Mekong News http://mekongnet.ru
Nga im ắng bất thường giữa xung đột Armenia-Azerbaijan: "Gấu" đang giấu lá bài bí mật và chờ thời cơ?
09.10.2020 18:38 | In ra

Sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Azerbaijan hiện đã phá vỡ chiến lược dài hạn của Moscow tại Caucasus.

Trong bài viết trên Defense Post, nhà nghiên cứu Kevork Oskanian tại Đại học Birmingham (Anh) cho hay, phần lớn bình luận chuyên gia về cuộc xung đột gần đây – còn được gọi là "Chiến tranh Karabakh lần 2" – đều tập trung vào một nhân tố vắng mặt gây thắc mắc.

Đáng ngạc nhiên khi Moscow lại tương đối im ắng trước vấn đề nhức nhối ở khu vực lân cận.

Ngoài một số biểu hiện quan ngại chính thức, như về các báo cáo liên quan tới sự hiện diện của lính đánh thuê Syria tại khu vực này, thì cho đến nay, Nga đã hạn chế sử dụng phương thức ngoại giao mạnh mẽ mà Moscow từng cho thấy trong những năm trước, khi chính sách của họ đối với Nam Caucasus chưa bị thách thức.

Thay vào đó, hầu hết các phản ứng của Nga đều ở mức thấp, chỉ giới hạn trong những cuộc điện đàm với các bên liên quan trực tiếp, Ankara và một số bên quan trọng khác ở cả trong và ngoài Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu Âu (OSCE) Minsk Group.

Ảnh hưởng của Nga tại Caucasus

Một số ý kiến cho rằng đây là sự tiếp diễn của một xu hướng đã có từ lâu: Tầm ảnh hưởng của Nga đối với Caucasus đang suy yếu dần kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

Moscow không còn căn cứ quân sự nào ở Gruzia hay Azerbaijan (ngoại trừ việc buộc phải hiện diện quân sự ở Abkhazia and Nam Ossetia), và chỉ có Armenia đăng ký các dự án hội nhập khác nhau trong khuôn khổ Liên Xô cũ như Liên minh kinh tế Á-Âu và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO)…

Nga đã nhanh chóng can thiệp ngoại giao trong cuộc giao tranh lớn bùng nổ trước đó vào tháng 4/2016. Tuy nhiên lần này, theo ông Oskanian, dường như họ đang chờ thời cơ khi chỉ đưa ra các phương sách ngoại giao mức độ thấp và cẩn trọng [một số người sẽ cho là "do dự"] cân bằng cách tiếp cận, trái ngược rõ ràng với sự ủng hộ hết mình của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Azerbaijan.

Áp lực đối với Kremlin

Ngoài Caucasus, Nga đang có nhiều thứ khác phải bận tâm, như cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Đông Ukraine, chiến dịch can thiệp tốn kém ở Syria từ năm 2015 và các cuộc biểu tình hậu bầu cử tại Belarus.

Với những vướng bận và áp lực này, không khó hiểu khi Moscow có ít sự chuẩn bị hơn để can thiệp một cách thuyết phục vào khu vực Caucasus.

Tuy nhiên, không nên vội vàng đánh giá những phản ứng thiếu công khai của Kremlin như một dấu hiệu cho thấy họ đã từ bỏ khu vực này. Xét cho cùng, Nam Caucasus, nơi luôn được coi là một phần của "khu vực quan tâm đặc biệt" kể từ khi Liên Xô sụp đổ, vẫn đóng vai trò quan trọng đối với Moscow.

Ông Oskanian cho rằng, cần xem xét một số yếu tố trước khi đưa ra kết luận như vậy. Đầu tiên, liên minh chính thức của Nga với Armenia khiến sự kiện lần này trở thành một bài thử nghiệm đối với những cam kết của Moscow trong không gian Liên Xô cũ. Bên cạnh đó, Moscow khó lòng chấp nhận sự hiện diện quân sự thường trực của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.

Trong quá khứ, Nga cũng đã cho thấy họ khá nhạy cảm trước sự chen ngang của nước ngoài vào các khu vực khác của Liên Xô cũ. Sự hiện diện được cho là của lính đánh thuê Syria tại đây đóng vai trò như một "lá cờ đỏ" [tính hiệu nguy hiểm] nếu xét tới sự nhạy cảm của Moscow ở vùng Bắc Caucasus gần đó.

Hơn nữa, cách tiếp cận công bằng và thận trọng của Moscow không có gì mới. Nước này luôn tham gia vào cái được gọi là "răn đe nòng cốt" giữa Armenia và Azerbaijan, bất chấp có quan hệ đồng minh chính thức với Armenia.

Cho tới thời điểm này, mục tiêu của Moscow là duy trì sự cân bằng mong manh giữa Baku và Yerevan bằng cách phân chia sự ủng hộ của mình cho hai bên. Điều này cho phép Nga ngăn chặn xung đột leo thang ngoài tầm kiểm soát của họ.

Thế nhưng, sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Azerbaijan hiện đã phá vỡ chiến lược dài hạn của Moscow tại khu vực này.

Ý định thực sự của Moscow

Theo ông Oskanian, Nga có xu hướng chung là giữ chặt quân bài để chờ thời cơ. Chiến dịch can thiệp vào Crimea năm 2014 và vào đông Ukraine đã diễn ra mà không có nhiều sự phô trương trước đó. Điều này tương tự như sự xuất hiện bất ngờ của quân đội Nga tại Syria năm 2015.

Ngoài ra, cũng có khoảng cách đáng kể giữa các tuyên bố công khai và hành động của Nga trên thực tế: Bất cứ sự liên quan nào của Moscow đều bị phủ nhận. Mọi thứ thường không giống như vẻ bề ngoài. Ngay cả trong cuộc chiến tranh 1991-1994, Nga được cho là đã hỗ trợ Armenia nhưng bề ngoài, sự ủng hộ công khai của họvẫn rất lập lờ.

Với những diễn biến hiện nay, theo ông Oskanian, có lẽ phải một thời gian nữa mới có thể xác định được ý định thực sự của Moscow. Sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ đãtạo thêm một bước ngoặt mới và một "cú twist" rất nguy hiểm đối với tình hình hiện tại.

Câu hỏi đặt ra lúc này sẽ là: Liệu khi đối mặt với nguy cơ leo thang tiềm tàng, liệu Ankara và Kremlin có thể một lần nữa trông cậy vào chủ nghĩa thực dụng từng thấy ở Syria hay không. 

URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=106888
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru