Mekong News http://mekongnet.ru
Hệ sinh thái kín tiếng Bamboo Capital: Sau năng lượng và bất động sản là gì?
06.09.2023 18:42 | In ra

Bamboo Capital được biết đến là một tập đoàn lớn nhưng kín tiếng. Gần đây, ông lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và bất động sản này có tín hiệu nhảy vào lĩnh vực tài chính.

Ông lớn kín tiếng

Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD) gần đây có thông báo về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán lần đầu cho CTCP BCG Land với mã BCR trên sàn Upcom. Đây là một thành viên thuộc hệ sinh thái Bamboo Capital (BCG) của Chủ tịch Nguyễn Hồ Nam.

BCG Land được thành lập vào năm 2018 với vốn điều lệ ban đầu 600 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Trong năm 2022, BCR đã 2 lần tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ, nâng vốn từ 2.000 tỷ đồng lên 2.700 tỷ đồng và sáu đó lên 4.600 tỷ đồng.

BCG Land dự kiến đăng ký giao dịch tổng cộng 460 triệu cổ phiếu trên sàn Upcom trong quý III/2023, tương ứng 4.600 tỷ đồng.

Ngoài ra, BCG Land có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 8.600 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ trái phiếu và chào bán thêm cho cổ đông hiện hữu.

 

BCG là một ông lớn kín tiếng

Mặc dù dòng tiền âm và lợi nhuận tụt giảm trong năm 2022 (lãi 316 tỷ đồng) và nửa đầu năm 2023 chỉ lãi 21,3 tỷ đồng nhưng BCG Land có quy mô tài sản thuộc Top đầu trong số các doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán. Tính tới cuối năm 2022, BCG Land có tổng tài sản đạt 11.557 tỷ đồng, thuộc Top 25 trên TTCK, ngang ngửa với ông lớn địa ốc mới nổi Sunshine Homes.

Cũng như nhiều doanh nghiệp bất động sản khác, BCG Land có lượng tiền mặt ít ỏi, chưa tới 20 tỷ đồng.

Cho tới nay, Bamboo Capital đã và đang phát triển nhiều dự án bất động sản như: Casa Marina Resort tại Bình Định (24 villa bờ biển, 32 phòng khách sạn sang trọng tại Ghềnh Ráng, Quy Nhơn); Bất động sản nghỉ dưỡng Malibu Hội An (tổng mức đầu tư 2.850 tỷ đồng); King Crown Village tại Thủ Đức, TP.HCM (1.566 tỷ đồng); Casa Marina Premium (1.707 tỷ đồng, 160 căn biệt thự đồi, hướng biển tại Ghềnh Ráng, Quy Nhơn); King Crown Infinity tại Thủ Đức TP.HCM (4.717 tỷ đồng); Amor Riverside Villa (361 tỷ đồng, 33 căn villa tại Bình Chánh, TP.HCM); Casa Marina Mũi Né (1.635 tỷ đồng); Hội An D''or (3.918 tỷ đồng); Helios Village (1.450 tỷ đồng).

Trong năm 2023, đại hội đồng cổ đông BCG Land thông qua kế hoạch doanh thu hơn 3.583 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 685 tỷ đồng. Doanh thu dự kiến chủ yếu sẽ đến từ việc bàn giao toàn bộ khu Shophouse và một phần khu biệt thự của dự án Malibu Hội An, cùng phần còn lại của phân khu Shophouse thuộc dự án Hoian d’Or.

Tuy nhiên, kết quả còn phụ thuộc nhiều vào sự ấm lạnh của thị trường bất động sản cũng như dòng vốn từ hệ thống ngân hàng.

Sở hữu nguồn điện 1.000MW, lấn sang lĩnh vực tài chính

Bamboo Capital được biết đến là một tập đoàn giàu tham vọng trong cả lĩnh vực năng lượng tái tạo, xây dựng và đầu tư cơ sở hạ tầng.

Được thành lập từ năm 2011, đến nay, Bamboo Capital đã trở thành một trong những tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam với hơn 60 công ty thành viên và liên kết.

Trong vài năm gần đây, Tập đoàn Bamboo Capital định hướng trở thành một trong những đơn vị phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu tại Việt Nam. Đây là lĩnh vực đóng vai trò hạt nhân chiến lược trong tương lai trên cơ sở phát triển bền vững của các lĩnh vực trọng yếu khác: sản xuất - nông nghiệp, xây dựng - thương mại, cơ sở hạ tầng - bất động sản.

BCG Energy là thành viên của Bamboo Capital, hiện sở hữu khoảng 600MW năng lượng mặt trời đã phát điện, 229 MW đang triển khai và 670 MW nằm trong kế hoạch triển khai.

Cụ thể, BCG có các dự án như: BCG Long An 1 (cánh đồng năng lượng mặt trời, công suất 40,6MW); BCG Long An 2 (100,5MW); Phù Mỹ (cánh đồng năng lượng mặt trời, 330MW); BCG Vĩnh Long (49,3MW); Gia Lai (49MW); Trà Vinh 1&2 (200MW); Cà Mau 1, 2 và 3 (Năng lượng gió trên biển, 300MW); BCG Sóc Trăng (năng lượng gió trên bờ, 50MW); Skylar (năng lượng mặt trời áp mái).

Bên cạnh đó, BCG Energy sẽ nghiên cứu mảng điện khí LNG và công nghệ dự trữ điện với mục tiêu đạt được ít nhất 2.000MW tổng sản lượng phát điện trong danh mục đến năm 2025.

Mảng năng lượng của Bamboo Capital phát triển rất mạnh nhưng BCG Energy của ông Nguyễn Hồ Nam được cho là tăng trưởng dựa trên chiến lược vay nợ lớn.

Dòng tiền lưu chuyển trong hoạt động kinh doanh của Bamboo Capital gần đây âm khá lớn. Đi kèm theo đó là dư nợ trái phiếu lớn.

Hồi đầu tháng 6, BCG Energy chậm thanh toán hơn 104 tỷ đồng lãi của lô trái phiếu 1.500 tỷ đồng kỳ hạn 3 năm phát hành hồi giữa năm 2021. Một tháng sau, BCG Energy mới hoàn tất thanh toán khoản lãi trái phiếu này.

Áp lực tài chính đối với BCG Energy còn khá lớn khi khoản nợ gốc hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu đến hạn trả vào tháng 4-5/2024.

Với trụ cột là bất động sản và năng lượng, trong năm 2022, BCG ghi nhận doanh thu hơn 4.596 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 540 tỷ đồng. Đây là một con số vẫn khá khiêm tốn với quy mô tài sản gần 43.600 tỷ đồng của BCG.

Trong năm 2023, BCG được kỳ vọng có thể ghi nhận doanh thu 7.248 tỷ đồng, đóng góp lớn từ dự án Amor Riverside Villa Bình Chánh, Casa Marina Mũi Né, phần còn lại của Malibu Hội An và Hội An D’Or.

Gần đây, một doanh nghiệp liên quan đến Bamboo Capital là CTCP Đầu tư và Dịch vụ Helios báo lãi đột biến trong nửa đầu năm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Helios đã thực hiện mua lại 1.000 tỷ đồng trái phiếu và trả thêm 214 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu.

Helios được thành lập năm 2012 với vốn điều lệ ban đầu 6 tỷ đồng và hiện là 2.000 tỷ đồng. Tiền thân của đơn vị này là CTCP Dịch vụ Hợp Điểm. Cổ đông sáng lập có sự góp mặt của ông Nguyễn Hồ Nam và Bamboo Capital.

Helios đã từng là một công ty liên kết của Bamboo Capital với khoản đầu tư có giá trị gốc hàng trăm tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022. Trong quý I/2023, Bamboo Capital đã thoái vốn khỏi Helios.

Ngoài ra, Helios còn từng là một cổ đông lớn của Bamboo Capital. Tuy nhiên, vào ngày 20/7, Helios thông báo đã bán 7,5 triệu cổ phiếu BCG và không còn là cổ đông lớn của Bamboo Capital.

Một doanh nghiệp khác cũng nằm trong hệ sinh thái Bamboo Capital là CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải - Tracodi (TCD). Tại Tracodi, BCG nắm giữ hơn 51% cổ phần, trong khi đó ông Nguyễn Hồ Nam nắm gần 6%.

Bamboo Capital cũng có một doanh nghiệp dược phẩm thuộc hệ sinh thái là Tipharco. Tipharco tiền thân là Công ty Dược phẩm Tiền Giang, thành lập năm 1976. Doanh nghiệp đang sở hữu 3 nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn WHO-GMP. Các sản phẩm chủ lực là kháng sinh và các sản phẩm đông dược, thực phẩm chức năng.

Tipharco đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM từ năm 2017. Đến đầu năm 2022, doanh nghiệp này đã trở thành một công ty trong hệ sinh thái Bamboo Capital sau khi ông Hồ Nam và nhóm cổ đông liên quan mua vào khối lượng lớn. Gần đây, Tipharco chuyển sang sàn HNX.

Trước đó, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Bamboo Capital được nhóm cổ đông Nguyễn Hồ Nam đề cử vào Eximbank. Tuy nhiên, trước ĐHCĐ năm 2023, ông Hùng đã rút khỏi ngân hàng này.

Tại ĐHCĐ ngày 14/2 của Eximbank, bà Lê Thị Mai Loan (1982) được bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank. Bà Loan từng là nhân sự chủ chốt của Tập đoàn Bamboo Capital và hiện đại diện cho phần vốn góp của Bamboo Capital tại CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp Vận tải Tracodi (TCD).

Trong vài năm gần đây, Bamboo Capital có nhiều động thái lấn sân sang lĩnh vực tài chính-ngân hàng-bảo hiểm, với việc thành lập BCG Financial.

Năm 2021, Bamboo Capital đã đầu tư vào CTCP Chứng khoán Thủ Đô (CASC), mua lại CTCP Bảo hiểm AAA và đầu tư cổ phiếu TPB của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).

URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=109845
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru