Mekong News http://mekongnet.ru
Hàng Việt chinh phục thị trường Trung Quốc
28.06.2023 16:22 | In ra

Sau khi thị trường bị đứt gãy do dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp Việt đang nỗ lực tìm kiếm đối tác, xây dựng lại các kênh tiêu thụ nhằm đưa sản phẩm sang thị trường Trung Quốc, nhất là khi hầu hết các thị trường xuất khẩu đều gặp khó khăn.

 

Người tiêu dùng Trung Quốc tìm hiểu sữa đặc Ông Thọ của Vinamilk, sản phẩm có nhiều ưa chuộng khi dùng để làm bánh, trà sữa, cà phê sữa... - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Tại Hội chợ quốc tế doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc lần thứ 18 khai mạc vào ngày 27-6 tại TP Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, nhiều doanh nghiệp Việt tham gia giới thiệu các sản phẩm chủ lực đến người tiêu dùng Trung Quốc cũng như nhiều nhà mua hàng quốc tế tham gia hội chợ. Những sản phẩm được biết đến nhiều tại Việt Nam từng bước chinh phục được thiện cảm của người tiêu dùng tại thị trường tỉ dân này.

Cơ hội tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc

Trong không gian hội chợ, gian hàng của cà phê Trung Nguyên (Tập đoàn Trung Nguyên) đã thu hút khá nhiều khách. Sau khi dùng thử, nhiều vị khách liên tục gật đầu, đưa ngón tay cái lên gọi tên Việt Nam, biểu thị sản phẩm rất ngon. Nhiều vị khách dừng chân khá lâu tại gian hàng này, ngắm nghía từng sản phẩm một cách chăm chú trước khi rời đi.

Các gian hàng khác của Việt Nam như gian hàng giới thiệu sữa Ông Thọ, được Vinamilk lần đầu tiên đi giới thiệu tại hội chợ; gian hàng giới thiệu sầu riêng của Công ty TNHH Rồng Đỏ (TP.HCM); bánh trứng các loại của Công ty cổ phần thực phẩm Topfood; các sản phẩm như đường, sữa đậu nành, bánh kẹo của Công ty CP Đường Quảng Ngãi... thu hút đông đảo khách tham quan, cả khách Trung Quốc cũng như khách quốc tế đến từ nhiều quốc gia khác

Ông Nhữ Văn Trường, quản lý bán hàng cà phê Trung Nguyên khu vực Nam Trung Quốc, cho biết sản phẩm cà phê của đơn vị này được đưa sang giới thiệu tại thị trường Trung Quốc từ năm 2008. Do người Trung Quốc có văn hóa uống trà, trong khi cà phê là thức uống lạ nên khó được ưa chuộng, việc tìm kiếm khách hàng rất khó khăn.

"Nhưng chúng tôi kiên trì, thuyết phục các nhà phân phối, chinh phục khách bằng sản phẩm chất lượng. Đến nay, người Trung Quốc đã yêu thích cà phê Việt, giới trẻ Trung Quốc đã uống nhiều cà phê Việt hơn", ông Trường chia sẻ.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Diễm, phụ trách bộ phận kinh doanh của Công ty Đường Quảng Ngãi, cho biết dù các sản phẩm bánh kẹo Biscafun đã được xuất sang Trung Quốc trước đây nhưng đã bị "gãy" thị trường do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Do đó doanh nghiệp này bắt đầu kết nối lại thị trường bằng việc tham gia hội chợ này, xây dựng nguồn đối tác mới, gặp gỡ để thắt chặt mối quan hệ với các đối tác cũ...

"Dù Trung Quốc đánh thuế nhập khẩu đường rất cao, nhưng chúng tôi vẫn muốn sản phẩm có mặt ở đây bằng cách làm là đi chùm sản phẩm, tạo chuỗi chung, phát triển thương hiệu. Trong thời gian tới, chúng tôi có thể liên kết với các đại lý hay đối tác bản địa... để đưa nhiều sản phẩm sang tiêu thụ tại thị trường này", bà Diễm nói.

Ông Nguyễn Lý (ngụ TP.HCM), người đưa các sản phẩm yến sang giới thiệu tại hội chợ, cho biết từ khi có nghị định thư cho phép sản phẩm yến của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bằng đường chính ngạch, doanh nghiệp này đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khoảng 500kg yến mỗi tháng.

"Với việc tham gia hội chợ này, tôi muốn tìm kiếm đối tác mới, mở rộng thị trường tại nhiều địa phương ở Trung Quốc, để đưa doanh thu 700kg đến 1 tấn yến mỗi tháng", ông Lý nói.

Chinh phục người dùng bằng chất lượng, mẫu mã

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Trung Hiếu, giám đốc kinh doanh quốc tế Vinamilk, cho biết trong sáu tháng đầu năm 2023, doanh số của các mặt hàng sữa Vinamilk tại thị trường Trung Quốc tăng trưởng rất tốt, doanh thu lũy kế của riêng sản phẩm sữa đặc Ông Thọ ở Trung Quốc đã đạt hơn 4,1 triệu USD, tăng hơn 5 lần so với giai đoạn trước dịch. Đặc biệt, doanh nghiệp đã ký được nhiều hợp đồng với tổng giá trị 100 triệu USD.

Theo ông Hiếu, doanh nghiệp tham gia hội chợ này với kỳ vọng tìm kiếm đối tác, khách hàng mới ở Trung Quốc, chia sẻ chi phí tiếp thị bán hàng nhằm thúc đẩy doanh số xuất khẩu. "Từ nhu cầu mới, nhu cầu ngách từ các thị trường, chúng tôi sẽ thêm những sản phẩm mới, sản phẩm cao cấp hoặc những sản phẩm có giá trị cộng thêm, những sản phẩm dinh dưỡng đặc trị... đến thị trường có tăng trưởng rất mạnh từ đây đến cuối năm", ông Hiếu nói.

Dù sầu riêng Việt Nam đã có mặt nhiều tại thị trường Trung Quốc nhưng Công ty TNHH Rồng Đỏ vẫn quyết định mang sầu riêng Việt Nam với thương hiệu của doanh nghiệp này tham gia hội chợ để giới thiệu trực tiếp đến người tiêu dùng Trung Quốc.

Ông Mai Xuân Thìn, giám đốc Công ty Rồng Đỏ, cho biết sau một năm chuẩn bị, lên kế hoạch kinh doanh với đối tác từ vùng trồng đến đóng gói, tìm nơi phân phối, trao đổi giá cả... từ tháng 3-2023 doanh nghiệp này mới xuất khẩu container sầu riêng đầu tiên, khoảng 17.000 tấn. "Đến nay chúng tôi đã xuất được sáu container. Do đã chuẩn bị tốt nên tôi tin sản phẩm sầu riêng của chúng tôi sẽ có chỗ đứng tại thị trường này", ông Thìn tự tin.

Ông Nhữ Văn Trường cho biết sau 15 năm có mặt tại thị trường Trung Quốc, đến nay các sản phẩm cà phê Trung Nguyên đã có 11 nhà phân phối lớn ở Trung Quốc, gồm nhà phân phối trực tiếp, bán hàng qua mạng và bán ở siêu thị, với doanh thu tăng trưởng 30% mỗi năm. Đây cũng là lý do mà từ tháng 6-2022, đơn vị này đã mở quán cà phê Trung Nguyên đầu tiên tại Thượng Hải.

"Kế hoạch của chúng tôi là sẽ mở khoảng 1.000 quán ở khắp Trung Quốc bởi thị trường này có rất nhiều tiềm năng cho sản phẩm cà phê Trung Nguyên. Thực tế cho thấy giới trẻ ở đây đã thích, uống nhiều cà phê Trung Nguyên, khách hàng độ tuổi khác có thói quen uống trà cũng mua nhiều cà phê hơn", ông Trường nói.

Theo ông Vũ Việt Anh - tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc, ngay sau đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp Việt đã tích cực nỗ lực chinh phục thị trường Trung Quốc, nhất là thị trường Quảng Đông, một thị trường tiêu thụ tiềm năng nhất của Trung Quốc.

"Năm 2023, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại với nhiều sản phẩm khác nhau, ở các địa điểm lớn. Đây là cơ hội giúp doanh nghiệp rút ngắn bớt con đường kết nối với thị trường quốc tế, sau thời gian ngưng trệ xuất khẩu kinh doanh sang thị trường lớn", ông Anh nói.

URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=109626
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru