Mekong News http://mekongnet.ru
Nghi phạm gốc Việt có thể lên kế hoạch nhét kim vào dâu tây suốt nhiều tháng
13.11.2018 07:34 | In ra

Bà My Ut Trinh bị cáo buộc nhét kim vào dâu tây trong vòng 4 ngày để trả thù ông chủ. 

Bà My Ut Trinh, 50 tuổi, hôm 12/11 phải viện đến một phiên dịch viên tiếng Việt khi ra hầu tòa Thẩm phán Brisbane với 7 cáo buộc liên quan đến vụ phá hoại ngành công nghiệp dâu tây tại Australia.

 

Nghi phạm My Ut Trinh khi bị cảnh sát bắt hôm 11/11. Ảnh: AAP

AAP dẫn cáo trạng tại tòa cho hay nữ nghi phạm đến Australia tị nạn từ những năm 20 tuổi và đã được nước này cấp quốc tịch. Bà làm giám sát viên tại trang trại Berrylicious ở bang Queensland. 

Từ ngày 2 đến 5/9, bà đã nhét kim tiêm vào một lượng dâu tây của trang trại, có thể do bất đồng với ông chủ là Kevin Tran. Bà được cho là từng nói với các đồng nghiệp rằng "muốn hủy hoại" và "làm lụn bại" công việc làm ăn của chủ.

Cáccông tố viên cho hay kế hoạch phạm tội trên dường như được chuẩn bị kỹ lưỡng suốt nhiều tháng và ADN của bà Trinh đã được tìm thấy trên cây kim trong một hộp dâu tây.

Khi hàng trăm vụ phát hiện kim khâu trong dâu tây được ghi nhận trên khắp Australia và lan sang cả quốc gia lân cận New Zealand, giới chức tin rằng có nhiều nghi phạm đã bắt chước hành vi của bà Trinh trên để phá hoại ngành công nghiệp trị giá hàng triệu đôla này. Nhiều nhà trồng dâu như chủ của bà chịu thiệt hại kinh tế lớn vì sản phẩm bị tiêu hủy hoặc thu hồi.

Thẩm phán Christine Roney đã bác đơn xin tại ngoại của ông Michael Cridland, luật sư biện hộ cho bà Trinh cho đến khi động cơ chính xác đằng sau hành vi của nữ nghi phạm được làm sáng tỏ. Ông Cridland đã rút lại đơn xin bảo lãnh nhưng cho rằng thân chủ của mình không nằm trong diện cấm bay. Theo ông, bà Trinh có nhiều người thân ở Brisbane, hiện đã là công dân Australia và hoàn toàn tuân thủ các yêu cầu của cảnh sát.

Bà Trinh sẽ bị giam giữ đến phiên điều trần tiếp theo vào ngày 22/11 tới và đối mặt với 10 năm tù nếu bị kết tội.

Cuộc khủng hoảng dâu tây từ đầu tháng 9 gây hoang mang cho người tiêu dùng khắp Australia, khiến hàng tấn dâu bị tiêu hủy. 230 vụ phát hiện kim khâu trong dâu tây được ghi nhận trên cả nước, gây ảnh hưởng tới 68 thương hiệu. Cảnh sát cho biết việc điều tra diễn ra rất phức tạp, liên quan tới hầu hết các bang và các cấp thẩm quyền.

Chính phủ Australia cho biết đã chi một triệu AUD để đối phó với cuộc khủng hoảng và một nửa số tiền này được đầu tư vào việc quảng cáo nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống phân phối hàng hóa. Australia còn chi thêm một triệu AUD cho ngành công nghiệp dâu tây và cấp ngân sách hỗ trợ những nông dân bị thiệt hại ở Queensland.

Nhiều đối tác nước ngoài đã dừng nhập khẩu dâu tây Australia sau bê bối trên. Australia xuất khẩu dâu tây sang nhiều nước và vùng lãnh thổ gồm Malaysia, Singapore, Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Hong Kong. Loại quả này chiếm 3% lượng trái cây xuất khẩu vào năm ngoái của Australia.

URL của bản tin này: http://mekongnet.ru/index.php?mod=News&sid=101738
© Mekong News contact: info@mekongnet.ru