Mekong News http://mekongnet.ru
Cơ chế tài chính bất cập khiến y bác sĩ bỏ công sang tư
08.09.2022 18:51 | In ra

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho rằng khu vực y tế tư nhân tính đúng, tính đủ giá dịch vụ nên nguồn thu dồi dào, thu hút lượng y, bác sĩ giỏi từ khu vực công.

Chiều8/9, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội, cho rằng chi phí khám bệnh, chữa bệnh tác động trực tiếp đến Quỹ Bảo hiểm y tế, ngân sách Nhà nước cũng như tài chính của mỗi người dân. Tuy nhiên, việc tính giá dịch vụ đang có nhiều bất cập.

 

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm. Ảnh: Phạm Thắng

Khu vực y tế công hiện tại thực hiện tự chủ tài chính nhưng cơ cấu giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ dẫn đến nguồn thu giảm. Hệ quả là không đủ tiền trả lương cho nhân viên, không tái đầu tư, không đủ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực khiến một bộ phận nhân viên y tế bỏ việc.

"Còn tại khu vực y tế tư nhân, do đã tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, giá khám bệnh, chữa bệnh cao nên nhiều bệnh viện tư có nguồn kinh phí dồi dào để thu hút bác sĩ giỏi từ bệnh viện công", nữ đại biểu nói.

Do vậy, bà Cầm cho rằng Nhà nước cần thống nhất quản lý giá khám bệnh, chữa bệnh cho hài hòa lợi ích giữa công và tư, đảm bảo quyền lợi người bệnh và ổn định xã hội. Cụ thể, Nhà nước cần ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa.

Trong bối cảnh hệ thống y tế công ngày càng quá tải và nguy cơ dịch bệnh gia tăng, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá.

Đại biểu Cầm cũng thống nhất việc phải có nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện cho y tế tư nhân phát triển cùng với y tế công; kiểm soát khung giá dịch vụ đối với cơ sở y tế tư nhân để đảm bảo quyền lợi của người bệnh; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng công bằng giữa khu vực công và tư.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh nói dự thảo chưa đề cập cụ thể chính sách khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư khám, chữa bệnh. Thực tế, các bệnh viện, đặc biệt Hà Nội và TP HCM chưa cung cấp đủ dịch vụ y tế cho người dân, bệnh nhân đông nhưng chất lượng chưa cao. Nhân viên y tế không đáp ứng đủ, dẫn đến tình trạng một người bệnh nhiều người nhà đi chăm sóc.

Ông cho rằng cần có một chương về chính sách cho thành phần kinh tế tư nhân, bởi mục tiêu của luật đến một thời kỳ nào đó hoạt động khám, chữa bệnh phải là ngành kinh tế. "Mục tiêu đến năm 2030, số giường bệnh ít nhất 50% của tư nhân và 50% của bệnh viện công, có như vậy mới giải quyết được những tồn tại hiện nay", ông nói.

Về dài hạn, ông cho rằng cần xây dựng chính sách và quy định rõ trong luật về mục tiêu số giường bệnh của thành phần kinh tế tư nhân tương đương với số giường bệnh của Nhà nước. Đối với vùng đặc biệt khó khăn, khu vực tư nhân không đầu tư thì cần tập trung ngân sách xây dựng các cơ sở y tế công.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết dự thảo luật quy định giá khám bệnh, chữa bệnh được xác định dựa trên các yếu tố chi phí, phù hợp với khả năng chi trả và khuyến khích nâng cao chất lượng, phát triển kỹ thuật chuyên môn.

Qua quá trình chỉnh lý, bà Thúy Anh cho biết còn có các ý kiến khác nhau về yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở tư nhân cung cấp, Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí với đề nghị Nhà nước cần quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở tư nhân như tại một số nước.

Điều 106 dự thảo luật quy định giá khám bệnh, chữa bệnh được xác định dựa trên một số yếu tố như tiền lương; chi phí trực tiếp cho người bệnh; chi phí quản lý; khấu hao tài sản cố định và chi phí khác. Bộ trưởng Y tế có thẩm quyền quy định giá khám bệnh, chữa bệnh cụ thể đối với các cơ sở của Nhà nước trên toàn quốc. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở cung cấp.

Dựán luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) được Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội lần đầu vào giữa năm 2022, dự kiến được xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm.

URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=109083
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru