Mekong News  
Ai nắm bắt được thông tin - người đó sẽ làm chủ thế giới!
 Kinh tế - Chính trị và Tin tức Cộng đồng VN tại LB Nga
Thời tiết
Tỷ giá hối đoái
Đóng
Tình trạng online
 Đang online: 004

  Hits: 025268466
 
Tin tức » Tình yêu - Cuộc sống 29.03.2024 04:41
Nóng: Một bệnh viện ở Hà Nội bị tố nợ lương 160 bác sĩ, nhân viên y tế 6 tháng qua
17.11.2021 17:32

Do ảnh hưởng của dịch, một bệnh viện tại Hà Nội bị tố nợ lương nhân viên y tế hơn 6 tháng qua.

Vừa trở về sau hơn 2,5 tháng hỗ trợ chống dịch tại TPHCM, chị Đặng Thu Hiền (điều dưỡng Khoa Ung Bướu, Bệnh viện Tuệ Tĩnh, đơn vị thuộc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, Bộ Y tế) loay hoay không biết sẽ làm gì để có thêm thu nhập cho bản thân. Bởi, từ tháng 5 vừa qua, chị và nhiều cán bộ, nhân viên y tế ở bệnh viện chỉ nhận được 50% số lương của mình.

Cụ thể, lương chính thức của chị là 5,8 triệu cộng thêm lương chức vụ là hơn 6 triệu đồng. Nhưng nửa năm qua, mỗi tháng chị chỉ nhận được hơn 3 triệu đồng, với số tiền ít ỏi đó, không đủ để cho chị xoay sở sinh hoạt cho bản thân chứ chưa nói đến lo cho gia đình.

"Đầu tháng 10 tôi trở lại Hà Nội sau hơn 2 tháng hỗ trợ chống dịch tại huyện Củ Chi, TP HCM. Nhưng mức lương cũng chỉ nhận được hơn 3 triệu, nhà có con nhỏ, dịch chưa hết, tôi và chồng không biết phải làm thêm gì để có thêm thu nhập cho gia đình. Thậm chí, vợ chồng còn phải vay mượn để trang trải thêm cho các con", chị Hiền ngậm ngùi tâm sự.

 

Khá khẩm hơn chị Hiền, bác sĩ Phạm Minh Vương (Phó Khoa Cơ xương khớp) cũng tâm sự, kể từ đợt tháng 5, dịch diễn biến phức tạp tại Hà Nội, anh cùng nhiều cán bộ, nhân viên tại bệnh viện bị nợ 50% lương, mỗi tháng anh Vương nhận được 3,2 triệu.

"Nửa năm qua, tôi phải đi làm thêm ngoài bằng cách nhận chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại nhà để kiếm thêm thu nhập. Tôi có chuyên môn nên đỡ hơn các điều dưỡng, nhân viên hợp đồng rất nhiều. Lương của nhân viên hợp đồng chỉ bằng 1 nửa số lương tôi nhận được, hầu hết các bạn không chịu được đã xin nghỉ việc, nhiều người còn phải bán rau, ship hàng, làm xe ôm kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống thực sự khó khăn", BS Vương nói.

Nhiều cán bộ làm công việc tay chân để mưu sinh

Tương tự, chị Lê Thanh Bình, kế toán viên của Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết, 6 tháng qua 160 cán bộ, y bác sĩ tai bệnh viện đã làm đơn phản ứng việc chỉ nhận được 50% lương, Ban giám đốc Bệnh viện cho biết,trong tháng 6 sẽ thanh toán đầy đủ.

Sau đó, khi nhận thấy không đủ điều kiện tài chính để trả lương đủ 100% cho cán bộ, Ban giám đốc Bệnh viện đã họp với các Tổ trưởng Công đoàn tại bệnh viện Tuệ Tĩnh để đưa ra ý kiến sẽ chỉ trả 50% lương cho cán bộ.

"Mặc dù chúng tôi đã làm các biên bản thông qua kênh Công đoàn để gửi lên Ban giám đốc yêu cầu chi trả 100% lương theo quy định nhưng không được lãnh đạo Bệnh viện phản hồi. Thậm chí, dù chỉ còn 50% lương nhưng trong tháng 10 vừa qua, Bệnh viện cũng không trả đúng hạn. Chỉ đến khi cán bộ, nhân viên phản ứng và có ý định ngừng việc tập thể, thì đến ngày 29/10, Bệnh viện mới chi trả lương", chị Bình nói.

Lý giải về nguyên nhân, theo chị Bình, trong một cuộc họp giao ban gần đây, Ban giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh thông báo thời điểm hiện tại do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên chưa tìm nguồn thu, vì vậy chưa có tiền để trả lương tháng 11/2021 cho người lao động.

"Một phần là do dịch bệnh viện không có nguồn thu, phần khác, từ năm 2019 Ban giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh tự ý xin chủ trương từ bệnh viện công sang tự chủ. Chính vì thế 100% nguồn thu và hỗ trợ từ lượng bệnh nhân đến khám. Tuy nhiên, Tuệ Tĩnh nếu xét về năng lực sẽ không đáp ứng đủ điều kiện để tự chủ, nếu cứ tình trạng dịch bệnh này diễn ra, lượng bệnh nhân không có thì cán bộ, nhân viên y tế của chúng tôi sẽ sống như thế nào với đồng lương ít ỏi này", chị Bình bức xúc.

Theo chị Bình, bệnh viện có hơn 160 cán bộ cơ hữu, nhân viên y tế hợp đồng bị ảnh hưởng. Nhiều nhân viên y tế 6 tháng qua chỉ nhận được hơn 1 triệu đồng tiền lương đã không chịu được mà viết đơn xin nghỉ, nhiều người hết hợp đồng thì không ký tiếp. Còn những cán bộ khác vẫn cố gắng bám trụ lại, hàng ngày 8 tiếng làm việc tại cơ quan, chiều tối thì phải làm thêm công việc tay chân để mưu sinh.

"Ví dụ như điều dưỡng tại khoa Phụ sản đã phải đi bán rau để kiếm thêm thu nhập. Vì dịch nên chồng điều dưỡng ấy làm công nhân cũng phải nghỉ việc, nhà có con nhỏ, lên Hà Nội thuê nhà. Qúa khó khăn nên điều dưỡng phải bán rau ở một khu chợ cách xóm trọ 4km đến tối khuya, thực sự rất khổ sở", chị Bình nói.

Chị Bình tâm sự, nhân viên y tế nhiệm vụ là cứu người, nhưng nếu tinh thần bị ảnh hưởng thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cứu người, chính vì thế chị chỉ mong thời gian tới, vấn đề của anh em công nhân viên cán bộ tại bệnh viện được giải quyết để mọi người an tâm làm việc.

Hiện tại, tập thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã gửi đơn kiến nghị đến các các bộ, ban, ngành, trong đó có Bộ Y tế với mong muốn được cơ quan chức năng vào cuộc bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Chúng tôi sẽ tiếp tục liên lạc với lãnh đạo Bệnh viện để thông tin đến độc giả.

Theo: Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
0 0/0    Đánh giá của bạn:  GO
Bản để inLưuGửi tin qua email


  GO  
Chọn ngày

Tin mới
Trang chủ  ¤  Tin tức  ¤  Liên hệ  ¤  Liên kết  ¤  Sơ đồ site  ¤  Tiếng Nga Anti Spam
© Copyright 2009-2010 MEKONGNET.ru, All rights reserved.
® MEKONGNET.ru giữ bản quyền nội dung trên website này.
Cơ quan chủ quản: COMPANY ZOLOTOI DRAKON
Trụ sở: Office 17, Tekhnitreskaia str., 19, Ekaterinburg, Russia
Tel/Fax: 7 (343) 381-84-14 Email : info@mekongnet.ru