Mekong News http://mekongnet.ru
"Bảo mẫu" của những đứa trẻ tự kỷ: "Bị cắn, đánh, ném đồ vào người là chuyện bình thường"
09.05.2022 19:09 | In ra

Đau đáu cho tương lai của những đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ, chị Hà cùng chồng đã quyết tâm giúp đỡ các em trưởng thành.

8h sáng, phụ huynh em học sinh nọ đến phòng xin chuyển con về trường bình thường học. Chị Nguyễn Thị Việt Hà (32 tuổi, tại xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) ôn tồn khuyên mẹ bé không nên, bởi con chỉ mới tham gia điều trị có vài ngày, có dấu hiệu tích cực, nhưng chưa thể gọi là bình thường. "Con chỉ mới tiếp cận phương pháp điều trị vài ngày thôi, chị vội chuyển trường cho con, sau đó con bị lại có phải mất công quay lại đây không? Chị để con ở đây, một thời gian nữa hãy chuyển", chị trả lời phụ huynh.

 

Mái ấm của hơn 160 trẻ tự kỷ vừa mới được hoạt động lại sau quãng thời gian đóng cửa vì dịch COVID-19. Đây là các bé có chức năng não không bình thường như những đứa trẻ khác. Có những trẻ 8-9 tuổi nhưng chức năng não bộ không bằng trẻ 2-3 tuổi hoặc những trẻ không kiểm soát được bản thân, khó hòa nhập với cộng đồng.

Là một cô giáo, kiêm ‘bác sĩ’, kiêm bố, mẹ của các bé, chị Hà càng thấm hơn những khó khăn, vất vả khi phải chăm sóc một đứa trẻ tự kỷ. 

Chị Hà cho biết vì các bé không kiểm soát được hành vi của mình, để tiếp cận đã là một điều khó, dạy và chữa bệnh cho các con lại càng khó hơn. Có nhiều lúc chị Hà và các cô cũng bị áp lực từ việc bị học sinh cắn, đánh, ném đồ vật, phá phách, chạy nhảy…do chứng rối loạn phát triển trong cơ thể các em. Có những lúc mệt mỏi và chán nản, nhưng khi nhìn những ánh mắt ngây thơ, non nớt chị không đành lòng để các con như vậy.

"Còn nhớ ngày đầu tiên đi dạy, tôi gặp một bé gái mắc bệnh tự kỷ. Không hiểu vì sao em đó tát tôi 4 cái liên tiếp. Lúc đó, ngoài cảm giác bị sốc, thực sự tôi cảm thấy rất tủi thân. Sau một vài phút, tôi cũng lấy lại được tinh thần để trò chuyện với phụ huynh và hiểu hơn về bé. Chuyện bị học sinh cắn, đánh, ném đồ vật, phá phách, chạy nhảy… là hết sức bình thường với một cô giáo dạy trẻ đặc biệt như tôi. Cũng có những lúc mệt mỏi và chán nản, nhưng khi nhìn những ánh mắt ngây thơ của các em, tôi lại thêm quyết tâm, tự nhủ mình không bao giờ được dừng bước", chị Hà kể.

Chị Hà tâm sự thêm nếu không có sự kiên trì, nhẫn nại và tình thương thực sự dành cho trẻ thì không thể chăm sóc được chứ chưa nói đến việc khai thông trí tuệ cho các em. Bởi có nhiều trẻ khi học ở trường rất tiến bộ, nhưng nghỉ học vài hôm và về nhà lại phải dạy lại từ đầu. 

Giáo viên dạy trẻ tự kỷ phải hiểu rõ từng đặc điểm, hướng dẫn trẻ để trẻ có những hành vi theo mong muốn của mình. Kỹ năng này cần được củng cố liên tục, hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Vì thế, không có sự kiên nhẫn và tâm huyết rất khó theo đuổi được nghề này.

Từng nghĩ phải dập tắt hy vọng giúp trẻ tự kỷ

Để có được một mái ấm như ngày hôm nay, chị Hà đã trải qua vô vàn khó khăn và sự cản trở của mọi người. Chị từng chứng kiến xung quanh mình có một vài em bé có gì đó "không bình thường". Đó là những em đã đến tuổi đi học nhưng lại ở nhà ngồi thu mình, không giao tiếp và nói chuyện với người thân; có em tự gây thương tích cho mình hoặc người khác mà không cần lý do; có em thường xuyên bỏ đi lang thang, không ý thức được sự nguy hiểm xung quanh… Sự tò mò đã thôi thúc chị tìm hiểu về những hành vi của các em, và khi hiểu ra đó là biểu hiện của hội chứng tự kỷ, rối loạn tâm thần, chậm phát triển trí tuệ, trong tâm trí của chị luôn đau đáu câu hỏi: Làm sao, làm thế nào để các em có thể trở thành những em bé bình thường?

"Nhiều người suy nghĩ rất đơn thuần rằng trẻ tự kỷ không biết cách giao tiếp với những người xung quanh, nhưng có tiếp xúc hàng ngày, trò chuyện và chăm sóc các em, mới thấy rằng trẻ tự kỷ có nhiều kênh giao tiếp của riêng của mình. Và cha mẹ, giáo viên cần nắm được thế giới rất riêng ấy của trẻ mới có thể dạy dỗ, điều chỉnh hành vi của các em để ngày hôm nay tiến bộ hơn ngày hôm qua. Đây cũng là mấu chốt khiến tôi phải quyết tâm thực hiện bằng được", chị Hà cho hay.

Để có được ''mái ấm'' như ngày hôm nay, có thời điểm chị Hà đã từng phải từ bỏ dự định. Nhất là khi 2 vợ chồng lúc đó đang còn trẻ, kinh phí không có và chưa có nhiều trải nghiệm. Còn nhớ, ngày chị Hà chuẩn bị hành lý đi sinh bé đầu, cũng là ngày mà chồng chị lên cơn đau bụng dữ dội, phát hiện bị viêm ruột thừa cấp phải mổ gấp. Thêm một lần khác, khi chồng chị trên đường đi làm về nhà quãng đường dài hơn 50km, thì chẳng may bị tai nạn và phải chuyển lên Bệnh viện Việt Đức mổ một bên chân, nối gân với chi phí lên đến 100 triệu đồng.

"Những giai đoạn ấy, tưởng chừng 2 vợ chồng không thể trụ nổi, không thể tiếp tục đồng hành cùng các con trên con đường trở lại một đứa trẻ bình thường. Nhưng may sao tất cả mọi chuyện đã qua", chị Hà tâm sự.

Đến nay, ‘mái ấm’ đã trải qua hơn 5 năm hoạt động, rất nhiều trẻ được vợ chồng chị Hà nuôi dưỡng miễn phí và trở lại cuộc sống bình thường như bao người. Nhưng có những trẻ chỉ đỡ được phần nào đó. Chị Hà vẫn luôn trăn trở về đầu ra, muốn tìm những công việc phù hợp trong tương lai cho những trẻ mắc chứng tự kỷ để các em có một cuộc sống tốt hơn.

URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=108820
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru