Mekong News  
Ai nắm bắt được thông tin - người đó sẽ làm chủ thế giới!
 Kinh tế - Chính trị và Tin tức Cộng đồng VN tại LB Nga
Thời tiết
Tỷ giá hối đoái
Đóng
Tình trạng online
 Đang online: 027

  Hits: 025332367
 
Tin tức » Xã hội 25.04.2024 23:06
Không nên ưu đãi đầu tư sân golf, khu đô thị tại Vân Phong
24.05.2022 18:43

Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị không nên ưu đãi đầu tư vào các lĩnh vực không thiết yếu ở khu kinh tế Vân Phong như sân golf, khu đô thị, trung tâm thương mại.

Thảo luận tại tổ ở Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, chiều 24/5, ông Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), nêu quan điểm trên.

Theo dự thảo của Chính phủ, một trong các ngành nghề được ưu đãi khi đầu tư vào khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa), là xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính có quy mô vốn từ 12.000 tỷ đồng; xây dựng và kinh doanh khu đô thị diện tích từ 300 ha hoặc quy mô dân số trên 50.000 người; xây dựng và kinh doanh khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân golf quy mô vốn từ 25.000 tỷ đồng.

"Nếu đưa ra chính sách ưu đãi cho đầu tư vào sân golf, có thể nhà đầu tư được hưởng ưu đãi về thuế, rồi lại bán đất để thu lời mà vẫn giàu. Trong khi Nhà nước thu tiền không được bao nhiêu", ông Hòa nêu quan điểm. Theo ông, là nhà đầu tư chiến lược nhưng nếu dự án không trong diện Chính phủ ưu đãi đầu tư thì không được hưởng ưu đãi, dù thí điểm cơ chế đặc thù cho Khánh Hoà.

 

Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Media Quốc hội

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế, cũng cho rằng ngay cả khi không có chính sách ưu đãi gì, việc đầu tư khu đô thị, trung tâm thương mại cũng đã thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. Ông đề nghị Chính phủ giải thích rõ hơn để tăng tính thuyết phục về đề xuất này, vì "nguồn lực đầu tư có hạn, nên chắt chiu để tăng thu hút vào lĩnh vực, ngành nghề đúng, trúng".

Về vấn đề này, khi thẩm tra dự thảo nghị quyết của Chính phủ, một số thành viên Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng bày tỏ băn khoăn. Một số ý kiến của cơ quan thẩm tra đề nghị chưa quy định chính sách đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, khu đô thị, khu du lịch, sân golf trong khu kinh tế Vân Phong vì đây không thuộc lĩnh vực ưu tiên.

Dự thảo Nghị quyết đề xuất, nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng dự án trong 3-5 năm từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Ông Phạm Văn Hoà cho rằng thời hạn như vậy là quá ngắn, dễ dẫn tới hệ luỵ nhà đầu tư không đầu tư thực mà chỉ có ý định "chiếm đất, bán sang tay". Ông đề nghị thời hạn cấm chuyển nhượng dự án dài hơn và có chế tài xử lý nếu nhà đầu tư vi phạm.

Bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách, cũng cho rằng thời hạn không được chuyển nhượng dự án trong 3-5 năm là ngắn, dễ dẫn tới lợi dụng chính sách để đầu tư "núp bóng". Thời hạn này chưa bảo đảm yêu cầu gắn bó lợi ích lâu dài theo đúng tính chất nhà đầu tư chiến lược; đặc biệt, cần tính đến yếu tố bảo đảm an ninh kinh tế, nhạy cảm quốc phòng.

Bà cho biết, có ý kiến trong Ủy ban đề nghị quy định rõ nếu nhà đầu tư chiến lược không triển khai theo các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các quy định khác thì sẽ bị thu hồi dự án và chịu các chế tài.

Trong khi đó, ông Phan ĐứcHiếu đề nghị bổ sung quy định về chuyển nhượng cổ phần vốn góp của doanh nghiệp đầu tư để chặt chẽ hơn. Ông phân tích, nhiều trường hợp doanh nghiệp khôngchuyển nhượng dự án, nhưng lại chuyển nhượng cổ phần góp cho cổ đông, thành viên... việc này không làm thay đổi dự án mà diện sở hữu dự án có thể thay đổi.

Tham gia thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Khánh Hòa có đặc điểm rất quan trọng, nằm trên trục kết nối hướng Tây, cao nguyên; có quần đảo Trường Sa, cảng Cam Ranh. Khánh Hòa cần trở thành hình mẫu kết hợp kinh tế, quốc phòng, an ninh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình cao với đề xuất của Chính phủ. Các cơ quan "làm ngày, làm đêm" để có những đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù.

Dự thảo nghị quyết thiết kế 10 cơ chế, chính sách. Bên cạnh 6 cơ chế, chính sách đặc thù đã áp dụng cho một số tỉnh, thành thì có 4 cơ chế, chính sách mới là: Thực hiện chuẩn bị thu hồi đất tại Khu Kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu kinh tế Vân Phong; phát triển kinh tế biển tại Khánh Hòa.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng Khánh Hòa có nhiều đặc thù, nhưng nhiều năm GDP bình quân đầu người thấp hơn bình quân cả nước, khoảng 2.700 USD/người/năm. Vì vậy, cơ chế đặc thù cho Khánh Hòa "lẽ ra phải có sớm cùng với cơ chế đặc thù cho Huế, Cần Thơ, Hải Phòng".

Từ những đề xuất cơ chế đặc thù cho Khánh Hòa, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đây là vấn đề rất đáng suy nghĩ. Bởi nếu cả 10 tỉnh đều xin cơ chế chính sách như vậy sẽ trở thành phổ biến và không thể gọi là đặc thù. Điều này chứng tỏ có những chính sách đặc thù đã trở thành cấp bách từ thực tiễn đặt ra, cần giải quyết. Đơn cử như cơ chế tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án; phân cấp về quản lý đất đai, diện tích đất rừng, diện tích đất lúa, phân cấp liên quan đến khu công nghiệp là những cơ chế chung.

"Tất cả tỉnh thành đều đề xuất cơ chế chính sách đặt thù, cùng là những nội dung này thì cần xem xét. Việc phân cấp phải thực hiện nhiều hơn để làm sao Trung ương phát huy vai trò chủ đạo, còn địa phương mang tính chủ động nhiều hơn", Thủ tướng nói.

Theo đó, Thủ tướng cho hay Chính phủ đang phân công để quản lý từng lĩnh vực để làm sao Trung ương thực hiện đúng vai trò quản lý nhà nước, xây dựng chiến lược, quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách, thể chế. Gắn với đó là việc tăng cường kiểm tra giám sát phân cấp phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, theo dõi đôn đốc, kiểm tra, tổng kết đánh giá, nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt.

"Chúng ta phải suy nghĩ cái này. Chính phủ, các cấp chính quyền suy nghĩ, đề xuất. Trên cơ sở đó các cấp thẩm quyền xem xét quyết định", Thủ tướng nói.

Theo: Vnexpress
0 0/0    Đánh giá của bạn:  GO
Bản để inLưuGửi tin qua email


  GO  
Chọn ngày

Tin mới
Trang chủ  ¤  Tin tức  ¤  Liên hệ  ¤  Liên kết  ¤  Sơ đồ site  ¤  Tiếng Nga Anti Spam
© Copyright 2009-2010 MEKONGNET.ru, All rights reserved.
® MEKONGNET.ru giữ bản quyền nội dung trên website này.
Cơ quan chủ quản: COMPANY ZOLOTOI DRAKON
Trụ sở: Office 17, Tekhnitreskaia str., 19, Ekaterinburg, Russia
Tel/Fax: 7 (343) 381-84-14 Email : info@mekongnet.ru