Mekong News  
Ai nắm bắt được thông tin - người đó sẽ làm chủ thế giới!
 Kinh tế - Chính trị và Tin tức Cộng đồng VN tại LB Nga
Thời tiết
Tỷ giá hối đoái
Đóng
Tình trạng online
 Đang online: 002

  Hits: 025252196
 
Tin tức » Thông tin đa chiều 19.03.2024 13:15
Muốn thoái khỏi "vòng kìm tỏa" năng lượng của Nga, EU đành đưa ra quyết định đau đớn
12.03.2022 19:52

Với việc Mỹ và châu Âu tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, vấn đề năng lượng của châu Âu, vốn phụ thuộc nhiều vào Nga, càng trở nên nổi cộm.

Điều chỉnh chiến lược vì chiến sự tại Ukraine

Bởi vậy, ngày 10/3, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã tổ chức cuộc họp trực tuyến giữa các bộ trưởng năng lượng, tập trung vào cách đối phó với giá dầu thô tăng và giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên của Nga trong hoàn cảnh hiện nay.

Hai ngày trước đó, ngày 8/3, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra lộ trình độc lập về năng lượng, phấn đấu thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga về nhập khẩu năng lượng vào năm 2030, bắt đầu từ khí đốt tự nhiên.

Trong kế hoạch hành động mang tên "Hành động chung về năng lượng giá rẻ, an toàn và bền vững ở châu Âu", Liên minh châu Âu (EU) đề xuất giảm 2/3 lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga vào cuối năm 2022 và sẽ thực hiện các biện pháp để đẩy nhanh khai thác năng lượng tái tạo trong tương lai, đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng… để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

 

Những khúc quanh của đường ống dẫn khí đốt tự nhiên "Dòng chảy phương Bắc 2" cũng biểu hiện "trò chơi" năng lượng giữa EU và Nga. Ảnh: Tân Hoa Xã

Về vấn đề này, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho rằng, EU không thể "dựa vào một nhà cung cấp năng lượng thường xuyên đe dọa EU", phải đa dạng hóa các nguồn khí đốt tự nhiên trong mùa đông tới và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. "Chúng ta càng sớm chuyển sang năng lượng tái tạo, thủy điện và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, thì chúng ta càng sớm có thể thực sự kiểm soát hệ thống năng lượng của mình".

"Hành động chung về năng lượng rẻ, an toàn và bền vững ở châu Âu", còn được gọi là "Chiến lược năng lượng mới của EU", được hãng tin Reuters tiết lộ lần đầu tiên vào giữa tháng Hai.

Ngày 23/2 theo giờ địa phương, nguyên mẫu của chiến lược đã được tiết lộ độc quyền bởi tờ Washington Post (Mỹ), và dự kiến ​​sẽ được EC công bố sớm nhất là vào ngày 2/3.

Tuy nhiên, do tình hình chiến sự tại Ukraine diễn biến quá nhanh, "Chiến lược năng lượng mới của EU" đã trở nên lỗi thời, vì vậy nó đã được công bố muộn hơn một tuần so với thời gian dự kiến với nhiều chi tiết sửa đổi hơn so với nguyên mẫu được tiết lộ trước đó.

Ví dụ, phương hướng chung là "loại bỏ Nga vào năm 2030" không thay đổi, nhưng được yêu cầu "loại bỏ Nga càng sớm càng tốt", và đặc biệt đề xuất mục tiêu giảm 2/3 lượng khí đốt tự nhiên của Nga trong năm nay. Để đạt được mục tiêu này, "Chiến lược năng lượng mới của EU" khuyến nghị "tìm các nguồn cung cấp khí đốt thay thế càng sớm càng tốt", "nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng" "tăng cường sử dụng nănglượng sạch trong trung và dài hạn"; đồng thời cũng hạ thấp mục tiêu "giảm 40% việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch".

Đề xuất "tăng trữ lượng khí tự nhiên chiến lược" vẫn được giữ nguyên, trong khi hướng dẫn hoạt động cụ thể hơn đã được bổ sung để "tăng lượng dự trữ khí đốt tự nhiên từ mức 30% như hiện tại lên 90% vào mùa thu", và kiến nghị nâng cấp đề xuất này thành luật của EU. Điều này yêu cầu một cuộc bỏ phiếu của Nghị viện châu Âu và quốc hội của tất cả 27 quốc gia thành viên EU.

Các giải pháp ngắn hạn được đề cập trong "Chiến lược năng lượng mới của EU" bao gồm nhập khẩu khí tự nhiên qua đường ống và khí tự nhiên hóa lỏng các nước khác. Các giải pháp dài hạn đề cập đến việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, nhắc đến năng lượng gió và mặt trời đã quen thuộc, năng lượng hydro - vốn hiếm khi được "phe năng lượng xanh" của EU nói đến trước đây, thậm chí còn bao gồm cả khí sinh học "làm tơi xốp đất".

Chiến lược năng lượng mới cũng đề xuất rằng, các nước thành viên EU nên tìm cách trợ cấp cho "năng lượng xanh" bằng nguồn vốn thu được từ "Kế hoạch giao dịch phát thải carbon", để có thể thay thế năng lượng hóa thạch truyền thống nhanh hơn và tốt hơn, từ đó đạt được mục tiêu "thoát khỏi Nga" "nhanh hơnvà tiết kiệm hơn".

Tại sao cần "thoátkhỏi Nga"?

Theo tờ Tin tức Bắc Kinh (Trung Quốc), trên thực tế, ý tưởng chiến lược "năng lượng châu Âu thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga" xuất hiện sớm hơn nhiều so với những gì mọi người tưởng tượng.

Ngay từ năm 1981, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Ronald Reagan đã kiên quyết phản đối và cản trở việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của Liên Xô - Tây Âu thời kỳ đầu. Nhưng dưới sự phản đối và thuyết phục của Tây Đức và các nước châu Âu khác, ông Reagan cuối cùng đã phải nhượng bộ và rút lui vào năm 1982.

Năm 2009, cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên Nga - châu Âu dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung khí sưởi ở Tây Âu vào mùa đông. Đặc biệt là sau khi bùng nổ cuộc khủng hoảng ở Crimea và Đông Ukraine năm 2014, châu Âu và Mỹ đã kêu gọi "thoát khỏi sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga về năng lượng".

Tuy nhiên, trước sự kiên quyết của Đức và Pháp, thay vì từ bỏ, họ lại thúc đẩy triển khai dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) từ Vyborg (Nga) đến Greifswald (Đức).

Và từ năm 2021, cuộc khủng hoảng năng lượng sưởi ấm châu Âu một lần nữa khiến việc "thoát khỏi Nga" trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi.

Ngày 15/2/2022, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev tuyên bố trên mạng xã hội rằng: "Nếu dám tẩy chay "Dòng chảy phương Bắc 2", châu Âu sẽ phải đối mặt với một kỷ nguyên mới tươi đẹp mà ở đó, 1.000 mét khối khí đốt tự nhiên được bán ra với giá 2.000 Euro".

Ngày 19/2, tại cuộc họp của các nhà hoạch định chính sách châu Âu về chủ đề an ninh, Chủ tịch EC Ursula vonder Leyen cho rằng: "Một EU mạnh không thể phụ thuộc vào một nhà cung cấp năng lượng có thể phát động chiến tranh ở lục địa châu Âu".

Ngày 22/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng thay đổi ý định ban đầu và tuyên bố đóng băng dự án "Dòng chảy phương Bắc 2".

Theo tờ Tin tức Bắc Kinh, từ nguyên mẫu trước khi xung đột quân sự Nga-Ukraine bùng phát đến "phiên bản nâng cấp" hiện nay, ý tưởng "thoát khỏi Nga" của EU rõ ràngđã trở nên cụ thể hơn, cấp bách hơn và kiên quyết hơn.

Hơn nữa, ngày 8/3, Mỹ và Anh đã đồng loạt tuyên bố ngừng nhập khẩu các sản phẩm dầu khí của Nga, điều này cũng tạo thành "sức ép ngược" đối với các nhà ra quyết định củaEU.

Anh là một quốc gia tự cung tự cấp về dầu và khí đốt, trong khi Mỹ đã sớm đa dạng hóa các kênh nhập khẩu năng lượng hóa thạch. Bởi vậy, chỉ có EU là rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan", phải tìm một lối thoát khác.

"Thoát khỏi Nga" không dễ

Tuy nhiên, EU quá phụ thuộc vào Nga về năng lượng. Năm 2021, 27% dầu mỏ, 41% khí đốt tự nhiên và 47% than đá của EU đến từ Nga. Điều này có nghĩa là dù Đức có "nghiến răng" lật ngược kế hoạch "bài trừ nhiệt điện than" vừa mới được xác định và quyết "lấy ngắn nuôi dài", thì họ cũng thấy rằng, nhiệt điện than cũng không thể thoát khỏi cái bóng của Nga.

Trong những năm gần đây, do nỗ lực khổng lồ của các nhà bảo vệ môi trường, các nước EU đã đẩy nhanh việc từ bỏ điện than, điện hạt nhân và thậm chí cả thủy điện, nhưng năng lượng gió và điện mặt trời được thay thế phần lớn vẫn "tùy thuộc vào thời tiết". "Chiến lược năng lượng mới của EU" bị kẹt giữa "hai góc độ chính trị lớn" là "năng lượng xanh" và "đi Nga".

Chính vì vậy, không chỉ Đức tỏ ra chần chừ, mà các nước như Hà Lan, Bulgaria, Italia cũng liên tiếp bày tỏ sự dè dặt với lộ trình "Chiến lược năng lượng mới của EU" hoặc xin "tạm miễn".

"Thoát khỏi Nga" là một điều không dễ đối với EU, nhưng như Phó Chủ tịch điều hành EC Frans Timmermans đã nói: "Khó quá, khó quá, nhưng chúng ta vẫn có thể làm được nếu chúng ta thực sự muốn".

Trên phạm vi toàn cầu, dù là dầu mỏ, khí đốt hay than đá cũng chỉ là tài nguyên "tương đối khan hiếm" chứ không phải là tài nguyên "khan hiếm tuyệt đối". Nhómthương mại ngành than châu Âu cũng cho biết, Mỹ và Australia hiện có thể cùng nhau thay thế 70% lượng than xuất khẩu của Nga sang EU.

Số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA) cũng cho thấy, trì hoãn việc đóng cửa, đồng thời vận hành hết công suất các nhà máy nhiệt điện than hiện có của EU có thể làm giảm lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga xuống 15% trong năm. Tất nhiên, chi phí năng lượng của EU cũng vì thế mà tăng thêm 22 tỷ USD.

Về lý thuyết, công suất dự phòng ở Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Iraq cũng có thể bù đắp cho lượng xuất khẩu dầu từ Nga sang châu Âu trong vòng vài tháng.

Mặc dù Saudi Arabia và UAEcho biết họ "không có ý định tăng sản lượng dầu", nhưng Mỹ đã có động thái giảm bớt các biện pháp trừng phạt dầu mỏ đối với Iran và Venezuela. Khi đó, không chỉ hai quốc gia đang chịu lệnh trừng phạt sẽ sản xuất và bán dầu hết công suất, mà Saudi Arabia và UAE cũng sẽ phải làm theo để duy trì thị phần của mình.

Trong lĩnh vực khí đốt tự nhiên cung cấp qua đường ống, Na Uy, Algeria và Azerbaijan đều có thể thay thế Nga, và các quốc gia này cũng rất sẵn sàng. Về khí đốt tự nhiên hóa lỏng, Mỹ, Qatar, Australia và Nigeria đều có thể lấp đầy khoảng trống.

Nói một cách đơn giản, EU "thoát khỏi Nga" để đạt được đa dạng hóa năng lượng không phải là điều không thể. Mấu chốt nằm ở chỗ liệu 27 quốc gia thành viên của khối có thể đồng lòng trong một thời gian dài hay không, và họ sẵn sàng gánh chịu bao nhiêu đau đớn và bất tiện.

Theo: Tuổi trẻ
0 0/0    Đánh giá của bạn:  GO
Bản để inLưuGửi tin qua email


  GO  
Chọn ngày

Tin mới
Trang chủ  ¤  Tin tức  ¤  Liên hệ  ¤  Liên kết  ¤  Sơ đồ site  ¤  Tiếng Nga Anti Spam
© Copyright 2009-2010 MEKONGNET.ru, All rights reserved.
® MEKONGNET.ru giữ bản quyền nội dung trên website này.
Cơ quan chủ quản: COMPANY ZOLOTOI DRAKON
Trụ sở: Office 17, Tekhnitreskaia str., 19, Ekaterinburg, Russia
Tel/Fax: 7 (343) 381-84-14 Email : info@mekongnet.ru