam đó là chủ nghĩa anh hùng, tính cần cù yêu lao động và tinh thần lạc quan. Tất cả những điều đó đã được nhân dân Việt Nam vĩ đại và Hồ Chủ tịch giản dị dày công tôi luyện.

Đối với chúng tôi, những nhà báo Nga - cuộc sống của Người thật sự là một chiến công, mặc dù đã có nhiều người viết về chuyện đó, nhưng vẫn chưa đầy đủ. Thất là quí đối với chúng tôi những hồi ký của các nhà sử học viết về Hồ Chủ tịch trong thời gian hoạt động tại Quốc tế Cộng sản ở Mátxcơva, Người sẵn sàng hợp tác tới Rosta (Thông tấn xã Nga) và đã được cử đi công tác tại Quảng Đông với tư cách một phóng viên mang bút danh Lý.

Biết bao xúc động khi đọc những tác phẩm của Hồ Chủ tịch mà suốt đời mình Người đã viết. Trong đó chứa đựng biết bao áng văn mộc mạc, ý thơ tinh tế, thâm thúy và sự nhìn xa trông rộng của Người.
Ở Việt Nam, ở Nga và nhiều nơi khác trên hành tinh, nhiều người còn nhớ và yêu mến con người khiêm tốn nhưng vĩ đại và nhiều tài năng đó… cụ thể là tập thơ “Nhật ký trong tù” nổi tiếng của Người. Trong đó có những câu “… đích ta đã rõ, đường ta thênh thang, ta thề dũng cảm, tiến bước đến cùng”.

Đã nhiều năm Người lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chống thực dân Pháp, quân phiệt Nhật, sau đó phải chống bọn xâm lược Pháp một lần nữa và cuối cùng là chống Mỹ xâm lược. Trong thời khắc nóng bỏng của cuộc chiến tranh cuối cùng này, tháng 6/1966 Hồ Chủ tịch tuyên bố: “… Nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quí hơn độc lập tự do”. Câu nói về giá trị của độc lập và tự do đã được ghi tạc trong lăng của Người ở thủ đô Việt Nam.

Hồ Chủ tịch gọi bản Tuyên ngôn độc lập mà Người đã đọc ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình là tác phẩm mến yêu của Người. Bản tuyên ngôn đó thực tế đã được khẳng định bỡi những chiến công hiển hách. Bạch Đằng, Đống Đa, Điện Biên, Sài Gòn là những mốc chiến thắng vẻ vang. Thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975 là biểu tượng mới của những truyền thống của dân tộc Việt Nam bất khuất. Năm 1975   Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nam Bắc Việt Nam được thống nhất một nhà. Nhà nước thống nhất mang tên đầy tự hào là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

 Hồi chiến tranh từ năm 1967 đến giữa năm 1971, tôi là phóng viên thường trú của Thông tấn xã TASS và của tờ báo “Sự thật Đoàn Thanh niên Cộng sản” ở Việt Nam. Chiến tranh thật ác liệt. Đồng bào hai miền Nam Bắc muôn người như một đã làm tròn nhiệm vụ của mình theo lời di huấn của Hồ Chủ tịch.

Tôi nhớ một sự kiện quan trọng: Tháng 6 năm 1973, chúng tôi qua cầu Hiền Lương vào vùng giải phóng và Đại sứ Liên Xô đã trình quốc thư cho Chính phủ Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam mà Liên Xô công nhận vào năm 1969.

Sau chiến thắng 1975,  tôi đã mấy lần đến thăm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố khác, vui mừng phấn khởi trước những sự đổi mới của đất nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản theo di chúc của Bác Hồ.

Vào những ngày lễ lớn, người Việt Nam thường có  truyền thống đặt hoa tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và những anh hùng liệt sĩ. Trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thủ đô Hà Nội lúc nào cũng đông người. Đối với người Việt Nam và bạn bè của họ thì đây là một trong những nơi tôn nghiêm thân thiết nhất.

Hàng trăm, hàng nghìn người đã đến đây để dâng hoa. Từ nhiều năm nay ở đó thường xuyên có các vòng hoa của Ban lãnh đạo Đảng do Hồ Chủ tịch và các bạn chiến đấu của Người sáng lập năm 1930, vòng hoa của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam, vòng hoa của các đoàn thể quần chúng và xã hội trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một tổ chức đoàn kết thống nhất các lực lượng trong nhân dân đã được Hồ Chủ tịch sốt đời chăm lo, và nhiều bó hoa của các đoàn đại biểu các nước trên thế giới đến viếng Người.

Việt Nam là một đất nước thân thiết với chúng tôi, đất nước đang trải qua thời kỳ đổi mới tuyệt vời và đang thể hiện chiều sâu và tầm vóc của của những kế hoạch mới của Đảng - đất nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng mong ước được thấy  tự do, độc lập, thống nhất, hoà bình dân chủ và phồn vinh.

Hành năm chúng ta kỷ niệm ngày sinh của vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.  Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra tại làng Sen, mà chính những nét đẹp thần kỳ của những bông hoa ấy ở Việt Nam được coi là biểu tượng của sự trong trắng, thanh tao, lòng chung thủy và nghị lực.

Đẹp sao quê Bác tháng Năm!

Hai tác giả S. Aphonin và E. Kobelev đặt hoa tại tượng đài Hồ Chí Minh ở Matxcơva. Ảnh Châu Hồng Thuỷ

Còn ở Mátxcơva, đã trở thành truyền thống, hàng năm vào ngày 19/5 tại tượng đài của Người, người ta thường dâng những bông hoa cẩm chướng, những bông hoa tuyệt đẹp đó do những thành viên tích cực của Hội hữu nghị Nga - Việt, các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam, của Hội người Việt Nam tại LB Nga và cộng động người Việt Nam tại LB Nga đem đến để tưởng nhớ Người.

Tượng đài được dựng trên quảng trường Hồ Chí Minh – 20 năm trước đây – nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Nghị quyết của UNESCO về ngày kỷ niệm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh được đánh giá là nhân vật lỗi lạc đại biểu cho quyền lợi của nhân dân mình, đã cống hiện trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

Phần đông những người đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tượng đài của Người ở thủ đô Matxcơva nước Nga đều giữ lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về con người tuyệt vời đã thể hiện những phẩm chất cao quí của nhân dân và những giá trị nhân phẩm chung của nhân loại.

Trong quần thể tượng đài Hồ Chí Minh tại Mátxcơva có một cây tre bằng đồng và 3 cây bạch dương tươi tốt. Cùng với những nhành hoa tươi, cảnh tượng đó nổi lên dưới bầu trời Mátxcơva trông thật kỳ diệu.

S. Aphonin và vợ - chị Lutmila (đứng thứ 3 từ trái sang) luôn gắn với cộng đồng người Việt tại Nga. Ảnh: Võ Hoài Nam

(Bài viết này tham gia Hội thảo kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội diễn ra từ 9/5 - 14/5/2010)

- Văn Minh dịch từ bản tiếng Nga, tác giả tự bổ sung một số đoạn bằng tiếng Việt


Giới thiệu hai bài thơ của Sergey Afonhin


NGƯỜI ĐÃ THẤY MẶT TRỜI THÁNG MƯỜI


Trích dịch


… Những hàng tre hiện về trong giấc ngủ
Và bến cảng Nhà Rồng, hình bóng mẹ cha
Tim nhức nhối nỗi đớn đau ly biệt
Người nén lòng vượt lên mọi buồn đau.


…Trong ngục tối Người làm thơ nhật ký
Ánh Thái dương xuyên vượt cả màn đêm
Và soi rọi tận sâu thẳm tâm hồn
Gió quê hương vỗ về Người, an ủi.


…Trước lăng Người, bao vòng hoa tươi thắm
Của bạn bè khắp năm châu bốn biển
Trong tim ta hình ảnh của Bác Hồ
Và di huấn của Người còn sống mãi


…Đây Ba Đình - ngày tuyên ngôn độc lập
Lời Bác Hồ còn mãi ngân vang
Cả dân tộc Việt Nam như một
Cùng nguyện thề gìn giữ non sông.

(Châu Hồng Thuỷ trích dịch từ bản tiếng Nga)


VIỆT NAM


Những cuộc không kích thường xuyên trên bầu trời Hà Nội
Trái tim của đất nước Việt Nam.
Tên lửa bắn máy bay thù tan xác.
...Cờ đỏ bay lấp lánh sao vàng


Những đoá sen hồng, những quả bom đen,
Chiến tranh Việt Nam những tháng năm ác liệt,
Những hầm hào của dân quân du kích,
Không gì hơn Độc lập Tự do!


Bao khổ đau, nhân dân đã trải qua
Đã thực hiện lời Bác Hồ di huấn
Dành độc lập, giờ cuối cùng đã điểm
Dân tộc này đã chiến thắng vẻ vang


Những hàng tre đang vươn tới trời xanh
Được tắm gội cơn mưa rào nhiệt đới,
Lấp lánh niềm vui trong mắt người hồ hởi,
Nhưng chiến tranh họ đâu dễ lãng quên


Cây súng trường, tạm để gác một bên
Người Việt Nam lại cần cù lao động
Và mơ ước về tương lai cuộc sống
Chặng mới này lịch sử bước sang trang


Sóng Hồng Hà cùng với sóng Cửu Long
Mở lòng mình với năm châu bốn biển
Giá cuộc đời, người Việt Nam, hiểu lắm
Tiếng chiêng cồng ngày Lễ hội ngân vang

(Châu Hồng Thuỷ dịch từ bản tiếng Nga)

Theo: Bản tác giả gửi Mekong News
5 5/1    Đánh giá của bạn:  GO
Bản để inLưuGửi tin qua email


  GO  
Chọn ngày

Tin mới
Trang chủ  ¤  Tin tức  ¤  Liên hệ  ¤  Liên kết  ¤  Sơ đồ site  ¤  Tiếng Nga Anti Spam
© Copyright 2009-2010 MEKONGNET.ru, All rights reserved.
® MEKONGNET.ru giữ bản quyền nội dung trên website này.
Cơ quan chủ quản: COMPANY ZOLOTOI DRAKON
Trụ sở: Office 17, Tekhnitreskaia str., 19, Ekaterinburg, Russia
Tel/Fax: 7 (343) 381-84-14 Email : info@mekongnet.ru