Mekong News  
Ai nắm bắt được thông tin - người đó sẽ làm chủ thế giới!
 Kinh tế - Chính trị và Tin tức Cộng đồng VN tại LB Nga
Thời tiết
Tỷ giá hối đoái
Đóng
Tình trạng online
 Đang online: 004

  Hits: 025267989
 
Tin tức » Kinh tế 29.03.2024 02:24
Doanh nghiệp mong Chính phủ mạnh dạn mở cửa lại nền kinh tế
26.09.2021 17:26

Các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ mạnh dạn mở cửa lại nền kinh tế, tính toán kỹ và sớm công bố kịch bản, tiêu chí sống chung với Covid-19.

Đây là những kiến nghị được nêu với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị đối thoại trực tuyến ngày 26/9, hội nghị diễn ra trong bối cảnh Chính phủ đã xác định sẽ sống chung với dịch Covid-19, thay vì "zero Covid" như trước.

Nói với VnExpress, ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cho biết đã đề nghị Chính phủ, địa phương sớm công bố, công khai thông tin về chiến lược, bộ tiêu chí phòng chống dịch và kịch bản điều hành kinh tế xã hội khi đất nước sống chung với Covid. Việc này nhằm giúp doanh nghiệp, người dân có đủ thông tin, chủ động phương án sản xuất thích ứng và khả thi với điều kiện mới.

 

Thủ tướng gặp gỡ các doanh nghiệp tham dự hội nghị đối thoại trực tuyến ngày 26/9 tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: VGP

"Sống chung với Covid" theo quan điểm của ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco), còn là cho phép các doanh nghiệp chủ động chống dịch và tự chịu trách nhiệm nếu để dịch lây lan ra cộng đồng. Chống dịch và duy trì sản xuất là hai vấn đề cực kỳ quan trọng với doanh nghiệp lúc này nên ông Dương cho rằng, nên để doanh nghiệp được chủ động phòng, chống dịch.

Ông dẫn thực tế, tỉnh An Giang đã linh hoạt cho doanh nghiệp tự chủ test nhanh Covid-19, được phép nhập khẩu dụng cụ test nhanh. Từ thí điểm tại một số địa phương có thể nhân rộng và áp dụng trên cả nước.

Ông Chu Tiến Dũng nói thêm, tại nhiều địa phương áp dụng Chỉ thị 16 kéo dài, chẳng hạn TP HCM đều đã tới hạn sức chịu đựng của người dân, doanh nghiệp, ngân sách chống dịch..., việc mở cửa trở lại cần làm ngay. Vì thế, tinh thần mở cửa của thành phố là kêu gọi sự đồng thuận, hợp tác chặt chẽ của người dân, doanh nghiệp để xây dựng kịch bản mở theo lộ trình, "mở ra là thuận lợi chứ không phải mở đi mở lại".

Từ những kiến nghị của doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đang xây dựng hướng dẫn tạm thời để thực hiện "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19". Tuy nhiên, do chính sách có phạm vi rộng lớn, khoanh hẹp đến tận phường, xã, thị trấn, thậm chí đến tổ dân phố, ấp, bản, thôn và tác động tới toàn bộ các đối tượng là nhân dân, doanh nghiệp...nên "bước đi thận trọng, chắc chắn, rõ đến đâu làm đến đó, vừa làm vừa bổ sung, sơ kết, đúc rút kinh nghiệm rồi hoàn thiệndần".

Ông yêu cầu các địa phương, bộ, ngành khẩn trương xây dựng kịch bản "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19" có sự tham gia ý kiến của doanh nghiệp. Các địa phương cũng cần tập trung cải cách hành chính, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp trên quan điểm "lợi ích hài hoà, rủi rochia sẻ", chống gây phiền hà, sách nhiễu cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cũng nêu những vướng mắc khi đề cập tới Nghị quyết 105 được Chính phủ ban hành đầu tháng 9. Nghị quyết này được đánh giá có những chính sách sát sườn với doanh nghiệp. Nhưng gần một tháng từ khi Nghị quyết được ban hành, các bộ ngành vẫn chưa có hướng dẫn.

"Nghị quyết 105 giống như Chính phủ trao máy thở cho doanh nghiệp, nhưng van oxy lại giao về các bộ. Van này đóng hay mở phụ thuộc vào các bộ, ngành. Các bộ "khoá" lại, bao giờ mở van thì doanh nghiệp mới thở được", ông Dũng ví von.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM kiến nghị khi Chính phủ đã đưa ra thời hạn cụ thể, các bộ, ngành hoàn thành cần sớm nhất các hướng dẫn chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. "Doanh nghiệp hiện giờ khó khăn lắm rồi, nguồn lực cũng cạn dần. Vì thế, chính sách có rồi thì cần làm sao để doanh nghiệp thở được, không nên để thấy bình ô xy mà van thì cứ khoá hoài", ông Dũng nói.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ không xét nghiệm đại trà vì tốn nguồn lực y tế, chi phí của doanh nghiệp. Thay vào đó chỉ xét nghiệm tại điểm, khu vực có nguy cơ cao, rủi ro. Chẳng hạn người lao động mới trở lại doanh nghiệp, đối tượng lao động tự do tiếp xúc nhiều người...cần xét nghiệm. Còn lại nếu người lao động đã được tiêm vaccine thì cho họ làm việc bình thường và giãn tần suất xét nghiệm.

Ở khía cạnh này, ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề xuất Bộ Y tế chủ trì cùng các địa phương đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất bộ kit xét nghiệm nhanh để mua số lượng lớn với giá gốc. Bởi nếu được mua giá gốc với số lượng lớn, sẽ giúp ngân sách tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng.

Một kiến nghị khác được các doanh nghiệp gửi tới Thủ tướng là sớm triển khai áp dụng "thẻ xanh Covid", bởi với nhiều lĩnh vực ngành nghề, chiếc thẻ này có ý nghĩa vô cùng lớn, như du lịch, lữ hành- một trong số lĩnh vực chịu nhiều tổn thương từ Covid-19.

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp du lịch chỉ kinh doanh được 3 tháng và chỉ có khách nội địa, không có khách quốc tế. Các khách sạn nhà hàng, lữ hành vận chuyển và dịch vụ, gần như đóng cửa 100%. Hàng chục nghìn lao động của doanh nghiệp du lịch, dịch vụ lữ hành rơi vào cảnh thất nghiệp.

Vì thế Chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ mong muốn Chính phủ đẩy nhanh áp dụng "thẻ xanh Covid" để khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Ủng hộ sớm triển khai "thẻ xanh Covid", ông Chu Tiến Dũng cho rằng khi tiêm phủ vaccine tại một số thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội... đạt tỷ lệ đủ lớn thì "thẻ xanh Covid" sẽ giúp người lao động yên tâm quay trở lại làm việc.

Về lưu thông hàng hoá, các hiệp hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thống nhất chung với các bộ, ngành và địa phương, tránh tình trạng "cát cứ" mỗi địa phương đưa ra và hiểu một cách khác nhau, gây khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp, làm tăng chi phí, giá thành.

Chia sẻ vướng mắc của doanh nghiệp trong lưu thông hàng hoá, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết đã có nhiều cuộc làm việc với các địa phương, yêu cầu không đưa ra văn bản gây khó, ách tắc lưu thông. Ông đề nghị các địa phương cũng phải thu hồi lại các quy định không phù hợp.

Ông hứa sẽ theo sát vấn đề này và đề nghị xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm nếu không thực hiện đúng các chỉ đạo của Thủ tướng để xảy ra ùn tắc giao thông, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Cùng đó, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh xem xét giảm chi phí vận tải cho doanh nghiệp như giảm các khoản phí, lệ phí.

Chốt lại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đang xây dựng chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, trong đó có các giải pháp hỗ trợ khu vực doanh nghiệp phục hồi.

"Chính phủ đang, sẽ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trên tinh thần "3 không và 5 thật". "3 không" là "không nói không, không nói khó,không nói có mà không làm". "5 thật" là "nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật", Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực hiện nghiên cứu các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 105 với tinh thần hợp tác công tư chặt chẽ, để phát huy đồng bộ nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp. Các cấp chính quyền rà soát, sửa đổi điều kiện, quy trình, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ.

Bộ Y tế được giao sớm ban hành hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sớm nhất trong điều kiện an toàn dịch bệnh.

Theo: Vnexpress
0 0/0    Đánh giá của bạn:  GO
Bản để inLưuGửi tin qua email


  GO  
Chọn ngày

Tin mới
Trang chủ  ¤  Tin tức  ¤  Liên hệ  ¤  Liên kết  ¤  Sơ đồ site  ¤  Tiếng Nga Anti Spam
© Copyright 2009-2010 MEKONGNET.ru, All rights reserved.
® MEKONGNET.ru giữ bản quyền nội dung trên website này.
Cơ quan chủ quản: COMPANY ZOLOTOI DRAKON
Trụ sở: Office 17, Tekhnitreskaia str., 19, Ekaterinburg, Russia
Tel/Fax: 7 (343) 381-84-14 Email : info@mekongnet.ru