Mekong News http://mekongnet.ru
Những trang Kiều nối nhịp cầu văn hóa Việt - Nga
04.04.2021 19:06 | In ra

Đầu năm 2020, tác phẩm Truyện Kiều song ngữ Việt - Nga tiếp tục tái bản lần thứ 2, tặng một số trường đại học ở Nga và những người bạn Nga đến Việt Nam. Đó là tình cảm, ơn nghĩa với nước Nga vĩ đại của ông Hoàng Văn Vinh (102 Dương Hiến Quyền, TP Nha Trang, Khánh Hòa).

Hơn 20 ngàn bản Truyện Kiều song ngữ, được ông tài trợ toàn bộ cho Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tổ chức hội thảo, dịch thuật, phát hành đã đến với bạn đọc Nga; quảng bá vị thế thi ca, tầng sâu văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam, vừa là cầu nối văn hóa giữa hai dân tộc...

 

GS.TS Buianov, Chủ tịch Hội Hữu nghị Liên bang Nga -Việt Nam trao tặng Bằng khen cho ông Hoàng Văn Vinh.

Tôi mang ơn nước Nga vĩ đại

Tôi nhớ lời ông từng tâm sự: "Đất mẹ Việt Nam cho tôi hình hài, nuôi tôi ăn học đến tuổi trưởng thành, nước Nga cho tôi nghề nghiệp, hạnh phúc gia đình... Nước Nga trở thành một phần máu thịt trong huyết quản, tâm hồn tôi"...

Đó là những lời từ đáy lòng ông Hoàng Văn Vinh, người từng sinh sống, lập nghiệp trên đất nước Nga hơn 2 thập niên. Ông yêu quý đất nước Nga, mơ ước có tác phẩm Truyện Kiều song ngữ Việt - Nga, được xuất bản và phát hành, với mong muốn nối thêm nhịp cầu văn hóa Nga - Việt. Và mơ ước ấy, vào "một ngày đẹp trời" đã thành hiện thực...

Sinh ra trên nôi của Truyện Kiều, Truyện Kiều đã lan tỏa, thẩm thấu vào tuổi thơ của ông, từ lời ru của mẹ, dần lớn lên ông theo cha, theo bạn đội mưa hóng đợi những màn trò Kiều trong những đêm hội làng; theo cha lẫy Kiều, bói Kiều, ứng Kiều vào sinh hoạt đời sống... Truyện Kiều như giao cho ông sứ mệnh, phải làm gì đó? Nhưng mãi đến năm 2015 ông Vinh mới đủ điều kiện để quyết tâm làm điều mình mơ ước và nhận thức rằng, việc làm ấy thật ý nghĩa, xứng đáng để trao tặng đất nước Nga vĩ đại.

Trong dịp đầu năm 2014, ông đã đến liên hệ với Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam để xin được tài trợ toàn bộ chi phí xuất bản Truyện Kiều song ngữ Việt - Nga. Ông mong muốn có một bản Truyện Kiều được tổ chức biên dịch bài bản, khoa học, nghệ thuật và đầy đủ nhất mọi thủ tục pháp lý...

Và mong muốn ấy đã được Nhà giáo ưu tú - dịch giả Vũ Thế Khôi, dịch giả Đoàn Tử Huyến, Tiến sĩ A.Xocolov và nhà thơ Nga Vaxili Popov, Tiến sĩ Nguyễn Huy  Hoàng, cùng đông đảo các nhà khoa học xã hội, các nhà Việt Nam học, Phương Đông học; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hội Hữu nghị Nga - Việt, Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, bắt tay vào thực hiện trong gần 2 năm tác phẩm đã hoàn thành.

"Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du/ Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày" (Tố Hữu). Với ông Hoàng Văn Vinh: "Việc tài trợ, tôn vinh quảng bá cho kiệt tác Truyện Kiều không phải là một cơ duyên, mà là một ấp ủ mơ ước trong một chuỗi thời gian dài, từ ngày kinh tế gia đình còn khó khăn thì mong ước có kinh phí, đến lúc không phải lo chuyện in ấn nữa, lại khao khát tìm được một cách làm tốt nhất, tìm được người dịch tốt nhất, hay nhất để xứng tầm với kiệt tác. Bởi ông cho rằng Truyện Kiều của Nguyễn Du là một kiệt tác văn học của nhân dân Việt Nam, nỗ lực để có bản song ngữ Việt-Nga tốt nhất, nối liền nhịp cầu văn hóa, góp phần bồi đắp tình hữu nghị hai dân tộc. Ông luôn tự hứa với lòng mình công trình đầy ý nghĩa này sẽ không dừng việc tái bản nhiều lần, để tiếp tục sứ mệnh của nó - vun đắp tình hữu nghĩ cho nhiều thế hệ Việt - Nga".

Nhà thơ, Tiến sĩ ngữ văn Nguyễn Huy Hoàng, người chủ biên việc dịch thuật và hiệu đính Truyện Kiều ra tiếng Nga, cho rằng: Đây là một công trình tập thể Nga - Việt, thể hiện sự hợp tác khoa học xã hội giữa hai nước. Với ông, việc dịch Truyện Kiều ra tiếng Nga đã đáp ứng lòng mong mỏi của các nhà khoa học, văn sĩ, kiều bào và độc giả Nga, bởi vì dưới thời Xô Viết, nhiều dịch giả đã bắt tay vào việc chuyển tải tác phẩm của Nguyễn Du sang tiếng Nga, nhưng đây là lần đầu tiên có một bản dịch có cách làm khoa học, kỹ lưỡng, trọn vẹn đầy đủ nhất.

Nối thêm nhịp cầu văn hóa hai dân tộc

Hơn 20 năm lập nghiệp trên đất nước Nga vĩ đại, với tài năng, sự nhanh nhẹn và nghị lực học tập phi thường, chỉ một năm đầu ông đã sử dụng thành thạo tiếng Nga, dần dần trở thành một "thổ dân" bản địa khi tự mình dịch những câu Truyện Kiều bằng tiếng Nga, ứng khẩu trong đời sống với những người bạn Nga. Ông còn là người yêu thơ, thuộc nhiều thơ của các nhà thơ Nga.

Sau khi tìm được người dịch và nhóm hội đồng dịch Truyện Kiều, ông tự thấy mình là người sống lâu năm trên nước Nga, người yêu văn hóa Nga, thơ Nga vô cùng, ông muốn các tác giả có một bản dịch tốt nhất, vừa giữ được ý của thơ, vừa đảm bảo được nghệ thuật của thơ ca, văn hóa Việt Nam và tác phẩm dịch phải hấp dẫn bạn đọc Nga... Ông đã mời dịch giả đến nước Nga tham quan, cảm nhận rõ hơn về con người Nga, tham quan những lễ hội văn hóa, những công trình, thắng cảnh, với mong muốn có một bản dịch tốt nhất...

Trong 6 năm qua, thời gian ông ở Việt Nam nhiều hơn và đi lại giữa 2 nước Việt - Nga. Ông cho rằng về Việt Nam cũng là cơ hội để ông được tiếp những người bạn Nga yêu quý của mình. Ông mời họ về nhà mình chơi, nhắc nhớ đến nơi họ đang sống mà ông từng gắn bó, tiếp họ bằng những món ăn Nga và Việt Nam, hướng dẫn họ những điểm cần đến ở Việt Nam, khuyến khích các bạn Nga đến thăm khu di tích tưởng niệm Đại thi hào Nguyễn Du...

Mới đây thật tình cờ, khi ông Ivan, một người bạn thân thiết cùng trường với ông tại Nga đến Nha Trang du lịch, Ivan đã gọi điện cho ông, ông mời Ivan và bạn bè đến nhà ăn nghỉ và ôn lại những năm tháng tuổi trẻ trên đất nước Nga. Tại đây theo đề nghị của mọi người, ông đã tặng Ivan và bạn bè 50 cuốn Truyện Kiều song ngữ.

Được biết 50 cuốn sách này, Ivan và bạn bè sẽ mang về nước tặng lại cho các trường học, các thư viện, các phòng đọc sách tại vùng các vị khách đang sinh sống. Tính đến nay, qua 2 lần xuất bản và tái bản, Truyện Kiều song ngữ đã phát hành được gần 2 vạn bản, đến với các thư viện, trường học, các viện nghiên cứu và chiếm phần lớn đến với bạn đọc Nga yêu quý Truyện Kiều...

Đồng tác giả, tiến sĩ Anatoly Xocolov và nhà thơ Vaxili Popov (Nga) coi việc được tham gia dịch thuật Truyện Kiều ra tiếng Nga là một niềm hạnh phúc. Với họ, càng tiếp xúc với tác phẩm, càng hiểu biết sâu sắc hơn về bản sắc văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam và sự tài tình kiệt xuất của Đại thi hào Nguyễn Du. Nhà thơ Vaxili Popov cho rằng sự cảm hóa lớn lao của Truyện Kiều, sau khi dịch xong phần thơ từ bản dịch văn xuôi ra tiếng Nga, ông thêm trân trọng và yêu quý, trân trọng con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

Còn với ông Ivan, người bạn thân thiết của ông Vinh, xúc động cho hay: "Tôi vô cùng kính trọng ông Vinh, vì ông đã làm được cuốn Truyện Kiều song ngữ này. Cuốn sách giúp chúng tôi tiếp cận Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du dễ hơn, hiểu sâu hơn về văn hóa Việt Nam. Tôi đã học ông Vinh lẫy được một vài câu trong Truyện Kiều, sẽ học bói Kiều và sẽ về quê hương Nguyễn Du thưởng thức trò Kiều, ca trù cổ nữa...".

Câu chuyện tình yêu với đất nước Nga vĩ đại. Mới đây trong mùa dịch COVID - 19, có hơn 400 người Nga bị kẹt lại tại TP Nha Trang, thiếu tiền ăn, nghỉ. Sau khi nắm được thông tin của người dân và nhà chức trách, ông Hoàng Văn Vinh và bà Nguyễn Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên Bang Nga, tỉnh Khánh Hòa đã ngồi lại với nhau, tập trung rà soát công dân Nga, vận động tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các hiệp hội và người dân tặng quà, tiền mặt, gạo, thực phẩm, lo nơi ăn nghỉ cho du khách Nga tại thành phố Nha Trang và vận động hỗ trợ vé máy bay cho họ trở về nước khi các chuyến bay mở lại...

Cảm thương với những số phận ấy, ông lại nhớ đến những câu Kiều giàu giá trị nhân đạo, tình yêu thương luôn hiện hữu trong tác phẩm: "Xót tình máu mủ thay lời nước non"; hay "Thương thay cũng một kiếp người"... Những tư tưởng, giá trị chân thiện mỹ trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du luôn thôi thúc ông sống tốt, sống luôn trân trọng, nâng niu tình thương yêu con người, chia sẻ, giúp đỡ cộng đồng. Đó là vẻ đẹp nhân văn mà cả đời ông luôn hướng đến không biết mệt mỏi...

Những đóng góp của ông Hoàng Văn Vinh đã được GS.TS Buianov, Chủ tịch Hội Hữu nghị Liên bang Nga - Việt Nam trao tặng Bằng khen "Vì sự đóng góp to lớn vào sự phát triển văn hóa và củng cố tình hữu nghị hai dân tộc Nga - Việt"; được Liên Hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tặng thưởng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam" và nhiều phần thưởng cao quý khác của các địa phương, trường học của 2 nước.

URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=107632
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru