Mekong News  
Ai nắm bắt được thông tin - người đó sẽ làm chủ thế giới!
 Kinh tế - Chính trị và Tin tức Cộng đồng VN tại LB Nga
Thời tiết
Tỷ giá hối đoái
Đóng
Tình trạng online
 Đang online: 006

  Hits: 025267553
 
Tin tức » Y học - Sức khỏe 29.03.2024 00:26
Vi khuẩn HP có gene Cag A sẽ gây ung thư dạ dày?
10.07.2019 18:30

Y học xác nhận, nhiễm Helicobacter pylori là yếu tố nguy cơ hàng đầu của ung thư dạ dày, bệnh gây tử vong hàng thứ ba trong các ung thư.

Hệ gene di truyền của H. pylori rất đa dạng. Trong nhiều chủng H. pylori, chỉ chủng H. pylori có vùng nhiễm sắc thể 40 kb gọi là gene gây độc tế bào A (Cag A) mới có nguy cơ gây ung thư dạ dày.

Nhận diện Helicobacter pylori

Họ vi khuẩn Helicobacter có khá nhiều loại, trong đó có 3 loại phân lập được ở dạ dày người là H.pylori, H.cinaedi, H.heilmanni, và 21 loại cư ngụ trên các động vật khác. Ở người, H.pylori là thủ phạm chính gây ra các bệnh dạ dày tá tràng như viêm, loét và cả ung thư.

Helicobacter pylori, HP, được hai nhà khoa học người Úc là Robin Warren và Barry Marshall phân lập năm 1982 từ mẫu sinh thiết dạ dày bệnh nhân và nhờ đó đoạt giải Nobel Y học năm 2005. 

Đây là loại vi khuẩn có nhiều tiêm mao hình xoắn phát triển trong lớp niêm mạc bao phủ bên trong dạ dày người. Thật ra, H. pylori đã “chung sống” với con người trong nhiều ngàn năm và nhiễm vi khuẩn này là rất phổ biến. Theo ước tính của Trung tâm kiểm soát bệnh Hoa Kỳ CDC, có đến hai phần ba dân số thế giới có mang vi khuẩn, đặc biệt tỷ lệ lây nhiễm ở các nước đang phát triển là rất cao.

Để tồn tại trong môi trường rất axit của dạ dày, H. pylori tiết ra enzyme urease, chuyển hóa urê thành amoniac. Amoniac có tính kiềm sẽ trung hòa axit của dịch dạ dày, giúp vi khuẩn hoạt động mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, nhờ có các tua xoắn, H. pylori có thể chui xuyên vào lớp niêm mạc, bám gắn vào các tế bào lót ở mặt trong của dạ dày.

Dù hầu hết người nhiễm H. pylori đều không phát bệnh, nhưng các nhà nghiên cứu y học đều thống nhất rằng nhiễm H. pylori là yếu tố nguy cơ chính gây bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế IARC đã phân loại H. pylori là tác nhân gây ung thư dạ dày ở người, và Tổ chức Y tế Thế giới WHO xếp H.pylori là nguyên nhân loại I gây ung thư dạ dày.

Vài nét về ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày đứng thứ ba trong các nguyên nhân gây tử vong liên quan đến ung thư trên thế giới, gây cái chết cho gần cả triệu người hàng năm. Ung thư dạ dày ít phổ biến ở các nước Tây Mỹ do điều kiện vệ sinh thực phẩm tốt hơn so với ở Nam Mỹ và Á Phi.

Hiện nay, các nhà khoa học về bệnh lý tiêu hóa chia ung thư dạ dày thành hai loại chính: ung thư dạ dày vùng tâm vị (gastric cardiacancer) và ung thư dạ dày không ở tâm vị (non-gastric cardia cancer), gồm tất cả ung thư ở các vị trí của dạ dày.

Trong ung thư dạ dày, nhiễm H. pylori là nguyên nhân chính; Các yếu tố nguy cơ khác gồm: Viêm dạ dày mãn tính; Người cao tuổi; Giới tính nam; Chế độ ăn mặn, ăn thực phẩm hun khói, bảo quản kém, mốc meo; Hút thuốc lá; Thiếu máu ác tính; Tiền sử phẫu thuật dạ dày cho các tình trạng lành tính; và Tiền sử gia đình bị ung thư dạ dày.

H. pylori tác động gây ung thư dạ dày thông qua nhiều cơ chế: gián tiếp qua việc gây viêm niêm mạc dạ dày mãn tính, do tác động trực tiếp của vi khuẩn lên từng tế bào, và kết hợp với các yếu tố môi trường và của người bệnh quyết định khả năng phát triển khối ung thư.

Helicobacter pylori mang gene cag A (cagA-positive H. pylori)

Một số vi khuẩn H. pylori sử dụng các tiêm mao bơm độc tố được sinh tổng hợp nhờ gen tên là gen liên quan đến độc tố tế bào A (cytotoxin-associated gene A, cagA) vào các điểm tiếp nối của các tế bào nền niêm mạc dạ dày. Độc tố này (gọi là CagA) làm thay đổi cấu trúc của các tế bào dạ dày và cho phép vi khuẩn bám vào chúng dễ dàng hơn. Tiếp xúc lâu dài với chất độc này làm dạ dày bị viêm mãn tính.

Bằng chứng dịch tễ học cho thấy rõ, nhiễm trùng với các chủng H pylori dương tính với cagA làm gia tăng rõ rệt nguy cơ ung thư dạ dày “không tâm vị” và giảm nguy cơ ung thư dạ dày “tâm vị” và ung thư tuyến thực quản: (1) Phân tích tổng hợp 16 nghiên cứu đối-chứng (case–controlstudies) thực hiện trên toàn thế giới cho thấy những người nhiễm H. pylori dương tính với cagA có nguy cơ mắc ung thư dạ dày không tâm vị cao gấp đôi so với những người nhiễm H. pylori âm tính; (2) Ngược lại, một nghiên cứu case-control ở Thụy Điển lại cho thấy những người nhiễm H. pylori dương tính với cag A lại giảm đáng kể về mặt thống kê nguy cơ ung thư biểu mô tuyến thực quản (esophageal adenocarcinoma); (3) Một nghiên cứu thực hiện tại Hoa Kỳ cho kết quả tương tự.

Những nhà nghiên cứu cho rằng H. pylori dương tính với Cag A gây nguy cơ ung thư cao vì chúng có khả năng bất hoạt các protein ức chế khối u.

Đôi điều bàn luận

Các nhà sinh y học chỉ rõ, vi khuẩn H. pylori đã “chung sống” với con người trong nhiều ngàn năm nay và nhiễm vi khuẩn này là rất phổ biến. Trong thực tế, hầu hết người trên 50 tuổi đều có mang vi khuẩn HP này, nhưng không phải ai cũng bị viêm dạ dày hay phát triển bệnh ung thư cả. Do đó, cũng có thể cho rằng H pylori giống như một vi khuẩn cộng sinh, có một số tác dụng tốt đối với cơ thể. Ví dụ: Người nhiễm HP ít bị các nhiễm trùng đường ruột khác, do vi khuẩn này tiết ra các chất ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn khác. Những bệnh lý dị ứng như với phấn hoa, bụi phấn… cũng sẽ giảm nếu có sự hiện diện của HP trong dạ dày. Một số nhà khoa học lại đưa ra giả thuyết rằng, H pylori có enzyme urease sẽ phân giải urê thành amoniac làm kiềm hóa dịch axit dạ dày, sẽ làm giảm bệnh lý trào ngược thực quản, giảm loét trợt tâm vị, thực quản và nhờ đó sẽ làm giảm nguy cơ ung thư tâm vị và ung thư biểu mô thực quản.

Do đó, chúng ta nên nhìn vi khuẩn H pylori dưới hai khía cạnh: (1) chúng sống vô hại, thậm chí có vài lợi ích, và (2) chúng cũng tác nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng và ung thư non-cardia. Vì thế hiện nay, nhiều cơ sở y tế trên toàn thể giới đều thống nhất chỉ dùng kháng sinh để triệt để loại trừ H pylori trong các tình huống sau: Loét dạ dày tá tràng có HP dương tính; Viêm dạ dày HP dương tính; Gia đình có người bị ung thư dạ dày, loét dạ dày tá tràng; Viêm teo dạ dày mạn tính; Sau phẫu thuật ung thư dạ dày. Riêng với trẻ em, đặc biệt với trẻ nhũ nhi, dù tỷ lệ nhiễm HP rất lớn, PGS.TS. Nguyễn Duy Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật khuyên chưa điều trị vì rằng, trong môi trường dạ dày axit cao của trẻ còn bú sữa vi khuẩn HP sẽ tự chết đi.

Điều hết sức lưu ý là phải hạn chế lây nhiễm H. pylori bằng 4 động thái đơn giản nhưng hữu hiệu: (1) Vệ sinh môi trường sống; (2) Vệ sinh thực phẩm: ăn chín, uống sôi; (3) Tránh lây nhiễm khi làm nội soi, chữa sâu hoặc lấy cao răng; và (4) Không dùng chung bát đũa, ly chén, hôn hít, mớm cơm cho trẻ con….

TS. BS Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam

Theo: Dân trí
0 0/0    Đánh giá của bạn:  GO
Bản để inLưuGửi tin qua email


  GO  
Chọn ngày

Tin mới
Trang chủ  ¤  Tin tức  ¤  Liên hệ  ¤  Liên kết  ¤  Sơ đồ site  ¤  Tiếng Nga Anti Spam
© Copyright 2009-2010 MEKONGNET.ru, All rights reserved.
® MEKONGNET.ru giữ bản quyền nội dung trên website này.
Cơ quan chủ quản: COMPANY ZOLOTOI DRAKON
Trụ sở: Office 17, Tekhnitreskaia str., 19, Ekaterinburg, Russia
Tel/Fax: 7 (343) 381-84-14 Email : info@mekongnet.ru