Mekong News  
Ai nắm bắt được thông tin - người đó sẽ làm chủ thế giới!
 Kinh tế - Chính trị và Tin tức Cộng đồng VN tại LB Nga
Thời tiết
Tỷ giá hối đoái
Đóng
Tình trạng online
 Đang online: 005

  Hits: 025300612
 
Tin tức » Kinh tế 18.04.2024 14:27
Chống dịch lâu dài: Không đứt gãy sản xuất, không để mất đơn hàng
07.08.2021 17:03

Xác định sẽ phải sống chung với đại dịch Covid-19, ngành thuỷ sản Việt Nam cần có những giải pháp phục hồi sản xuất, xuất khẩu sau thời gian "3 tại chỗ".

Sản xuất sụt giảm, đơn hàng bị gác lại

Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy, kết quả xuất khẩu thủy sản Việt Nam 7 tháng đầu năm 2021 khả quan khi tranh thủ được nhu cầu tiêu thụ của các nước tăng cao, một số quốc gia xuất thủy sản cạnh tranh với Việt Nam bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Thế mạnh này thu về trên 4,9 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, riêng tháng 7 xuất khẩu đạt 800 triệu USD.

Đáng chú ý, nửa đầu năm nay, xuất khẩu thuỷ sản sang nhiều thị trường chính đều tăng hai con số, như thị trường Mỹ tăng 38,7%; EU tăng hơn 20%; sang Nga, Úc và khối CPTPP tăng lần lượt là 65%, 60,5% và 10,5%...

 

DN thuỷ sản nỗ lực thực hiện "3 tại chỗ" để chuỗi sản xuất không bị đứt gãy (ảnh: TL)

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), dịch Covid-19 lây lan rộng và phải áp dụng Chỉ thị 16 tại TP.HCM, các địa phương phía Nam tác động rất lớn đến các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản.

Hiệp hội này có 270 doanh nghiệp (DN) thành viên, tập trung chủ yếu tại ĐBSCL và các tỉnh Nam Trung Bộ. Hầu hết các tỉnh, thành đã yêu cầu các DN chỉ được duy trì hoạt động khi đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm” để phòng, chống dịch bệnh lây lan vào các nhà máy, các khu công nghiệp.

Tuy nhiên, sau hơn một tuần đã phát sinh nhiều khó khăn, bất cập, tác động lớn tới việc bảo đảm an toàn phòng chống dịch cũng như nỗ lực duy trì sản xuất, xuất khẩu.

Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau) cho biết, để thực hiện "3 tại chỗ" và "1 cung đường - 2 địa điểm", chi phí duy trì đội lên rất cao và cũng chỉ đảm bảo được 20-25% lượng công nhân tập trung. Nếu nhà máy chỉ hoạt động với công suất 20-25% thì dù ở điều kiện bình thường cũng lỗ nặng mà giờ trong điều kiện chi phí tăng thêm nhiều thì lại càng lỗ nặng hơn. 

 Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) bà Trương Thị Lệ Khanh thông tin, chi phí xét nghiệm định kỳ hiện lên đến hàng chục tỷ đồng; chi phí ăn uống, trợ cấp cho công nhân viên làm tăng hơn 50% chi phí lao động/kg sản phẩm; chi phí quản lý chung tăng 30% do giảm công suất. Chi phí lớn bỏ ra để thực hiện "3 tại chỗ" trong khi công suất hoạt động chỉ đạt 50%. 

Thực tế, chỉ có khoảng 30% các DN thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” và lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30-50% số lượng lao động. Công suất sản xuất trung bình giảm chỉ còn 40-50% so với trước. Nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến - xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài. Các vật tư, phụ liệu, bao bì... phục vụ chế biến bị thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến một nửa.

“Trong khi sản xuất bị sụt giảm, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất, chi phí cho DN đảm bảo được “3 tại chỗ” lại tăng vọt và đang tạo áp lực lớn. Đặc biệt, DN còn gặp rất nhiều khó khăn khi phí cước tàu biển tăng từ 2-10 lần”, VASEP nhấn mạnh.

Tính kế sống chung với đại dịch

Những khó khăn này đã được VASEP báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN-PTNT, cùng với đó là một số đề xuất, kiến nghị phục hồi sản xuất, xuất khẩu sau giai đoạn “3 tại chỗ”.

Cụ thể, VASEP kiến nghị Thủ tướng xem xét ưu tiên và tập trung tiêm ngay vắc xin cho người lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản. "Như vậy, chúng ta vừa giữ được thị trường đối tác xuất khẩu, vừa duy trì được sản xuất và công ăn việc làm cho rất nhiều lao động, bao gồm cả nông dân, ngư dân khai thác biển và sản xuất nguyên liệu ở phía trước", VASEP lý giải.

Về dài hạn, ngành thuỷ sản Việt Nam xác định sẽ phải sống chung với đại dịch. VASEP kiến nghị Bộ Y tế hoàn thiện bộ quy tắc và tổ chức huấn luyện cho các tỉnh và DN thực hiện "Y tế tại chỗ". Vấn đề này CDC Mỹ và một số quốc gia đã có và áp dụng thành công.

Cụ thể, với chủ trương phối hợp và chia sẻ, các DN sẽ chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy, công ty tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động mỗi tháng 2 lần, mẫu xét nghiệm sẽ gửi cho cơ quan y tế và kết quả tự xét nghiệm của DN được áp dụng trong lưu thông và giao dịch. Về phía CDC cũng tổ chức xét nghiệm cho lao động 1 lần/tháng, như vậy sẽ đảm bảo mỗi công nhân được xét nghiệm 3 lần/tháng.  

Bộ Y tế có hướng dẫn xử lý kịp thời đối với các DN trong thực hiện “3 tại chỗ”, như phát hiện F0, chỉ khoanh vùng và cách ly khu vực có nguy cơ, phun khử khuẩn, xét nghiệm,... Đồng thời, hướng dẫn các biện pháp an toàn “chặt trong, chặt ngoài” kiểm soát các nguồn lây nhiễm một cách hiệu quả và phù hợp.

Hiệp hội này cũng đề xuất cần thực hiện những chính sách ưu tiên để hỗ trợ DN, như: giảm lãi suất vay, giảm 30% tiền điện đến hết 2021, giảm mức phí công đoàn từ 2% quỹ lương xuống còn 1%. Đây là những hỗ trợ quý báu để DN có thêm điểm tựa, duy trì được “3 tại chỗ” và đặc biệt là có thêm cơ hội, nguồn lực cho việc phục hồi sản xuất, xuất khẩu.

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Hoàn, nhìn nhận, "3 tại chỗ" chỉ là giải pháp tình thế, DN chỉ đạt tối đa 50% công suất, không thể giải quyết lượng cá đang tồn đọng. Các DN đang tính đến kịch bản "hậu 3 tại chỗ" dựa theo kinh nghiệm các nước.

"Như ở Anh đang áp dụng cho 500 DN thủy sản, nhờ đó dù dịch bệnh vẫn còn, nhiều khu vực chưa được mở cửa hoàn toàn nhưng vẫn duy trì được sản xuất. Tương tự với các DN Việt Nam, sản xuất cũng bình thường khi công nhân tiêm đủ vắc xin với điều kiện nhà máy đó phải có năng lực xét nghiệm nhanh để kiểm soát dịch bệnh", bà Tâm nói.

Đại diện Công ty Cỏ May (Đồng Tháp) cũng mong muốn ngân hàng cho DN thủy sản thế chấp tài sản là hàng hóa trong kho để vay vốn, đồng thời giảm lãi suất, tăng thời hạn cho vay và giảm phí dịch vụ để hỗ trợ DN. Nhà nước cũng nên xem xét giảm thuế thu nhập DN và thuế thu nhập cá nhân cho người lao động.

Theo: Vietnamnet
0 0/0    Đánh giá của bạn:  GO
Bản để inLưuGửi tin qua email


  GO  
Chọn ngày

Tin mới
Trang chủ  ¤  Tin tức  ¤  Liên hệ  ¤  Liên kết  ¤  Sơ đồ site  ¤  Tiếng Nga Anti Spam
© Copyright 2009-2010 MEKONGNET.ru, All rights reserved.
® MEKONGNET.ru giữ bản quyền nội dung trên website này.
Cơ quan chủ quản: COMPANY ZOLOTOI DRAKON
Trụ sở: Office 17, Tekhnitreskaia str., 19, Ekaterinburg, Russia
Tel/Fax: 7 (343) 381-84-14 Email : info@mekongnet.ru