Mekong News http://mekongnet.ru
Gazprom giảm cung cấp khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc
14.06.2022 19:20 | In ra

Tập đoàn Năng lượng Gazprom của Nga ngày 14/6 thông báo sẽ giảm nguồn cung khí đốt cho Đức qua đường ống Dòng chảy phương Bắc do công ty Siemens không trả lại kịp thời các máy nén khí (GCU) sau khi sửa chữa.

 

Trạm trên mặt đất của dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 tại Lubmin, Đông Bắc Đức ngày 7/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đó, Gazprom cho biết chỉ có thể đảm bảo việc bơm khí qua đường ống Dòng chảy phương Bắc với khối lượng tối đa 100 triệu m3/ngày so với kế hoạch là 167 triệu m3/ngày. Như vậy, hiện chỉ có 3 tổ máy có thể hoạt động được để bơm tại trạm máy nén Portovaya, gần thành phố Vyborg, miền Tây Bắc nước Nga.

Cùng với nhiều công ty phương Tây khác, công ty Siemens của Đức thông báo rút khỏi thị trường Nga sau khi xảy ra căng thẳng Nga - Ukraine. Trước đó, trên nền tảng CEGH REMIT, có thông báo về khả năng giảm bơm khí qua Dòng chảy phương Bắc từ ngày 3/6 đến 17/6 để phục vụ kiểm tra đường ống định kỳ.

Cùng ngày, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết do các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU), Serbia sẽ không thể nhập khẩu dầu Nga từ tháng 11 tới. Ông Vucic ước tính thiệt hại từ lệnh cấm vận này đối với dầu mỏ Nga khoảng 600 triệu USD.

Các biện pháp trừng phạt này được áp đặt nhằm đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Hồi đầu tháng này, EU đã đưa ra gói trừng phạt thứ 6, trong đó đề nghị các nước châu Âu cấm nhập khẩu dầu Nga trong vòng 6 tháng và các sản phẩm dầu trong vòng 8 tháng.

Ngoại lệ được đưa ra đối với dầu vận chuyển qua đường ống “Hữu nghị”. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 14/6 cho biết EU muốn tăng cường hợp tác năng lượng với Israel.

Phát biểu tại Đại học Ben Gurion ở thành phố Beersheba, trong chuyến công du quốc gia Israel, bà Ursulavon der Leyen nêu rõ: "Kể từ khi xảy ra xung đột tại Ukraine, Nga đã cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan và Hà Lan và Đan Mạch". Bà nhấn mạnh EU đang thăm dò các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác năng lượng với Israel".

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Năng lượng Israel cho biết kể từ tháng 3, các cuộc đàm phán về thành lập một cơ cấu khung thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu khí đốt của Israel tới châu Âu, qua Ai Cập.

Israel xuất khẩu khí đốt sang Ai Cập - nước hóa lỏng một phần trong số khí đốt này và sau đó vận chuyển sang châu Âu.

URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=108916
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru