Mekong News http://mekongnet.ru
Cựu Đại sứ Mỹ: Tướng Vịnh ra đi, Việt Nam mất một người hùng, tôi mất một người bạn
18.09.2023 16:08 | In ra

Cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius cho biết, trong các vấn đề liên quan đến quan hệ an ninh Mỹ-Việt, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh luôn đóng vai trò then chốt.

"Với sự ra đi của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Việt Nam đã mất đi một người anh hùng dân tộc và tôi mất đi một người bạn", cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius chia sẻ với chúng tôi trong một email khi biết tin Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh từ trần vào sáng nay, 14/9.

 

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Đại sứ Ted Osius tại dự án tẩy độc sân bay Đà Nẵng. Ảnh: NVCC

Với ông Ted Osius, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là một người yêu nước, hết mình vì đất nước. Đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến quan hệ an ninh Mỹ-Việt, ông Vịnh luôn đóng vai trò then chốt. Ông đầy sức thuyết phục, và đã làm việc không mệt mỏi với hàng loạt đại sứ Mỹ, để đảm bảo rằng hậu quả của chiến tranh được giải quyết.

"Tôi tôn trọng cam kết sâu sắc của ông đối với nhân dân Việt Nam", cựu Đại sứ Mỹ nói.

Trong cuộc phỏng vấn trước đó với chúng tôi, cựu Đại sứ Mỹ cũng từng nhắc đến những lần làm việc chung với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh để giải quyết hậu quả chiến tranh, trong đó có vấn đề chất độc màu da cam. "Ông đã dạy tôi rằng bằng cách trung thực với quá khứ, đầu tiên là giải quyết chất độc màu da cam, chính là chìa khóa để tạo ra một tương lai khác cho Mỹ và Việt Nam", ông Osius chia sẻ.

Cựu Đại sứ Mỹ cho biết ông tự hào khi được làm việc mật thiết với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. "Mỗi lần tôi và ông gặp nhau, tôi đều tin rằng ông sẽ nêu vấn đề tẩy độc dioxin - đầu tiên là ở Đà Nẵng và sau đó là Biên Hòa."

Năm 2016, ông Ted Osius và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đến sân bay Đà Nẵng khi dự án tẩy độc dioxin sắp hoàn thành, báo chí chụp hàng chục bức ảnh hai người thọc tay vào lớp đất mới được tẩy độc. Bức ảnh này đã được trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở Thành phố Hồ Chí Minh, như một lời nhắc nhở rằng việc khắc phục những di sản của chiến tranh là có thể.

"Tôi biết rằng, cùng nhau, người Việt và người Mỹ đã làm cho vùng đất này trở nên an toàn. Nếu không, với tư cách là cha của hai đứa con nhỏ, tôi đã không chạm vào đất còn tồn dư dioxin", ông Osius kể lại.

Tháng 10/2017, hai người lại có một chuyến công tác khác cùng nhau, lần này là đến thăm sân bay Biên Hòa, căn cứ không quân cũ của Mỹ và là điểm nóng dioxin lớn nhất cả nước.

Khi đến Biên Hòa, hai bên vẫn đang bế tắc về kinh phí. Ông Vịnh đề xuất việc Việt Nam và Mỹ ký bản ghi nhận ý định về việc xử lý dioxin tại Biên Hòa sẽ mang lại sự hỗ trợ tài chính lớn hơn từ các đối tác quốc tế và Chính phủ Việt Nam. Ông Vịnh đã xem xét chi tiết các kế hoạch khắc phục khác nhau, nhấn mạnh rằng việc thực hiện sẽ chỉ diễn ra sau khi Mỹ đưa ra cam kết cụ thể.

"Hai năm sau, cuối cùng việc dọn dẹp sân bay Biên Hòa - công việc vất vả và tốn kém- cũng được triển khai. Điều đó sẽ không xảy ra nếu không có sự quyết tâm của Tướng Nguyễn Chí Vịnh", ông Ted Osius nhấn mạnh.

Trong tài liệu của Nhà Trắng, khi Mỹ và Việt Nam tuyên bố nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược đầu tuần rồi, Mỹ cũng công bố sẽ tăng khoản ngân sách hỗ trợ tẩy độc sân bay Biên Hoà từ 183 triệu USD lên 300 triệu USD.

URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=109902
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru