Mekong News http://mekongnet.ru
Tấn công 'lá chắn sống' ở các bệnh viện tại Gaza: Ai chịu trách nhiệm?
14.11.2023 18:39 | In ra

Quân đội Israel bị tố gây tội ác chiến tranh vì làm chết hàng chục ngàn dân thường, trong khi Tel Aviv cáo buộc Hamas dùng dân thường làm ''lá chắn sống'', một thuật ngữ được nêu trong luật quốc tế.

Kể từ hôm 7-10 đến nay, cuộc xung đột Israel - Hamas đã khiến hơn 12.000 người chết, gồm ít nhất 1.200 người ở Israel và hơn 11.000 người Palestine ở Dải Gaza.

 

Thời gian qua các tổ chức quyền con người cáo buộc Israel phạm tội ác chiến tranh, vì phần lớn trong số 11.100 người Palestine thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel đến nay là dân thường, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em.

Tuy nhiên, quân đội Israel cáo buộc phong trào Hồi giáo Hamas đã sử dụng dân thường làm "lá chắn sống". Báo The Times of Israel dẫn lời người phát ngôn quân đội Israel Daniel Hagari cuối tuần trước nói rằng lá chắn sống là "một trụ cột chính" trong các hoạt động của Hamas.

Cuối tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) cũng lên án Hamas vì đã sử dụng "bệnh viện và dân thường làm lá chắn sống" ở Dải Gaza.

Theo luật quốc tế, "lá chắn sống" (human shield) đề cập đến dân thường hoặc những người khác được luật bảo vệ bị sử dụng để che chắn các mục tiêu quân sự, nhằm ngăn chặn kẻ thù tấn công các mục tiêu này.

Đài Al Jazeera (Qatar) dẫn lời các chuyên gia chỉ ra quân đội Israel đã sử dụng lập luận "Hamas dùng dân thường làm lá chắn sống", nhằm ra lệnh sơ tán với toàn bộ phần phía bắc Dải Gaza cũng như các cơ sở được luật bảo vệ như bệnh viện. Sau đó sẽ coi toàn bộ dân số bắc Gaza cũng như các cơ sở này là mục tiêu hợppháp.

Israel nói Hamas đã ngăn dân thường rời khỏi nửa phía bắc Dải Gaza và dùng họ làm "lá chắn không tự nguyện". Họ cũng nói rằng những người khác cố tình ở lại sẽ bị coi là đồng phạm.

Tuy nhiên, ông Marc Weller, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Cambridge (Anh), nói: "Gõ cửa một tòa nhà (để yêu cầu cư dân sơ tán) có thể là chuyện hợp lý, nhưng nói với 1 triệu người rằng tất cả họ phải thoát ra ngoài vì bạn sẽ ném bom mọi thứ lại là chuyện vô lý".

Với trường hợp các bệnh viện như Bệnh viện al-Shifa (cơ sở y tế lớn nhất của Gaza), chúng vốn được bảo vệ theo luật nhân đạo, nhưng trạng thái này có thể bị mất đi nếu bệnh viện được dùng cho mục đích quân sự.

Giáo sư Gordon nói quân đội Israel đã dùng các ngoại lệ trong luật cho phép đánh bom bệnh viện và nhiều lần triển khai chiến lược như vậy, để "hợp pháp hóa các cuộc tấn công" nhằm vào các cơ sở này.

Israel nói rằng Bệnh viện al-Shifa đã được Hamas sử dụng cho mục đích quân sự, với một trung tâm chỉ huy do Hamas xây dựng trong lòng đất bên dưới bệnh viện. Tuy nhiên, Hamas đã khẳng định họ không dùng bệnh viện này cho mục đích quân sự.

Cấm dùng lá chắn sống

Việc sử dụng lá chắn sống bị cấm theo Công ước Geneva và bị coi là tội ác chiến tranh cũng như vi phạm luật nhân đạo.

Có 3 loại lá chắn sống: "Lá chắn tự nguyện" là những người cố ý chọn đứng trước mục tiêu quân sự để che chắn; "Lá chắn không tự nguyện" là những người bị ép buộc đứng ra che chắn, như một con bài mặc cả hoặc như một phương tiện để ngăn chặn cuộc tấn công; và "lá chắn gần" là dân thường hoặc địa điểm dân sự trở thành lá chắn hoặc bị dùng làm lá chắn do chúng ở gần nơi giao tranh.

Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra sự hiện diện của lá chắn sống không giúp cho một địa điểm nào đó tránh được toàn bộ cuộc tấn công. Mặc dù dân thường là những người được bảo vệ theo luật chiến tranh, các mục tiêu quân sự mà họ che chắn vẫn có thể bị nhắm mục tiêu một cách hợp pháp.

Nếu lá chắn sống bỏ mạng, trách nhiệm về cái chết của họ thuộc về những người sử dụng họ làm lá chắn, thay vì người giết họ.

Do đó, theo ông Neve Gordon - giáo sư người Israel dạy luật quốc tế tại Đại học Queen Mary ở Anh, "ở một khu vực chỉ có lá chắn sống và chiến binh, bạo lực với mức độ chết chóc nhiều hơn có thể sẽ được sử dụng".

URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=110044
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru