Mekong News  
Ai nắm bắt được thông tin - người đó sẽ làm chủ thế giới!
 Kinh tế - Chính trị và Tin tức Cộng đồng VN tại LB Nga
Thời tiết
Tỷ giá hối đoái
Đóng
Tình trạng online
 Đang online: 009

  Hits: 025312847
 
Tin tức » Hỗ trợ cộng đồng » Tìm người thân 20.04.2024 16:40
Thư gửi người "bảo thủ" cuối cùng của cộng đồng người Việt ở Nga
28.04.2010 14:57

 Sau khi đọc bài "Thư nhờ giúp đỡ tìm lại chồng" của chị Nguyễn Thị Minh và bài viết của Đỗ Thu Hà "Mong chú Tạo hãy quay về với mái ấm gia đình", PV Việt Anh đã gửi đến VBA-online bài viết dưới hình thức một bức thư gửi anh Tạo, mong muốn "đánh thức" những bậc "lão thành" sống mòn mỏi nơi đất khách quê người, lãng quên đi những người thân đang ngóng đợi chốn quê nhà.
 
Chào anh Tạo!

Xin phép được gọi tên anh một cách thân mật, bởi một điều, chúng ta - tôi, anh và tất cả những người con đất Việt đang sống, làm việc và học tập trên xứ tuyết lạnh giá này đều là những người “đồng đội” cùng “chiến tuyến” ở thương trường Nga; luôn cảm thông, chia sẻ cùng nhau trong những lúc khó khăn, hoạn nạn...

Vọng phu. Ảnh minh họa

Chắc anh không khỏi ngạc nhiên khi tôi - một người xa lạ, lại dành những giờ phút nghỉ ngơi quý giá sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt nhọc để viết những dòng chữ này tới anh. Tôi hy vọng rằng, nếu như anh còn sống (lạy Trời là như vậy), thì hãy lên tiếng, hãy đáp lại những tiếng gọi thân thương, những tình cảm chan chứa, những khát khao gặp mặt của gia đình anh, và nhất là của người vợ luôn ngày đêm thương nhớ tới anh. Anh hãy trả cho con gái anh cái quyền được làm con, quyền được tự hào với bè bạn rằng mình có bố...
 
Viết những dòng này cho anh, tôi biết, không chỉ riêng tôi mà tất cả những ai đã sống, làm việc ở Liên bang Nga khoảng gần 20 năm trở lại đây đều có tâm trạng cảm thông sâu sắc với anh.
 
Tôi đã từng nghe người ta nói: “Thương trường là chiến trường”. Tôi và anh cùng hàng trăm nghìn người Việt Nam khác, vượt hàng chục nghìn cây số, rời xa quê hương để sang cái xứ lạnh đến cắt da, cắt thịt này, tất cả chúng ta ra đi đều không ngoài mục đích là được làm việc, lao động để kiếm thêm đồng tiền về cho gia đình, và sau nữa, để xây dựng quê hương giàu đẹp thêm.
 
Nơi chiến trường “hòn tên, mũi đạn”, có những người đã ngã xuống, có những người mang thân thể không lành lạnh để trở về quê hương tiếp tục sống và làm việc. Và dù lành lặn hay mất mát, tất cả đều được hậu phương trân trọng, chào đón, tôn vinh.
 
Chúng ta đang cùng sống trong những năm tháng đầy biến động của nước Nga, đầy sóng gió của “nghiệp bán buôn” trong cộng đồng Việt. Có nhiều người đã rất thành công, nhiều người xây được nhà cao cửa rộng nơi quê nhà. Thế nhưng cũng không ít người đen đủi, không gặp may, bị trấn, bị cướp, ốm đau, bệnh tật nên phải bỏ xác nơi xứ người mà không được một lời trăn trối với người thân. Và còn rất nhiều người khác, do làm ăn thua lỗ, đồng tiền mất giá, hàng hóa bị mất, tai nạn, và trăm nghìn lý do khác... nên rơi vào tình trạng phá sản, nợ nần không có tiền về nước, sống “vất vưởng” như những bóng ma ở xứ người.
 
Rất tiếc tôi không được biết về anh, và không biết được nguyên nhân “im lặng” của anh trong những năm qua. Qua lá thư của vợ và cháu anh, tôi được biết anh là một trí thức, và hơn nữa, anh đã để lại trong tâm trí của gia đình và bè bạn hình ảnh của một người hồn hậu, giàu tình cảm, và luôn được kính trọng. Chính lý do này khiến cho tôi “tò mò” về nguyên nhân im lặng của anh.
 
Phải chăng, giờ đây anh đang được sống trong một ngôi biệt thự sang trọng nào đó, có kẻ hầu, người hạ, có cô vợ “Tây” tóc vàng, có những đứa con lai xinh xắn để hàng ngày anh đưa, đón chúng đến trường trong những chiếc xe hơi sang trọng, và vì vậy, anh không có thời gian để nghĩ đến ai? Rất hy vọng điều này không có thật, bởi anh là người nhân hậu và sống có trách nhiệm với gia đình cơ mà...
 
Hoặc giả, anh đang một mình cô đơn trong căn hộ nào đó tách biệt với cộng đồng, để hàng ngày đứng ngoài trời tuyết lạnh, vá đôi giầy, khâu cái áo hoặc làm vài cái chìa khóa cho người qua đường kiếm miếng ăn qua ngày đoạn tháng, để tối về “độc ẩm” với chai rượu, chai bia trong nỗi tự ti luôn dằn vặt lương tâm?
 
Hay anh đang vất vưởng cùng những “ma men” người Nga trong những cuộc nhậu triền miên, đốt cháy mình bằng những thứ nước “cay” rẻ tiền?
 
Và biết đâu đó, anh lại đang sống một mình lầm lũi, với những luống rau, quả cà trong một khu vườn nào đó ở tận vùng nông thôn xa xôi của nước Nga, và vì thế anh “quên” tiếng mẹ đẻ của mình, anh không muốn gặp những người đồng hương của mình nữa?
 
Anh Tạo ơi! Dù anh đang sống sung sướng trong nhung lụa, hay anh đang gặp hoạn nạn ở một nơi nào đó, tôi chỉ xin anh “sực tỉnh”, xin anh nhớ lại một điều: anh là một người Việt Nam. “Cây có cội, nước có nguồn, con chim có tổ, con người có tông”, “Cóc chết ba năm quay đầu về núi”, anh hãy nhớ đến điều đó. Dù anh đang sung sướng hay khổ đau, anh hãy tin một điều, người Việt ta rất có lòng nhân ái, sẻ chia. Quê hương và nhất là những người thân của anh luôn sẵn sàng chia vui, sẻ buồn cùng anh trong mọi hoàn cảnh với những cánh tay và tấm lòng rộng mở.
 
Nói những câu này với anh, bởi cách đây không lâu, tại thành phố tôi, cộng đồng đã “được” chia tay với khoảng hơn 10 “lão thành” - những người đã từng là sĩ quan quân đội, sau khi nghỉ mất sức đã được cử sang Nga từ những năm 1985. Mỗi người một lý do khác nhau, nhưng họ đều đã từng gặp hoạn nạn trong kinh doanh. Chính vì vậy, họ đã sống bất hợp pháp trên 10 năm trời, không giấy tờ, không bạn bè thân thích, không tiền bạc, cắt đứt mọi liên lạc với quê hương, gia đình. Có thể nói đó là những người cực kì bảo thủ. Mặc dù đời sống rất vất vả và đều cao tuổi cả rồi (tất cả đều trên tuổi 50), nhưng họ luôn tự ti, mặc cảm và muốn “chôn” mình nơi đất khách. Rất may, cộng đồng chúng tôi sống nhân ái, cùng nhau động viên, giải thích và quyên góp tiền cho các anh ấy về nước. Xin báo với anh một tin mừng, trong đợt về phép vừa qua, tôi đã tranh thủ đến chơi với 6 trong 10 người đó. Ai cũng rất vui, có người đang là ông nội, ông ngoại, được sống quây quần với gia đình, hàng xóm, họ đã xa rời được “ma men” và hòa nhập rất nhanh với đời sống quê nhà.
 
Nhắc tới họ, tôi lại nhớ tới anh. Năm nay anh đã gần 55 tuổi rồi, cái tuổi “ngũ tuần”, nếu ở Việt Nam anh đã được ngồi uống rượu ở sân đình, cái tuổi đã có dâu, có rể phụng dưỡng, tuổi vợ chồng già nương tựa vào nhau. Và tôi luôn hy vọng rằng, anh không phải là người “bảo thủ” cuối cùng của cộng đồng người Việt ở Nga. Tất cả mọi người đang theo dõi anh, động viên anh sớm đoàn tụ gia đình. Tôi chỉ xin anh một điều, khi nào anh dám “dũng cảm” xuất hiện, hãy cho phép chúng tôi được uống chén rượu đoàn tụ cùng gia đình anh. Chúc anh và gia đình có những ngày đoàn tụ vui vẻ, hạnh phúc./.

Việt Anh

LTS: Ngoài những địa chỉ như VBA đã ghi, bạn đọc tại LB Nga có thể gọi điện tới Toà soạn Mekong News để thông báo về tin tức của anh Tạo, nhằm giúp gia đình chị Minh tìm được người thân. Tel: 9-926-721-62-52, Email: info@mekongnet.ru

5 50/10    Đánh giá của bạn:  GO
Bản để inLưuGửi tin qua email


  GO  
Chọn ngày

Tin mới
Trang chủ  ¤  Tin tức  ¤  Liên hệ  ¤  Liên kết  ¤  Sơ đồ site  ¤  Tiếng Nga Anti Spam
© Copyright 2009-2010 MEKONGNET.ru, All rights reserved.
® MEKONGNET.ru giữ bản quyền nội dung trên website này.
Cơ quan chủ quản: COMPANY ZOLOTOI DRAKON
Trụ sở: Office 17, Tekhnitreskaia str., 19, Ekaterinburg, Russia
Tel/Fax: 7 (343) 381-84-14 Email : info@mekongnet.ru