Mekong News http://mekongnet.ru
Tác động khủng khiếp của Covid-19: 90% doanh nghiệp lữ hành bị "khai tử"
26.12.2021 07:32 | In ra

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành rơi vào tình trạng khủng hoảng, 90-95% số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động.

Rơi vào khủng hoảng

Góp tham luận tại Hội thảo Du lịch 2021, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, giai đoạn 2015-2019, du lịch Việt Nam có bước tăng trưởng vượt bậc với mức trung bình 22,7%/năm. Năm 2019, du lịch đóng góp trên 9,2% vào GDP, từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành du lịch sụt giảm nghiêm trọng.Tình trạng này kéo đến năm nay.  Trong 10 tháng đầu năm, khách du lịch quốc tế chưa đón, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 42,5% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 32,25 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước giảm 45,42% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 138.150 tỷ đồng.

Ước tính cả năm nay, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là 14.900 lượt; lượng khách du lịch nội địa đạt 40 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 180.000 tỷ đồng.

 

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội thảo ngày 25/12 (Ảnh: TITC).

"Có thể nói, tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành rơi vào tìnhtrạng khủng hoảng, 90-95% số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động (trừ một số rất ít doanh nghiệp tổ chức tour nội tỉnh)" -  người đứngđầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin.

Theo đó, các doanh nghiệp buộc phải chuyển ngành nghề, đổi mô hình kinh doanh hay cắt giảm phần lớn nhân sự.

Năm 2020, có 338 trên 2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp đóng cửa. Sang năm nay, lượng doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm trên 35% tổng số đã được cấp phép, phần còn lại dừng hoạt động. Các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch cũng dừng hoạt động vì không có khách.

Lĩnh vực kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch là phân khúc bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm 2020, công suất phòng trung bình cả nước giảm 70-80% so với năm 2019. Năm nay, các khách sạn hầu như không có khách trừ một số cơ sở đón khách cách ly. Đến nay, tổng số cơ sở lưu trú du lịch trong toàn quốc là 38.000 với 780.000 buồng, công suất phòng trung bình năm ước tính chỉ đạt 5%.

Nhân lực ngành du lịch phần lớn bị mất việc làm, số ít còn lại làm việc cầm chừng. Người lao động ngành du lịch bắt buộc phải chuyển đổi ngành nghề khác để kiếm sống. Năm 2020, các doanh nghiệp lần lượt phải cắt giảm nhân sự từ 70- 80%.

Sang năm nay, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, lao động làm việc cầm chừng chiếm 10%.

Do không có khách du lịch, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các điểm tham quan, di tích, khu vui chơi giải trí...đều bị thiệt hại lớn, đến nay vẫn chưa mở cửa lại hoàn toàn.

Tại nhiều địa phương, du lịch không còn vai trò là động lực thúc đẩy phát triển nhiều ngành, nghề khác như sản xuất nông nghiệp (thực phẩm, đặc sản...), nghề thủ công (sản xuất quà lưu niệm), giao thông... Những sản phẩm du lịch trước đây đã có thương hiệu, sức cạnh tranh cao nay cũng suy giảm nhiều về hình ảnh, năng lực cạnh tranh và hiệu quả đầu tư.

Dự báo trước vẫn lao đao

Mặc dù 2021 là năm thứ hai chịu tác động ảnh hưởng của dịch Covid- 19, tức là có dự báo trước được diễn biến phức tạp của dịch bệnh và khó khăn của hoạt động du lịch nhưng thiệt hại vẫn khá nặng nề, nhất là các tỉnh/thành là địa bàn du lịch trọng điểm.

Theo báo cáo thống kê sơ bộ, cả nước không có khách quốc tế đến giữa tháng 11. Tại Hà Nội, lượng khách nội địa giảm 47% so với cùng kỳ 2020; Thừa Thiên - Huế giảm 60%; Đà Nẵng giảm 60%; Quảng Ninh giảm 37%; Ninh Bình giảm 49,5%...

Ước tính thiệt hại từ du lịch năm 2021 tại các địa bàn như sau: Quảng Nam hơn 15.000 tỷ đồng; Đà Nẵng khoảng 27.300 tỷ đồng; Thừa Thiên - Huế hơn 8.000 tỷ đồng; Quảng Ninh hơn 2.000 tỷ đồng...

Năm 2020, tăng trưởng GDP chỉ đạt 2,91% (năm 2019 đạt mức 7%), còn năm nay dự báo chỉ đạt mức tăng trưởng 2%. Có 5/7 ngành dịch vụ chịu tác động tiêu cực lớn nhất bởi Covid-19, trong đó có du lịch. Tính đến hết quý III/2021, ngành du lịch chỉ đóng góp 2,57% GDP trong tổng tỷ trọng 40,19% GDP của khối ngành dịch vụ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, theo dự báo, tăng trưởng GDP năm 2022 có thể sẽ đạt 4-4,5% nhưng đồng thời lạm phát cũng sẽ tăng 3,4-3,7% (từ mức 2% năm 2021). Các cơ hội mới được đặt ra cho một số lĩnh vực phát triển nhanh như thương mại điện tử, dịch vụ tài chính, kinh doanh trực tuyến... nhưng du lịch sẽ là một trong những ngành phục hồi sau cùng.

URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=108552
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru