Mekong News  
Ai nắm bắt được thông tin - người đó sẽ làm chủ thế giới!
 Kinh tế - Chính trị và Tin tức Cộng đồng VN tại LB Nga
Thời tiết
Tỷ giá hối đoái
Đóng
Tình trạng online
 Đang online: 006

  Hits: 025303084
 
Tin tức » Thông tin đa chiều 19.04.2024 04:33
Chính sách "3 trong 1" với Trung Quốc của ông Biden rất ấn tượng, Bắc Kinh lo sốt vó
19.04.2021 19:43

Những hành động của Tổng thống Joe Biden phát đi thông điệp rằng Mỹ sẵn sàng "cạnh tranh khi cần, hợp tác khi có thể, và đối địch khi bắt buộc".

Trong cuộc gặp cấp cao hôm 15/4, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã tiếp đoàn đại biểu lưỡng đảng của Mỹ, bao gồm cựu Thượng nghị sĩ Chris Dodd cùng hai cựu Thứ trưởng Ngoại giao Richard Armitage và James Steinberg.

Trong cuộc đối thoại 19 phút được phát sóng trực tiếp, bà Thái công khai lên án việc các tàu chiến của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) "quấy nhiễu" đảo Đài Loan và đe dọa hòa bình. Bà Thái cáo buộc Đại lục "gần đây thường xuyên điều động tàu chiến và máy bay để thực hiện các cuộc diễn tập ở vùng nước và không phận xung quanh Đài Loan".

Lãnh đạo Đài Loan tuyên bố sẵn sàng hợp tác với các đối tác "có chung tư duy" như Mỹ "để cùng gìn giữ hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và ngăn chặn các hành động mạo hiểm và khiêu khích."

 

Chính sách đối ngoại hai mũi nhọn của Mỹ

Chuyến thăm hôm 15/4 là đoàn đại biểu cấp cao đầu tiên của Mỹ đến Đài Loan kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền. Các ông Dodd, Armitage và Steinberg không còn nắm giữ những chức vụ chính thức, do đó về lý thuyết đây là một chuyến thăm không chính thức.

Tuy nhiên, ông Chris Dodd được biết đến là một người bạn thân cận với Biden. Ông Biden - khi còn làm Phó Tổng thống - từng rời khỏi cuộc họp tại Phòng Bầu dục giữa Tổng thống Barack Obama với Thủ tướng Đức Angela Merkel để đến dự một sự kiện của Dodd. Cựu Thượng nghị sĩ cũng hỗ trợ chiến dịch tranh cử của ông Biden hồi năm ngoái và còn giúp ông lựa chọn đối tác tranh cử.

Với tầm ảnh hưởng của ông Dodd, chuyến thăm Đài Loan vừa qua được xem là có sức nặng gần như một chuyến thăm chính thức. Đây cũng là cách để Tổng thống Biden gửi tín hiệu cá nhân, bày tỏ sự ủng hộ và cam kết của ông với đảo Đài Loan.

Chỉ vài giờ sau khi phái đoàn của Chris Dodd đến Đài Loan, đặc phái viên Mỹ về vấn đề khí hậu - cựu Ngoại trưởng John Kerry - cũng đến Thượng Hải vào tối ngày 14/4. Đến lúc này, ông Kerry là quan chức cấp cao nhất của chính quyền Biden công du Trung Quốc Đại lục.

Điều này đánh dấu một sự tiếp xúc trực tiếp nữa giữa Mỹ và Trung Quốc sau vòng đối thoại cấp cao đầy căng thẳng ở Alaska hồi tháng trước. Ông Kerry có cuộc gặp với đồng cấp Trung Quốc Xie Zhenhua để thảo luận hợp tác song phương về vấn đề khí hậu.

Như thế, trong khi Biden đưa những người bạn thân cận đến củng cố liên hệ với Đài Loan, ông cũng cử một quan chức cấp cao phụ trách vấn đề khí hậu đến Đại lục để thảo luận hợp tác.

Tác giả Han Yong Hong của tờ Zaobao (Singapore) bình luận trên Think China, động thái trên thể hiện chính sách đối ngoại hai mũi nhọn của Biden không chỉ bất ngờ mà còn ấn tượng.

Thông tin về chuyến thăm Đài Loan của đoàn đại biểu Mỹ được công bố ngay trước khi họ xuất phát, được cho là để khiến Bắc Kinh không kịp phản ứng. Đáng chú ý, ngoài việc chỉ trích Mỹ và yêu cầu Washington "không đưa các nhân viên đến thăm Đài Loan", Trung Quốc không có hành động phản ứng mạnh mẽ hơn về ngoại giao.

Trong khi các ông Dodd và Kerry có mặt ở các "điểm đến" của mình, quân đội Trung Quốc cũng tổ chức tập trận bắn đạn thật ở ngoài khơi gần Đài Loan ngày 14/4, như một hình thức gửi thông điệp cảnh cáo đến Mỹ và Đài Loan. Han Yong Hong nêu ra khả năng có thể Mỹ và Trung Quốc đã có những giao tiếp sau hậu trường và đạt được một thỏa thuận ngầm trước đó.

Phó giáo sư Alexander Huang từ Viện nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế sau đại học, thuộc Đại học Tamkang, Đài Loan, ca ngợi Tổng thống Biden về sự dàn xếp ngoại giao tinh vi, chính xác và tài giỏi. Ông Huang nói thêm rằng đó là một hoạt động ngoại giao hoàn toàn được xây dựng khéo léo và cân bằng.

Mỹ-Trung cạnh tranh,hợp tác và đối địch

Chính quyền Biden tỏ rõ thái độ rằng họ không thay đổi lập trường tuân thủ chính sách "Một Trung Quốc". Dù vậy, Bộ Ngoại giao Mỹ hai tuần trước đã cập nhật hướng dẫn tương tác giữa chính phủ Mỹ với các đối tác Đài Loan, tự do hóa hướng dẫn về tiếp cận của Mỹ với Đài Loan và khuyến khích các tiếp xúc song phương.

Vào tuần trước, ông Biden tiếp tục nhấn mạnh cam kết với quan hệ Mỹ-Đài Loan và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác này bằng chuyến thăm của ông Dodd, cũng như tái khẳng định vai trò chiến lược của hòn đảo trong Chuỗi đảo thứ nhất ở Tây Thái Bình Dương.

Theo tác giả Han, các chuyến thăm song song của ông Dodd và ông Kerry đến Đài Loan và Đại lục cho thấy Biden đang thực thi một cách hoàn hảo khuôn khổ chính sách "3 trong 1" với Trung Quốc - gồm cạnh tranh, hợp tác và đối địch.

Đây chính là điều Mỹ nhắm tới, như Ngoại trưởng Antony Blinken nói rằng quan hệ Mỹ-Trung Quốc là "cạnh tranh khi cần, hợp tác khi có thể, và đối địch khi bắt buộc". Ông Biden cũng khu biệt ba khái niệm này, nhấn mạnh Washington sẽ chỉ hợp tác với Trung Quốc "khi làm như thế phù hợp với lợi ích của Mỹ", đồng thời việc hợp tác-cạnh tranh sẽ song hành.

Tuy nhiên, Han cho rằng Bắc Kinh hiển nhiên không chấp nhận phương án tiếp cận "3 trong 1" của Mỹ. Trung Quốc tin rằng Mỹ cần xem quan hệ song phương như một thể thống nhất thay vì phân tách thành các mảng khác nhau.

Bài xã luận trên Thời báo Hoàn Cầu ngày 14/4 viết, "Thật không thực tế khi hy vọng hai nước có thể thiết lập một số ''vùng đặc biệt'' nào đó để củng cố hợp tác sau khi quan hệ song phương đã rối loạn."

Bất chấp kỳ vọng của Trung Quốc, khuôn khổ "3 trong 1" đã được Washington xúc tiến. Ông Biden thúc đẩy kế hoạch ngay khi trở thành Tổng thống, bao gồm liên kết với các đồng minh của Mỹ để cạnh tranh với Trung Quốc trong những lĩnh vực cần thiết và không để cho Bắc Kinh có cơ hội đe dọa vị thế thống trị của Mỹ trên trường quốc tế.

Trung Quốc cũng phản ứng bằng cách củng cố toàn diện an ninh quốc gia và gây dựng vòng tròn đối tác về hợp tác kinh tế cùng các lĩnh vực khác. Đồng thời, Bắc Kinh cũng thận trọng để quan hệ với Mỹ không rơi vào trạng thái đối đầu trên mọi mặt trận.

Hòa bình thế giới tùy thuộc vào việc Mỹ và Trung Quốc tiếp tục duy trì thế cân bằng này - theo Han Yong Hong. Kết quả cuối cùng sẽ tùy thuộc vào bên nào có thể né tránh được tất cả rủi ro một cách an toàn và thực sự tạo ra được mô hình của riêng mình.

Theo: Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
0 0/0    Đánh giá của bạn:  GO
Bản để inLưuGửi tin qua email


  GO  
Chọn ngày

Tin mới
Trang chủ  ¤  Tin tức  ¤  Liên hệ  ¤  Liên kết  ¤  Sơ đồ site  ¤  Tiếng Nga Anti Spam
© Copyright 2009-2010 MEKONGNET.ru, All rights reserved.
® MEKONGNET.ru giữ bản quyền nội dung trên website này.
Cơ quan chủ quản: COMPANY ZOLOTOI DRAKON
Trụ sở: Office 17, Tekhnitreskaia str., 19, Ekaterinburg, Russia
Tel/Fax: 7 (343) 381-84-14 Email : info@mekongnet.ru