Mekong News  
Ai nắm bắt được thông tin - người đó sẽ làm chủ thế giới!
 Kinh tế - Chính trị và Tin tức Cộng đồng VN tại LB Nga
Thời tiết
Tỷ giá hối đoái
Đóng
Tình trạng online
 Đang online: 003

  Hits: 025352950
 
Tin tức » Tin thế giới 30.04.2024 11:24
Các tài phiệt Nga đáp trả phương Tây
11.08.2023 17:24

Phương Tây áp lệnh trừng phạt với các tài phiệt Nga, hy vọng có thể gây sức ép buộc Moscow ngừng xung đột. Lúc này, các tỷ phú Nga đang dùng chính nền pháp quyền của phương Tây để chống trả.

Hơn một năm trước, phương Tây đưa ra chính sách mới nhằm gây sức ép buộc Điện Kremlin ngừng hoạt động quân sự ở Ukraine: Áp lệnh trừng phạt hơn 100 doanh nhân hàng đầu của Nga cùng gia đình.

Chiến lược ấy đến nay chưa có tác dụng. Cuộc xung đột vẫn diễn ra và rất ít tỷ phú Nga lên tiếng phản đối Điện Kremlin hay bán bớt tài sản trong nước.

Trong khi đó, một số nhà tài phiệt túi rủng rỉnh tiền đang phản kháng bằng cách kiện lên các tòa án của Anh và Liên minh châu Âu, đề nghị dỡ bỏ các hạn chế bao gồm lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản.

Những vụ kiện ấy sẽ là phép thử xem liệu doanh nhân Nga có thể dùng nền pháp quyền của phương Tây để làm suy yếu mục tiêu chính sách đối ngoại của chính các nước phương Tây hay không.

Thông qua kiện tụng, các tài phiệt Nga có thể thể hiện sự phản đối với các biện pháp trừng phạt. Họ cho rằng phần lớn người trong danh sách bị trừng phạt không có tiếng nói với Điện Kremlin, và các biện pháp trừng phạt có thể đẩy các nhà tài phiệt vốn đã được "phương Tây hóa" đi ra xa hơn.

 

Ông trùm công nghiệp Oleg Deripaska là 1 trong những nhà tài phiệt đầu tiên lên án cuộc xung đột Ukraine ngay sau ngày 24/2/2022 (Ảnh: Reuters).

Tài phiệt Nga bị trừng phạt hàng loạt

"Chưa bao giờ chúng ta thấy nhiều tỷ phú có tầm hoạt động rộng khắp thế giới đồng loạt bị trừng phạt ồ ạt như vậy", George Voloshin - chuyên gia về lệnh trừng phạt thuộc Hiệp hội các chuyên gia về chống rửa tiền tại Anh, một hiệp hội chia sẻ thực hành tốt nhất về chống rửa tiền - nói.

Ông Voloshin cho rằng do hầu hết nhà tài phiệt này không thân cận với giới lãnh đạo Nga, "các biện pháp trừng phạt chỉ gây thiệt hại cho họ và gia đình, nhưng không thực sự hiệu quả từ góc độ chính sách".

Quan chức phương Tây lại cho rằng các lệnh trừng phạt hàng loạt nên được coi là một phần của chiến dịch chung, bao gồm các lệnh cấm mặt hàng xuất khẩu quan trọng, nhằm làm tê liệt nền kinh tế Nga. 

Giới chức cũng lập luận rằng các doanh nhân và chính khách Nga không thể được phép tiếp tục cuộc sống bình thường trong lúc Nga tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.

Theo John Smith, nguyên Giám đốc Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ, mục tiêu lệnh trừng phạt là "làm suy giảm sự ủng hộ vì các nhà tài phiệt có ảnh hưởng kinh tế và chính trị rất lớn". "Chúng ta vẫn chưa đạt đến điểm bùng phát đó nhưng không có nghĩa là không thể", ông nói.

Luật sư của tỷ phú Roman Abramovich gần đây đã xuất hiện trước tòa án Luxembourg để kháng cáo lệnh trừng phạt của EU đối với thân chủ. Họ cho rằng cái mác "bị trừng phạt" đã ngăn ông Abramovich "tham gia hiệu quả" với tư cách người dẫn dắt hòa đàm Nga - Ukraine, theo hồ sơ tòa án.

Tỷ phú Abramovich, cựu chủ sở hữu đội bóng Chelsea, cũng lập luận tương tự một số nhà tài phiệt khác trước tòa. Ông cho rằng đã bị nhắm đến một cách bất công chỉ vì là doanh nhân Nga, trong khi mối quan hệ với Điện Kremlin bị cường điệu hóa. Tòa sẽ ra phán quyết trong những tháng tới.

Trong khi đó, Eugene Shvidler là người đầu tiên thách thức các lệnh trừng phạt của Anh tại tòa án.

Ông Shvidler - đồng nghiệp cũ của ông Abramovich - tuyên bố các biện pháp trừng phạt quá mức đã khiến gia đình ông gặp "khó khăn nghiêm trọng", theo hồ sơ tòa án. Với song tịch Anh và Mỹ, vị tỷ phú này cũng tuyên bố chưa bao giờ có hộ chiếu Nga, theo hồ sơ.

Phản bác, đại diện chính phủ Anh cho rằng ông Shvidler nên tiếp tục bị trừng phạt một phần để ông có thể gây áp lực lên ông Abramovich, người có thể gây áp lực với Điện Kremlin.

Khi không thể tiếp cận tài sản ở phương Tây, một số nhà tài phiệt bị trừng phạt có thể phụ thuộc nhiều hơn vào tài sản ở Nga. Nhiều người đã bị cấm đặt chân đến phương Tây.

Ông Abramovich, người đặt cơ sở kinh doanh chủ yếu ở London trong nhiều năm cho đến khi chính phủ Anh không gia hạn thị thực cho ông vào năm 2018, hiện phải di chuyển giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.

Ông Andrei Guryev, người bị Mỹ trừng phạt, đã di chuyển công ty của mình, vốn nắm giữ cổ phần trong gã khổng lồ phân bón PhosAgro của Nga, từ Thụy Sĩ đến một khu vực ưu đãi thuế tốt ở Nga.

Lệnh trừng phạt chưa hiệu quả

Trong những thập kỷ gần đây, các biện pháp trừng phạt đã trở thành một công cụ quan trọng của phương Tây. Chúng có phí tổn tương đối thấp, có thể gây ra thiệt hại tổn thất tối đa mà ít mang lại hậu quả ngoài dự kiến.

Tới nay, hiệu quả biện pháp trừng phạt chưa rõ ràng. Theo các nhà phân tích, mục tiêu gây áp lực buộc một nước từ bỏ mục tiêu chính sách đối ngoại quan trọng hiếm khi đạt được nếu chỉ thông qua các biện pháp trừng phạt. Chúng còn có thể khiến người dân tại nước bị trừng phạt có thái độ bài phương Tây.

Tuy một số nhà tài phiệt đã kháng cáo các biện pháp trừng phạt tại tòa án châu Âu, cho đến nay họ vẫn chưa phản kháng các lệnh trừng phạt của Mỹ.

"Lý do đơn giản là họ không nghĩ mình sẽ thắng", ông Voloshin nói. Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Mỹ trong quá khứ đã có nhiều lần thắng các vụ kiện do người bị trừng phạt khởi xướng.

Năm 2021, ông trùm công nghiệp Nga Oleg Deripaska đã kiện Bộ Tài chính Mỹ để hủy bỏ các lệnh trừng phạt được áp dụng sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Ông Deripaska đã thua kiện, tạo tiền lệ cho các trường hợp khác.

Nhưng một số người Nga đã có thể thuyết phục tòa án rằng họ bị cuốn vào làn sóng trừng phạt một cách bất công.

Chẳng hạn, EU gần đây đã dỡ bỏ biện pháp trừng phạt đối với mẹ của ông Yevgeny Prigozhin, thủ lĩnh công ty quân sự tư nhân Wagner. Khối này thừa nhận sai sót khi khẳng định bà Violetta Prigozhina vẫn kiểm soát các công ty có liên quan đến con trai.

Nikita Mazepin, một tay đua Công thức 1 có cha Dimtry là chủ sở hữu cũ của tập đoàn phân bón Uralchem, đã được tạm thời miễn trừng phạt tại EU. Lý do là anh không có vai trò gì trong cuộc xung đột và việc này ngăn cản sự nghiệp đua xe. Tuy nhiên, nước Anh lại bác bỏ kháng cáo tương tự.

Cho đến nay, giới tài phiệt Nga chưa thấy nhiều lợi ích của việc chỉ trích cuộc xung đột để lấy lại tài sản ở phương Tây.

Ông trùm công nghiệp Oleg Deripaska là 1 trong những nhà tài phiệt đầu tiên lên án xung đột ngay sau ngày 24/2/2022. Tháng 12 cùng năm, tòa án Nga ra lệnh tịch thu khu phức hợp khách sạn sang trọng của ông ở Sochi. Ông Deripaska vẫn bị Mỹ, Anh và châu Âu trừng phạt.

Nhưng Wall Street Journal cho rằng đã có một số tín hiệu thay đổi.

Oleg Tinkov, tỷ phú đã từ bỏ quốc tịch Nga sau khi xung đột Ukraine bắt đầu và liên tục lên án sau đó, vẫn bị chính phủ Anh trừng phạt. Nhưng mùa hè này, ông Tinkov đã được loại khỏi danh sách trừng phạt.

Văn phòng Ngoại giao Vương quốc Anh cho biết ông Tinkov được xóa tên sau khi họ "xem xét mọi yếu tố trong trường hợp này, bao gồm cả những hành động ông Tinkov thực hiện sau khi bị trừng phạt".

Theo: Dân trí
0 0/0    Đánh giá của bạn:  GO
Bản để inLưuGửi tin qua email


  GO  
Chọn ngày

Tin mới
Trang chủ  ¤  Tin tức  ¤  Liên hệ  ¤  Liên kết  ¤  Sơ đồ site  ¤  Tiếng Nga Anti Spam
© Copyright 2009-2010 MEKONGNET.ru, All rights reserved.
® MEKONGNET.ru giữ bản quyền nội dung trên website này.
Cơ quan chủ quản: COMPANY ZOLOTOI DRAKON
Trụ sở: Office 17, Tekhnitreskaia str., 19, Ekaterinburg, Russia
Tel/Fax: 7 (343) 381-84-14 Email : info@mekongnet.ru