Mekong News  
Ai nắm bắt được thông tin - người đó sẽ làm chủ thế giới!
 Kinh tế - Chính trị và Tin tức Cộng đồng VN tại LB Nga
Thời tiết
Tỷ giá hối đoái
Đóng
Tình trạng online
 Đang online: 005

  Hits: 025268223
 
Tin tức » Văn hóa - Giáo dục 29.03.2024 03:26
Một thế kỷ 'trồng người' của trường chuyên Lê Hồng Phong
22.11.2020 17:55

Nam Định 100 năm qua, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã đào tạo tên tuổi lớn như Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Nguyễn Tuân, Nam Cao...

Ngày 22/11, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm thành lập trường, 60 năm mang tên Lê Hồng Phong, đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Từ cổng vào, hai hàng học sinh mặc áo dài, sơ mi trắng, đứng ngay ngắn đón khách. Khuôn viên trường rợp cờ, hoa.

Nhiều cựu học sinh, giáo chức mái tóc điểm bạc, có người chống gậy về thăm trường cũ. Cuộc hội ngộ sau nhiều năm của những đồng nghiệp, bạn bè và thầy trò diễn ra xúc động với những cái bắt tay, nụ cười và cả nước mắt. Họ ôn lại những kỷ niệm về ngôi trường.

 

Các nữ sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cầm hoa chào mừng cựu học sinh, giáo viên về thăm trường nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập, sáng 22/11. Ảnh Thanh Huế

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tiền thân là trường Thành Chung Nam Định. Ngày 24/8/1920, Toàn quyền Đông Dương Maurice Long ký nghị định thành lập trường Thành Chung Nam Định, đặt tại Nam Định, tuyển sinh từ các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định. Trường do Hiệu trưởng Laurès, sau đó là Raoul Michel và giáo viên người Pháp giảng dạy.

Thầy Nguyễn Văn Hiếu là giáo viên người Việt đầu tiên dạy tại trường Thành Chung Nam Định từ năm học 1920-1921 đến 1922-1923, tiếp đó là các nhà giáo khác như Hoàng Ngọc Phách, Dương Quảng Hàm, Vũ Tam Thám...

Những học sinh tiêu biểu của trường Thành Chung giai đoạn này, sau trở thành những nhà cách mạng, nhà văn nổi tiếng như: Nguyên Tổng bí thư Trường Chinh, Phan Đình Khải (Lê Đức Thọ), Phạm Văn Cương (Nguyễn Cơ Thạch), Hà Văn Lộc (Thép Mới), Nguyễn Tuân, Nam Cao (Trần Hữu Tri)...

Khi chính phủ Trần Trọng Kim ra đời, sau cuộc đảo chính Nhật - Pháp, thầy Phan Thế Roanh được cử làm quyền Hiệu trưởng. Collège de Nam Định được đổi tên thành trường Trung học Nguyễn Khuyến. Ít lâu sau, thầy Phó Đức Tố, giáo sư trường Bưởi về làm Hiệu trưởng. Năm học 1946-1947, trường đổi tên là Trung học Chuyên khoa Nguyễn Khuyến, có hai ban Toán - Lý - Hóa và Vạn vật.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trường chia làm hai nhánh là Trung học Chuyên khoa Nguyễn Khuyến đặt ở huyện Xuân Trường, Nam Định và phân hiệu Trường Nguyễn Khuyến đặt tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Cuối năm 1948, Pháp đánh Phát Diệm và các huyện phía Nam tỉnh Nam Định, trường Trung học Chuyên khoa Nguyễn Khuyến chuyển vào huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, đổi tên thành Trường Trung học Chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền, gồm ba ban: Toán - Lý - Hóa, Vạn vật, Ngoại ngữ.

Hai năm sau, khu giáo dục Liên khu Ba quyết định thành lập Trường Cao đẳng Sư phạm Liên khu Ba và Trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền, đặt dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1952, Liên khu Ba phát triển thêm năm trường cấp ba khác, cử giáo viên của trường Nguyễn Thượng Hiền sang làm hiệu trưởng. Khi miền Bắc hoàn toàn được giải phóng (1954), những trường này được hợp nhất dưới tên trường Cấp 3 Liên khu Ba, đặt tại Hà Nam, sau chuyển về Nam Định.

Theo hồi kỳ của ông Đỗ Thanh Dương, cựu học sinh khóa 1958-1961, trường Liên khu Ba khi đó chỉ tuyển 250 học sinh lớp 8 trong số 1.750 thí sinh dự thi. "Tôi và bạn bè vô cùng tự hào khi trở thành học sinh của ngôi trường danh tiếng", ông viết.

Năm học 1959-1960, trường Liên khu Ba được chia hai, cùng đặt bên hồ Laket (nay là hồ Vị Xuyên). Buổi sáng, học sinh trường Phổ thông cấp 3 Lê Hồng Phong đi học, gồm bốn lớp 10, hai lớp 9 và năm lớp 8 do thầy Đào Văn Định làm hiệu trưởng. Buổi chiều là lịch học của trường cấp 3 Lý Tự Trọng Nam Định.

Ông Trần Văn Lộc, cựu học sinh khóa 1957-1960, nguyên Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Môi trường, Học viện Kỹ thuật quân sự, nhớ lại cảm giác háo hức khi cùng bạn bè từ nhiều vùng nông thôn được đến thành phố Nam Định học tập. "Lần đầu được ra Nam Định, một trong ba thành phố lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ, tôi và bạn bè bỡ ngỡ trong bộ quần áo vải nâu. Nhưng chẳng bao lâu sau, chúng tôi đã gắn bó, tương trợ nhau", ông Lộc kể. Mỗi cuối tuần, ông Lộc cùng bạn bè tham gia "Thứ bảy cộng sản", ngày lao động tình nguyện của thanh niên, chở đất san nền, xây trường mới.

Khi Bộ Giáo dục mở các kỳ thi học sinh giỏi Văn và Toán lớp 10 (lớp cuối cấp trong hệ phổ thông 10 năm) năm học 1961-1962, phong trào học sinh giỏi của trường bắt đầu khởi động. Trong 3 năm, lớp Toán và Văn đặc biệt ra đời, tiền thân của các lớp chuyên sau này, đặt nhiệm vụ phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Trường liên tiếp có học sinh đạt giải cao nhất trong các kỳ thi học sinh giỏi. Họ là "hạt giống vàng", gieo mầm cho thành tích dạy và học của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong sau này.

Từ năm 1965 đến 1972, Mỹ đánh phá miền Bắc, trường hai lần sơ tán lên xã Nhân Tiến và Nhân Thắng (nay là xã Tiến Thắng, huyện Lý Nhân, Hà Nam). Học sinh ở cùng gia đình bà con hai xã, mỗi nhà 2-3 em. Thầy trò trường Lê Hồng Phong sống trong sự hỗ trợ, đùm bọc của bà con. Thời gian đầu, các lớp học buổi sáng, sau phải chuyển học tối vì Mỹ tăng cường ném bom miền Bắc.

Ông Nguyễn Ngọc Lân, cựu học sinh khóa 1968-1971, ấn tượng sâu sắc về quãng thời gian sơ tán ở Hà Nam. Các lớp học được cất bằng tre, tường trát bằng rơm bùn. Toàn bộ xe đạp được sơn màu xanh lá để ngụy trang trước sự đánh phá dữ dội của Mỹ. Sau giờ học, thầy và trò cùng nhau lội bùn, đào đất làm hầm chữ A, chưa bao giờ ông Lân thấy những người thầy lại gần gũi với học sinh đến vậy.

Là cựu học sinh khóa 1970-1973, PGS Bùi Mạnh Nhị, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP HCM, Vụ trưởng Tổ chức cán bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ mình và bạn bè là thế hệ học sinh trải qua thời kỳ chiến tranh dữ dội nhất ở miền Bắc. Trong ký ức ông Nhị tại nơi sơ tán, ngày cũng như đêm, bầu trời luôn đỏ rực, đầy âm thanh của máy bay, đạn lửa rít gầm.

"Mùa hè đỏ lửa 1972, nhiều bạn bè tôi lên đường nhập ngũ. Tôi vẫn nhớ như in buổi học cuối cùng trước ngày lên đường, thầy cô nào cũng dừng lại chỗ ngồi của từng bạn rất lâu, như để khắc sâu các khuôn mặt thân yêu", ông Nhị kể. Trong số học sinh, giáo viên tình nguyện lên đường vào miền Nam, 135 người đã hy sinh.

Khi đất nước thống nhất, tiến hành đổi với vào năm 1986, trường Lê Hồng Phong cũng đổi mới cách quản lý, tuyển chọn học sinh. Bảng thành tích của trường bắt đầu xuất hiện huy chương vàng tiếng Nga quốc tế của Nguyễn Thị Nguyệt Hường (1987-1988), huy chương đồng Tin học quốc tế của Cao Minh Trí (1993-1994)...

Năm học 1993-1994, trường chính thức chuyển sang hệ chuyên với tên gọi trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và chuyển về bên hồ Vị Xuyên, thành phố Nam Định. Khu trường cao tầng được xây dựng với 60 lớp học, hơn 20 phòng làm việc, sinh hoạt chuyên môn và hội thảo. Trường tuyển sinh hầu hết lớp chuyên gồm: Văn, Toán, Tin, Lý, Hóa, Sinh, Anh, Nga, Pháp..., phong trào phát hiện và bồi dưỡng nhân tài được quan tâm và đẩy mạnh.

Từ năm 2000 đến nay, học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đạt 1.454 giải quốc gia, trong đó 67 giải nhất. Trường còn có 37 huy chương và bằng khen ở các kỳ Olympic khu vực và quốc tế. Năm học 2018-2019, trong kỳ thi THPT quốc gia, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đạt điểm trung bình các khối đều từ 7,93 đến 8,24, quanh mức điểm giỏi.

Từ mái nhà Chuyên Lê Hồng Phong, nhiều học sinh đã trưởng thành, đang công tác tại nhiều vị trí quan trọng của bộ máy nhà nước như: Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Trọng Yên, Chủ nhiệm khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Quân đội 108; GS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế quốc dân; nhà báo Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam...

TS Phạm Thị Huệ, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong từ năm 2019 đến nay, khẳng định sự thành đạt của học sinh là thước đo chính xác nhất cho chất lượng giáo dục của nhà trường. 100 năm là hành trình lao động và sáng tạo, xây đắp giá trị để tạo nên nhà trường hôm nay, với những giá trị cốt lõi, gồm: Trí tuệ, Nhân văn, Trách nhiệm, Sáng tạo và Tự tôn. "Chúng tôi sẽ nỗ lực để biến trầm tích thành kỳ tích, giành thêm vòng nguyệt quế vinh quang, xứng danh lá cờ đầu của ngành giáo dục", cô nói.

Cô Huệ nhắn nhủ thế hệ học sinh hiện nay: "Các em thật may mắn được chứng kiến thời khắc thiêng liêng khi ngôi trường của chúng ta tròn 100 năm tuổi. Lịch sử đã chọn để trao cho các em một niềm kiêu hãnh, tự hào và cũng đặt lên vai các em trọng trách lớn lao là viết tiếp những trang vàng truyền thống của trường".

Theo: Vnexpress
0 0/0    Đánh giá của bạn:  GO
Bản để inLưuGửi tin qua email


  GO  
Chọn ngày

Tin mới
Trang chủ  ¤  Tin tức  ¤  Liên hệ  ¤  Liên kết  ¤  Sơ đồ site  ¤  Tiếng Nga Anti Spam
© Copyright 2009-2010 MEKONGNET.ru, All rights reserved.
® MEKONGNET.ru giữ bản quyền nội dung trên website này.
Cơ quan chủ quản: COMPANY ZOLOTOI DRAKON
Trụ sở: Office 17, Tekhnitreskaia str., 19, Ekaterinburg, Russia
Tel/Fax: 7 (343) 381-84-14 Email : info@mekongnet.ru