Mekong News http://mekongnet.ru
Thai phụ sốc phản vệ sau khi ăn ba ba: Bác sĩ chỉ ra nhóm người không nên ăn
04.06.2021 15:43 | In ra

Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ, đêm 14/5, các bác sĩ tại đây đã tiếp nhận một nữ bệnh nhân sốc phản vệ nặng sau khi ăn thịt ba ba.

Bệnh nhân nữ 25 tuổi, đang mang thai, cho biết cô đã ăn một lát thịt ba ba trong bữa tối. Sau đó, cô có biểu hiện nổi mề đay, ngứa họng, khó thở, triệu chứng tăng nhanh. Gia đình đưa cô vào bệnh viện cấp cứu.

Bệnh nhân vào viện cấp cứu với các triệu chứng lâm sàng của sốc phản vệ. Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp dị ứng thức ăn và bệnh nhân đã chuyển sang giai đoạn phản vệ nặng, nguy cơ sốc thường trực.

Đáng lo ngại là bệnh nhân đang mang thai khoảng 37/38 tuần. Tất cả các thuốc dị ứng, phản vệ và sốc đều đe dọa sự an toàn của em bé. Sau hội chẩn, một quyết định táo bạo nhưng phù hợp nhất được đưa ra: cho bệnh nhân dùng thuốc chống sốc, chủ lực là adrenalin.

Hai kíp cấp cứu cùng được kích hoạt. Các bác sĩ sản, nhi khoa cũng có mặt phòng trường hợp khi dùng thuốc cho mẹ, nếu em bé có nguy cơ sẽ được phẫu thuật càng sớm càng tốt. 

 

Thịt ba ba có tốt không?

Tuy nhiên, sau khi dùng thuốc chống sốc, mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát Hiện tại bệnh nhân đang được chăm sóc bởi các chuyên khoa hồi sức cấp cứu và sản khoa.

Trước đó, Khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng đã tiếp nhận bệnh nhân H.X. H, 41 tuổi, trú tại tổ 8, phường Ngọc Xuân, thành phố Cao Bằng, nhập viện trong tình trạng mẩn đỏ, ngứa toàn thân, khó thở, tinh thần lơ mơ.

Theo lời người nhà kể, khoảng 20 giờ cùng ngày, bệnh nhân ăn tối, trong đó có thịt ba ba. Sau khi ăn, bệnh nhân xuất hiện mẩn đỏ, ngứa toàn thân. Bệnh nhân tự uống thuốc chống dị ứng nhưng không đỡ nên được người nhà đưa vào viện.

Lúc vào viện, bệnh nhân lơ mơ, khó thở, nhịp thở 28 lần/phút, da đỏ toàn thân, tim nhịp nhanh, mạch quay nhanh nhỏ, huyết áp không đo được. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán sốc phản vệ do ăn thịt ba ba.

Bệnh nhân được đưa ngay vào khoa hồi sức cấp cứu và được khẩn trương xử trí kịp thời, điều trị tích cực. Hiện tại bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, tiến triển tốt, da đỡ mẩn đỏ, đỡ ngứa, huyết áp đo được.

Theo bác sĩ Hoàng Sầm - Viện Y học bản địa Việt Nam -ba ba cũng giống như các thực phẩm nhiều đạm khác như nhộng, trứng kiến, hải sản - đều rất dễ gây dị ứng, nặng hơn là sốc phản vệ.

Theo y học dân tộc, thịt ba ba vị ngọt, tính bình, có tác dụng dưỡng âm lương huyết, bổ hư, tán tích, tiêu u cục cứng kết, thanh nhiệt hư lao, bồi bổ sức khoẻ, tăng cường khả năng miễn dịch và phòng chống bệnh tật, được dùng làm thuốc chữa các chứng bệnh nóng bên trong, ra mồ hôi trộm, lỵ mạn tính, sốt rét dai dẳng, rong kinh, rong huyết, lao hạch...

Ba ba là món nhiều người thích nhưng không dành cho người có cơ địa dị ứng hải sản, người có thể hàn, người ốm yếu, phụ nữ mang thai và sau sinh.

Theo bác sĩ Sầm, bản chất ba ba giàu đạm, khi ba ba chết sẽ nhanh chóng phân huỷ các chất đạm, axit amin chuyển thành chất có thể gây ngộ độc thực phẩm, dị ứng cho người ăn.

Nguyên nhân của dị ứng ba ba còn tùy cơ địa của mỗi người. Tuy nhiên, nhiều trường hợp dị ứng hoặc ngộ độc do không biết cách chế biến hoặc an thịt ba ba chết.

Theo bác sĩ Sầm, sau khi ăn, nếu thấy cơ thể nổi mẩn đỏ, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, khó thở kiểu hen, ngạt thở, co thắt thanh quản, người dân cần nhanh chóng đến bệnh viện để được cấp cứu.

URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=107893
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru