Mekong News  
Ai nắm bắt được thông tin - người đó sẽ làm chủ thế giới!
 Kinh tế - Chính trị và Tin tức Cộng đồng VN tại LB Nga
Thời tiết
Tỷ giá hối đoái
Đóng
Tình trạng online
 Đang online: 002

  Hits: 025312306
 
Tin tức » Những kỷ niệm xử Việt 20.04.2024 15:17
M.N. TKACHEV- NGƯỜI BẠN CHUNG THỦY CỦA VIỆT NAM
Châu Hồng Thuỷ
18.01.2010 21:13

Phần thứ Nhất

Họ và tên đầy đủ của ông là Marian Nhikolaievich Tkachev. Bà Inna vợ ông và các nhà  văn Việt Nam  Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Phạm Vĩnh Cư… thường  chỉ gọi  ông bằng cái tên  ngắn gọn và thân mật là Marik.

Chân dung Marian Tkachev 1988. Ảnh: Dương Minh Long

Cuối năm 1990, tại ngôi nhà số 52 phố Povarnaia, Trụ sở của Hội Nhà văn Liên Xô, lần đầu tiên tôi được gặp ông cùng khoảng trên ba mươi nhà văn Liên Xô  khác. Đây  là cuộc gặp gỡ vui vẻ, do sáng kiến của các bạn Trần Đăng Khoa, Nguyễn Đình Chiến, Từ Thị Loan… đang là học viên chính thức của Trường viết văn Gorki, cùng với  hai nhà văn  Marian Tkachev và Nhikolai Nhikulin  đứng ra tổ chức. Cuộc gặp gỡ đơn thuần nhằm giới thiệu  làm quen giữa chúng tôi, 6 học viên tương lai của Trường viết văn Gorki, mới  được Trường Viết văn Nguyễn Du gửi từ Việt Nam sang,  còn đang học tại Khoa Dự bị của trường ĐHTH Lomonoxov (MGU),  với các nhà văn Liên Xô đã từng gắn bó với Việt Nam từ thời chống Mỹ. Nhóm 6 người mới chúng tôi gồm: Vũ Xuân Hương, Thuỳ Linh, Châu Hồng Thuỷ, Phan Thanh Thuỷ, Nguyễn Chiến Thắng, Lại Thị Thanh Mai. Đón chúng tôi, các nhà văn Liên Xô chuẩn bị đầy đủ bánh mỳ phết bơ, trứng cá hồi, kalbasa… nhưng lại chỉ có vài chai Vodka, trong khi ấy, cả khách và chủ đến hơn ba chục vị. Năm ấy, người ta thường đùa: “Mua một chai vodka còn khó hơn cả mua một chiếc ô tô Lada”. Biết thế, nên chúng tôi đã xoay sở   bằng mẹo của “dân nhậu”, thủ sẵn rượu mang theo, đặt lên bàn tiệc, khiến các nhà văn Liên Xô  tròn mắt thán phục. Có nhiên liệu bổ sung, không khí cởi mở hẳn lên. Chúng tôi mới sang, tiếng Nga còn kém, Marian Tkachev nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng Việt. Ông nói chậm rãi và chính xác, vui vẻ và hóm hỉnh, tạo ấn tượng là một người cởi mở, dễ gần.Trong lúc cao hứng, chúng tôi gọi  M.Tkachev và N.Nhikulin bằng anh, hẹn hai anh nhiều lần gặp lại.

Không ngờ, sang năm học mới, hai anh lại trở thành thầy dạy trực tiếp trên lớp của chúng tôi. Hai thầy không thuộc biên chế của Trường. Nhưng vì lần đầu tiên có nhóm học viên Việt  Nam hệ chính quy dài hạn đông tới 6 người, nên Trường mời hai nhà Việt Nam học này đến giảng dạy một số tiết dành riêng cho nhóm. Thầy Marian Tkachev trực tiếp hướng dẫn các giờ Xemina dịch văn học cho nhóm Việt Nam ba năm liền.

Vốn là người mê truyện hài hước, khi chọn bài tập dịch, tôi chọn truyện ngắn của Teffi, Zoshenko, Krisvin… Từ trẻ, Marian Tkachev đã mơ trở thành nhà văn trào phúng nổi tiếng, gặp được cậu học trò hợp “gout” với mình, lấy làm tương đắc, chỉ bảo  rất tỷ mỉ. Những hiểu biết của tôi về văn học, văn hoá Nga nói chung, được tích luỹ khá nhiều qua những lần làm việc với thầy. Truyện ngắn trào phúng của ông đăng  trên nhiều tạp chí ở các nước cộng hoà trong Liên bang. Năm 1992, tập "Những trận cười chung” của ông được xuất bản bằng tiếng Nga tại Mỹ.  Ông đề tặng tôi với những lời hóm hỉnh: “Серьезному приверженцу юмора, великому ценителлю досуга Фуку - в знак дружбы -Thân mến tặng Phúc, một tín đồ chân chính của sự hài hước, một người am hiểu vĩ đại của sự nhàn rỗi...”. Với vốn tiếng Nga bập bõm lúc bấy giờ, tôi đem sách của thầy ra dịch. Có những từ ông dùng không có trong từ điển,  tôi lại phải gọi điện hỏi thầy.

Với ông, nhìn cái gì, viết cái gì cũng nhuốm màu hài hước. Khi Tô Hoài viết thư sang, kể  là vừa mới đi Trung Quốc về, ông  cũng viết thư khoe với Tô Hoài: “ Vợ chồng tôi cũng sắp sửa đi chơi nước Mỹ. Ừ, thì những người danh tiếng như chúng ta thì nhất định phải đi du lịch các cường quốc trên thế giới”.

Vì cái tật hài hước  mà cậu học sinh trung học Marian Tkachev có lần suýt mang vạ. Cậu có hai người bạn nối khố cùng có gốc Do Thái là Boris Byrbayr và Alexandr Kalina. Ba cậu học trò  cùng khoảng 15 tuổi, rủ nhau ra Tạp chí. Bài vở tự viết lấy, rồi thuê người đánh máy thành dăm bản đọc chơi. Ra được tạp chí thì phải khoe. Marik đem một bản khoe với bạn gái. Chả hiểu thế nào, tạp chí rơi vào tay ông Hiệu trưởng. Cả ba cậu bị gọi lên Văn phòng kiểm điểm. Hoá ra trong Tạp chí  có Epigram (tiểu phẩm hài) của Marian Tkachev. Ông Hiệu trưởng bảo: “Cậu mắc tội  làm thơ chống chính quyền Xô Viết”. Những năm ấy Xtalin còn sống, bị kết luận là chống chính quyền Xô Viết, lại là người có nửa dòng máu Do Thái,  thì nguy hiểm vô cùng. Marian Tkachev thanh minh: “Em chỉ viết về ông thầy Lịch sử, chứ không chống chính quyền Xô Viết”, rồi cậu đưa cho thầy xem cả sổ thơ của mình có nhiều bài thơ trào phúng. Thế rồi quyển sổ ấy không bao giờ cậu nhìn thấy nó nữa. Ông Hiệu trưởng bảo: “Ba thằng này rồi có ngày bị treo cổ”. Boris cứng đầu cãi lại: “ Rồi có ngày họ sẽ trao "mề đay"  (Medaille) vàng cho chúng tôi. Khi đó, chúng tôi sẽ đến tặng thầy để làm bộ răng vàng”.

Sau vụ “tai nạn “ấy (1948), Ma rian Tkachev  phải bán xới khỏi thành phố Ođetxa (Ucraina) sang học ở Kishinhov (Moldovia), nơi mẹ cậu đang công tác tại Nhạc viện. Năm 1950, cả ba cậu đều tốt nghiệp phổ thông xuất sắc, đều được thưởng Mề đay. Lời khẳng định của Boris đã thành sự thực. Có điều chỉ có hai mề đay vàng, còn một người  nhận Mề đay Bạc là Boris. Giờ thì cả Boris  và Alexanddrơ đều là những giáo sư Vật lý lừng danh. Boris đang ở Saint Peterburrg. Còn Alekxanđr thì ở Mỹ. Tình bạn của họ vẫn gắn bó đến tận bây giờ.

Tác giả và nhà văn M. Tkachov tại triển lãm tranh hoạ sĩ Lê Thanh Minh - Matxcơva 1994. Ảnh: Lê Thanh Minh

***

Cả hai thầy trò chúng tôi đều là tín đồ say mê  của “túc cầu giáo”.  Còn nhớ, đang có Worl Cup 1990, ngày mai phải thi môn tiếng Nga để quyết định có được đi Liên Xô  học hay không, tôi vẫn tặc lưỡi: “Xem cái đã, thi cử có số”. Đến Worl Cup 1998, trong căn hộ của tôi ở Matxcơva, chẳng có ai quan tâm bóng đá.  Có trận khuya, tôi ngồi xem  ti vi một mình, lại phải tắt cả tiếng, chỉ  xem hình để khỏi ảnh hưởng giấc ngủ của người khác. Trước mỗi trận, tôi thường gọi điện hỏi: "Thầy ủng hộ đội nào?". Dĩ nhiên bao giờ ông cũng chọn những đội mà ông cho là có lối đá hoa mỹ, kỹ thuật cá nhân điêu luyện, chứ không thích  những đội có lối bóng đá thực dụng. Niềm đam mê khiến ông có nhiều truyện viết về bóng đá. Ngay cả những truyện chẳng liên quan gì đến bóng đá,  cũng  đầy những thuật ngữ “sân cỏ”. Hình như khi viết, không nhắc đến bóng đá là  ông không “yên bụng”. Ông viết: “Ai đã từng có họ hàng thân thích ở Odexa, tất phải biết người ta đi đến bàn ăn đúng từng phút như trọng tài bước ra sân cỏ”. Nhân vật  thuyền trưởng Bezenco có đầu óc hoang tưởng, diệt lũ chuột  tưởng như diệt quái vật, đã  dùng súng đạn ghém để bắn chuột, làm hỏng chiếc bàn. Ông giám đốc khách sạn khóc than cái bàn như “than khóc một cầu thủ trung phong bị chiêu dụ sang đội khác”. Ông ta phạt vạ viên thuyền trưởng rất nặng. Tác giả (nhân vật tôi trong truyện) đã: “Không thể để mặc viên thuyền trưởng khi mà ngân quỹ của ông sắp phải chịu quả phạt đền mười một mét”… Niềm đam mê bóng đá của ông hình như di truyền sang cả cậu con trai. Đang là sinh viên Y khoa, cậu đã làm cộng tác viên tường thuật bóng đá cho đài. Có bằng bác sĩ rồi, cậu bỏ nghề, về hẳn đài truyền hình NTV Plus làm phóng viên chuyên nghiệp về bóng đá.

 ***

Những sở thích chung  làm  thầy trò chúng tôi gắn bó với nhau. Nhưng cái cốt lõi chính để thầy trò gắn bó là tình yêu của Marian Tkachev dành cho tiếng Việt, cho Văn học và con người, đất nước Việt Nam. Ông đã dành trọn cuộc đời  cho sự nghiệp dịch và giới thiệu văn học Việt Nam ra tiếng Nga. Cùng với N.Nhikulin , I. Glebova. A.Revich, I.Dimonhina, Alioshin, Antonski, … ông là người có công đầu để độc giả Xô viết biết đến một dân tộc có nền văn hiến lâu đời, có một nền văn học giàu nhân bản với những tên tuổi lớn như Nguyễn Trãi,  Lê Thánh Tông, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Hồ Chí Minh, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi…Với một người thầy  suốt đời yêu và chung thuỷ với dân tộc Việt Nam của tôi, tôi vừa ngưỡng mộ, vừa tin yêu, gắn bó.

Năm 1950, cậu bé  17 tuổi Marian  trúng tuyển vào trường ĐHTH Lomonoxov (Matxcơva). Năm ấy, lần đầu tiên nhà trường mở lớp dạy tiếng Việt. Viện sĩ Alekxanđr Alekxeyevich Gubert hỏi cậu:

-Em có sở thích gì?

- Em muốn vào lớp học tiếng Việt!

-Thế em đã biết gì về Việt Nam?

- Dạ! Em mới biết qua mục từ Việt Nam trong từ điển Bách khoa.

- Còn biết thêm gì nữa không?

- Đọc truyện của Alekxanđr Đuyma, em thấy có một thằng bé con rất nghịch ngợm. Ông bố bảo thằng bé này là Hoàng đế Kankhonxki. Em hỏi mẹ Hoàng đế Kankhonxki ở đâu. Mẹ bảo ở Đông Dương. Em nghĩ Đông Dương chắc là Việt Nam.

Viện sĩ Gubert cười:

-Được!

Thời ấy, Trường MGU chưa có Khoa Phương Đông học, mà mới chỉ có Tổ bộ môn Phương Đông (Kafedra Voxtoka). Lớp Tiếng Việt đầu tiên có sáu sinh viên, thuộc Tổ bộ môn này. Thầy Dư - một Kiến trúc sư người Việt và một cán bộ ngoại giao Liên Xô tên là Rưbane trở thành những người thầy đầu tiên của nhóm. Từ điển Nga Việt và Việt Nga chưa có, thậm chí giáo trình cũng không. Nhà trường đem photocoppi Từ điển Pháp Việt cho sinh viên làm tư liệu tham khảo. Khó khăn như vậy, nhưng rồi ai cũng trở thành người giỏi về tiếng Việt.

Năm 1954, tốt nghiệp, mỗi người một ngả. Redan, bạn của  Marian Tkachev, người Estonia, trở thành cán bộ ngoại giao, công tác tại Sứ quán ở Hà Nội. Riêng Ma rian Tkachev lại gắn với văn chương dịch thuật. Âu cũng là điều may mắn cho ông. Nếu thống kê danh sách những tác phẩm  được ông dịch ra tiếng Nga, phải một chương dài. Xin trích những công trình tiêu biểu qua từng thời kỳ lao động của ông: Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, in 1959; Bỉ vỏ-Nguyên Hồng, 1961; Xung kích - Nguyễn Đình Thi 1961; Những giọt bọt biển-Thanh Tịnh, 1962; Ba truyện ngắn của Tô Hoài, 1963; Miền xa-Văn Linh,1969; Miền Tây-Tô Hoài,1973; Giữa hai mùa Xuân-Nguyễn Tuân, 1974; Giấc mơ-Nguyễn Đình Thi, 1977; Tô Hoài tuyển tập 1980; Tuyển tập Nguyễn Tuân 1977 và 1982.v.v… Đáng nể hơn khi thấy ông dịch cả  Lĩnh nam chích quái, Việt điện u linh, Quân trung từ mệnh tập, Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục ... Dịch văn học hiện đại đã khó, dịch văn học cổ còn khó hơn gấp bội. Phải am hiểu sâu sắc tiếng Việt, lịch sử,  văn hoá Việt và có bản lĩnh mới dám động đến văn học cổ Việt Nam.

Tôi cứ hình dung Marian Tkachev ngày đêm cần mẫn ngồi tra cứu tư liệu để dịch  và chú thích, mới biết mồ hôi công sức của ông không phải ít. Mà ông dịch cứ phải thật sát nghĩa, bản dịch phải kèm theo nhiều chú dẫn cho độc giả hiểu rõ tác phẩm. Nhìn bảng chú dẫn, thấy kiến thức của ông thật uyên bác. Nhà văn Tô Hoài kể, khi dịch “Đảo hoang”, Marian Tkachev đã viết thư đề nghị tác giả giải thích sao “Gông cỏ” là ngôi sao thế nào, tên La tinh của nó là gì, nằm ở vị trí nào trên bầu trời, quỹ đạo chuyển vận của nó ra sao, để ông  làm  chú thích. Thực ra ngôi sao ấy là ngôi sao Tô Hoài “bịa ra”. Kể lại chuyện này, ông muốn nói đến tinh thần  nghiêm túc, trách nhiệm  rất cao đối với bạn đọc của Marian Tkachev.

 Khi hướng dẫn chúng tôi dịch Văn học Nga, ông bảo  phải lưu ý  tất cả những dấu chấm, dấu phẩy,  những từ liên kết trong câu. Tôi bảo: “Em chỉ cốt dịch sao diễn đạt được đúng tinh thần, tư tưởng tác giả, còn câu chữ dịch phải thoáng một chút, không câu thúc bởi tác giả”. Ông bảo: “Đấy là tôi góp ý nên dịch như thế. Còn dịch như thế nào là quyền của anh”.

Trong dịch thuật, người dịch chân chính thường chọn những tác giả, tác phẩm mình yêu thích, hợp với tạng cảm xúc của mình, chứ không chạy theo xu hướng chính trị, nhắm mắt dịch những tác phẩm theo gợi ý mặc dù mình không thích. Điểm những tác phẩm đã dịch của  Marian Tkachev, mới thấy gout thẩm mỹ của ông thật là tinh tế. Tác phẩm ông chọn phải là tác phẩm có “Văn đẹp”. Ngay ở ngoài đời, lúc nào ông cũng muốn mình xuất hiện trước mọi người ở tư thế đẹp. Gặp ông ở bất kỳ đâu, cũng thấy ông áo quần thẳng nếp, com lê ca vát, mũ phớt sang trọng như một vị quý tộc thế kỷ 19. Muốn đến nhà ông chơi, phải gọi điện trước  để ông dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, cạo râu, mặc quần áo ngay ngắn  ra đón ở cửa ngoài cho “lễ phép”. (Ông hay dùng từ lễ phép thay cho từ lịch sự). Biết tin ông ốm, tôi gọi điện ngỏ ý muốn đến thăm (như kiểu người Việt quan tâm đến nhau lúc đau ốm), ông trả lời: “Tôi không muốn để ai trông thấy bộ mặt ốm đau nhầu nhĩ của mình. Khi nào tôi khỏi anh hãy đến chơi”.

Vâng, thầy của tôi là một người “duy mỹ”. Nhiều nhà văn Việt Nam là bạn thân thiết của ông, nhưng ông không dịch, hoặc ít dịch văn họ. Không phải văn của họ không hay, mà vì văn của họ không hợp với tạng cảm xúc của ông, hoặc bạn ông là nhà thơ, mà ông chỉ chuyên dịch văn xuôi. Ông bảo : “Nguyễn Văn Bổng là một  trong những bạn thân nhất của tôi, tôi trọng anh ấy  vì anh có tình bạn thuỷ chung. Tiểu thuyết “Con trâu” của anh ấy là do bà Iveta Glebova, vợ ông Nhikulin dịch.Tôi chỉ dịch có mỗi truyện “Trong sương mù Đà Lạt” của anh Bổng. Truyện ấy đã có người khác dịch rồi, nhưng  khi tham gia  soạn 15 tập Hợp tuyển Văn học Việt Nam, anh Bổng với Chu Văn chung một tập, tôi thấy  dịch không đạt, mới đem ra dịch lại. Sau đó tôi có dịch thêm một số bài ký của anh ấy viết về Liên Xô. Nghe tin anh ấy cuối đời bị mù, rồi mới mất, tôi buồn quá".

Nhân thầy nhắc đến Nguyễn Văn Bổng, tôi  lại nhớ về tình bạn “sớm nắng chiều mưa” của một thời. Marian Tkachev có đến hơn ba mươi lần sang Việt Nam công tác.  Mỗi lần sang, thấy thái độ của bạn bè mà đoán được thời tiết chính trị. Cái thời đang đồn Liên Xô “xét lại”,  Marian Tkachev sang Hà Nội, nhiều bạn cũ của ông lánh mặt, sợ tiếp xúc với người Liên Xô là rầy rà. Thế mà Nguyễn Văn Bổng dám thường xuyên  đến khách sạn thăm Marian Tkachev.

"Dế mèn phiêu lưu ký" là bản dịch đầu tay trong sự nghiệp dịch văn học của Marian Tkachev. Nó là một sự ngẫu nhiên và cũng là cái duyên khiến  ông  và Tô Hoài trở thành đôi bạn thân thiết. Lúc ấy  Marian Tkachev đã tốt nghiệp và thỉnh thoảng đến hướng dẫn nhóm học sinh Việt Nam (trước khi sang Liên Xô  là các thiếu sinh quân) học tập tiếng Nga, đồng thời cũng hoàn thiện thêm vốn tiếng Việt của mình.  Trong số các cậu bé ấy, có một cậu dễ thương, lại thông minh lanh lợi, nói tiếng Nga rất giỏi là Phạm Vĩnh Cư. Marian Tkachev nhận Phạm Vĩnh Cư làm em kết nghĩa của mình. Còn trẻ tuổi, lại chưa có gia đình, nên nhiều buổi tối,  Marian Tkachev không về nhà, ngủ lại luôn ở kí túc xá cùng cậu em kết nghĩa. Tình cờ thấy  Phạm Vĩnh Cư có  quyển “Dế mèn phiêu liêu ký”, Ma rian Tkachev đọc thử, thấy mê, liền đem dịch.  Quyển sách được in năm 1959 với số lượng rất lớn: 165 nghìn bản. Tô Hoài được hưởng nhuận bút là 1000 rup. Bạn hãy hình dung 1000 rup ấy vào thời điểm ấy to như thế nào? Năm 1990, nghĩa là 30 năm sau, lúc tôi sang Nga , học bổng của chúng tôi là 60 rup, Liên Xô “xuống cấp”, mà vào Nhà ăn của sinh viên, chỉ cần một rúp là bạn có thể no rồi.

Sau Dế mèn phiêu lưu ký, ông dịch tiếp Đám cưới chuột, Miền Tây, Người ven thành, Đảo hoang, làm Tuyển tập Tô Hoài…Chưa kể đến tiểu thuyết Hoàng Văn Thụ không được in vì lý do  tế nhị.  Ở Liên Xô người ta không thích in vì nhân vật  Hoàng Văn Thụ hoạt động trong cái nôi cách mạng Trung Quốc chứ không phải ở Liên Xô. Lúc ấy, hai ông anh của ta  đang mâu thuẫn với nhau. Còn "Chuyện nỏ thần", dịch xong thì Liên Xô tan vỡ, chẳng còn ai ngó tới.

Đến Liên Xô, hoặc công tác ở nước khác có ghé qua Liên Xô, bao giờ Tô Hoài cũng tìm đến với  Marian Tkachev. Có lần, ông dẫn Tô Hoài đến thăm một trường phổ thông, muốn tiếp xúc với các em. Bà Hiệu trưởng bảo: Giờ này các em lớp trên đã về cả rồi, chỉ còn các em lớp nhỏ. Tô Hoài bảo: “Các em lớp nhỏ cũng được”. Các em rất hào hứng khi được nghe giới thiệu đây là cha đẻ của chú Dế mèn (nhưng chưa nói tên tác giả). Hỏi các em đã ai đọc Dế mèn, có đến 2 phần 3 lớp giơ tay. Tô Hoài bắt tay từng em một và hỏi tên. Một cậu bé xưng tên xong, nói với  khách: “Tôi cũng biết cả tên của ông nữa”. Khách hỏi : “ Em biết tôi tên gì?”. “Tên ông là Tô Hoài”. Cả lớp cười.  Các em  đua nhau  lục túi, tặng quà lưu niệm cho tác giả.  Có em lấy bột Plastic nặn ngay con Dế tặng Tô Hoài.

Trong nhà Marian Tkachev còn giữ nhiều dấu tích của Tô Hoài: Thư từ thăm hỏi, thiếp chúc mừng sinh nhật và năm mới… Tôi nhớ nhất hai bức ảnh đen trắng bày trong khung kính của tủ sách. Một bức chân dung Tô Hoài (hình như chụp lúc đứng trước gió) với những sợi tóc dài và thưa trên cái đầu hói bay dựng ngược cả lên, miệng cười tươi thoải mái, “ngoác tận mang tai”. Bức ảnh thứ hai  rất đẹp, hai ông chụp chung với nhau tại Câu lạc bộ Hội nhà văn Liên Xô. Tô Hoài mặc áo Palto, đội mũ lông, trông cao to hẳn lên so với thường ngày. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày sinh của Tô Hoài, tạp chí “Người bạn đường” chúng tôi đến mượn thầy bức ảnh này để in lại.

Mấy năm trước tôi có được đọc Hồi ký “Cát bụi chân ai” và “Chiều chiều” của Tô Hoài. Trong hồi ký, Tô Hoài dành cho Marian Tkachov nhiều trang đằm thắm và xúc động ngậm ngùi,  gắn với những thăng trầm của Liên bang Xô viết. Ông gửi cuốn “Chiều chiều” cho bạn mình  đầu Xuân năm 2000,  với một dòng đề tặng  ngắn gọn mà tha thiết: “Gửi vợ chồng Marik vô vàn nhớ thương yêu quý không bờ bến”. Những hồi ký của Tô Hoài mà tôi được đọc tại Matxcơva, đều do mượn lại của Thầy.  Nghe nói ở Hà Nội người ta không phát hành rộng, kiếm được là khó lắm.

Trong số các nhà văn Việt Nam bạn thân của Marian Tkachev, người được ông say mê và ngưỡng mộ nhất là Nguyễn Tuân. Giữa Nguyễn Tuân và Marian Tkachev hình thành một tình bạn vong niên sâu đậm và bền bỉ, bất chấp thời gian. Chưa bao giờ tôi gặp người nào say mê Nguyễn như Marian Tkachev. Nếu như nói căn nhà của ông là một bảo tàng nhỏ về Văn hoá Việt Nam, thì Nguyễn Tuân là một phần quan trọng trong bảo tàng ấy. Những tặng vật của cụ Nguyễn  được  MarianTkachev  bày trang trọng trong tủ sách có khung kính. Mặc dù cụ Nguyễn đã mất lâu rồi, nhưng hình như không  lần nào cụ Nguyễn vắng mặt trong câu chuyện của  thầy trò chúng tôi. Tác phẩm của Nguyễn Tuân được  Marian Tkachev  dịch và in trên các tạp chí, rồi  làm thành tuyển tập.“ Giữa hai mùa Xuân”  được nhà xuất bản Đội cận vệ Thanh niên  in 1974, với số lượng 30 nghìn bản. “Tuyển tập Nguyễn Tuân” tập 1 (nxb Văn học nghệ thuật)-1977 gồm Vang bóng một thời, Nguyễn và 16 truyện ngắn khác (50 nghìn bản). Tập 2 (1982) gồm 19 truyện ngắn, 23 bút kí và tiểu luận (cũng 50 nghìn bản).

Sang Hà Nội, ông mang sách đến tặng cụ Nguyễn. Hôm ấy có nhiều bạn văn cùng cụ Nguyễn tiếp Marian Tkachev. Cụ Nguyễn không biết đọc tiếng Nga, cho người đi mời Phạm Vĩnh Cư đến để kiểm tra xem Marian Tkachev  đã “tra tấn” đứa con của mình ra sao. Ông Phạm Vĩnh Cư  cũng là thầy của tôi,  một trong những bậc siêu tiếng Nga và văn hoá Nga, đã từng dịch và truyền bá về thi pháp học của Bakhtin ở Việt Nam, cánh học trò  thường gọi ông là “Bá tước”. Ông cầm bản tiếng Nga và dịch ngược ra tiếng Việt ngay tắp lự. Mọi người khen Marian Tkachev. Riêng cụ Nguyễn  khoái quá, gật gù: “Các cụ ở Hà Nội cho là Được”. Khi cụ Nguyễn khen được, nghĩa là giỏi. Hàng chục năm nay, thầy Marian Tkachev  lúc vui  với chúng tôi hay  nhắc câu “Các cụ  ở Hà Nội cho là Được” để khen một vấn đề nào đó.

Một lần, cụ Nguyễn cùng Marian Tkachev đi chơi  Sài Gòn. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, cũng là bạn thân của  hai ông, tìm đến khách sạn thăm. Tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng do Marian Tkachev  dịch  được đưa vào Tủ sách Hợp tuyển văn học Việt Nam 15 tập. Nguyễn Quang Sáng bảo: “Các ông ngồi chờ, tôi chạy đi mua chai rượu xịn về lai rai”. Nguyễn Tuân hăng hái: “Tao sành hơn, để tao đi mua cho”. Lát sau, cụ xách về một chai Napoleon, hồ hởi bảo mọi người lấy chén ra rót rượu. Người nhấp  chén đầu tiên là cụ Nguyễn. Lạ thật. Không thấy cụ nói câu gì. Marian Tkachev là người thứ hai nhấp chén,  cũng ngồi ngây ra, chẳng dám nói câu nào. Đến lượt Nguyễn Quang Sáng, ông kêu toáng lên: “Ăn quả lừa rồi các ông ơi. Nước chè”. Lúc ấy mọi người mới ồ cả lên.  Cụ Nguyễn ngượng quá, lẩm bẩm: “Chai còn nguyên đai nguyên kiện, sao lại là nước chè được nhỉ?”. Hoá ra, cánh buôn rượu  đã  khoan đáy chai, dùng xi lanh rút rượu ra, rồi lại bơm nước chè vào. Nguyễn Quang Sáng chữa cháy cho cụ Nguyễn bằng cách chạy đi xoay được một chai Konhac Ararat. Cụ Nguyễn dặn  Marian Tkachev: “Này, cậu về Matxcơva đừng kể cho ai nghe nhé”.

Khi nghe Marian Tkachev kể lại chuyện này, tôi  hỏi trêu ông

- Cụ Nguyễn đã dặn, sao thầy còn kể cho chúng em nghe?

Ông cười tủm tỉm:

- Tôi giữ đúng lời hứa với cụ Nguyễn. Nhưng ông Nguyễn Quang Sáng lại kể béng với Ximonov rồi, còn gì là bí mật nữa mà giữ.

Những năm Nguyễn đến Liên Xô, Marian Tkachev thường hay dẫn Nguyễn đến Odexa quê hương mình, thăm mẹ và bà cô ruột ở đó. Odexa, nhiều nhà văn Việt Nam  đã đến, nhưng có ba  người thường  được người ta nhắc đến nhiều là Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài và Nguyễn Tuân. Bởi Nguyễn Đình Thi có "Bài thơ Hắc Hải" nhắc đến quê hương của họ, Tô Hoài có nhiều truyện người ta đã đọc, riêng Nguyễn Tuân hồi ấy mới được dịch có ít, nhưng văn của ông hay quá, nên người ta nhớ lâu.  Cụ Nguyễn rất thích món Masa do bà Anna Markovna  Phaina thân sinh của Marian Tkachev tự làm. Masa là thứ bánh của người Do Thái làm từ bột mỳ không có men, cán mỏng ra rồi nướng trong lò, thường làm trong dịp lễ “Vượt qua”. Mỗi lần tới gia đình chơi, Nguyễn Tuân đều yêu cầu chủ nhà làm món Masa chấm với nước mắm  tự tay mình xách từ Việt Nam sang tặng. Đến thăm thầy, thỉnh thoảng tôi cũng được thầy chiêu đãi món bánh này và nghe kể chuyện về cụ Nguyễn.

Có cảm tưởng như Nguyễn Tuân  vẫn đang  hiện diện trong căn phòng của Marian Tkachev. Hàng chục bức ký hoạ chân dung  ông do các hoạ sĩ danh tiếng Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Diệp Minh Châu… vẽ, ông đem tặng Marian Tkachev, cả bức ảnh ông đang cưỡi ngựa khi  đóng vai chánh tổng trong phim “chị Dậu” nữa. Các tặng vật của ông dành cho bạn nhiều thứ độc đáo lắm, Này là chiếc ấm trà màu gan gà, loại độc ẩm nhỏ như quả quýt. Này là  rượu ông tự chế, mượn cái vỏ chai nhà nước mang thứ mác khác, ông ghi một dòng chữ quanh cổ chai: “Rượu mơ của Nguyễn Tuân”. Có khi là một chai rượu ngoại  xịn mừng sinh nhật bạn,  ghi  bằng dòng chữ Pháp: "Pour M.Tkachev 28/5/1985". Ký tên Nguyễn Tuân. Lại có một chai rượu Mơ khác Nguyễn  cũng ghi lời chúc mừng bạn bằng chữ Pháp và ghi tên những người  đã cùng uống rượu với mình ngày hôm ấy vào vỏ chai: Aliocha, Emil, Vlad, Marian, Nguyen… Nhiều nhất vẫn là nút chai rượu. Mỗi lần uống rượu với Nguyễn Tuân, ông giữ nút chai lại để làm kỷ niệm.Trong tủ kính của ông có mấy chục cái nút chai kỷ niệm ấy, coi như một bảo tàng về Rượu Nguyễn. Biết ở Việt Nam vừa ra đầy đủ Tổng tập Nguyễn Tuân, hôm thầy Phạm Vĩnh Cư sang thăm Matxcơva,  thầy Marian ngỏ ý muốn có trong tay Toàn tập này. Về Hà Nội, thầy Phạm Vĩnh Cư đã lùng mua được trọn bộ gồm 5 tập tặng bạn. Đầu tháng 11/2006, tôi đã mang món quà của thầy Cư sang cho thầy. Nhận được món quà ấy, nhìn ánh mắt của thầy, tôi biết thầy mừng lắm. Chỉ tiếc, thầy chưa có đủ thời giờ đọc hết 5 tập thì đã đi nằm viện, khoảng hai tuần sau, thầy mất.*

Có một  vật đặc biệt khác, một thời làm tôi phân vân. Đó là chiếc gậy của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (lúc còn là Trung tướng) mà cụ Nguyễn cho Marian Tkachev. Chiếc gậy bằng ngà voi, có khắc hai ngôi sao (Trung tướng) và dòng chữ Nguyễn Văn Thiệu, dùng để làm biểu tượng của quyền lực chứ không phải dùng để chống (dài khoảng 45 cm). Tôi hỏi: “Làm sao cụ Nguyễn có được cây gậy này mà cho thầy?”. Ông bảo: “Tôi cũng không biết cụ lấy ở đâu ra”. Tôi đã viết về  tình bạn giữa hai ông và cây gậy này trên báo Khoa học và Cộng đồng vào năm 1995. Sau chột dạ, nghĩ ngộ nhỡ có ai đó đọc bài báo này, biết được địa chỉ cây gậy có giá trị tư liệu lịch sử, tìm cách ăn cắp chiếc gậy  thì sao? Tôi kể chuyện này với thầy Phạm Vĩnh Cư, ông cười: “Chắc gì đã là cây gậy chính gốc. Biết đâu những nghệ nhân chỉ bắt chước nguyên mẫu rồi  làm ra hàng loạt cái mới, đem bán cho khách du lịch, cụ Nguyễn Tuân mua được thì sao.” Nghe ra cũng có lý.

Matxcơva 12/2003 –

In trên Tạp chí Tao Đàn số 1, Matxcơva, năm 2004

*Bổ sung chi tiết này ngày 26/12/2006, sau khi thầy Marian mất.

 (Còn tiếp Phần 2, 3, 4)

5 10/2    Đánh giá của bạn:  GO
Bản để inLưuGửi tin qua email


  GO  
Chọn ngày

Tin mới
Trang chủ  ¤  Tin tức  ¤  Liên hệ  ¤  Liên kết  ¤  Sơ đồ site  ¤  Tiếng Nga Anti Spam
© Copyright 2009-2010 MEKONGNET.ru, All rights reserved.
® MEKONGNET.ru giữ bản quyền nội dung trên website này.
Cơ quan chủ quản: COMPANY ZOLOTOI DRAKON
Trụ sở: Office 17, Tekhnitreskaia str., 19, Ekaterinburg, Russia
Tel/Fax: 7 (343) 381-84-14 Email : info@mekongnet.ru